multi-media / Megastory

Tham vọng tỉ đô của TowerCo số 1 Việt Nam

Viettel Construction, thành viên tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ khi tập đoàn mẹ phát triển hạ tầng di động 5G tại Việt Nam song song với chiến lược thúc đẩy lĩnh vực xây dựng dân dụng đến tận hộ gia đình.

Từ bàn làm việc của đại tá Đỗ Mạnh Hùng, chủ tịch tổng công ty Viettel Construction, ngước tầm mắt lên hướng đối diện là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở vị trí trang trọng giữa kệ tủ phòng làm việc.

Các ô chung quanh đặt nhiều vật phẩm lưu niệm dày công sưu tầm từ những chuyến đi đến nhiều nơi trên thế giới. Phông tường trên cao phía sau là những bức ảnh ông Hùng mặc thường phục đứng tập bắn súng ở thao trường. Một góc bàn làm việc đặt chồng sách quản trị doanh nghiệp.

“Là doanh nghiệp nhà nước với đặc thù do tập đoàn quân đội sở hữu chi phối, đang niêm yết trên sàn đại chúng, những kỹ sư – người lính chúng tôi phải không ngừng cập nhật các kiến thức mới để đáp ứng thực tiễn quản trị hiện đại và không gian phát triển kinh doanh mới,” đại tá Đỗ Mạnh Hùng, 51 tuổi, nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở công ty tại Hà Nội.

Viettel Construction, tên đầy đủ là Tổng công ty Công trình Viettel, công ty thành viên do tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu Việt Nam – Viettel đang nắm giữ 65% cổ phần. Niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE với mã CTR, đây là lần thứ hai công ty góp mặt trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam.

Nhà đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông (TowerCo) số 1 Việt Nam kết thúc năm 2023 với doanh thu 11.400 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 516 tỉ đồng, cán đích kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2025. Tính trong giai đoạn năm năm 2019-2023, CTR tăng trưởng doanh thu kép 22% và lợi nhuận kép 33,5%. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu CTR đang ở đỉnh lịch sử khi giới đầu tư kỳ vọng công ty tạo ra diện mạo mới cùng với sự mở rộng đầu tư hạ tầng 5G của tập đoàn Viettel.

Thành lập năm 1995, tiền thân Viettel Construction là một xí nghiệp lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc quân sự và xây lắp hạ tầng cho ngành bưu điện và truyền hình. Từ 30 nhân sự với doanh thu vài tỉ đồng trong những năm đầu thành lập, hiện nay công ty hoạt động với trụ cột chính: vận hành khai thác; đầu tư hạ tầng cho thuê; xây dựng (cả B2B và B2C); giải pháp và dịch vụ kỹ thuật.

Đại tá Đỗ Mạnh Hùng, chủ tịch tổng công ty Viettel Construction.

Vai trò của công ty trong hệ sinh thái Viettel có thể mường tượng qua quy mô hạ tầng đã thiết lập trong nước: hơn 50.000 trạm phát sóng, 320.000km cáp quang. Số cáp quang này tương đương tám vòng xích đạo đã phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ vùng đèo núi hiểm trở đến nơi biển đảo xa xôi.

Theo chân tập đoàn mẹ đang có mặt ở 10 quốc gia, Viettel Construction mở rộng hoạt động ra nước ngoài. “Những năm tháng đã rèn luyện nên con người công trình Viettel, chúng tôi trưởng thành qua muôn vàn thách thức,” ông Hùng nói.

Chủ tịch CTR nói chiến lược doanh thu tỉ đô đến năm 2030 của công ty gắn với việc “xoay trục” tỉ trọng doanh thu từ bên ngoài và nội bộ tập đoàn, dự kiến chuyển dịch từ mức 38–62% cuối năm 2023 thành 60–40% trong giai đoạn 2025–2030. Doanh nghiệp đang hoạt động với văn hóa nhà binh đã có nhiều bước đi thực hiện thay đổi này.

Trọng tâm để thay đổi cấu trúc là thúc đẩy chiến lược phát triển thị trường xây lắp dân dụng cho cả hai khối khách hàng doanh nghiệp (B2B) và hộ dân (B2C). Bước đi này được khởi xướng từ năm 2017, đến nay CTR dần trở thành một nhà thầu xây lắp có thương hiệu, thực hiện nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư bất động sản như Vingroup, Novaland, Sungroup…

Thực hiện công trình cho hộ gia đình đã nhanh chóng thúc đẩy mạng lưới công trình của CTR, ghi dấu ấn qua độ phủ đến 688/701 huyện (tính đến tháng 4.2024), tương đương 98% tuyến huyện đã có công trình xây lắp của CTR. Việc đẩy mạnh công trình dân dụng gắn với giải pháp tích hợp dịch vụ “All in One” (xây dựng, cung cấp thiết bị, bảo hành bảo dưỡng…) nhắm tới 25 triệu hộ gia đình Việt Nam.

Đội ngũ triển khai tất cả các dịch vụ liên quan đến điện nước, nội thất, cảnh quan, thiết bị gia dụng – điện tử an ninh, tấm pin năng lượng mặt trời… cho đến sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng… Theo ông Hùng, mảng dân dụng sẽ là mấu chốt giúp hoàn thiện hệ sinh thái CTR theo tầm nhìn “đa dịch vụ, một điểm chạm” là xu thế tất yếu  của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa ứng dụng dịch vụ thông minh tới tận hộ gia đình.

Các hoạt động xây lắp dân dụng sẽ được đẩy mạnh phát triển nhưng doanh thu nội bộ từ tập đoàn Viettel vẫn đóng vai trò xương sống: vận hành, khai thác thể hiện vai trò trụ cột trong triển khai hạ tầng 5G tại Việt Nam. Trong làn sóng xã hội số với sự nổi lên của các công nghệ mới 5G, Big Data, AI, nếu Viettel là tập đoàn hàng đầu Việt Nam xét theo doanh thu và lợi nhuận đang thể hiện vai trò dẫn dắt đưa nhiều ứng dụng ra thị trường thì CTR đóng vai trò nhà cung cấp hạ tầng hàng đầu cho các dịch vụ phát triển.

Thị trường nước ngoài mang về doanh số 1.500 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 14% trong năm 2023, sẽ tiếp tục được thúc đẩy áp dụng mô hình bốn trụ cột chính triển khai trong nước được CTR đưa ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh hai công ty con tại Lào và Campuchia, công ty bắt đầu tìm cơ hội tham gia các thị trường mới gồm Úc và New Zealand.

Ông Bạch Chấn Mãn, chuyên gia phân tích từ SSI Research cho rằng việc triển khai hạ tầng 5G đòi hỏi số trạm thu phát sóng di động (BTS) tại Việt Nam tăng lên gấp nhiều lần. Trong ngắn và dài hạn vai trò TowerCo số 1 của CTR tiếp tục hưởng lợi, song song với kỳ vọng mảng vận hành khai thác tiếp tục tăng trưởng theo chiến dịch Go Global của tập đoàn mẹ Viettel.

“Đặc biệt mảng B2C được CTR xây dựng trong một hệ sinh thái bao gồm cả giải pháp tích hợp và dịch vụ kỹ thuật, vừa tạo lợi ích cộng hưởng trong toàn hệ sinh thái vừa làm nên sự khác biệt so với các công ty cùng ngành,” chuyên gia của SSI đánh giá.

Để hình dung tác động của hạ tầng 5G đến CTR có thể mường tượng qua các con số. Hạ tầng của tập đoàn Viettel hiện có khoảng 60.000 trạm phát sóng 4G thì hạ tầng 5G cần tối thiểu số trạm BTS gấp 3-5 con số hiện tại. Năm 2024, CTR bắt đầu cung cấp khoảng 6.000 trạm 5G, kế hoạch đến 2030 triển khai khoảng 50.000 trạm, không chỉ cho Viettel mà còn cho các nhà mạng khác thuê lại. “Quy mô gấp 10 lần hiện tại và CTR tiếp tục là doanh nghiệp TowerCo dẫn dắt thị trường, mang lại triển vọng tăng trưởng dài hạn,” chủ tịch CTR nói.

Hạ tầng viễn thông là nền tảng kết nối, CTR hưởng lợi khi đi cùng sự phát triển của 5G và các thế hệ viễn thông tiếp theo trong tương lai, sau 5G là 6G, 7G… Không gian thị trường mở rộng nhiều lần khi khách hàng dần chuyển từ người sử dụng viễn thông truyền thống sang các dịch vụ kết nối IoT. Khi đó vai trò và vị thế của nhà vận hành hạ tầng của Viettel Construction sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

Báo cáo của công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, CTR là công ty xây dựng viễn thông có kinh nghiệm nhất tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ xây dựng và bảo trì cũng như cho thuê BTS và cáp quang sẽ hưởng lợi từ làn sóng 5G.

“Ngoài ra, CTR còn hưởng lợi lớn ở phân khúc cho thuê hạ tầng, được thúc đẩy bởi chính sách nhà nước về việc tăng cường chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động như BTS và cáp quang giữa những nhà điều hành mạng di động (MNOs) để tối ưu hiệu suất hoạt động và đầu tư, cải thiện cảnh quan môi trường và an toàn cho người dân,” báo cáo đánh giá.

Hạ tầng viễn thông được Viettel Construction phủ khắp các địa hình Việt Nam. Ảnh: Viettel Construction

Ông Đỗ Mạnh Hùng là kỹ sư điện tử viễn thông và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông gia nhập Viettel năm 1997 khi vừa tốt nghiệp đại học, bắt đầu với vị trí nhân viên kỹ thuật xây lắp tổng đài. Trong 27 năm gắn bó với Viettel, ông trải qua nhiều vị trí quản lý, hơn một nửa thời gian ông lãnh đạo các trung tâm, từ phó tổng giám đốc tại các tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) và tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Network) đến Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) và lãnh đạo Viettel Tanzania.

Trước khi đảm nhận vị trí chủ tịch CTR nhiệm kỳ 2020-2025, ông là tổng giám đốc – thành viên hội đồng quản trị Viettel Global và chủ tịch công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel.

Năm 2003, Viettel thiết lập cột mốt đột phá đầu tiên khi bước vào lĩnh vực viễn thông. CRT thành đơn vị công trình tiên phong xây dựng hạ tầng phát sóng, mạng Internet, cáp quang… Ông Hùng nhớ lại, những kỹ sư – người lính ngày đêm lao vào kéo cáp, xây trạm. Tốc độ “càn quét” của đội ngũ công trình giúp “tân binh di động” tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước trong năm năm liền, khai trương năm 2004 và trở thành nhà mạng di động số 1 Việt Nam từ năm 2009.

Năm 2006, Viettel đầu tư sang Lào và Campuchia, đội ngũ CTR trưởng thành từ trong nước bắt đầu cùng tập đoàn ra nước ngoài tiên phong xây mạng lưới, đến nay có mặt tại mười quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Các kỹ sư phải tác chiến đơn lẻ ở những vùng đất xa xôi, không biết tiếng bản địa, không có dịch vụ hậu cần. Mọi sinh hoạt có thể nằm trong những ngôi nhà container dựng tạm giữa rừng sâu.

“Khả năng vượt khó và quyết tâm cao trở thành đặc tính quan trọng của người kỹ sư công trình, chúng tôi tự hào góp phần không nhỏ vào sự thành công trong quá trình đầu tư ra nước ngoài của Viettel,” ông Hùng nói.

“Cảm giác trân trọng nhất với tôi trong quãng đường gần 30 năm đó là may mắn có được những trải nghiệm tại mạng di động Viettel ngay từ con số 0 đến hiện tại,” ông cho biết. Từ nhân viên kỹ thuật thành nhà quản lý, dẫn dắt công ty trên sàn niêm yết đòi hỏi những tiêu chí quản lý hiện đại, linh hoạt với thị trường, không chỉ là nhà quản lý vốn mà còn đáp ứng kỳ vọng của các cổ đông vào sự phát triển của doanh nghiệp trên sàn đại chúng.

Quan điểm của ông Hùng là “dẫn dắt công ty cân bằng giữa gien Viettel và sự đổi mới của thị trường. Đến bây giờ tôi hoàn toàn tự tin trước thị trường về doanh nghiệp và mô hình hoạt động của CTR.”

Vị đại tá quân đội dẫn dắt công ty niêm yết có vốn hóa hơn 500 triệu đô la Mỹ đánh giá công ty không thể nằm ngoài sự chuyển dịch của thị trường, phải thay đổi để thích ứng với công nghệ và chuyển đổi số trong thời kỳ mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi Viettel Construction và đội ngũ lãnh đạo thích ứng nhanh, thay đổi tư duy để tránh sa vào những lối mòn.

Sự đổi mới về cấu trúc đang được thực hiện, 63 chi nhánh tỉnh thành, đặc biệt là các trung tâm hạch toán phụ thuộc sẽ dần chuyển sang hoạt động độc lập. “Tổng công ty sẽ dần giữ vai trò holding để tăng tính chủ động, linh hoạt và đẩy các cấp quyết định về sát với thị trường, chịu trách nhiệm cụ thể hơn,” ông nói.

Mang ADN của một công ty kinh tế nhà nước và xuất phát từ mô hình quản lý đặc thù của quân đội, để mở rộng không gian cung cấp sản phẩm dân sự, theo ông Hùng “có nhiều thuận lợi”, nhờ được kế thừa truyền thống quân đội, gần với dân, luôn ý thức giữ gìn hình ảnh tốt đẹp trong bất kỳ hoạt động nào của doanh nghiệp. Điều này có tính thuyết phục và thực tế cho thấy qua sự phát triển của công trình Viettel đã được người dân ủng hộ và đánh giá cao nên “không có gì khó khăn”.

Gương mặt chữ điền góc cạnh, giọng nói chậm rãi, đại tá Đỗ Mạnh Hùng luôn nhấn mạnh tinh thần vượt khó và tự chủ trong quân đội đã được đem ra ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Ông nói, mỗi nhân viên đứng trong đội hình Viettel, bên cạnh việc hoàn thiện sản xuất kinh doanh còn phải luôn ý thức gìn giữ hình ảnh và uy tín của tập đoàn quân đội trong tất cả mọi hoạt động.

“Ở góc độ nào đấy, chúng tôi có phương pháp tự kiểm soát, tự ý thức để phát huy, gìn giữ được hình ảnh quân đội Việt Nam và người lính cụ Hồ, ở đó luôn có sự nhiệt thành đồng đội và tinh thần gắn kết chia sẻ vui buồn rất cao để vượt qua những thách thức khó khăn,” ông Hùng nói cách tự hào.