Tỉ phú năng lượng và hóa dầu Prajogo Pangestu ở Indonesia mất hơn 1/5 tài sản chỉ trong ngày 9.1 do cổ phiếu Barito Renewables Energy và Chandra Asri Pacific (tiền thân là Chandra Asri Petrochemical) giảm 20%.
Cụ thể, giá cổ phiếu Barito Renewables Energy giảm xuống còn 5.400 IDR (0,35 USD). Cổ phiếu Chandra Asri Pacific giao dịch ở mức 4.220 IDR (0,27 USD) trong ngày 9.1.
Giá trị tài sản ròng của ông hiện ở mức 42,1 tỉ USD, giảm so với mức 53,5 tỉ USD của một ngày trước. Mặc dù tài sản giảm mạnh nhưng ông Pangestu vẫn là người giàu nhất Indonesia.
Theo chuyên gia phân tích, giá 2 mã cổ phiếu BREN và TPIA giảm cho thấy nhà đầu tư đã thay đổi tâm lý.
“Cả BREN và TPIA đều nằm trong vùng quá mua và giá cổ phiếu giảm khi các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội chốt lời,” Ezaridho Ibnutama, chuyên gia phân tích của Henan Putihrai Sekuritas, cho biết.
Theo Ibnutama, cổ phiếu của cả hai công ty sẽ tăng trở lại vào cuối quý 1.2024. Cổ phiếu BREN sẽ tăng lên 5.300 IDR (0,34 USD) và cổ phiếu TPIA sẽ đạt mức 6.800 IDR (0,43 USD). Ngay cả ở mức thấp hơn, giá cổ phiếu Barito Renewables vẫn cao hơn 592% so với giá niêm yết trong tháng 10. Hiện giá cổ phiếu của hai công ty đều được định giá quá cao.
Vào tháng 12, Barito Renewables, nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn nhất Indonesia, đã ký thỏa thuận với UPC Renewables Asia Pacific Holdings và ACEN Renewables International thông qua công ty con để mua lại UPC Sidrap Bayu Energy. Đây là một trong những công ty sản xuất điện gió lớn nhất nước với công suất 75 MW. Thương vụ mua lại này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 1.2024.
Trong khi đó, Chandra Asri Petrochemicals của ông Pangestu đã được đổi tên vào tuần trước thành Chandra Asri Pacific để mở rộng hoạt động kinh doanh sang hóa chất và cơ sở hạ tầng.
Năm 2023, công ty mua lại công ty năng lượng Krakatau Chandra Energi và công ty cơ sở hạ tầng Krakatau Tirta Industri. Để giúp Indonesia giảm nhập khẩu hóa dầu, Chandra Asri phát triển tổ hợp hóa dầu lớn thứ hai thế giới CAP2. Tổ hợp này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Ngoài BREN và TPIA, giá cổ phiếu của công ty khai thác than Petrindo Jaya Kreasi của ông Pangestu cũng giảm và bị đình chỉ giao dịch hồi tháng 12.2023. Giá giao dịch gần nhất của Petrindo ở mức 13.425 IDR (0,86 USD), tăng gấp 49 lần so với giá niêm yết hồi tháng 3.2023.
Đầu tháng 1, Petrindo thông báo công ty đồng ý mua lại hơn 1/3 nhà thầu khai thác mỏ Petrosea do Caraka Reksa Optima (CRO) sở hữu với giá 940 tỉ IDR (60 triệu USD.
Doanh nhân Nitiyudo Wachju và Hapsoro, chồng của Puan Maharani, chủ tịch Hạ viện Indonesia, là những chủ sở hữu hưởng lợi từ CRO. Các cổ đông sẽ bỏ phiếu đồng ý cho Petrindo tiến hành thương vụ mua lại này trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng tới.
Giá mua lại đạt mức 2.471 IDR/cổ phiếu, thấp hơn 50% so với giá thị trường của Petrosea trong ngày 5.1 là 5.550 IDR /cổ phiếu. Vì vậy, giá cổ phiếu của Petrosea tiếp tục giảm xuống mức 4.540 IDR/cổ phiếu trong tuần này.
“Giá cổ phiếu Petrosea giảm giống như các công ty khác thuộc ông Pangestu. Đây là phản ứng trước giá mua lại giảm,” Ibnutama nói.
Henky Susanto, thành viên hội đồng quản trị độc lập của Barito Pacific, nói rằng giá cổ phiếu giảm do động lực của thị trường vì cổ phiếu IDX Composite cũng giảm. “Tuy nhiên, kinh doanh và tài chính của công ty vẫn phát triển. Chúng tôi có đủ tiền mặt,” Susanto cho biết.
Là con trai của một thương nhân kinh doanh cao su, Prajogo Pangestu khởi đầu sự nghiệp từ việc cung cấp gỗ kiến trúc vào cuối những năm 1970. Năm 1993, Barito Pacific Timber chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đến năm 2007, Barito Pacific Timber đổi tên thành Barito Pacific như hiện tại sau khi công ty bắt đầu mở rộng danh mục kinh doanh.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Doanh nhân Prajogo Pangestu trở thành người giàu nhất Indonesia
Tỉ phú Indonesia Prajogo Pangestu có 10 tỉ USD
2 tháng trước
Kinh tế Malaysia tăng hơn 5% trong quý 3.2024