Khi ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, nhiều quốc gia lo ngại về chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Ví dụ gây ra sự méo mó thương mại toàn cầu, gián đoạn dòng chảy đầu tư và giảm tăng trưởng.
Ông Trump nhiều lần đề cập sẽ tăng thuế từ 10% đến 20% với mọi hàng hóa nhập khẩu. Riêng hàng từ Trung Quốc là 60%.
Tuy nhiên với nền kinh tế số 3 châu Á là Ấn Độ, chuyên gia Rahul Mazumdar viết trên Nikkei Asia rằng, dưới thời ông Trump nhiệm kỳ 2, quan hệ kinh tế song phương sẽ được mở rộng và củng cố.
Dưới thời Tổng thống Obama, kim ngạch nhập khẩu hàng Ấn Độ vào Hoa Kỳ bắt đầu tăng, từ 22 tỉ đô la năm 2009 lên 48 tỉ năm 2016. Thời ông Trump con số tiếp tục đi lên, thậm chí đạt mức lịch sử, chiếm 2,8% tổng kim ngạch, bất chấp gián đoạn do đại dịch.
Khó khăn trong việc thay thế hàng xuất khẩu của Ấn Độ, cũng như vai trò quan trọng đối với kinh tế Hoa Kỳ, có thể làm giảm căng thẳng. Mối quan hệ gần gũi giữa ông Trump và Thủ tướng Narendra Modi, được cho cũng có thể giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ sẽ khó khăn hơn. Ông Walter Ladwig, giáo sư trường King’s College London cho rằng, chính quyền mới ở Mỹ sẽ phản đối chuyển họat động sản xuất ra nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.
Năm 2023, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hai nước có mối quan hệ thương mại hiệu quả, liên quan tới chi phí phù hợp, chất lượng cao và độ tin cậy được xây dựng trong thời gian dài.
Từ khi Trung Quốc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, họ đã dần khẳng định vai trò trong hệ thống thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, hạn chế thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đã giúp Ấn Độ hưởng lợi.
Tầm quan trọng đặc biệt của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, được cho càng củng cố thêm quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Ấn Độ. Thời gian gần đây, xuất khẩu của Ấn Độ sang Hoa Kỳ tăng mạnh các sản phẩm công nghệ thấp đến trung bình và cao. Tất cả góp phần tạo nên sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào chuỗi cung ứng từ quốc gia Nam Á. Đáng chú ý, những mặt hàng có giá trị cao như ngọc trai và kim cương, hiện chiếm gần 28% hàng Ấn Độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ông Trump muốn tăng thuế với mọi hàng nhập khẩu, nhưng làm vậy có thể khiến lạm phát mất kiểm soát, nên khả năng cao ông khó thực hiện quyết liệt. Là người ưa đàm phán, ông thích ký các thỏa thuận song phương. Nhà Trắng khả năng cao sẽ muốn Ấn Độ mở cửa nhiều hơn cho thương hiệu bán lẻ từ Hoa Kỳ, cũng như đảm bảo hỗ trợ pháp lý cho dự án internet Starlink của tỉ phú Elon Musk.
Nhìn kỹ hơn về danh mục, từ 2009 đến 2023, hàng xuất khẩu từ Ấn Độ sang Hoa Kỳ như máy móc và thiết bị điện tăng 17%, dược phẩm tăng 20%, khoáng sản tăng 16%, chất hữu cơ tăng 10%, xe cộ và phụ tùng tăng 11%. Nhìn chung, giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Ấn Độ tăng bốn lần trong giai đoạn trên. Đáng chú ý, tháng 5.2019, ông Trump đã chấm dứt quyền tiếp cận miễn thuế của Ấn Độ theo hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP). Tổng thống Biden sau đó không đảo ngược điều này.
Lập trường cứng rắn của ông Trump về Trung Quốc, có thể tạo cơ hội cho ngành sản xuất của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đứng trước viễn cảnh dần trở thành chuỗi cung ứng quan trọng trong hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa toàn cầu. Ngoài ra, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chiến lược vì khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như hai nước nhấn mạnh đến hợp tác công nghệ cao, nên gần như chắc chắn Hoa Kỳ vẫn ưu tiên nhập khẩu sản phẩm công nghệ từ Ấn Độ.
Theo chuyên gia Rahul, khi hai nền kinh tế đều muốn tăng tốc sau đại dịch với xu hướng bảo hộ mạnh mẽ, điều quan trọng là tăng cường đối thoại dựa trên niềm tin cũng như lợi ích chung. Điều đó không chỉ đảm bảo sự thịnh vượng cho cả hai, mà cả sự ổn định ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Biên dịch: Văn Phong
1 năm trước
Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường1 năm trước
Rắc rối của tỉ phú Donald Trump5 tháng trước
Công ty thương mại điện tử Zepto tăng số lượng kho hàng