multi-media / Megastory

The Blockchain 50: Olaf Carlson Wee – người lướt bong bóng

Một ngày lạnh giá đầy gió vào tháng 1.2022, Olaf Carlson-Wee đang chuẩn bị cuộc gọi qua Zoom từ căn hộ Soho trị giá 10 triệu đô la Mỹ của mình ở Manhattan. Nơi ở của anh là bằng chứng thể hiện thành công của anh trong bốn năm rưỡi kể từ khi Forbes đưa anh thành nhân vật trang bìa cho số báo viết về cho bong bóng tiền mã hóa năm 2017.

Vào thời điểm đó, một đợt đầu cơ điên cuồng ăn theo hàng trăm đợt ICO đã đẩy giá trị thị trường tiền mã hóa lên hơn 100 tỉ đô la Mỹ khi những kẻ tham lam đặt giá thầu các mã token rác chỉ bằng tờ giấy trắng và một số mã máy tính kỳ quặc. Khi đó 27 tuổi, với ba năm làm việc cho Coinbase, Carlson-Wee được coi là một người tương đối giàu kinh nghiệm. Anh thành lập quỹ đầu cơ tại San Francisco mang tên Polychain Capital, nhận được đầu tư từ Andreessen Horowitz, Union Square Ventures và Sequoia Capital. Tài sản quỹ đầu cơ của anh đã tăng từ bốn triệu đô la Mỹ vào tháng 9.2016 lên 200 triệu đô la Mỹ.

Hiện nay, bất chấp sự hỗn loạn mới đây khi bitcoin và các loại tiền mã hóa khác giảm từ 30-50% trong vài tuần, thị trường vẫn đạt gần hai ngàn tỉ đô la Mỹ và tài sản của Polychain là năm tỉ đô la Mỹ – tăng 125.000% kể từ khi thành lập. Carlson-Wee vừa kết thúc đợt gọi vốn 750 triệu đô la Mỹ cho quỹ đầu tư mạo hiểm thứ ba của mình, với đầu tư từ Tiger Global Management và Temasek Holdings của Singapore, hai trong số những công ty đầu tư thông minh và thành công nhất trên hành tinh.

Carlson-Wee, hiện 32 tuổi, mặc chiếc áo thun nhuộm loang màu xanh chanh, chải những ngón tay dọc mái tóc vàng đã tẩy trắng được vuốt keo, tự hào nói: “Chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nhu cầu đầu tư hơn số tiền chúng tôi huy động nhiều trăm triệu đô la Mỹ.”

Giá trị tài sản ròng của Carlson-Wee đã tăng lên ước tính 600 triệu đô la Mỹ, vì trong số các nhà đầu tư tiền mã hóa, anh là người có sở trường kỳ lạ khi có thể khéo léo điều hướng thị trường vốn mang đặc tính cường điệu và chịu ảnh hưởng từ các tài sản không mang bất kỳ giá trị nội tại rõ ràng nào.

Trong số những khoản đầu tư ban đầu của anh, mang lại lợi nhuận cao nhất là cổ phần lớn trong ether, mã token làm nền tảng cho blockchain ethereum – hiện trị giá 2.700 đô la Mỹ, nhưng lại giao dịch với giá dưới 12 đô la Mỹ vào năm 2016 khi quỹ đầu cơ Polychain của Carlson-Wee đặt cược lớn vào đó.

Anh không ngại ngùng về tình trạng giàu có mới của mình, hoàn toàn xuất phát từ ether theo đúng nghĩa đen. Căn hộ Soho rộng gần 558m2 mà anh mới mua kèm đầy đủ nội thất, từng là phòng trưng bày nghệ thuật thuộc sở hữu của các nhà sưu tập nổi tiếng ở thành phố New York.

Thiết kế nội thất sang trọng của căn phòng, được người môi giới mô tả là nơi cư trú “đáng xem nhất trên Instagram” ở khu Manhattan, lấy cảm hứng từ khách sạn sang trọng Hôtel Costes ở Paris với trần thiếc, cột vàng, ghế da rắn hình con rắn hổ mang và đèn chùm làm từ ống đàn organ và pha lê. Phòng tắm chính giống như một phòng trưng bày vàng, gồm trần nhà được tráng gương, một bồn tắm mạ vàng lung linh với ký hiệu đô la Mỹ lớn treo trên bức tường phía bên trên.

Vài tháng trước khi mua căn hộ xa hoa ở New York này, thời điểm bitcoin đang giao dịch trên 50 ngàn đô la Mỹ, anh đã chốt mua một bất động sản hạng sang khác ở Hollywood Hills. Biệt thự 28,5 triệu đô la Mỹ, rộng gần 1.115m2 này có tầm nhìn tuyệt đẹp ra đại dương và đường chân trời của Los Angeles, một hồ cá trong nhà, bể bơi vô cực, bảy phòng ngủ và đủ chỗ đậu mười chiếc xe hơi.

Một trong những chìa khóa dẫn đến thành công của Carlson-Wee là điều rất đơn giản: làm người đi trước đón đầu. Ví dụ, anh gặp nhà sáng lập ethereum Vitalik Buterin, lúc đó 19 tuổi, khi anh chàng này làm việc một thời gian ngắn tại Coinbase vào năm 2013. Đó là thời điểm ngay trước khi Buterin viết sách trắng mang tính cách mạng về blockchain, nâng tầm bitcoin bằng cách tạo ra một nền tảng điện toán đa năng dựa trên cái gọi là “hợp đồng thông minh.”

Những thỏa thuận này không có vị thế pháp lý thông thường, nhưng vì các điều khoản được máy tính thực thi một cách mù quáng, nên không thể sửa đổi chúng được. Không có hợp đồng thông minh thì không thể có ICO hoặc NFT.

Năm 2018, tại hội nghị Web 3.0 ở Berlin, Carlson-Wee gặp nhà khoa học nghiên cứu Harry Halpin của MIT – người đồng sáng tạo ra giao thức siêu riêng tư mang tên Nym. Halpin thất vọng khi nhận thấy rằng các nhà đầu tư mạo hiểm truyền thống tỏ ra miễn cưỡng đầu tư cho mình. Halpin kể: “Anh bạn trẻ này ăn mặc lịch sự đến gặp tôi và nói ‘Chúng tôi ở quỹ Polychain và quan tâm đến việc tài trợ cho công nghệ đảo ngược.’” Polychain đã dẫn đầu vòng đầu tư 6,5 triệu đô la Mỹ cho Nym vào tháng 7.2021, ngay trước khi công ty khởi nghiệp này tuyển dụng Chelsea Manning làm cố vấn.

Carlson-Wee nói: “Tôi thích trở thành người đầu tiên tin tưởng vào một ai đó.” Anh vừa trở về sau khi trải qua kỳ nghỉ năm mới với hàng chục người bạn trong căn nhà anh thuê ở St. Barts. “Mục tiêu của chúng tôi là đầu tư vào các công nghệ đột phá sẽ tạo điều kiện cho hình thức tổ chức và kiểu hành vi mới của con người.”

Bước đầu tư đột phá và tham vọng nhất của Polychain cho đến nay là hậu thuẫn cho hiện tượng được gọi là tài chính phi tập trung, hay DeFi, sử dụng công nghệ blockchain trong các ứng dụng ngang hàng (P2P), với niềm tin rằng DeFi cuối cùng sẽ có thể trở thành hướng thay thế rẻ hơn, riêng tư hơn, an toàn và dễ tiếp cận hơn cho các tổ chức tài chính truyền thống, bao gồm các ngân hàng và sàn giao dịch.

Carlson-Wee là nhà đầu tư ban đầu vào những nơi đã thắng lớn nhất của DeFi, như sàn giao dịch Uniswap; công ty cho vay Compound; MakerDAO, tổ chức cho vay và phát triển đồng tiền ổn định (stablecoin); và sàn giao dịch DeFi mang tên dYdX. Các mã token DeFi được giao dịch trên blockchain mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc. Tổng lợi nhuận thị trường hiện lên đến 78 tỉ đô la Mỹ, tăng từ 10 tỉ đô la Mỹ vào tháng 1.2020.

Những người theo chủ nghĩa lý tưởng về tiền mã hóa, gồm cả Carlson–Wee, tin DeFi là tương lai của ngành tài chính và cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong tài chính. Nhiều thế kỷ qua, các chủ ngân hàng trung gian – từ gia đình Medici ở Florence đến Jamie Dimon của JPMorgan – nắm trong tay quyền lực to lớn và tích lũy được khối tài sản khổng lồ. DeFi ra đời nhằm loại bỏ những thế lực này.

Tất cả các chức năng của DeFi – thanh toán, tiết kiệm, giao dịch, cho vay – đều được thực hiện trên phần mềm dựa trên blockchain. Các thay đổi được thực hiện bằng phiếu bầu của chủ sở hữu mã token. Không có hệ thống điều khiển trung tâm.

Thành công của Carlson-Wee không chỉ xuất phát từ khả năng tìm ra các công ty khởi nghiệp DeFi triển vọng nhất mà còn phụ thuộc vào việc Polychain sẵn sàng đầu tư lớn vào các công ty ấy. Phi tập trung hóa và dân chủ hóa có thể là lý tưởng của DeFi, nhưng khi đưa ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của Polychain, Carlson-Wee chịu trách nhiệm rất nhiều. Anh không ngần ngại sử dụng quyền biểu quyết quan trọng của công ty mình để đảm bảo đặt lợi ích của các đối tác lên trên hết.

“Tôi rất thực dụng,” anh thừa nhận. “Tôi không nghĩ tiền mã hóa sẽ khắc phục được sự bất bình đẳng về tài sản hoặc sự tập trung của cải, nhưng sự xuất hiện của loại hình này thực sự đánh động cả thế giới.”

Cuộc hành trình đến với tiền mã hóa của Olaf Carlson-Wee bắt đầu vào năm 2011, mùa hè sau năm thứ ba của anh tại đại học Vassar ở ngoại ô New York. Là người cực kỳ hâm mộ trò chơi điện tử nhập vai, anh đã đọc về cách loại tiền ảo bitcoin kích hoạt thị trường buôn bán ma túy ngầm SilkRoad. Quá phấn khích với công nghệ mới, anh tiêu gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm – khoảng 700 đô la Mỹ – vào bitcoin với mức giá dao động từ 2-16 đô la Mỹ. Anh tiếp tục viết luận án cao cấp về khía cạnh xã hội học của tiền mã hóa mới nổi.

Sau khi tốt nghiệp năm 2012 và dành vài tháng sống trong ngôi làng ở vùng hẻo lánh thuộc bang Washington, anh gửi luận văn giấu tên của mình cho Brian Armstrong và Fred Ehrsam, những người đồng sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử non trẻ Coinbase. Họ thuê anh làm nhân viên đầu tiên và giao cho anh phụ trách dịch vụ khách hàng. Carlson-Wee nổi tiếng với tuyên bố rằng toàn bộ khoản lương 50 ngàn đô la Mỹ của mình được trả bằng bitcoin.

MẤT GIÁ: Cho đến nay, Olaf Carlson-Wee đã tránh được hầu hết các đợt xóa sổ của DeFi. Tuy nhiên, giá trị của Polychain và giá trị tài sản ròng cá nhân anh đã bị ảnh hưởng do tiền mã hóa rớt giá kinh hoàng.

Dù chỉ biết chút ít về lập trình, nhưng anh đã giúp tự động hóa nhiều câu trả lời khách hàng thông thường của Coinbase. Sau cùng, anh chịu trách nhiệm về rủi ro và giảm tỉ lệ gian lận của Coinbase xuống 75%. Carlson-Wee cho biết, khi mới bắt đầu sự nghiệp tiền mã hóa của mình, anh nhận ra các doanh nhân có tầm nhìn mạnh mẽ cho tương lai được ủng hộ và giành được nhiều thành công nhất, hơn là những người phản ứng nhanh hoặc bắt kịp xu hướng.

“Coinbase có cơ cấu như một hệ thống giám sát trung tâm. Sàn này rất trái ngược với tiền mã hóa vào thời điểm đó.” Anh nói: “Coinbase đang cố tuân thủ quy định và chống lừa đảo khi chấp nhận thanh toán qua ngân hàng. Đây là điều chưa ai có thể thực sự làm được.”

Nhưng khi Coinbase mở rộng và trở nên phổ biến hơn, sàn này buộc phải quan tâm nhiều hơn đến các yêu cầu pháp lý. Họ bắt đầu cố ý tránh xa lĩnh vực mới mẻ của tiền mã hóa, nơi Carlson–Wee cảm thấy có tiềm năng nhất. Anh thấy hào hứng nhất với blockchain ethereum mới của Buterin, không giống bitcoin, về mặt lý thuyết có thể chạy hầu như bất kỳ loại nền tảng kỹ thuật số nào, giúp hiện thực hóa các phiên bản phi tập trung của Uber, Facebook, Google hoặc Dropbox.

Cựu đồng nghiệp ở Coinbase, Adam White, gần đây là chủ tịch của ví tiền mã hóa Bakkt, tin rằng khi Coinbase tuyển thêm hàng chục kỹ sư phần mềm từ các trường hàng đầu, Carlson-Wee đã trở thành “người vận hành.”

White nói: “Tôi bắt đầu nhận ra rằng Olaf không chỉ là một người làm việc chăm chỉ và chuyên trả lời các dịch vụ hỗ trợ khách hàng,” nhớ lại bữa tiệc trong kỳ nghỉ năm 2014, lúc Carlson-Wee tình cờ nói với anh rằng bitcoin sẽ không bao giờ giao dịch ở mức dưới 300 đô la Mỹ nữa.

Năm 2016, Carlson-Wee thông báo với Armstrong và Ehrsam rằng anh sẽ bỏ việc để lập quỹ đầu cơ tiền mã hóa. “Tôi nhận ra Coinbase sẽ đi theo con đường riêng cho dù có hay không có tôi,” anh kể. “Bằng cách thành lập một cái gì đó, tôi có thể tìm lại cảm giác đòn bẩy tài chính siêu cao.”

Đòn bẩy tài chính vô tình lại thúc đẩy cho sự bùng nổ DeFi hiện tại. Xét về khía cạnh huy động vốn, DeFi là sự kế thừa các đợt ICO. Hầu hết các đợt ICO của năm 2016 và 2017 đều là các đợt IPO kỹ thuật số tạp nham, trong đó các nhà đầu cơ tiến hành giao dịch mã token ether để đầu tư vào hàng trăm dự án có vấn đề, phần lớn còn tệ hơn cả những cổ phiếu kém chất lượng nhất. Hầu như không có thông tin nào được công bố và các nhà đầu tư không có vốn chủ sở hữu thực sự hoặc quyền biểu quyết. Hàng tỉ đô la Mỹ bị mất trắng.

DeFi được coi là sự cải tiến vì các nhà đầu tư trong các nền tảng dựa trên ethereum này chỉ đơn thuần là cho vay vốn của họ, thường ở dạng ether hoặc một loại tiền ổn định như USD Coin, cho những người khác trong mạng lưới P2P. Các quy tắc được đặt ra trong các hợp đồng thông minh được nhúng trong chuỗi khối ethereum. Bằng cách cho vay tiền mã hóa, các nhà đầu tư DeFi có thể kiếm tiền – rất nhiều – thông qua cái gọi là khai thác lợi suất.

Nguyên tắc hoạt động như sau: Giả sử bạn sở hữu ether trị giá 10 ngàn đô la Mỹ. Thay vì để số tiền nằm trong ví kỹ thuật số của bạn trên Coinbase mà không có lãi suất, bạn có thể gửi tiền vào nền tảng DeFi như Compound, cho người khác vay trong một thời gian nhất định. Đổi lại, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận hằng năm cao tới 30%. Nhưng đó không phải là tất cả.

Bạn cũng sẽ được thưởng bằng mã token riêng của Compound, COMP, tài sản gốc của nền tảng, cho phép bạn bỏ phiếu và có tiếng nói trong việc quản lý mạng. Mã token COMP cũng được giao dịch tích cực. Từ khi ra mắt vào tháng 6.2020 đến giữa năm 2021, chúng đã tăng vọt về giá trị, từ khoảng 65 đô la Mỹ mỗi token lên hơn 800 đô la Mỹ. Ngay cả sau sự cố tiền mã hóa gần đây, chúng vẫn tăng khoảng 90% kể từ khi phát hành.

“Giờ đây, bạn có thể thực hiện các thỏa thuận cho vay hàng triệu đô la Mỹ giữa hai người trên khắp thế giới không biết danh tính của nhau,” Carlson–Wee, người có khoản đầu tư hai triệu đô la Mỹ năm 2018 vào Compound đã dẫn đầu vòng hạt giống với mức định giá 22 triệu đô la Mỹ. Compound phát hành mã token của mình vào tháng 6.2020. Vốn hóa thị trường đã tăng lên bốn tỉ đô la Mỹ vào năm 2021 và hiện dao động khoảng 800 triệu đô la Mỹ.

“Những khoản vay này có thể là thỏa thuận giữa một người và một máy tính, hoặc một tập đoàn và một máy tính. Không có khái niệm về danh tính hoặc hợp đồng pháp lý. Tuy nhiên, nhờ hợp đồng thông minh, thực sự có hàng tỉ đô la Mỹ luân chuyển giữa những người này,” Carlson-Wee cho biết.

Dù lý tưởng là gì, trên thực tế, DeFi là thiên đường của những nhà đầu cơ. Mã token COMP mà bạn được thưởng khi cho vay ether trên Compound sau đó có thể dùng để gửi vào bất kỳ sàn giao dịch phi tập trung nào như Uniswap (cũng là một tổ chức mà Polychain đầu tư), nơi bạn cũng có thể kiếm được lãi suất và có thêm nhiều mã token miễn phí hơn. Trên Uniswap, bạn kiếm được UNI. Sau đó, bạn có thể gửi UNI của mình trên Sushi-Swap và kiếm được SUSHI. Và mọi việc cứ như thế tiếp diễn.

Việc này có vẻ giống kiểu bong bóng tự tồn tại. Trong 12 tháng qua, các nền tảng DeFi bao gồm Uniswap và Sushi-Swap đạt khối lượng giao dịch trung bình hơn 50 tỉ đô la Mỹ mỗi tháng, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy bất kỳ kết quả giao dịch nào trong số này được dùng vào những hoạt động mà các ngân hàng thường cấp vốn – chẳng hạn như mở rộng công ty hoặc mua nhà.


BLOCKCHAIN ĐÃ CÓ NHỮNG BƯỚC TIẾN DÀI

Kể từ khi danh sách Blockchain 50 đầu tiên của chúng tôi công bố năm 2019, các công ty tỉ đô (mức tối thiểu, tính theo doanh số hoặc giá trị thị trường) trong danh sách thường niên này đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đang áp dụng công nghệ “sổ cái phân tán” vào hoạt động thực tế. Rất nhiều ứng dụng trong hoạt động xử lý công việc nội bộ, xác minh yêu cầu bảo hiểm hoặc đơn giản hóa giao dịch bất động sản.

Blockchain cũng chiếm vị trí quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng, từ kiểm tra nguồn gốc khoáng sản như coban, hay theo dõi các bộ phận xe hơi của Renault. Gần một nửa trong số các công ty trong danh sách Blockchain 50 không có trụ sở tại Hoa Kỳ; 14% từ Trung Quốc.

Điểm mới trong năm nay là sự xuất hiện của các công ty đầu tư mạo hiểm, loại hình doanh nghiệp đã đầu tư hơn 32 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực này trong năm 2021. Các loại tiền mã hóa như bitcoin và ether xuất hiện khắp nơi, đặc biệt sau đợt bùng nổ hồi năm ngoái và mất hơn một ngàn tỉ đô la Mỹ về mặt giá trị từ tháng 11.2021.

Dù sao cũng phải công nhận rằng, đầu cơ tiền mã hóa là ứng dụng về blockchain kém hấp dẫn nhất. Tác động lâu dài nhất sẽ thể hiện rõ khi ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia tích hợp blockchain vào các hoạt động hằng ngày của họ, mang lại hiệu quả chưa từng có.

Tiền mã hóa thu hút sự chú ý nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều ứng dụng đổi mới quy mô lớn dựa trên nền tảng blockchain, tiết kiệm hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho các công ty lớn nhất thế giới.

Mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chainalysis ước tính, trong năm 2021, có 72% trong số 3,2 tỉ đô la Mỹ tài sản tiền mã hóa bị đánh cắp là từ các trang web DeFi. Đầu năm 2020, khi đại dịch mới xảy ra khiến thị trường lao dốc, các nhà đầu tư vào nền tảng DeFi được Polychain hỗ trợ mang tên MakerDAO đã phải chịu thiệt hại tám triệu đô la Mỹ khi phần mềm gốc của nền tảng này thanh lý 1.200 tài sản thế chấp đảm bảo do giá ether giảm 55%.

Có thời điểm, nền tảng vận hành MakerDAO đã tính tới ngừng hoạt động khẩn cấp. Nền tảng này hồi phục một phần do ether đã phục hồi 80% trong vài tháng. Hiện giờ, con số thiệt hại có khả năng cao hơn nữa. Tháng 3.2020, tổng giá trị tài sản kỹ thuật số “bị khóa” trên nền tảng DeFi là khoảng 10 tỉ đô la Mỹ; và ngay cả sau đợt điều chỉnh gần đây của tiền mã hóa, số tiền có nguy cơ bị khóa là gần 80 tỉ đô la Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi các nhân vật quyền lực, như thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của Massachusetts, đã gọi DeFi là “phần nguy hiểm nhất của thế giới tiền mã hóa.”

Nếu thế giới tài chính phi tập trung mới là một nền dân chủ, thì Olaf Carlson–Wee giống như ông chủ của tổ chức Tammany Hall. Với cổ phần lớn trong các nền tảng lớn nhất bao gồm Compound, Uniswap và Maker DAO, các nhà phân tích của Polychain đang tích cực tham gia vào việc xây dựng kiến trúc của họ, được gọi là “tokenomics” (thuật ngữ được ghép từ hai từ Token và Economics) cũng như thiết kế các cơ chế khuyến khích thu hút nhà đầu tư.

Ví dụ trong hệ thống quản trị của Compound, Polychain là nhóm có quyền bỏ phiếu quan trọng thứ hai sau Andreessen Horowitz. Tổ chức này kiểm soát 306 ngàn trong tổng số 2,8 triệu phiếu bầu, tương đương 11%. Andreessen có 321 ngàn. Các cuộc bỏ phiếu quan trọng về những điều như giảm yêu cầu về tài sản thế chấp khoản vay, chỉ cần có 400 ngàn phiếu thuận.

Vì vậy, nếu muốn, các công ty đầu tư mạo hiểm có thể dễ dàng thay đổi bất kỳ cuộc bầu chọn nào theo cách của họ. Trên thực tế, Polychain nằm trong số ít các quỹ đầu cơ và công ty đầu tư mạo hiểm lớn bao gồm Paradigm, Bain Capital Ventures và Pantera, đứng sau kiểm soát nhiều nền tảng phi tập trung lớn nhất.

Không giống bầu chọn cho các cổ phiếu phổ thông, ở đây không có quy định phải thông báo cho chủ sở hữu mã token về các cuộc bỏ phiếu sắp tới. Đối với những người lưu trữ mã token DeFi của họ trên các sàn giao dịch như Coinbase, thậm chí không có cơ chế cho phép bỏ phiếu.

Andre Cronje, người sáng lập Yearn.Finance, công ty tư vấn tự động về khai thác lợi suất cho biết: “Một quyết định không được thông báo cho Uniswap, Aave hoặc Compound nếu quyết định đó không được nhóm sáng lập chấp thuận.” Carlson-Wee công khai thừa nhận rằng tất cả các đề xuất lớn đều được nhóm của anh bàn bạc với những người sáng lập. Cronje nói thêm: “Cũng giống hệt như chính sách phân quyền (phi tập trung hóa), sẽ không có sự chấp thuận nào cả, trừ khi có giao dịch ngầm.”

Carlson-Wee không muốn tập trung vào những mâu thuẫn cố hữu của DeFi. “Tôi chưa bao giờ thực sự coi phân quyền là mục tiêu cuối cùng hoặc một tính năng mà người dùng mong muốn,” anh nói. “Những gì mọi người thực sự muốn là đảm bảo an ninh. Và phân quyền thường là cách tốt nhất đạt được điều này.”

Những ngày này, anh chủ yếu tập trung nghiên cứu nơi anh có thể triển khai số vốn mới 750 triệu đô la Mỹ của mình. Polychain thực hiện cách tiếp cận theo chủ đề để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu (xem biểu đồ), điều mà người đàn ông trẻ tuổi này cho biết anh học được từ cựu binh đầu tư mạo hiểm Fred Wilson của Union Square Ventures.

Trong xã hội tiền mã hóa đổi thay nhanh chóng, DeFi là bong bóng của ngày hôm qua. NFT và metaverse (vũ trụ ảo) là cơn sóng tiếp theo mà Carlson-Wee muốn lướt. “Thế hệ Internet quan tâm đến ảnh đại diện hơn quần áo và xe hơi. Khi chúng ta chuyển đổi sang lối sống kỹ thuật số và sau cùng, sang một vũ trụ ảo hoàn toàn có nguồn gốc từ Internet, NFT trở thành hiện vật xung quanh chúng ta,” anh nói, mắt lấp lánh đầy phấn khích. “Hãy tưởng tượng một thế giới trò chơi nơi giá của một mã token tăng lên thực sự sẽ mở rộng quy mô của cuộc chơi.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo tap chí Forbes Việt Nam số 103, tháng 3.2022

———————-

Xem thêm:
Adrian Cheng mở rộng đầu tư vào blockchain và tiền mã hóa
VinaCapital Ventures đầu tư vào vườn ươm startup blockchain
Danh sách Blockchain 50: Doanh nghiệp lớn trước cơn cuồng tiền mã hóa
ZujuGP thâu tóm nền tảng kỹ thuật số về bóng đá Tokigames
Danh sách Blockchain 50: Doanh nghiệp lớn trước cơn cuồng tiền mã hóa