Blockchain

Thế giới nghệ thuật nghi ngờ khi Meta dự định tích hợp NFT vào nền tảng

Share
this:

Meta lại gặp thêm rắc rối với kế hoạch tích hợp công nghệ mới, khi vướng phải sự nghi ngờ và mất đi niềm tin từ nghệ sĩ NFT.

Serwah Attafuah đã ngưng sử dụng Meta. Cô là họa sĩ người Úc, tạo ra những tác phẩm NFT trừu tượng theo phong cách Vị lai châu Phi (Afro-futurism) với hơn 20.000 người theo dõi trên Instagram, công ty con của Meta.

Theo Serwah Attafuah, nền tảng từng giúp cô tạo ra cộng đồng để bán tác phẩm và tăng lượng khán giả đã thay đổi. Lừa đảo, lo ngại về dữ liệu riêng tư và vi phạm bản quyền tác phẩm trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật và gần đây cô đã ít tương tác hơn trên Instagram.

Meta có kế hoạch tiến sâu vào thế giới Internet nghệ thuật được gọi là NFT. Tuy vậy, Attafuah lại không hứng thú với khả năng thương mại trên Facebook (công ty con khác của Meta), với gần 3 tỉ người dùng toàn cầu. “Thú thật, tôi không thực sự tin vào bất kỳ nền tảng này.” cô cho biết.

Những nghệ sĩ NFT được Forbes liên hệ trên toàn thế giới đồng tình với nỗi lo ngại từ Attafuah. Rất nhiều người đã rời bỏ Instagram, chuyển sang các nền tảng khác như Twitter hay dần dần ít sử dụng lại. Họ cảm thấy nghi ngại về việc Meta, gã khổng lồ mạng xã hội có thể phát triển, ra mắt và quản lý thị trường giao dịch, nơi các nghệ sĩ này không cẩn trọng và cảnh giác về nguy cơ lừa đảo tiếp theo.

Ghost in the FaceB là tác phẩm của nghệ sĩ NFT, Hackatao lột tả sức ảnh hưởng của mạng xã hội lên con người hiện nay. Ảnh: Hackatao.

Theo Itzel Yard, nữ nghệ sĩ NFT bán chạy nhất thế giới, Instagram đang tràn ngập những kẻ mạo danh. “Tôi từng bị một người nào đó làm giả tài khoản Instagram, lấy đi toàn bộ mọi thứ và đăng trên OpenSea, một thị trường giao dịch trực tuyến khác và rao bán chúng,” Yard nói với Forbes.  

Những chuyên gia và nghệ sĩ NFT cho rằng họ có một vài lý do để tỏ ra thận trọng trước tham vọng của Meta. Do đây là kinh doanh tập trung, trong khi cộng đồng NFT thiên về phi tập trung và tự quản lý. Tuy nghệ sĩ NFT đề cao việc tự do thể hiện, Meta lại cố gắng kiểm soát nội dung trên nền tảng của công ty.

Cũng có nghi ngờ rằng Meta chỉ tham gia vào xu hướng để kiếm lợi từ những sự đổi mới Web3. Vào tháng 1.2022, giao dịch NFT lập kỷ lục doanh thu hơn 4 tỉ USD trên OpenSea, khi có sự tham gia từ những người nổi tiếng và thương hiệu thời trang.

“Doanh thu từ nghệ thuật phi tập trung không thực sự hòa hợp với một công ty như Facebook,” Merav Ozair, chuyên gia về blockchain và giáo sư lĩnh vực công nghệ tài chính tại trường Kinh doanh Rutgers cho biết.

Theo Ozair, bà không nắm rõ mức độ kiểm soát của Meta sẽ có trong việc thao túng giá trị nghệ thuật, khi nhấn mạnh công ty này dự định theo dõi chuyển động của người dùng trong metaverse.

Theo Dan Kelly, nhà đồng sáng lập và chủ tịch của nonfungible.com, nền tảng theo dõi giao dịch NFT cho biết ông cảm thấy hoài nghi về việc tham gia vào thị trường giao dịch của Meta. Kelly cũng nhận thức quyết định của Meta có thể hợp pháp hóa cộng đồng Web3, tạo ra một thị trường được chấp nhận rộng rãi và sinh lời nhiều hơn.

Những người sáng tạo lo ngại về tính riêng tư. Chuyên gia NFT nhắc lại vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica, khi Facebook đã cho phép công ty này thu thập thông tin cá nhân mà không qua sự cho phép từ người dùng để giúp cựu tổng thống Donald Trump thắng cử vào năm 2016.

“Đây là một điều quan trọng cho các nghệ sĩ và cộng đồng kỹ thuật số có sự riêng tư và bảo mật danh tính,” Hackatao, một trong hai nghệ sĩ kỹ thuật số ẩn danh chưa từng tiết lộ danh tính và làm việc trong những ngọn núi tại Ý.

Hackatao, với phong cách nghệ thuật mang thông điệp táo bạo và hình ảnh cơ thể trần trụi cũng lo ngại cho những tác phẩm của họ bị cấm trên Facebook và Instagram.

Biên dịch: Minh Tuấn