Công nghệ xanh

Tỉ phú công nghệ Úc làm từ thiện “giải cứu” trái đất

Tỉ phú công nghệ Úc, Mike Cannon-Brookes đang đầu tư các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và công nghệ xanh để bảo vệ trái đất.

Share
this:

Mike Cannon-Brookes, một trong những người giàu nhất nước Úc với tài sản hơn 20 tỉ USD, đam mê bảo vệ môi trường và gìn giữ trái đất. Cannon-Brookes đề cao tính bền vững trong toàn bộ hoạt động của mình và đang triển khai nguồn quỹ riêng để tạo nên điều khác biệt.

Cuối tháng 10.2021, thời điểm trước khi diễn ra hội nghị COP26 tại Scotland, Cannon-Brookes và vợ Annie cam kết đóng góp 500 triệu USD tới năm 2030 cho các tổ chức phi lợi nhuận để làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu. Với cam kết này, Cannon-Brookes đã nhảy vọt qua nhiều cái tên trước đó để trở thành một trong những nhà từ thiện hảo tâm nhất nước Úc.

Tuy vậy, Cannon-Brookes, 42 tuổi, còn muốn làm nhiều hơn chỉ là một nhà từ thiện. Anh cũng muốn tạo nên sự thay đổi cho những thương vụ đầu tư khôn khéo để tạo tiếng vang khi làm từ thiện. Cùng thời điểm Cannon-Brookes hé lộ kế hoạch từ thiện, anh thông báo sẽ đầu tư gấp đôi vào nguồn năng lượng tái tạo và các dự án bền vững khác, với mục tiêu đầu tư 1 tỉ AUD vào lĩnh vực này, trước đó Brookes cũng đã rót 1 tỉ AUD đã đầu tư trước đó thông qua quỹ đầu tư riêng Grok Ventures.

Tỉ phú công nghệ Úc, Mike Cannon-Brookes đang có mục tiêu “giải cứu” trái đất, với cam kết hơn 350 triệu USD từ nguồn quỹ cá nhân cho các hoạt động từ thiện ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư hàng tỉ USD vào những công ty bền vững và công nghệ xanh. Ảnh: Atlassian

Cannon-Brookes mua lại rất nhiều bất động sản tại New South Wales, nơi anh đặt mục tiêu chuyển đổi những vùng đất rộng lớn thành “thiên đường xanh” thông qua nông nghiệp tái sinh, với nỗ lực giảm phát thải khí carbon do mô hình trồng trọt truyền thống.

Kế hoạch phát triển bất động sản còn gồm nuôi dế và những loại côn trùng khác như nguồn protein thay thế, trong khi sử dụng xe máy cày điện và hệ thống năng lượng mặt trời trên nông trại. “Úc đang gặp vấn đề rất lớn về nông nghiệp nói chung và cách mà chúng ta chuyển dịch ngành công nghiệp này,” Cannon-Brookes cho biết qua cuộc gọi video vào tháng 11.2021.

Bất động sản tâm đắc nhất đối với anh là căn nhà nông thôn rộng 40 hecta tại ngôi làng nông thôn ở Kangaloon. Nơi đây cách Sydney 140km, nổi tiếng với nông trại nho, rừng mưa và thác nước. “Ở đây có rất nhiều cây, chuột túi và gấu túi mũi trần,” Cannon-Brookes cho biết.

Tỉ phú công nghệ này cho rằng các công ty của Úc buộc phải trở nên bền vững hơn nữa, khi ngày càng nhiều quốc gia nhận thức tình hình môi trường áp đặt thuế carbon vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, thậm chí còn dừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Đây là vấn đề của Úc, quốc gia xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới (tính theo giá trị).

“Quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đòi hỏi cả đầu tư về tài chính và nhân đạo. Việc này cần rất nhiều nghiên cứu chuyên ngành để thực hiện, cho thấy cách mà những loại công nghệ mới này hoạt động tại những khu vực và vùng khác nhau” Cannon-Brookes cho biết.

Cannon-Brookes tài trợ các tổ chức như Beyond Zero Emissions (BZE), Climate Council và Rewiring Australia. Các tổ chức này đều có vai trò quan trọng, đặc biệt là khi thủ tướng Úc, Scott Morrison, trong hội nghị COP26 đã chấp thuận đưa khí thải nhà kính tại xứ sở chuột túi về 0 vào năm 2050. Trên Twitter, Cannon-Brookes chỉ trích kế hoạch này, cho rằng không có hướng đi rõ ràng để đạt được mục tiêu.

Các tấm năng lượng mặt trời tại Úc. Ảnh: Courtesy of 5b

BZE đang phối hợp với chính phủ Úc để cam kết đi vào chiều sâu trong kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức này nhấn mạnh việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của quốc gia này gặp rủi ro, khi thế giới đang chuyển sang trung hòa carbon nhanh hơn mục tiêu năm 2050 của Úc. Một trong những khách hàng lớn nhất cho than đá của Úc, gồm Trung Quốc và Mỹ đưa ra cam kết cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa.

“Trong vòng hai thập niên tới, Úc sẽ mất 1/3 tổng thu nhập xuất khẩu hàng hóa và kéo giảm số lượng việc làm, trừ khi quốc gia này ban hành các chính sách chuyển đổi đáng kể,” BZE cho biết trong nghiên cứu. Tổ chức này ước tính, vào năm 2050, Úc có thể thu về 333 triệu AUD từ xuất khẩu hằng năm, nếu nước này thúc đẩy đầu tư vào xuất khẩu không phát thải carbon.

Cannon-Brookes đồng tình với nhận định trên, cho rằng việc trung hòa khí carbon là cơ hội kinh tế lớn nhất để trở thành “thủ phủ” nguồn tài nguyên. Anh đã hợp tác với tỉ phú đầu mỏ, Andrew “Twiggy” Forrest để xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời tại các khu vực nhiều nắng nhất Úc.

Cả hai đã trở thành những nhà tài trợ lớn nhất cho startup của Úc, Sun Cable với dự án năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Công ty đang xây dựng nông trại năng lượng mặt trời nằm trên sa mạc, lãnh thổ Bắc Úc để cung cấp nguồn điện cho Darwin vào năm 2026 và Singapore trong năm 2027 từ hệ thống truyền tải điện cao áp dưới lòng biển dài 4.200km (HVDC), được gọi là dự án Australia-Asia PowerLink (AAPowerLink).

Dự án trị giá 30 tỉ đô-la Úc đặt mục tiêu hình thành một nông trại năng lượng mặt trời có thể tạo ra nguồn điện tối đa 20GW, viên pin lớn nhất thế nhất có công suất lưu trữ lên đến 42GW và hệ thống HVDC dài nhất. Vào năm 2022, Sun Cable bắt đầu huy động vốn đầu tư để xây dựng dự án AAPowerLink bằng đầu tư vốn chủ sở hữu và vay nợ, cũng như nguồn quỹ tài trợ từ chính phủ Úc, CEO của Sun Cable David Griffin cho biết.

Việc xây dựng sẽ khởi công vào năm 2024, với kỳ vọng tạo ra 800MW điện năng cho Darwin sau đó hai năm và cung cấp 2GW điện cho Singapore, khi hệ thống đường dẫn ngầm vận hành hoàn chỉnh vào năm 2028.

Dự án điện năng nằm dọc Darwin, Úc. Ảnh: Courtesy of Sun Cable

“Dự án của Sun Cable cho thấy một cơ hội khổng lồ để Úc trở thành cường quốc xuất khẩu nguồn năng lượng tái tạo. Không một quốc gia nào khác trên thế giới có gió, ánh sáng mặt trời và nguồn nước như Úc. Mike Cannon-Brookes and Twiggy đã nhận ra, năng lượng tái tạo đem đến một cơ hội về kinh tế rất lớn,” Kane Thornton, CEO của Clean Energy Council đặt tại Melbourne cho rằng các tổ chức đang đại diện cho những công ty về năng lượng tái tạo.

Trong khi nguồn điện sản xuất từ Sun Cable được kỳ vọng cung cấp khoảng 15% nhu cầu điện năng mỗi năm tại Singapore vào năm 2028, quốc gia Đông Nam Á này có kế hoạch tăng gấp đôi nhập khẩu điện lên 4GW trong năm 2035, theo Sun Cable.

Điều này sẽ trợ giúp cho tham vọng của Singapore trở thành cường quốc về giao dịch năng lượng tái tạo và loại bỏ khí carbon trong khu vực, nhà đồng sáng lập của Sung Cable, Fraser Thomson cho biết trong thông cáo vào tháng 10.2021. Về dài hạn, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn để trở thành cái tên đi đầu trong giao dịch năng lượng tái tạo, tạo ra khoảng cách đáng kể với châu Âu về tái tạo và kết nối mạng lưới điện, Thompson cho biết.

Khoảng 12% sản lượng điện sản xuất bởi liên minh châu Âu đang được giao dịch giữa các quốc gia thành viên, ít hơn châu Á – Thái Bình Dương 0,3%, theo Sun Cable.

Trong hơn thập niên qua, Úc đã lắp đặt hơn 3 triệu hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và Clean Energy Council kỳ vọng con số này trong năm 2021 sẽ vượt qua kỷ lục 369.000 tấm của năm 2020. Úc có nhiều hệ thống năng lượng mặt trời hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với trung bình cứ 44 giây có 1 tấm được lắp đặt, theo Thornton.

Một trong những công ty được Grok Ventures tài trợ là Brighte, startup công nghệ tài chính hỗ trợ tài chính để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cho nhà ở tại Úc. Bằng việc cung cấp gói tài chính trả trước cho lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời áp mái, Brighte đang đẩy nhanh quá trình trung hòa khí carbon từ các căn nhà tại Úc, Cannon-Brookes cho biết.

Kể từ khi thành lập vào năm 2015, công ty đã giải ngân hơn 600 triệu đô-la Úc khoảng vay vốn cho hơn 75.000 hộ gia đình, theo trang web của Brighte. “Việc kinh doanh diễn ra rất tốt,” anh cho biết thêm.

Biểu đồ dự án điện năng trải dài từ Úc đến Singapore.

Trong khi Cannon-Brookes đã đầu tư vào hơn 20 startup, từ nhà sản xuất protein thay thế cho đến robot và năng lượng tái tạo, thương vụ thành công nhất cho đến nay là Atlassian. Đây là công ty phần mềm cho doanh nghiệp được anh và người bạn Scott Farquhar đồng sáng lập, sau khi cả hai cùng tốt nghiệp tại đại học New South Wales vào năm 2002.

Kể từ khi ra mắt thị trường tại New York vào năm 2015, giá cổ phiếu của Atlassian đã tăng gấp 20 lần, chạm ngưỡng cao nhất lịch sử 458 USD/cổ phiếu vào cuối tháng 10.2021, sau khi phần mềm quản lý dự án báo cáo doanh thu tăng 34%, lên 614 triệu USD trong quý 3.2021 (từ tháng 7-9.2021).

Giá cổ phiếu của Atlassian trong năm 2021 tăng thêm 50%, thúc đẩy giá trị vốn hóa lần đầu tiên vượt qua 100 tỉ USD vào tháng 10.2021. Qua đó, đưa giá trị của công ty vượt IBM. Cổ phần trong Atlassian giúp cho Cannon-Brookes sở hữu khối tài sản khổng lồ.

Công ty có khách hàng gồm NASA, Tesla và SpaceX, ghi nhận lợi nhuận hằng năm tăng trung bình hơn 35% kể từ khi bắt đầu giao dịch trên sàn Nasdaq, thúc đẩy từ nhu cầu dành cho nền tảng điện toán đám mây. “Trong hơn 2 thập kỷ qua, chúng tôi đã phát triển một cách ổn định và không có dấu hiệu chững lại,” Cannon-Brookes, hiện là đồng CEO của Atlassian cho biết.

Nếu thương vụ đầu tư xanh và quỹ từ thiện thành công, anh sẽ được biết đến hơn chỉ là một doanh nhân công nghệ thành công.

Biên dịch: Minh Tuấn