Việc ủng hộ và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ không thể không nhắc đến vai trò của giáo dục.
Có rất nhiều thách thức mà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt trong kinh doanh. Các nữ doanh nhân lại càng phải nỗ lực nhiều hơn để có thể đảm đương nhiều vai trò. Sâu sát, nhiệt huyết và bản lĩnh là những chìa khóa then chốt để những nữ doanh nhân thiết lập dấu ấn riêng cho doanh nghiệp mình và nỗ lực liên tục để thúc đẩy sự tiến bộ và cơ hội phát triển. Hãy cùng nhìn lại những hướng đi táo bạo, riêng biệt mà các nữ doanh nhân đã chia sẻ cùng Women’s Summit 2024 – Những người tạo thay đổi, do Forbes Việt Nam tổ chức vào ngày 7.11.2024.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc nâng tỉ lệ nữ sinh theo học đại học. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết tỉ lệ nữ sinh theo học đại học của Việt Nam đã tăng đều đặn trong gần hai thập niên. Ví dụ, năm 2006, tỉ lệ nữ sinh theo học đại học ở Việt Nam đạt 48%. Đến đầu năm học 2019–2020, tỉ lệ này đã tăng lên gần 55%.
Theo Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới do tạp chí Times Higher Education công bố, Việt Nam có bốn trường nằm trong danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Ở cả bốn trường này, tỉ lệ nữ sinh cao hơn tỉ lệ nam sinh. Trong đó có Đại học Fulbright Việt Nam, có tỉ lệ nữ sinh chiếm 2/3.
Những con số trên cho thấy Việt Nam đạt những bước tiến lớn về bình đẳng giới, một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên Hiệp Quốc công bố năm 2015.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải thừa nhận rằng còn nhiều việc phải làm. Một số rào cản vẫn đang cản trở sự tiến bộ của phụ nữ – cả trong giáo dục đại học và lực lượng lao động. Hãy nhìn vào lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tính đến năm 2024, tỉ lệ nữ sinh tốt nghiệp khối ngành STEM ở Việt Nam chỉ đạt 36,5%. Tỉ lệ này cần được nâng cao hơn nữa do sự cạnh tranh về công nghệ tiên tiến đang nóng lên trên khắp thế giới.
Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng báo cáo rằng Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất trên thế giới, với 70%. Nhưng kể từ năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao, cấp trung chỉ chiếm hơn 17%. Chúng ta cần nâng cao tỉ lệ này.
Tôi tin rằng phụ nữ Việt Nam có thể và sẽ vượt qua mọi rào cản còn ở phía trước. Một nghiên cứu của hai học giả Việt Nam cho biết một số yếu tố chính thúc đẩy các nhà lãnh đạo nữ Việt Nam phát triển con đường sự nghiệp của họ, đó là nhờ sự hỗ trợ liên tục của gia đình và người cố vấn cũng như thái độ cầu tiến tại nơi làm việc.
Khi một người phụ nữ trẻ có người cố vấn chia sẻ kinh nghiệm thì họ sẽ phát triển bản thân tốt hơn. Nhờ người cố vấn, họ có được hệ thống hỗ trợ và một mạng lưới quan hệ thực tế. Hơn nữa, người cố vấn không chỉ giúp tạo dựng niềm tin với mạng lưới hỗ trợ này mà còn nâng cao khả năng kiên cường cho phụ nữ, phát huy tiềm năng sẵn có của họ.
Điều thứ hai tôi muốn nói là giáo dục không chỉ dạy và học mà đó là sự trao quyền. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có học vấn được trang bị tốt hơn để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng của họ. Họ trở thành những hình mẫu truyền cảm hứng cho những phụ nữ trẻ khác dám mơ ước và tự tin theo đuổi không chỉ con đường học thuật mà còn cả sự nghiệp.
Thực tế, để trở thành người tiên phong và tạo ra sự thay đổi đòi hỏi con người phải có khả năng vượt qua các hoàn cảnh xã hội và bối cảnh văn hóa phức tạp. Và giáo dục nuôi dưỡng khả năng kiên cường cho phụ nữ. Tại đại học, phụ nữ được dạy cách quản lý thời gian, nguồn lực và căng thẳng – tất cả đều là sự chuẩn bị tuyệt vời để vượt qua những thách thức khi đảm nhận vai trò lãnh đạo trong tương lai. Điều này rất quan trọng, đặc biệt khi những kỳ vọng của xã hội đối với phụ nữ đôi khi có thể hạn chế sự lựa chọn và tiềm năng của họ. Vì thế, nhờ có giáo dục, phụ nữ phát triển sự tự tin để vượt qua những hạn chế đó. Họ có thể đóng góp tại nơi làm việc và nền kinh tế nói chung.
Chúng ta không chỉ cần hỗ trợ phụ nữ tiếp cận giáo dục đại học mà còn tạo ra môi trường học thuật hòa nhập cho phép họ phát triển. Các trường đại học có thể đưa ra thêm chính sách thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách thừa nhận những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và thúc đẩy văn hóa cố vấn.
Tóm lại, những thành tựu mà phụ nữ Việt Nam đạt được trong thế kỷ 21 không thể phủ nhận. Thách thức hiện nay là làm sao duy trì và phát huy tiến bộ này để các thế hệ phụ nữ tương lai có thể thành công nhiều hơn. Phụ nữ được trao quyền thông qua giáo dục có thể thúc đẩy sự thay đổi trong cộng đồng, đóng góp một cách có ý nghĩa vào tăng trưởng kinh tế và giúp tạo ra một xã hội, nơi tất cả các thành viên – không phân biệt giới tính – nhận ra tiềm năng của bản thân.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hằng là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead tại Đại học Columbia