Danh sách

Tỉ phú thế giới 2025: tỉ phú Việt vượt chông gai

Việt Nam có 5 tỉ phú theo Danh sách tỉ phú của Forbes năm 2025, Tổng tài sản đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 800 triệu so với năm ngoái.

Share
this:

Tuy nhiên, con số này giảm tới 6,5 tỉ đô la Mỹ so với năm đỉnh cao 2022. Năm nay, Việt Nam chỉ còn 5 đại diện, do ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, đã rời khỏi danh sách. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air, tiếp tục là người phụ nữ duy nhất trong danh sách tỉ phú người Việt kể từ năm 2013.

Đặc biệt, chỉ có ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, gia tăng về tài sản và thứ hạng so với năm trước. 

Tính đến ngày 7.3.2025, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đạt 6,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,1 tỉ đô la Mỹ so với năm ngoái và đứng vị trí thứ 535 trong danh sách của Forbes, tăng 177 bậc. Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng có ba nhóm hoạt động chính: công nghệ – công nghiệp, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội.

Trong lĩnh vực ô tô, báo cáo mới nhất của tập đoàn này cho thấy, VinFast là hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025, với doanh số 23 ngàn ô tô điện, chiếm hơn 33% thị phần. Từ đầu năm 2023, xe điện VinFast lần lượt ra mắt tại thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, VinFast còn tăng cường xuất khẩu xe điện sang Indonesia – một trong những thị trường trọng điểm của công ty tại khu vực Đông Nam Á. 

Quý I.2023, ông Vượng thành lập Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) sử dụng các phương tiện do VinFast sản xuất, tăng độ phủ và hiện diện thương hiệu. Ngày 18.12.2024, GSM mở rộng độ phủ dịch vụ tại Jakarta, Indonesia. Đây là quốc gia thứ ba nhưng là quốc gia lớn nhất và chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong hành trình vươn ra toàn cầu của GSM. Tại Việt Nam, đến quý IV.2024, GSM đã vươn lên chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường gọi xe bốn bánh trong nước, theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence.

Ở mảng du lịch – nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí, tháng 11.2024, Vinpearl đã hoàn tất đăng ký trở thành công ty đại chúng, một bước quan trọng để niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Ở mảng bất động sản bán lẻ, trong năm 2024, Vingroup đã thoái 41,5% cổ phần tại Vincom Retail (VRE) thông qua Công ty Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. Tập đoàn hiện sở hữu trực tiếp 18,4% vốn tại Vincom Retail.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng là người đầu tiên của Việt Nam vào danh sách tỉ phú thế giới của Forbes từ năm 2013 và liên tục giữ vị thế người có khối tài sản lớn nhất tại Việt Nam từ đó đến nay. Ông Vượng tốt nghiệp Học viện Địa chất Moscow (Nga), khởi nghiệp bằng việc sản xuất mì gói tại Kharkov (Ukraine). Ngoài VinFast, hệ sinh thái Vingroup còn có các thương hiệu lớn khác như Vinhomes (bất động sản), Vinpearl, Vin Wonders (du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí), Vinschool, VinUni (giáo dục), Vinmec (y tế)…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sở hữu tài sản 2,8 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 1.305 trong danh sách tỉ phú của Forbes. Mặc dù tài sản không đổi so với năm ngoái, nhưng do sự tăng trưởng chung về tài sản của các tỉ phú thế giới, vị trí của bà Thảo đã tụt 118 bậc. Từ năm 2017, bà là nữ tỉ phú tự thân duy nhất của Đông Nam Á và tiếp tục khẳng định vị thế qua các hoạt động kinh doanh nổi bật. Năm ngoái, Vietjet Air dưới sự lãnh đạo của bà Thảo đã phục hồi tốt sau đại dịch, mở rộng mạng lưới với 33 tuyến bay quốc tế mới.

Đồng thời, Vietjet ký hợp đồng trị giá 7,4 tỉ đô la Mỹ với Airbus để mua 20 máy bay A330neo, đánh dấu bước tiến vào phân khúc đường dài, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, HDBank (nơi Công ty Sovico của bà Thảo hiện đang nắm giữ gần 418 triệu cổ phiếu, tương đương 14,27% vốn điều lệ ngân hàng) đạt lợi nhuận ấn tượng, năng động trong chuyển đổi số và mở rộng dịch vụ tài chính. Sovico Group, do bà làm chủ tịch, tiếp tục đầu tư vào bất động sản và năng lượng tái tạo.

Cùng năm 2024, HDBank ra mắt Vikki Digital Bank, một ứng dụng ngân hàng số, bắt đầu hoạt động từ ngày 31.7.2024, cung cấp các dịch vụ như mở tài khoản, vay vốn và thanh toán QR. Vikki Bank cũng hợp tác với Vietjet để triển khai một số ưu đãi, bao gồm vé máy bay giá 0 đồng. Đầu năm nay, HDBank nhận chuyển giao Ngân hàng Đông Á, sau đó đổi tên ngân hàng này thành Vikki Digital Bank.

Gần đây, tháng 1.2025, bà Thảo dẫn đầu đoàn lãnh đạo Vietjet thăm làm việc tại Mỹ, gặp gỡ các đối tác chiến lược tại dinh thự của Tổng thống Donald Trump. Chuyến đi giúp bà củng cố hợp tác với các tập đoàn như Boeing, GE và Honeywell, với tổng giá trị thỏa thuận gần 50 tỉ đô la Mỹ, đồng thời thảo luận các hợp đồng mới trị giá 14 tỉ đô la Mỹ. Bà cũng đàm phán với SpaceX của Elon Musk về công nghệ Internet trên máy bay của hãng.

Sinh ra tại Hà Nội, bà Thảo tốt nghiệp hai bằng cử nhân về tài chính tín dụng và kinh tế lao động tại Đại học Kinh tế Plekhanov (Nga), cùng bằng tiến sĩ quản lý kinh tế từ Đại học D. Mendeleev. Khởi nghiệp từ năm 21 tuổi tại Moscow, bà kiếm được 1 triệu đô la Mỹ đầu tiên qua buôn bán hàng hóa từ châu Á sang Đông Âu. Với tầm nhìn chiến lược, bà sáng lập Vietjet Air vào năm 2011, đưa hãng trở thành biểu tượng hàng không giá rẻ của quốc gia, đồng thời xây dựng đế chế kinh doanh đa ngành qua Sovico Group và HDBank.

Tính đến ngày 7.3, tài sản của ông Trần Đình Long, Sáng lập và Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 200 triệu đô la Mỹ so với năm ngoái, đứng vị trí thứ 1.513 trong danh sách của Forbes, rớt xuống 227 bậc. 

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Thành lập từ năm 1992, công ty lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như nội thất, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Năm 2007, Hòa Phát niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tỉ phú Trần Đình Long hiện sở hữu khoảng 25,8% cổ phiếu của công ty.

Cuối năm 2024 khi Quốc hội thông qua dự án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao, nhiều nhà phân tích dự báo một số công ty Việt Nam, trong đó có Hòa Phát có thể được hưởng lợi đáng kể từ dự án này. Trong một lần chia sẻ với truyền thông cuối năm ngoái, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án, Hòa Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. 

Nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo sản lượng thép của Hòa Phát trong giai đoạn 2025- 2026 có thể tăng trưởng lần lượt 33% và 22% so với năm liền trước nhờ dự án Dung Quất 2. Bên cạnh đó, với thép xây dựng, khi thị trường bất động sản phục hồi, nhiều dự án đầu tư công triển khai trên cả nước thì đây chính là động lực tăng trưởng lớn cho tập đoàn này trong dài hạn.

Tính đến ngày 7.3, tài sản của ông Hồ Hùng Anh, đạt 2 tỉ đô la Mỹ, đứng ở vị trí thứ 1.763 trong danh sách của Forbes, tăng 300 triệu đô la Mỹ và cải thiện 88 bậc so với danh sách năm ngoái. Ông Hồ Hùng Anh có mặt trong danh sách này từ năm 2019 và liên tục có mặt từ đó tới nay. Ông là Chủ tịch Techcombank, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Với tổng tài sản đạt hơn 978 ngàn tỉ đồng, ngân hàng thành lập từ năm 1993 tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ấn tượng năm 2024 ở mức 20,85%, thuộc tốp đầu ngành. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) năm 2024 đạt 47 ngàn tỉ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ, với thu nhập lãi thuần đóng góp chính, tăng 28,2% so với cùng kỳ.

Techcombank nổi bật với chất lượng tài sản được duy trì vững mạnh năm qua, thể hiện qua tỉ lệ nợ xấu giảm xuống 1,17% nhờ sự hồi phục tích cực của thị trường chung và tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân, đạt gần 114%. Tỉ lệ Casa (tiền gửi không kỳ hạn) được tối ưu hóa hiệu quả, đạt 40,9% nhờ các chương trình marketing sáng tạo như “Anh trai vượt ngàn chông gai” và sản phẩm sinh lời tự động. Ngân hàng vừa mở rộng hệ sinh thái tài chính bằng việc thành lập Techcom Non Life Insurance và dự kiến ra mắt TCLife, khai thác tiềm năng từ lĩnh vực bảo hiểm, sau khi chấm dứt hợp tác độc quyền với Manulife.

Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, có bằng kỹ sư Điện kỹ thuật của Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Ngoài việc là chủ tịch Techcombank, ông cũng là đồng sáng lập Masan Group, tập đoàn tư nhân đa ngành hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, khai khoáng. Bên cạnh đó, ông cùng gia đình còn sở hữu cổ phần tại công ty bất động sản cao cấp Masterise Group và One Mount Group, công ty công nghệ cung cấp giải pháp trong lĩnh vực tài chính, phân phối, bất động sản và bán lẻ.

Ông Hùng Anh đầu tư cổ phần và trở thành Thành viên Hội đồng quản trị Techcombank từ năm 2004. Năm 2008, ông trở thành Chủ tịch Techcombank và giữ vị trí này cho tới nay. Ông vào danh sách tỉ phú của Forbes vào năm 2019 với 1,7 tỉ đô la Mỹ. 

Tính đến ngày 7.3, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đạt 1 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ 2.933 trong danh sách của Forbes. So với năm ngoái, tài sản của ông giảm 200 triệu đô, khiến ông tụt 523 bậc. Ông Quang đã sáng lập và dẫn dắt Masan Group, tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, tài chính, khai khoáng và bán lẻ. Ông là doanh nhân có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Plekhanov (Nga) và tiến sĩ Vật lý hạt nhân của Đại học Vật lý ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học (Belarus).

Chủ tịch Masan Group lần đầu tiên vào danh sách tỉ phú thế giới năm 2019 với khối tài sản ước tính khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ và đã nhiều lần vào/ra danh sách tỉ phú của Forbes do tài sản phụ thuộc lớn vào biến động giá cổ phiếu công ty (MSN), nơi ông cùng gia đình trực tiếp và gián tiếp nắm số lượng lớn cổ phiếu. Năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Masan đạt gần 2.000 tỉ đồng từ kết quả doanh thu gần 83.200 tỉ đồng. Lợi nhuận công ty tăng mạnh, gấp gần bốn lần so với năm 2023 nhờ tăng trưởng ở mảng tiêu dùng bán lẻ, mảng đóng góp tới gần 88% trong tổng doanh thu. 

Hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ của Masan gồm các công ty con trải dài từ sản xuất đến bán lẻ, gồm: Masan Consumer Holdings – MCH (sản xuất hàng tiêu dùng), hệ thống bán lẻ WinCommerce – WCM (chuỗi cửa hàng, siêu thị WinMart/WinMart+/WiN), Masan MEATLife – MML (chăn nuôi, chế biến thịt) và chuỗi trà, cà phê Phúc Long Heritage.

Masan Consumer Holdings, công ty con từng được ông Nguyễn Đăng Quang ví von là “viên kim cương gia bảo” đang thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HoSE. Nếu chuyển sàn thành công, đây sẽ là cổ phiếu có vốn hóa trên 100 ngàn tỉ đồng. Năm 2025, Masan Group đặt kế hoạch doanh thu thuần 80.000–85.500 tỉ đồng, tăng 7–14%. Trọng tâm là mảng kinh doanh tiêu dùng, bán lẻ. 

Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang sinh ra tại Quảng Trị, có nhiều năm học tập, sinh sống tại Đông Âu và khởi nghiệp bán mì gói tại đây, sau đó mở rộng ra nhiều mặt hàng khác. Ngoài Masan, ông Quang còn tham gia điều hành và quản trị Techcombank cùng tỉ phú Hồ Hùng Anh với các vị trí khác nhau từ năm 1995. Hiện ông là Phó chủ tịch thứ nhất HĐQT của Techcombank, vị trí đảm nhiệm từ tháng 5.2008.

PHƯƠNG PHÁP TÍNH: Danh sách Tỉ phú Thế giới của Forbes là một bức tranh tổng quan về tài sản được tính toán dựa trên giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái tính đến ngày 7.3.2025. Forbes liệt kê các cá nhân thay vì các gia đình nhiều thế hệ cùng sở hữu khối tài sản lớn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp – đặc biệt khi người được liệt kê là người sáng lập khối tài sản đó – chúng tôi có tính đến tài sản thuộc về vợ/chồng và con cái của tỉ phú. Một số khối tài sản từng được ghi nhận là của gia đình chung này được tách ra theo từng cá nhân và được đánh dấu là “tài sản gia đình đã tách.”