Năm 2023 bùng nổ làn sóng M&A trong lĩnh vực y tế với sự xuất hiện bên mua là các nhà đầu tư nước ngoài. Tại sao xu hướng diễn ra ở thời điểm này, miếng bánh có thực sự hấp dẫn?
Vào nửa cuối năm 2023, thị trường y tế tư nhân Việt Nam nóng lên với các thương vụ M&A bệnh viện tư nhân được công bố dồn dập. Warburg Pincus, một trong các quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất hoạt động tại Việt Nam chuyên đầu tư vốn cổ phần tư nhân, rót vốn vào bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, hệ thống bốn bệnh viện với khoảng 1.500 giường hoạt động tại TP.HCM và vùng ĐBSCL.
Một quỹ đầu tư tư nhân danh tiếng khác có trụ sở tại Hoa Kỳ là KKR nhận chuyển nhượng cổ phần bệnh viện Mắt Sài Gòn từ Heliconia Capital, quỹ đầu tư thuộc Temasek Holdings (Singapore). Tập đoàn Raffles Medical (Singapore) rót 46 triệu đô la Mỹ mua lại bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) – thành viên công ty bất động sản Tiến Phước.
Hệ thống bệnh viện Tâm Trí Healthcare với sự chống lưng của quỹ VinaCapital tiếp tục mở rộng qua việc mua lại hai cơ sở y tế là bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và bệnh viện Vạn Phúc Tân Quý Sài Gòn. Cả hai đang trong quá trình sáp nhập vào hệ thống tám bệnh viện này.
Giao dịch M&A lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Đông Nam Á kể từ năm 2020 đến nay thuộc về Thomson Medical đến từ Singapore. Công ty của tỉ phú Peter Lim đã rót 381,4 triệu đô la Mỹ mua FV Hospital, bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế cao cấp.
“Sau đại dịch, nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy tiềm năng và sự quan trọng của hệ thống y tế tư nhân Việt Nam,” bà Lương Thị Hương, quản lý cao cấp đầu tư của VinaCapital đưa ra nhận định về sự xuất hiện nhộn nhịp của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế tư nhân tại Việt Nam.
Nhưng nhìn từ bên trong, giới kinh doanh y tế tại Việt Nam tỏ ra dè dặt hơn nhiều khi thị trường cung cấp dịch vụ y tế Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng không ít góc khuất mà không nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể vượt qua để chạm vào miếng bánh lợi nhuận.
Nhìn từ bên ngoài vào thị trường chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ y tế Việt Nam có nhiều hứa hẹn. Năm 2023, quy mô dân số Việt Nam vượt ngưỡng 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5–7% mỗi năm, thu nhập của người dân được cải thiện, kéo theo nhu cầu cao cấp hơn về các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ.
Tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện chiếm 13% sẽ tăng lên 26% vào năm 2026, theo World Bank. Chi tiêu cho y tế trung bình của một người Việt Nam tăng nhanh, nếu năm 2016 là 127 đô la Mỹ thì năm 2021 tăng lên 205 đô la Mỹ và dự báo đạt 280 đô la Mỹ vào năm 2026.
Năm 2021, chi tiêu y tế của Việt Nam tương đương 5,57% tổng GDP, con số khiêm tốn so với mức tương ứng là 8,2% và 10,7% GDP tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự quá tải của hệ thống bệnh viện công, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối, càng khiến các bệnh viện tư nhân hoạt động tốt trở thành các khoản đầu tư được săn đón.
Mặt khác, theo bà Lương Thị Hương, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc xin giấy phép xây dựng bệnh viện hiện nay không hề dễ dàng, đặc biệt các bệnh viện đa khoa. Vì vậy, M&A trở thành xu hướng nổi bật của các nhà đầu tư quốc tế khi không muốn mất chi phí cơ hội tại một thị trường đang phát triển sôi động.
Chuyên gia của VinaCapital, quỹ đầu tư đã rót vốn vào hệ thống bệnh viện Tâm Trí, Thái Hòa và Thu Cúc, cho biết song song với việc nâng cao hiệu quả của các bệnh viện đang đầu tư, quỹ tiếp tục tìm kiếm các bệnh viện mục tiêu để mở rộng đầu tư thời gian tới.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, CEO hệ thống Tâm Trí Healthcare, đánh giá kinh doanh y tế tại Việt Nam rất nhiều thách thức: các quy định pháp lý, mô hình hoạt động, triết lý kinh doanh, mức chi trả trung bình của xã hội, đào tạo nhân sự y tế, bài toán tổ chức nhân sự bệnh viện, tìm kiếm mặt bằng…
“Tôi cho rằng kinh doanh bệnh viện tại Việt Nam là miếng bánh không thực sự quá hấp dẫn,” người sáng lập ra hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ (đã bán cho Fortis, sau đó được chuyển nhượng tiếp cho Clermont Group) và Tâm Trí nói. Ông dẫn chứng, giá bất động sản rất cao nên một mặt bằng khai thác y tế không thể cạnh tranh với kinh doanh bất động sản thương mại.
Để hiểu thách thức trong hoạt động của các bệnh viện tư nhân, một số đạt kết quả tài chính tốt, một số hòa vốn, nhiều bệnh viện thua lỗ nhiều năm, đầu tiên nhìn cận cảnh các nhà đầu tư bệnh viện tư nhân. Nhóm thứ nhất, các bác sĩ chuyên môn mở bệnh viện tư, thường là sau thời gian làm việc tại các phòng khám tư nhân, tiêu biểu như Tâm Trí, Xuyên Á, Tâm Đức, Mỹ Đức, Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ…
Với sự am hiểu ngành, họ chọn đầu tư với quy mô vừa phải, họ có khả năng tập hợp đội ngũ nhân sự y tế có chuyên môn cao nên thu hút người bệnh, hiệu quả hoạt động khá tốt. Một số có năng lực sẽ phát triển mô hình bệnh viện đa khoa, một số chọn một phân khúc chuyên môn hẹp: tim, hiếm muộn, đột quỵ, sản nhi…
Có chuyên môn nhưng do năng lực quản trị có giới hạn nên đa phần các nhà đầu tư nhóm này mở được 1-2 bệnh viện thì dừng lại, không thể phát triển thành chuỗi lớn hơn. Khi mệt mỏi hoặc nhận ra không quản lý được ở quy mô lớn, họ tìm cách chuyển nhượng. Khoảng thời gian diễn ra sau khoảng 10 năm vận hành.
Nhóm thứ hai là các nhà đầu tư ngoại đạo nhảy vào đầu tư xây dựng bệnh viện từ vẻ hấp dẫn, hứa hẹn của thị trường. Họ được gọi là “nhà đầu tư lãng mạn” trong y tế. Trong số này, nổi bật là các nhà phát triển dự án bất động sản rót tiền xây bệnh viện, tạo ra dịch vụ gia tăng cho dự án bất động sản, tiêu biểu như Vingroup với Vinmec, Tiến Phước với bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), bất động sản Vạn Phúc (Đại Phúc) và bệnh viện Vạn Phúc… Các tập đoàn đa ngành với hoạt động lõi là bất động sản như Him Lam, Hoa Lâm, Hợp Lực… cũng không đứng ngoài xu hướng này khi sở hữu bệnh viện.
Mỗi năm ước tính người Việt Nam bỏ ra 2-3 tỉ đô la Mỹ ra nước ngoài chữa bệnh. Xây dựng bệnh viện trong giai đoạn thị trường bất động sản hoàng kim, bị thu hút bởi con số ấn tượng này nên nhóm này chọn mô hình bệnh viện khách sạn.
Họ có lợi thế về sức mạnh tài chính và nhóm khách hàng tự nhiên từ dự án bất động sản nên chọn suất đầu tư cao. Họ không có chuyên môn nên dẫn tới một số sai lầm chiến lược, thậm chí sai ngay từ xây dựng phần cứng bệnh viện, nút thắt cản trở việc bán lại tài sản sau này.
Sau khi đi vào hoạt động, họ gặp khó khăn trong việc tập hợp được đội ngũ nhân sự y tế do lĩnh vực này đặc thù. Vì vậy, hiệu suất khai thác của bệnh viện luôn dưới kỳ vọng. Họ thường vỡ mộng sau 3-4 năm hoạt động. Một số vận hành lay lắt, duy trì hoạt động bằng nguồn tài chính của ông chủ cho đến khi chấp nhận rút lui, bán bệnh viện cắt lỗ.
Nhóm ba, không nhiều nhưng cũng tạo ra sắc thái đa dạng cho thị trường y tế Việt Nam: nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những cái tên có mặt trên thị trường xấp xỉ hai thập niên là FV Hospital, Family Medical Practice… ra đời đáp ứng nhu cầu dịch vụ y tế cao cấp hướng vào nhóm đối tượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam và sau này mở rộng ra tầng lớp trung lưu nội địa.
Sau này, thị trường xuất hiện thêm nhiều thương vụ M&A bệnh viện có yếu tố nước ngoài như Clermont Group sở hữu Hoàn Mỹ, Temasek, VinaCapital… rót vốn vào nhiều bệnh viện tư nhân có triển vọng. Các quỹ đầu tư tài chính hoạt động có thời hạn nhất định nên chu kỳ thoái vốn thường diễn ra sau 5–7 năm đầu tư.
Trong khi đó, với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài thành lập cách đây trên 20 năm, nhóm các cổ đông sáng lập đến lứa tuổi không còn nhiều động lực để tham gia điều hành nên chọn giải pháp chuyển giao.
Dòng vốn ngoại chảy vào lĩnh vực y tế tư nhân xuất phát từ gót chân Asin của mỗi nhóm nhà đầu tư bệnh viện. Chẳng hạn một bệnh viện đa khoa tư nhân đặt tại TP. Thủ Đức thuộc về một công ty bất động sản, được khai trương năm 2018 nhằm tạo ra cơ sở y tế chất lượng quốc tế, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo phân khúc bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, do bất lực trong việc xây dựng một đội ngũ y tế nhân sự y tế đủ mạnh, sau đó bệnh viện đa khoa này chưa bao giờ hoạt động đạt kỳ vọng của chủ đầu tư. Sau hai năm, bệnh viện buộc chuyển hướng sang hoạt động như bệnh viện phụ sản phụ sản. Họ hợp tác với các bác sĩ sản phụ bên ngoài giới thiệu các bà bầu tới sinh tại bệnh viện này và khi sản phụ lâm bồn các bác sĩ đó sẽ trực tiếp tới bệnh viện đỡ đẻ.
Với mô hình “thuê giường” kết quả hoạt động của bệnh viện lỗ triền miên, tên bệnh viện xuất hiện trong khoản nợ thanh lý của các ngân hàng trước khi đổi chủ. Nếu cưỡi ngựa xem hoa, nhà đầu tư nước ngoài, chủ mới của bệnh viện cũng sớm vỡ mộng tìm cách chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác sau 1–2 năm khi nhìn rõ phần chìm của tảng băng, điều đang xảy ra ở một số bệnh viện được sang nhượng liên tục.
Trong làn sóng M&A hiện tại, nét nổi bật là dòng vốn đến từ quỹ đầu tư tài chính: Warburg Pincus – Xuyên Á; CVC Capital Partners – bệnh viện Phương Châu; KKR (trước đó là Temasek) – Mắt Sài Gòn, Temasek – chuỗi phòng khám 315; quỹ Quadria Capital (chuyển nhượng cho Thomson Medical) – FV Hospital…
Thị trường nhộn nhịp nhưng sự thay đổi không đến nhanh chóng. “Tôi cho rằng để dẫn dắt sự thay đổi tạo ra thay đổi tích cực cho y tế tư nhân, dòng vốn phải đến từ cổ đông chiến lược, hiện tại chủ yếu từ dòng vốn đầu tư tài chính,” bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng nhận xét.
Bản in Forbes Việt Nam, tháng 2.2024
1 năm trước
Kỷ lục mới của quán quân Dược Hậu Giang