Doanh nghiệp

Tiền & đầu tư: Simon Mikhailovich dự trữ bằng vàng

Trong thời kỳ hỗn loạn về địa chính trị và lạm phát, suy nghĩ của Simon Mikhailovich về việc bảo toàn của cải dường như không quá hoang tưởng.

Share
this:

Tấn công mạng. Lạm phát. Đại dịch. Liệu tiền của bạn có an toàn không? Người đặt ra câu hỏi này là Simon Mikhailovich, dân nhập cư Nga và là doanh nhân đang kinh doanh hình thức đảm bảo an toàn.

Công ty Bullion Reserve có trụ sở tại thành phố New York của ông có khách hàng là các gia đình giàu có. Thay mặt họ, công ty của ông mua các thỏi vàng từ các cơ sở sản xuất, đưa xe tải bọc thép của Loomis đến lấy và chuyển tới các nhà kho bảo mật nằm trên hai lục địa.

Những người lo lắng thái quá này sẽ không mua cổ phiếu của quỹ kim loại quý và sau đó để những cổ phiếu đó cho ngân hàng giám sát. Ngân hàng đó là một phần của mạng lưới mỏng manh, trong đó sự giàu có được thể hiện bằng các loại hình thẻ điện tử. Rất nhiều thứ có thể phá hủy mạng lưới này: tin tặc, sự mất niềm tin vào việc chính phủ có thể bảo vệ tài sản, khủng hoảng thanh khoản, xung điện từ.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến là những sự kiện bất thường mà chúng ta nghĩ rằng sẽ không bao giờ xảy ra. Du lịch bị đình trệ, tài sản bị đóng băng, chiến tranh nổ ra ở châu Âu,” Mikhailovich nói, mặc dù vẫn tuyên bố ông là người lạc quan và vô cùng hạnh phúc khi được sống trong nền dân chủ hòa bình sau khi trải qua thời thơ ấu của mình ở một nơi rất khác.

Người đàn ông vàng: Tại Leningrad, Simon Mikhailovich, con trai của một nhiếp ảnh gia, bắt đầu theo học ngành hóa học điện ảnh. Ở New York, ông tìm thấy đam mê của mình trong một kim loại có giá trị hơn.

Ông khẳng định, đầu tư vàng “không phải vì sự diệt vong và u ám. Đó là hình thức đảm bảo cho rủi ro.” Mikhailovich, 63 tuổi, làm những công việc liên quan đến rủi ro trong phần lớn sự nghiệp của mình, đầu tiên là một công ty bảo hiểm, sau đó là một quỹ đầu cơ đầu tư vào các công cụ phái sinh nợ và bị ảnh hưởng bởi sự thất bại của ngân hàng đầu tư Lehman, và bây giờ là doanh nghiệp liên quan đến vàng của chính mình.

Chẳng phải hầu hết các tài sản tài chính đều được hỗ trợ? Chẳng phải chúng ta có công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang cho tài khoản ngân hàng và công ty Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán cho tài khoản môi giới sao? Mikhailovich mỉa mai. Nguồn dự phòng của họ đủ để trang trải cho một tổ chức trong trường hợp đó là tổ chức nhỏ. Họ sẽ bị quá tải nếu xảy ra vấn đề trên toàn hệ thống.

Mikhailovich nói: “Cất giữ các khoản dự trữ của bạn trong hệ thống tài chính giống như cắm máy phát điện dự phòng vào ổ cắm trên tường. Mọi thứ hoạt động rất ổn cho đến khi lưới điện gặp sự cố.”

Vàng, được lưu trữ ngoại tuyến, là chuyện khác. “Vàng miễn dịch trên mạng. Vàng không thể phá hủy. Đó không phải là trách nhiệm của bất kỳ ai.” Nhớ lại kinh nghiệm với ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, ông nói thêm: “Vàng không mang tính rủi ro đối tác.”

Khách hàng của Bullion Reserve có quyền rút tiền bất cứ khi nào họ muốn, dưới dạng vàng miếng. Gần đây, một số ít người đã làm đúng như vậy. Mikhailovich cho rằng trong cuộc khủng hoảng lớn hơn, có thể sẽ có nhiều người hơn rút vàng để mua các tài sản tài chính với mức chiết khấu mạnh.

Có sự thôi thúc luôn ẩn sau đam mê đối với vàng của người đàn ông này. Một thế kỷ trước, tổ tiên của ông chạy trốn khỏi các cuộc tàn sát ở Ukraine và định cư ở Leningrad (nay là Saint Petersburg), nơi họ có thể mua được thực phẩm nhờ mang theo các đồng tiền vàng.

Cuộc trốn chạy khỏi thảm họa của họ vẫn chưa kết thúc. Năm 1941, cuộc bao vây của Đức đã giết chết một triệu người trong thành phố nơi họ sinh sống. Họ đều sống sót nhờ làm những công việc quan trọng: Một người là bác sĩ phẫu thuật trong lực lượng y tế của quân đội Nga và người khác là kỹ sư giúp mở đường tiếp tế qua hồ Ladoga đóng băng.

Dần dần, cả gia đình quyết tâm rời khỏi Liên Xô. Vào những năm 1970, cơ hội hé mở.

Chỉ xin thị thực xuất cảnh cũng đã là rủi ro. Các ứng viên phải bắt đầu quá trình này bằng cách nghỉ việc. Những người không xin được thị thực sẽ bị bỏ rơi. Mikhailovich, một người gốc Do Thái, khi đó còn là thiếu niên, ngồi đợi trong các văn phòng thị thực, nhìn một số gia đình ra về với giấy tờ, những người khác lại rơi nước mắt.

Cuối cùng, Simon, bố mẹ và hai bà của ông cũng được phép rời đi. Năm 1979, họ định cư ở Baltimore. Hai năm học tại trường kỹ thuật Leningrad được chuyển thành một năm tín chỉ tại trường Johns Hopkins B.S. ngành khoa học chính trị.

Ông muốn trở thành doanh nhân và suy nghĩ về việc mở một nhà hàng. Vợ sắp cưới khuyên ông nên đến làm việc tại nhà hàng trước đã. Hóa ra đó là lời khuyên hữu ích, vì ông nhận được cơ hội khi làm tại câu lạc bộ tư nhân, nơi một trong những thành viên, giám đốc điều hành của U.S. Fidelity & Guaranty (UF&G), đồng ý cho ông cuộc hẹn phỏng vấn xin việc.

Công việc tại công ty bảo hiểm cho ông thấy nhiều mặt trái. Ông tiến hành giải quyết rắc rối, cắt giảm nhiều sai lầm của ông chủ, gồm một cơ sở cho thuê máy tính và một đại lý du lịch. Một thập niên sau, vào năm 1997, ông thuyết phục UF&G ban hành các nghĩa vụ nợ được thế chấp (CDO). Khi công ty bảo hiểm đổi chủ (hiện giờ là một nhánh của công ty bảo hiểm Travelers), chủ sở hữu mới tìm cách loại mảng kinh doanh không phù hợp này ra khỏi hoạt động quản lý tài sản của mình. Mikhailovich cùng đối tác đã chộp lấy cơ hội.

Họ gây dựng mảng CDO thành công ty quản lý tài chính với 19 nhân viên giám sát hai tỉ đô la Mỹ. Công ty phát triển thịnh vượng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhờ một số vụ mua bán khống. Sau khi ngân hàng Lehman tuyên bố phá sản, họ cố thu hồi nợ được chừng nào hay chừng ấy.

Mikhailovich hủy bỏ danh mục đầu tư. Đối tác nghỉ hưu. Mikhailovich cũng có thể thoải mái làm điều tương tự, nhưng ông lại cảm thấy bồn chồn.

Ý tưởng về một dạng công việc mới xuất phát từ các quy tắc chống trốn thuế ngày càng nghiêm khắc hơn do chính phủ Hoa Kỳ áp đặt đối với các ngân hàng nước ngoài có khách hàng Hoa Kỳ. Mặc dù ông đã tuân thủ tỉ mỉ tất cả các quy tắc, nhưng ngân hàng Thụy Sĩ của Mikhailovich không muốn tiếp nhận những thủ tục giấy tờ này và từ chối ông. Rất nhanh sau đó, ông phải tự mình kéo lê chiếc túi xách chứa đầy vàng miếng đi dọc vỉa hè ở Zurich. Bao nhiêu vàng? Ông chỉ nói ngắn gọn: “Tôi bị đau lưng.”

Do đó, dịch vụ vàng thỏi ra đời vào năm 2011, nhưng không hợp thời điểm. Vàng đạt đỉnh rồi bắt đầu hạ giá dần và chỉ mới phục hồi gần đây. Ba năm trước, sau khi mua lại cổ phần của một số nhà đầu tư bên ngoài, gia đình Mikhailovich, bao gồm hai con gái lớn, sở hữu toàn bộ công ty. Họ có 340 triệu đô la Mỹ kim loại đang được quản lý. Với những gì đang diễn ra trên thế giới, việc kinh doanh dường như sẽ rất tốt đẹp.

Bullion Reserve đề xuất nên giữ một số tài sản của bạn “nằm ngoài mạng lưới.” Mạng lưới, cho dù là loại hình thẻ điện tử hay loại tài chính hoạt động dựa vào hệ thống điện, đều không ổn định. Lỗi xảy ra ở bất kỳ mắt xích nào đều có thể lan truyền ra toàn bộ mạng lưới. Điều đó giải thích tại sao New York chìm trong bóng tối vào năm 2003.

Trong khu vực nông thôn cách văn phòng của Mikhailovich hai giờ lái xe về phía bắc, có đường dây tải điện đặt trên những giá treo gỉ sét và trải dài trên con đường vắng vẻ, băng ngang một vườn mâm xôi đen, cung cấp điện cho thành phố. Một kẻ khủng bố thậm chí sẽ không cần dùng đến thuốc nổ để gây rắc rối, mà chỉ cần một chiếc cưa điện.

Mikhailovich cho rằng, có khả năng sự cố mất điện toàn khu vực tiếp theo sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống tài chính. Dù điều đó không chắc chắn, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.

Hẳn mọi người còn nhớ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng bạn có biết có một cuộc khủng hoảng khác vào năm 2019 không? Các khoản cho vay nhanh chóng, được thế chấp hoàn toàn bằng tín phiếu kho bạc, đẩy mức lãi suất hằng năm tăng vọt lên 10%. Nếu bạn không biết đến sự cố này, đó là vì cục Dự trữ liên bang đã che đậy vấn đề bằng cách biến ra tiền với vài cú nhấp chuột. Họ có thể tiếp tục làm điều đó trong bao lâu?

Mikhailovich nói: “Chính phủ đang thổi bong bóng lớn nhất từng được thổi phồng. Đây là điều không bền vững.”

Rất có thể chúng ta sẽ tiến đến giai đoạn mất niềm tin sâu sắc vào chính phủ hoặc vào tiền của chính phủ. Cho dù hiện giờ vẫn chưa, nhưng đây là điều hoàn toàn có thể diễn ra.

Lấy ví dụ về Canada, Mikhailovich nói: “Đã xuất hiện tình trạng bất tuân dân sự. Thay vì dẹp bỏ các xe tải biểu tình, chính phủ lại phản ứng bằng cách đóng băng tài khoản ngân hàng của người dân. Không đầy ba tuần sau, chính phủ Hoa Kỳ triển khai các biện pháp tương tự chống lại đối thủ siêu cường hạt nhân.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo Forbes Việt Nam số 105, tháng 5.2022

——————-

Xem thêm:
Hồ sơ: Tỉ phú Leong gầy dựng tương lai
Hồ sơ: ESR – đối thủ mới của ngành bất động sản
Con đường Petersen trở thành đối thủ đáng gờm của ngành vận tải
Tỉ phú Otto Toto Sugiri tiên phong kỹ thuật số
Chiến lược của Sotheby’s: Xây ngôi nhà mới cho nghệ thuật đương đại