Tỉ phú ngành giáo dục Soichiro Fukutake dùng tài sản của mình để biến quần đảo Seto bị tàn phá trong quá trình tăng trưởng công nghiệp của Nhật Bản thành điểm đến nghệ thuật toàn cầu, đồng thời giúp thúc đẩy sự hồi sinh của nền kinh tế khu vực này.
Từng bị chôn vùi dưới gần một triệu tấn chất thải độc hại thải ra trái phép từ những ô tô phế thải, đảo Teshima ở Nhật Bản là minh chứng cho sự tăng trưởng công nghiệp vượt trội nhưng mất kiểm soát của đất nước này.
Tuy nhiên, hiện nay, mỗi năm có hàng chục ngàn người đến đây để thưởng thức nghệ thuật, kiến trúc và khung cảnh ấn tượng đẳng cấp thế giới. Tất cả được tạo ra nhờ tầm nhìn và khoản đầu tư của Soichiro Fukutake.
Trong ba thập niên qua, cựu chủ tịch công ty giáo dục Benesse Holdings có trụ sở tại Tokyo và gia đình ông đã chi 250 triệu đô la Mỹ để biến Teshima và hơn mười hòn đảo lân cận ở biển Seto thành một điểm đến nghệ thuật toàn cầu.
Qua đó, họ hồi sinh khu vực từng là biểu tượng giao thoa kinh tế và văn hóa trong một thiên niên kỷ.
Số lượng du khách vẫn tăng đều đặn kể từ thời điểm khu vực này mở cửa với hơn ba mươi bảo tàng và phòng trưng bày được xây dựng vào năm 1992, thường tăng mạnh trong thời gian diễn ra Setouchi Triennale, lễ hội nghệ thuật đương đại quốc tế được tổ chức ba năm một lần.
Theo báo cáo năm 2020 từ các nhà tổ chức lễ hội và ngân hàng Nhật Bản, gần 1,2 triệu người đã đến đây vào Triennale 2019, trong đó có du khách nước ngoài, chủ yếu từ Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc đại lục, mang lại khoảng 18 tỉ yen (132 triệu đô la Mỹ) cho kinh tế của tỉnh Kagawa, nơi hầu hết là các hòn đảo.
Tính đến thời điểm này, khách tham quan tại sự kiện năm nay, kéo dài đến tháng 11, giảm nhiều. Lượng khách giảm 40%, phần lớn là do các quy định hạn chế nhập cảnh chống đại dịch, dù Fukutake tin rằng du lịch trong nước sẽ khởi sắc một khi các lệnh này được dỡ bỏ.
“Tôi không làm những điều này vì mục đích kinh tế,” người đàn ông 76 tuổi này nhấn mạnh. Ông sở hữu khối tài sản ròng ước tính 1,1 tỉ đô la Mỹ, có mặt trong danh sách Tỉ phú thế giới của Forbes năm nay.
Ông thừa kế công ty xuất bản có trụ sở tại Tokyo của gia đình (được thành lập ở tỉnh Okayama) sau cái chết đột ngột của cha ông, Tetsuhiko, vào năm 1986. Cha ông ước mơ xây dựng khu cắm trại quốc tế cho trẻ em trên đảo Naoshima, một trong nhiều hòn đảo nhỏ giống đảo Teshima ngoài khơi bờ biển Kagawa và Okayama.
Trong chuyến đi giám sát dự án ở đó, Fukutake “đã chứng kiến những thiệt hại gây ra từ quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa quá mức trên đảo Naoshima và Inujima, cả hai đều cằn cỗi vì luyện đồng và cả Teshima nữa,” ông cho biết qua cuộc gọi video hồi tháng 5.2022 từ New Zealand, nơi ông định cư từ năm 2009.
“Tôi thấy tức giận và quyết định dùng nghệ thuật để đảo ngược những gì xã hội đã tạo ra.” ông nói.
Ngoài khu cắm trại, ông còn mua thêm đất ở Naoshima và mời kiến trúc sư từng đoạt giải Pritzker, Tadao Ando – nổi tiếng với bê tông mịn, góc nhọn và ánh sáng tự nhiên – thiết kế khách sạn và bảo tàng Benesse House Museum.
Đây là địa điểm đầu tiên trong số hàng chục địa điểm nghệ thuật hiện nay nằm rải rác trên các hòn đảo và trưng bày các tác phẩm của những nghệ sĩ như Andy Warhol, Lee Ufan và David Hockney.
Để hỗ trợ các địa điểm trưng bày và triển lãm, Fukutake bắt đầu thành lập quỹ cùng tên vào năm 2004, với 8% cổ phần trong Benesse do gia đình tặng cho quỹ. Hiện trị giá 136 triệu đô la Mỹ, số cổ phần này mang lại cổ tức khoảng ba triệu đô la Mỹ hằng năm.
Ngoài ra, còn có khoản đầu tư riêng của gia đình mà Fukutake ước tính khoảng 250 triệu đô la Mỹ. Công ty cũng đóng góp vật chất vào quỹ bằng cách xây dựng bảo tàng rồi tặng cho tổ chức phi lợi nhuận này.
Trong cuộc phỏng vấn riêng, con trai 45 tuổi của ông, Hideaki, nhân vật quan trọng thứ hai của quỹ Fukutake và là thành viên hội đồng quản trị Benesse, cho biết mặc dù có một số nguồn tài trợ công cho các lễ hội Triennale, nhưng quỹ của họ không nhận sự trợ giúp tài chính từ bên ngoài để tránh ảnh hưởng đến tầm nhìn của mình.
“Chúng tôi muốn đi đúng hướng và có quan điểm, nhưng không đến mức khiến mình trở nên quá tách biệt,” Hideaki, người gia nhập quỹ vào năm 2012 và Benesse năm 2013, cho biết.
“Tuy nhiên, chúng tôi không muốn tiếp nhận quá nhiều thị hiếu phổ biến dễ khiến chúng tôi đánh mất tính độc đáo của mình. Sự cân bằng đó rất quan trọng và để đạt được điều đó, chúng tôi cần có nguồn tài chính độc lập,” Hideaki nói thêm. Theo Fukutake, Hideaki sẽ là người tiếp quản quỹ này trong “tương lai không xa.”
Kim chỉ nam của Fukutake là sự cộng hưởng cảm xúc về nghệ thuật – điều mà quỹ của ông và đại học Okayama đang hợp tác để đo lường một cách khoa học. Tuy nhiên, tác động kinh tế là điều có thể nhận thấy rõ ràng đối với ít nhất một cộng đồng trên đảo.
Theo một quan chức tỉnh Kagawa, trong khi các thành phố tự trị khác đang mất dần người dân, những nỗ lực của Fukutake một phần đã giúp ổn định dân số của Naoshima.
Fukutake cũng đồng cảm với mối quan tâm của quốc gia về việc thu hẹp số lượng khu vực nông thôn khi những người trẻ tuổi chuyển đến các thành phố.
Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các dự án trẻ hóa với ngân sách tài trợ tốt trên khắp quần đảo nhưng có rất ít hoặc không có tác động. “Những người bị bỏ lại đang mất hi vọng và ước mơ cho tương lai,” ông nói. “Chúng tôi cho thấy sức mạnh của nghệ thuật trong việc hồi sinh các vùng nông thôn.”
Teshima có thể là ví dụ tốt nhất về sự thay đổi tư duy địa phương và tình hình thực tế. Fukutake cho biết, chịu sự tàn phá về môi trường và danh tiếng, cư dân ở đó “gần như mất niềm tự hào về hòn đảo và sự tự tin.”
Cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập niên của họ để giải quyết vụ việc đổ chất thải độc hại trái phép lớn nhất nước hiện đã đi đến hồi kết.
Với chi phí chủ yếu do người đóng thuế hoàn lại là 82 tỉ yen, chính phủ dự kiến sẽ khắc phục xong nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trong năm nay, kết hợp với các nỗ lực từ thiện của Fukutake.
Ngày nay, hòn đảo này có một trong những viên ngọc quý của quỹ, bảo tàng Nghệ thuật Teshima – một cấu trúc bê tông màu trắng, hình giọt nước và là tác phẩm sắp đặt nghệ thuật do người thắng giải Pritzker, Ryue Nishizawa và nghệ sĩ Rei Naito cùng thiết kế.
Một trong những mong muốn lớn của Fukutake là các bảo tàng của quỹ “là chất xúc tác” cho sự trẻ hóa ở những nơi khác.
Ông khởi động các dự án nghệ thuật đầu tiên vào đầu những năm 1990, nhưng chuyến tham dự lễ hội nghệ thuật ở miền bắc Nhật Bản năm 2003 mới gieo mầm ý tưởng cho lễ hội Triennale.
Trong bảy năm tiếp theo, Fukutake cùng quỹ của ông đã làm việc với chính quyền địa phương và nhà nước để lên kế hoạch tổ chức lễ hội và gặp gỡ cử tri để nhận được sự ủng hộ. Năm 2010, lễ hội Triennale đầu tiên được tổ chức, cùng năm ra mắt bảo tàng Teshima.
Fukutake cho biết các dự án của gia đình ông cho lễ hội Triennale 2025 bao gồm xây dựng bảo tàng ba tầng (hai tầng dưới lòng đất) ở Naoshima chuyên về các nghệ sĩ châu Á và chuyển đổi một trường trung học cơ sở cũ trên đảo Teshima thành phòng trưng bày – bằng thiết kế của một kiến trúc sư Nhật Bản chưa có tên tuổi.
Khi gia đình ông nói về dài hạn, họ nghĩ đến khoảng thời gian hàng thập niên. “Cuối cùng thì chúng tôi vẫn có mục tiêu lấy lại được vốn đầu tư, nhưng điều đó không được đo lường bằng một quý, một năm hoặc ba năm. Điều đó được tính trên cơ sở thế hệ,” Hideaki nói.
Gia đình ông chuyển đến New Zealand để tránh thuế thừa kế 50% của Nhật Bản, khoản thuế này sẽ khiến họ không thể tiếp tục hỗ trợ quỹ của gia đình. Ông no·“Nếu con trai tôi có thể thu hồi vốn đầu tư thì tốt.”
Hideaki phải đối mặt với tình huống khó xử của chính mình: Tránh sự cám dỗ, một khi ông nắm quyền quản lý quỹ, để đặt dấu ấn của mình. “Tính cách của tôi là muốn thay đổi mọi thứ, vì vậy đó sẽ là cuộc chiến nội bộ, cá nhân. Vậy nên, điều quan trọng là phải thay đổi một chút để mọi thứ phát triển,” ông nói.