multi-media / Megastory

Thế hệ kế thừa dang rộng cánh cho Thomson Medical

Kiat, con trai tỉ phú Peter Lim, dẫn dắt quá trình đấu thầu của Thomson Medical mua lại bệnh viện FV ở Việt Nam.

Kiat Lim là truyền nhân thế hệ tiếp theo của Peter Lim. Thương vụ do anh thực hiện hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi cho tập đoàn Thomson Medical của gia đình – giúp tập đoàn mở rộng từ cơ sở ở Singapore và Malaysia thành doanh nghiệp khu vực.

Hồi tháng 7.2023, tập đoàn này tuyên bố mua lại nhà điều hành bệnh viện Việt Nam Far East Medical Vietnam (FEMV) với giá lên tới 381 triệu đô la Mỹ. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Đông Nam Á kể từ năm 2020.

FEMV sở hữu nhiều cơ sở bao gồm bệnh viện FV ở TP.HCM, với 200 giường cung cấp 30 dịch vụ chuyên khoa y tế như ung thư, tim mạch và nhãn khoa. Bệnh viện này phục vụ bệnh nhân ở Việt Nam và Campuchia, có lợi nhuận ròng tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 11,7 triệu đô la Mỹ.

Thomson mua công ty tư nhân này từ Quadria Capital, công ty cổ phần tư nhân đặt tại Singapore, cùng nhóm bác sĩ người Pháp do người sáng lập kiêm CEO bệnh viện FV Jean-Marcel Guillon đứng đầu. Thỏa thuận với Guillon được ký kết tại văn phòng ở Singapore của công ty RSP Architects Planners and Engineers thuộc sở hữu của gia đình Lim. “Chúng tôi bắt tay nhau trong bữa cơm gà,” Lim, 30 tuổi, kể lại.

Lim cho biết, kế hoạch mua lại này sẽ mang đến cho Thomson lợi thế mà họ đang tìm kiếm: hướng mở rộng đáng kể tại một trong những nền kinh tế và thị trường chăm sóc sức khỏe đang phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Lim cũng đã phát triển mối quan hệ tốt với CEO Guillon của bệnh viện FV: ông đồng ý ở lại làm việc trong vài năm sau khi thỏa thuận kết thúc.

Cha con Peter Lim và Kiat.

Lim tự tin rằng bệnh viện FV sẽ trở thành một phần của Thomson Medical từ đầu năm 2024. “Nếu không có những tình huống không lường trước được, thì chúng tôi sẽ hoàn tất thương vụ vào cuối năm nay,” anh cho biết qua email.

Thương vụ mua lại này cho phép Lim tiếp bước người cha tỉ phú Peter Lim – nhà cựu môi giới chứng khoán đã rót 1,5 tỉ đô la Mỹ từ cổ phần của doanh nghiệp dầu cọ khổng lồ Wilmar vào danh mục đầu tư trị giá hàng tỉ đô la Mỹ gồm giáo dục, y tế, bất động sản và thể thao, trong đó có đội bóng đá Tây Ban Nha Valencia CF.

Peter Lim đã mua Thomson Medical Centre, bệnh viện chuyên khoa sản nhi Singapore, với giá khoảng 396 triệu đô la Mỹ vào năm 2011 và mở rộng sang Malaysia trong cùng năm khi mua lại cổ phần của TMC Life Sciences có trụ sở tại Kuala Lumpur.

Vào tháng 9.2022, Kiat Lim đảm nhận vị trí phó chủ tịch điều hành của công ty chăm sóc sức khỏe đã niêm yết này – nay đã đổi tên thành Thomson Medical Group.

Giờ đây, Kiat Lim đang xử lý thương vụ mua lại bệnh viện FV. Giao dịch này đã nhận được sự chấp thuận của cổ đông.

Gia đình Lim nắm giữ 90% cổ phần của Thomson Medical và thương vụ được phê duyệt vào tháng chín với 99,99% phiếu đồng ý. Hiện họ đang đợi các nhà chức trách Việt Nam xem xét và thông qua thỏa thuận này (chưa có thông tin gì về thời điểm đưa ra quyết định).

Việc huy động nguồn tài trợ để hoàn thành thương vụ cũng đang được cân nhắc. Với mức giá tầm 517 triệu đô la Singapore (gần 379 triệu đô la Mỹ), thương vụ mua lại này chiếm khoảng 1/3 vốn hóa thị trường hiện tại của công ty, 1,5 tỉ đô la Singapore (gần 1,1 tỉ đô la Mỹ) tính đến đầu tháng 10.2023.

Nói cách khác, đây là một thương vụ tiêu tốn khá nhiều. Trong thông cáo báo chí đưa ra hồi tháng bảy, công ty cho biết việc mua bán sẽ được tài trợ bằng “nguồn lực nội bộ và các khoản vay bên ngoài.”

Saurabh Gupta, giám đốc điều hành tại Singapore, đồng thời là người đứng đầu bộ phận tư vấn và ngân hàng đầu tư của Maybank Securities, người đã tư vấn cho Thomson Medical về thương vụ này, cho biết tất cả đều ổn. Trong một email không cung cấp thêm thông tin chi tiết, ông khẳng định “tất cả nguồn tài chính cần thiết để hoàn tất giao dịch đều đã sẵn sàng.” Lim cũng cho biết qua email rằng nguồn tài chính “đã được đảm bảo.”

Công ty vẫn chưa công khai ngân hàng (hoặc các ngân hàng) nào sẽ thu xếp việc cấp vốn, càng chưa nói đến các điều khoản. Các nhà phân tích tín dụng rất tò mò muốn xem việc cấp vốn sẽ được cấu trúc như thế nào.

Trong thông báo gửi tới các cổ đông vào tháng chín, Thomson Medical cho biết họ sẽ thanh toán cho bệnh viện FV bằng tiền mặt – tập đoàn có khoảng 210,4 triệu đô la Mỹ trên bảng cân đối kế toán tính đến ngày 30.6.2023 – và các khoản vay.

Họ cũng đã huy động được khoảng 110 triệu đô la Mỹ từ bán trái phiếu kỳ hạn năm năm với lãi suất 5,5% trong tháng năm và tháng bảy theo chương trình phát hành nợ đa tiền tệ trị giá khoảng 733,1 triệu đô la Mỹ.

Nếu Thomson Medical sử dụng toàn bộ tiền mặt cộng với khoảng 110 triệu đô la Mỹ từ đợt phát hành trái phiếu gần đây để mua lại bệnh viện FV, công ty sẽ chỉ cần vay khoảng 58,6 triệu đô la Mỹ, do đó sẽ không tăng nợ nhiều vào thời điểm lãi suất cao. Nhưng rất khó có khả năng họ sẽ sử dụng toàn bộ khoản tiền mặt.

Thomson Medical hiện đang mắc khoản nợ khá lớn. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6.2023, tổng số tiền vay đã tăng lên khoảng 548,5 triệu đô la Mỹ từ mức khoảng 461,2 triệu đô la Mỹ. Một phần nguyên nhân là số giường bệnh ở Kuala Lumpur tăng từ 254 lên 554 giường.

Nhà phân tích tín dụng Wong Di Ming tại Singapore của iFAST Financial cho biết thương vụ mua lại FEMV ở Việt Nam của Thomson Medical có thể khiến tình hình tài chính của công ty rơi vào căng thẳng trong ngắn hạn. Theo dữ liệu của Bloomberg, công ty có tỉ lệ đòn bẩy thuộc vào hàng cao nhất trong số các nhà điều hành bệnh viện niêm yết công khai lớn nhất (theo vốn hóa thị trường) ở Đông Nam Á.

Lim không tỏ ra lo ngại nhiều về khoản nợ của công ty, nhấn mạnh rằng thương vụ mua lại sẽ tăng doanh thu và dòng tiền của tập đoàn sẽ hỗ trợ các dự án. “Chúng tôi đâu thể ngồi chờ may mắn, nên khi nhìn thấy cơ hội này, chúng tôi phải nắm ngay,” Lim nói.

Anh cũng cho biết thêm tiềm năng phát triển của bệnh viện FV rất lớn, đặc biệt là khi tòa nhà y tế bảy tầng hoàn thành vào năm 2025. Tòa nhà y tế mới sẽ có các cơ sở điều trị ung thư tiên tiến và đơn vị cấy ghép tủy xương, cùng các dịch vụ chăm sóc chuyên khoa mới như điều trị lọc máu và thụ tinh trong ống nghiệm.

Cổ phiếu của Thomson Medical đã giảm khoảng 10% kể từ khi thương vụ tại Việt Nam được công bố vào tháng bảy do lo ngại về gánh nặng nợ ngày càng tăng trong bối cảnh lãi suất cao, trong khi thị trường chứng khoán suy giảm.

Các nhà đầu tư cũng đang đợi xem công ty sẽ khôi phục cổ phiếu trôi nổi như thế nào sau khi cổ phiếu do cổ đông đại chúng nắm giữ giảm xuống 9,98% trong tháng chín. Sàn giao dịch Singapore cho công ty thời hạn đến ngày 10.12 để tăng tỉ lệ thả nổi tự do trên ngưỡng 10% bắt buộc.

Giả sử thỏa thuận đã được hoàn tất vào năm tài chính kết thúc vào tháng 6.2024, Thomson Medical ước tính đóng góp từ Việt Nam có thể tăng doanh thu của công ty thêm 33% lên khoảng 325,5 triệu đô la Mỹ, trong đó bệnh viện FV chiếm 25% tổng thu, cao hơn mức 18% của Malaysia và gần bằng một nửa mức đóng góp 57% của Singapore.

Ewan Davis, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại Quadria Capital, cũng tin rằng bệnh viện FV có triển vọng tăng trưởng đáng kể. Ông nói: “Nếu chúng tôi không có nhu cầu hoàn lại vốn cho các nhà đầu tư của mình thì chúng tôi muốn tiếp tục đầu tư.” (Các quỹ cổ phần tư nhân thường thoái vốn trong vòng năm năm và hoàn vốn cho nhà đầu tư của họ). Davis cho biết, “ngành chăm sóc sức khỏe của khu vực sẽ có sự tăng trưởng bền vững trong hai thập niên tới.”

Kiat Lim, phó chủ tịch điều hành tập đoàn Thomson Medical Group.

Lim tìm ra thỏa thuận này một cách tình cờ. “Thực ra chúng tôi đang xem xét các bệnh viện khác ở Việt Nam, nhưng mọi người ở những bệnh viện đó cứ nói về bệnh viện FV nên chúng tôi quyết định xem xét bệnh viện FV,” Lim nhớ lại. Thời điểm cũng thật thích hợp: Quadria Capital, cổ đông kiểm soát của bệnh viện FV, đã chào bán tài sản cho khoảng 20 người mua tiềm năng khi Thomson Medical tìm đến họ.

Guillon cho biết sự hợp tác giữa bệnh viện FV và tập đoàn Thomson Medical là khởi đầu cho hành trình dài hạn nhằm đưa bệnh viện FV bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo tại Việt Nam.

Ông nói: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là phải phát triển đúng hướng trong giai đoạn tiếp theo, đó là lý do tôi tiếp tục cùng đội ngũ quản lý của mình đầu tư vào mối quan hệ này. Chúng tôi có sự ăn ý tuyệt vời với đội ngũ của Thomson, nhờ đó tạo ra nền tảng phù hợp để chúng tôi xây dựng những thứ lớn hơn và tốt hơn.”

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không phải sở trường ban đầu của Lim. Kể từ khi tốt nghiệp đại học New South Wales ở Sydney vào năm 2017, Lim đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong doanh nghiệp của cha mình.

Ở Sydney, anh bắt đầu học tài chính nhưng nhanh chóng chuyển sang tâm lý học để giúp anh vun đắp những mối quan hệ rất quan trọng trong việc xây dựng và quản lý các dự án kinh doanh của gia đình. Lim nói: “Chúng ta luôn có thể nhờ người khác xử lý các con số, nhưng những điều tôi học được về tâm lý học sẽ rất hữu ích khi đàm phán các giao dịch.”

Dành chiến thắng trong việc mua lại bệnh viện FV được xem là cuộc “đảo chính” đối với Lim và đồng nghiệp Melvin Heng, người gia nhập Thomson Medical trong vai trò CEO tập đoàn vào tháng 12.2022 sau khi rời bệnh viện đối thủ Gleneagles, một trong bốn bệnh viện thuộc sở hữu của IHH Healthcare Malaysia tại Singapore.

Cả hai bắt đầu tìm kiếm các cơ hội ở Việt Nam. Lim nhìn nhận quốc gia này là nền kinh tế sôi động sau những chuyến đi đến Việt Nam để thị sát các dự án mà RSP đang thực hiện.

Lim kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trụ cột tăng trưởng thứ ba của Thomson Medical, giúp tập đoàn tăng phạm vi và quy mô khi tiếp tục mở rộng hoạt động hiện có. TMC Life Sciences chịu sự quản lý của Nadiah Wan, người từng là thành viên danh sách Nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2021 của Forbes Asia.

Dưới sự lãnh đạo của Wan, công ty mở rộng bệnh viện ở Kuala Lumpur trong những năm gần đây và có kế hoạch xây dựng một trung tâm y tế tích hợp, bao gồm cơ sở đào tạo và nhà ở cho nhân viên y tế, trên khu đất rộng 9,2 héc ta ở vùng Iskandar, phía bắc Singapore.

Mặc dù TMC đã mua bất động sản này cách đây tám năm nhưng vẫn chưa khởi công xây dựng và Lim cho biết công ty đang xem xét lại dự án sau đại dịch. Tập đoàn đặt mục tiêu hoàn thành bệnh viện Iskandar trong vòng hai năm kể từ khi hệ thống đường sắt cao tốc nối Johor Bahru của Malaysia với Singapore hoàn thành, đồng thời xem xét các cơ hội ở các nước Đông Nam Á khác. Lim cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tập trung vào mở rộng và tăng trưởng, vì vậy các chiến lược sẽ được điều chỉnh để tối đa hóa việc tạo ra giá trị.”

Về lâu dài, Thomson Medical được hưởng lợi từ nhu cầu bùng nổ đối với dịch vụ y tế khi dân số trong khu vực già đi và trở nên giàu có hơn, theo Alex Boulton, người đứng đầu mảng chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống Đông Nam Á tại Singapore của công ty tư vấn Bain.

Ông nói: “Bệnh viện là một trong những lĩnh vực thực sự có thể tồn tại lâu dài.” Hai tháng sau khi Thomson Medical công bố mua lại bệnh viện FV, Raffles Medical – do nhà tài phiệt Singapore Loo Choon Yong kiểm soát – đã mua phần lớn cổ phần của bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), một bệnh viện nhỏ hơn ở TP.HCM được định giá 46 triệu đô la Mỹ.

Peter Lim tự tin rằng người thừa kế của ông sẽ làm những gì cần thiết để biến công ty thành một tập đoàn chăm sóc sức khỏe toàn châu Á. “Kiat chăm chỉ và hi vọng có khả năng biến mọi việc thành hiện thực,” người cha 70 tuổi cho biết qua email. “Hiện giờ con tôi có lợi thế vì vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm từ tôi.” Ông Lim có tài sản ròng ước tính khoảng hai tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 23 trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore.

Nhận thức được rằng mình còn cần phải cố gắng rất nhiều để theo kịp cha mình, Kiat không để những thành tích của cha gây áp lực không cần thiết lên anh, không đặt mục tiêu đạt lợi nhuận tương đương. “Tôi không thể đặt kỳ vọng tương tự cho bản thân mình,” Lim nói.

“Nếu không tôi sẽ phát điên mất.” Với nỗ lực làm việc chăm chỉ và chiến lược đúng đắn, Lim hi vọng vốn hóa thị trường của Thomson Medical có thể tăng gấp đôi lên khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ trong năm năm tới. “Ít nhất phải đạt đến mức đó, nếu không thì tôi sẽ không hài lòng với mình.”

Bản vẽ thiết kế của khu phức hợp bệnh viện FV, bao gồm tòa nhà y tế bảy tầng hiện đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

—————————————–

Biên dịch: Quỳnh Anh