Nhà tài phiệt Ranjan Pai, hoạt động trong ngành giáo dục và chăm sóc sức khỏe Ấn Độ, đang tìm cách củng cố di sản của mình nhờ khoản tiền tỉ đô ông vừa thu được thời gian gần đây. Hoạt động đầu tư có tính toán vào các công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn liệu có phải là bước đầu tiên trong kế hoạch đó không?
Ranjan Pai vừa bỏ túi khoảng một tỉ đô la Mỹ tiền mặt khi bán 22% cổ phần của Manipal Health Enterprises, công ty chăm sóc sức khỏe hàng đầu thuộc tập đoàn Y tế và Giáo dục Manipal của ông (Manipal Education and Medical Group), cho quỹ đầu tư quốc gia Temasek Holdings của Singapore.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ lại 30% cổ phần trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ. Vị chủ tịch của Manipal cho biết động thái này xuất phát từ mong muốn giúp tập đoàn thoát khỏi nợ nần trước khi ông bước sang tuổi 50, sau nhiều thập niên dựa vào nguồn vốn và các thỏa thuận để xây dựng một trong những chuỗi bệnh viện lớn nhất của Ấn Độ.
Ông đã trả hết nợ – gần 400 triệu đô la Mỹ, để làm sạch bảng cân đối kế toán của tập đoàn – và giờ đang tìm cách tiêu phần còn lại của số tiền này.
Thông qua văn phòng quản lý tài sản gia đình mới thành lập mang tên Claypond Capital và một quỹ đầu tư thay thế, ông đang muốn triển khai số vốn hơn 300 triệu đô la Mỹ cho các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ và nước ngoài, cùng 300 triệu đô la Mỹ khác làm quỹ dự phòng cho các hoạt động kinh doanh hiện tại của ông trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo hiểm và nghiên cứu tế bào gốc.
“Tôi luôn muốn được tự do đầu tư như thế này,” Pai, 50 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền từ văn phòng trên tầng 15 của ông ở khách sạn JW Marriott tại Bangalore, nhìn ra công viên rợp bóng cây – một thế giới tách biệt hoàn toàn với những con đường tắc nghẽn giao thông khét tiếng của thành phố.
Hiện tại, một xu hướng lớn hơn đang diễn ra ở Ấn Độ. Các văn phòng quản lý tài sản gia đình ở Ấn Độ đua nhau đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (theo trang truyền thông Delhi Inc42, số lượng các văn phòng như vậy dự kiến tăng gấp năm lần lên 735 văn phòng trong bảy năm tới).
Nhưng Pai, người đã hỗ trợ các doanh nhân mới trong nhiều năm qua, nhận thấy có cơ hội khác biệt khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh đầu tư và mức định giá giảm mạnh. “Những người sáng lập có thể đã mắc một số sai lầm hoặc môi trường bên ngoài có thể đã sai sót. Vấn đề là liệu chúng ta có thể mang lại cho họ ‘nguồn vốn tự tin’ không?”
Theo công ty cung cấp và phân tích dữ liệu Venture Intelligence có trụ sở tại Chennai, hoạt động đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ đã giảm mạnh 66% xuống còn 16,2 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm 2023 so với năm trước. Đây là môi trường đặc biệt đầy thách thức đối với các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đang cần vốn để phát triển hoạt động kinh doanh.
Theo nền tảng dữ liệu Tracxn của Bangalore, trong sáu tháng đầu năm 2023, nguồn tài trợ sớm và giai đoạn đầu bị chậm lại, nhưng nguồn đầu tư ở giai đoạn sau mới phải chịu đòn nặng nề nhất, từ 137 thương vụ trên toàn quốc một năm trước giảm xuống còn 36 thương vụ.
Arun Natarajan, người sáng lập Venture Intelligence, nhận định: “Một người như ông ấy mang đến nguồn vốn dài hạn để định hướng và điều chỉnh sự phát triển, đây sẽ là đóng góp to lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Tôi chưa biết có bất kỳ nhà tài phiệt nào khác đầu tư với quy mô và mức độ cam kết như vậy.”
Bản thân Pai không xa lạ gì với việc gọi vốn. Ông bắt đầu khai thác vốn cổ phần tư nhân vào năm 2006 để phát triển hoạt động kinh doanh giáo dục và chăm sóc sức khỏe của gia đình mình.
Từ đó đến nay, ông đã huy động được 40 tỉ rupee (khoảng 481 triệu đô la Mỹ) từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Premji Invest của nhà tài phiệt ngành công nghệ Azim Premji (công ty hỗ trợ đơn vị giáo dục của Manipal), cũng như nhà quản lý tài sản toàn cầu TPG (đã rút khỏi mảng y tế của tập đoàn trong vòng gọi vốn hiện tại nhưng rồi tái đầu tư thông qua một quỹ khác).
Nhờ đó, ông có thể giúp tập đoàn của mình chuyển đổi sang quản lý tài sản chuyên nghiệp. Pai là người được săn đón nhiều trong giới đầu tư cổ phần tư nhân vì các nhà đầu tư của ông đạt được lợi nhuận cao sau khi thoái vốn, khoảng 20% hằng năm kể từ năm 2006. Ông đã gia nhập hàng ngũ tỉ phú cách đây một thập niên.
Ganesh Krishnan, người sáng lập nền tảng khởi nghiệp Ấn Độ GrowthStory, nơi ươm tạo các dự án kinh doanh mới và đã nhận được tài trợ từ Pai, cho biết: “Ông ấy không bị thúc đẩy bởi xu hướng FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ). Cách Pai kết hợp các thương vụ mua lại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho thấy sự hiểu biết sâu rộng của ông ấy về các mô hình kinh doanh.”
Đã hơn hai thập niên kể từ khi Pai trở thành giám đốc chuỗi bệnh viện được thành lập vào năm 1991. Cha ông, Ramdas Pai, khởi đầu hoạt động kinh doanh này bằng một bệnh viện 600 giường ở Bangalore.
Thông qua việc mua lại và xây dựng các dự án mới, Ranjan Pai đã mở rộng Manipal Health thành chuỗi gồm 29 bệnh viện, 8.300 giường trên 19 thành phố của Ấn Độ, đạt doanh thu 48 tỉ rupee (khoảng 577 triệu đô la Mỹ) trong năm tài chính 2023.
Ông cho biết, quá trình tăng trưởng đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ, họ đã hai lần nỗ lực tiếp quản thất bại khi mở rộng sự hiện diện của chuỗi này ở Bắc Ấn Độ ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, Pai cũng đạt thành tựu vào năm 2021 khi mua lại chi nhánh Ấn Độ của chuỗi bệnh viện Columbia Asia Hoa Kỳ với giá 21 tỉ rupee (hơn 252,5 triệu đô la Mỹ), bổ sung thêm 12 bệnh viện và 1.300 giường vào danh mục đầu tư của Manipal.
Thương vụ mua bệnh viện Vikram trị giá 3,5 tỉ rupee (khoảng 42 triệu đô la Mỹ) ngay sau đó đã cung cấp thêm 200 giường nữa.
Bước ngoặt xảy ra vào tháng 4.2023, khi Pai bán 22% cổ phần của Manipal Health cho Temasek, theo thỏa thuận định giá chuỗi này ở mức năm tỉ đô la Mỹ. Cổ phần của Pai trong công ty đã giảm xuống 30%.
Temasek chi ra tổng cộng hai tỉ đô la Mỹ để trở thành chủ sở hữu đa số của chuỗi với tỉ lệ nắm giữ 59%, bao gồm số cổ phần của Pai cộng với 18% cổ phần mà quỹ này đã sở hữu thông qua nền tảng chăm sóc sức khỏe Sheares và 19% mua từ TPG.
“Tôi không muốn mọi người nghĩ tôi sẽ từ bỏ dịch vụ chăm sóc sức khỏe,” Pai nói rõ. “Dĩ nhiên là chúng tôi đã thu lợi được một khoản. Nhưng tôi sẽ không bán rẻ nữa. Và tôi sẽ tiếp tục đầu tư để duy trì số cổ phần của mình.” (Sau thỏa thuận, giá trị tài sản ròng của Pai tăng gấp đôi lên mức ước tính 2,8 tỉ đô la Mỹ).
Thỏa thuận này cho phép Pai chuyển sự chú ý và nguồn vốn dự phòng của mình sang Claypond Capital, văn phòng quản lý tài sản gia đình mà ông thành lập vào đầu năm 2023.
Thông qua một quỹ đầu tư thay thế, ông sẽ tập trung cấp “vốn tự tin” cho các công ty khởi nghiệp Ấn Độ ở giai đoạn sau.
Ông thực hiện một khoản đầu tư vào tháng 8.2023, rót 2,5 tỉ rupee (hơn 30 triệu đô la Mỹ) cho doanh nghiệp Ấn Độ FirstCry, cửa hàng trực tuyến lớn nhất châu Á về sản phẩm dành cho bà bầu và trẻ em.
Hồi tháng 7.2023, ông cũng cam kết đầu tư 10 tỉ rupee (hơn 120,2 triệu đô la Mỹ) cho PharmEasy, công ty bán thuốc trực tuyến đang lao đao.
Được định giá 5,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, PharmEasy có trụ sở tại Mumbai rơi vào khó khăn do nợ nần và các thương vụ mua lại tốn kém. Pai từng đầu tư hai đợt năm 2015 và 2018 vào PharmEasy và thoái vốn hai năm trước.
Hiện ông đang tìm cách mua số cổ phần được chiết khấu mạnh với mức định giá sớm là 500 triệu đô la Mỹ.
Pai cũng đầu tư thông qua một văn phòng gia đình mà ông thành lập năm 2016 mang tên MEMG (Manipal Education and Medical Group).
Ông đã đầu tư 3,5 tỉ rupee (khoảng 42 triệu đô la Mỹ) vào 20 công ty khởi nghiệp, bao gồm nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi Kites Senior Care ở Bangalore và Meolaa, thị trường mua bán trực tuyến dành cho các thương hiệu bền vững.
Ngoài ra, Pai còn đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ vào gần 50 công ty khởi nghiệp thông qua Aarin Capital, quỹ 11 năm tuổi do ông cộng tác với cựu giám đốc tài chính của công ty CNTT Infosys, Mohandas Pai (hai người không phải họ hàng).
Quỹ này hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm công ty dược phẩm sinh học đặc biệt Vyome Therapeutics và chuỗi khách sạn bình dân FabHotels.
Theo Rajesh Moorti, giám đốc tài chính của tập đoàn Manipal Education and Medical, tỉ lệ hoàn vốn nội bộ của văn phòng quản lý tài sản gia đình MEMG và Aarin Capital cộng lại là hơn 20%.
Ganesh nhớ lại: “Khi thị trường đi xuống vào năm 2015, Pai là một trong hai nhà đầu tư đã đầu tư bắc cầu để cứu công ty thiết kế nội thất gia đình HomeLane mà tôi cũng tham gia đầu tư,” kéo doanh nghiệp đó ra khỏi tình trạng tài chính eo hẹp.
Công ty này nay được 9 năm tuổi, hoạt động tại 22 thành phố, đang có chỗ đứng vững chắc và đến thời điểm này đã thu hút được tổng đầu tư 110 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp khác được Pai hậu thuẫn đã gặp khó khăn do tỉ lệ thất bại cao trong ngành. Theo Tracxn, năm ngoái có hơn 2.400 công ty khởi nghiệp Ấn Độ phải đóng cửa, nhiều hơn gấp đôi so với năm trước.
“Tôi có năng lực chấp nhận rủi ro rất lớn,” Pai nói. “Tôi không biết điều đó tốt hay xấu nữa.”
Pai là con út trong gia đình có ba người con (hai chị gái của ông sống ở nước ngoài và không tham gia công việc kinh doanh của gia đình). Pai lớn lên ở thành phố Manipal trên bờ biển phía tây Ấn Độ, nơi ông nội của ông, T.M.A. Pai, thành lập trường y tư nhân đầu tiên của Ấn Độ mang tên Kasturba Medical College.
Giống như cha và ông nội mình, Pai theo học y khoa, tốt nghiệp tại Kasturba năm 1996. Nhưng hành nghề y chưa bao giờ là dự tính của ông. Ông hoàn thành chương trình học bổng về quản trị bệnh viện tại bệnh viện Nhi đồng ở Milwaukee, Wisconsin, sau đó làm việc sáu tháng tại công ty bảo hiểm y tế Cigna ở Chicago, trước khi theo lệnh của cha đến Malaysia để mở rộng hoạt động kinh doanh giáo dục của gia đình.
Năm 1979, cha ông tiếp quản trường y Kasturba và sau đó thành lập các cơ sở ở nước ngoài, bắt đầu ở Nepal vào đầu những năm 1990. Ranjan Pai đã được yêu cầu đến hỗ trợ thành lập một cơ sở của trường này ở Malaysia vào năm 2000 (sau đó ông đã mở rộng nhượng quyền thương mại sang Dubai và Antigua).
Cùng năm đó, Pai thành lập tập đoàn Manipal Education and Medical đăng ký tại Mauritius với 200 ngàn đô la Mỹ vốn ban đầu từ tiền tiết kiệm và vay mượn từ gia đình, bạn bè nhằm chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh giáo dục và bệnh viện đang tăng trưởng.
Ngày nay, danh mục đầu tư của tập đoàn bao gồm chuỗi bệnh viện, bốn cơ sở trường y, nền tảng học tập trực tuyến, công ty nghiên cứu tế bào gốc và nhà cung cấp bảo hiểm y tế.
Doanh thu đã tăng hơn gấp đôi trong bốn năm qua lên 74,3 tỉ rupee (gần 893,5 triệu đô la Mỹ) trong năm tài chính 2023, phần lớn nhờ sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe trực tuyến do đại dịch COVID-19 gây ra. (Inc42 cho biết giá trị của thị trường chăm sóc sức khỏe Ấn Độ dự kiến tăng gần gấp đôi, từ 367 tỉ đô la Mỹ lên 638 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.)
Năm 2017, cha ông nghỉ hưu, giao cho ông quyền điều hành và chức vụ chủ tịch tập đoàn. Pai tiếp tục mở rộng mảng giáo dục, Manipal Global Education Services, bao gồm UNext Learning, nền tảng edtech cung cấp 16 khóa học cấp bằng trực tuyến hợp tác với các trường đại học thuộc tập đoàn Manipal.
Số lượng sinh viên trực tuyến của trường đã tăng gần gấp đôi lên 50 ngàn trong năm qua. Đế chế của ông còn gồm cả công ty bảo hiểm sức khỏe ManipalCigna, cộng tác với tập đoàn Cigna có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông thành lập doanh nghiệp này vào năm 2018 khi mua 19,5% cổ phần, sau đó mua thêm 31,5% cổ phần khác vào tháng 6.2021 và tính đến nay đã đầu tư 8,5 tỉ rupee (khoảng 102,2 triệu đô la Mỹ) vào đây.
Nói về tám năm thua lỗ liên tiếp của doanh nghiệp, ông chia sẻ: “Công ty đang thua lỗ và cần phát triển quy mô nên chi phí cao. Nhưng đây là kế hoạch phát triển kéo dài 20 năm. Có những thách thức liên quan đến tỉ lệ yêu cầu bồi thường và giá cả. Chúng tôi luôn kiên định rằng mình sẽ theo đuổi mục tiêu lâu dài.”
Có hai cô con gái nhỏ, suy nghĩ của Pai luôn hướng về di sản của gia đình. Ông nói: “Sở hữu 30–40% cổ phần trong năm hoặc sáu công ty lớn đang vận hành tốt và quản trị doanh nghiệp tốt là đủ rồi. Đầu tư nhỏ hơn giúp bạn trung thực và có trách nhiệm chung. Tất cả những gì chúng tôi đang làm bây giờ là khiêm tốn và vận hành thật tốt.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43