Các chuyên gia trong phiên thảo luận “Thị trường cổ phiếu: Đãi cát tìm vàng” lưu ý các nhà đầu tư cần chú trọng vào yếu tố cơ bản là lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, nội tại kinh doanh của doanh nghiệp năm 2022 mới là điểm tựa để tăng trưởng lợi nhuận giữ đà tích cực trên 20% của năm 2021.
Các chuyên gia Lê Anh Tuấn – giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital (DCVFM), Lê Chí Phúc – tổng giám đốc SGI, Lã Giang Trung – CEO Passion Investment cùng trả lời câu hỏi nên xây dựng danh mục cổ phiếu tấn công hay phòng phủ, cổ phiếu nào sẽ vượt trội trong năm 2022 trước tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo các con sóng ngành và diễn biến thị trường trở nên khó đoán với ngay cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Các chuyên gia trong phiên thảo luận đề cập đến khả năng cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ mạnh tay hơn trong việc kìm chế lạm phát, điều này có thể khiến thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam tiếp tục đi xuống.
Ông Lê Chí Phúc cho rằng dự báo về xu hướng và chu kỳ kinh tế vĩ mô là thách thức lớn ngay cả với các chuyên gia tầm cỡ thế giới. Hai kịch bản ông Phúc đưa ra từ góc nhìn của giới chuyên gia: Thứ nhất cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang ở chu kỳ tăng trưởng quá nóng, Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng cố gắng không gây suy thoái, theo đó sự đi xuống của kênh tài sản sẽ “ở mức vừa phải”. Với kịch bản này, chứng khoán Việt Nam vẫn ở trong vùng hấp dẫn để đầu tư.
Kịch bản thứ hai cho rằng nền kinh tế sẽ đi xuống nhanh hơn so với Fed kỳ vọng, sẽ khiến thị trường chứng khoán Mỹ suy giảm sâu thêm 10%, tác động tiêu cực đến thị trường thế giới và Việt Nam. “Dù ở kịch bản nào, các nhà đầu tư không nên để trọng số vào các phán đoán mà cần dựa vào sự hiểu biết sâu sắc đối với doanh nghiệp và ngành nghề để đưa ra quyết định đầu tư,” ông Phúc khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của chuyên gia Lê Anh Tuấn, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro và mục đích khác nhau, điều quan trọng của những nhà đầu tư không chuyên nghiệp là “kiểm soát cảm xúc và điều chuyển vốn dựa vào lý trí”.
Bàn về mối quan tâm của nhà đầu tư và xu hướng của dòng tiền, ông Lã Giang Trung lưu ý, nhìn lại dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán năm 2021 có thể thấy nghịch lý giữa tăng trưởng tín dụng và GDP. Trong khi tín dụng tăng nóng thì GDP tăng trưởng rất thấp. “Vì vậy dòng tiền hiện đang được định hướng lại bởi chính sách tiền tệ để hướng tới những khu vực kinh tế mang lại tăng trưởng GDP tốt hơn,” theo ông Trung.
Tương tự, theo ông Lê Chí Phúc, lúc thị trường chứng khoán ở giai đoạn “nóng”, nhà đầu tư mua bán mạnh đẩy thanh khoản lên cao gấp 2-3 lần giai đoạn thấp điểm. Hiện tại đang là nhịp điều chỉnh của thị trường và hệ số vay nợ (margin) tương ứng giảm mạnh, nhà đầu tư không còn hoạt động sôi nổi.
Hành vi đầu tư là yếu tố cần lưu ý khi đề cập đến thanh khoản, nhất là khi các hiệu ứng tin xấu trên toàn thế giới ảnh hưởng nặng tới tâm lý nhà đầu tư. Theo ông Phúc, năm 2022 sẽ có những thời điểm thanh khoản tăng trở lại, thậm chí gấp đôi hiện tại khi có tin tốt và nhu cầu tái đầu tư xuất hiện.
Tuy nhiên cần lưu ý tỷ lệ margin giảm hiện tại chỉ mang tính tạm thời chứ chưa phải là động lực giúp thị trường giảm tính đầu cơ và trở nên lành mạnh hơn. “Sự cải thiện và lành mạnh hóa của thị trường cần một quá trình dài 5-10 năm,” ông khẳng định.
Bàn về vai trò của khối đầu tư ngoại, chuyên gia Lê Anh Tuấn cho rằng xu hướng bán ròng vẫn tiếp diễn kể từ năm 2018 sau quãng mua ròng trước đó. Điều tích cực cho thấy trên thị trường là khối nhà đầu tư trong nước hiện không còn quá e sợ trước khối đầu tư ngoại như trước đây, điển hình là việc thị trường đã nhanh chóng hấp thụ 4-5 tỉ USD mà khối ngoại bán ra trong vòng bốn năm qua.
“Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá nhỏ, dễ chịu ảnh hưởng bởi những dòng tiền lớn từ bên ngoài, lưu ý là trong khoảng ba năm tới dòng tiền từ khối ngoại vào thị trường sẽ tăng,” ông Tuấn lưu ý.
Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam đã đến thời điểm hấp dẫn? Ông Lã Giang Trung chỉ ra tương quan giữa tăng trưởng GDP và VN-Index. Trong khi GDP tăng trưởng thiếu tích cực thì kể năm từ 2019 đến nay VN-Index tăng mạnh, việc điều chỉnh của thị trường là bình thường sau khi đã tăng quá nóng.
Ông Tuấn cho rằng thị trường thời gian qua tăng trưởng nóng và sau đó sụt giảm mạnh bởi nhóm nhà đầu tư mới gia nhập (F0) mạnh mẽ, họ chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc cao hơn là quyết định lý tính và dòng tiền của họ trở thành động lực dẫn dắt thị trường.
Về lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên sàn, ông Lê Chí Phúc cho rằng nội tại doanh nghiệp trong năm 2022 sẽ điểm tựa để tăng trưởng lợi nhuận giữ đà tích cực trên 20% của năm 2021. Một yếu tố ông Phúc lưu ý là các công ty chứng khoán cần minh bạch thông tin giao dịch, cần các chính sách cần thiết để tăng độ công bằng và tạo ra sự tiến bộ cho thị trường.
———————————
Xem thêm:
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị đầu tư 2022
Hội nghị đầu tư 2022: Đồng tiền thông minh
Diễn đàn Kinh doanh 2021: Hướng tới tương lai
Forbes Vietnam số 105: Đi tìm kỳ lân kế tiếp
Danh sách 20 nữ quản lý chuyên nghiệp
Danh sách Under30 Việt Nam năm 2022