Nhà virus học Michael Taylor làm công việc tình nguyện giúp đỡ các bệnh nhân ung thư. Cách làm của ông là giúp họ chọn cổ phiếu trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
“Tôi chưa từng nghe gì tốt đẹp từ những người chuyên giao dịch với vỏ bọc phục vụ lợi ích cộng đồng,” kinh tế gia lừng danh Adam Smith từng nói như vậy. Tuy nhiên, ông có thể xem Simplify Health Care, một quỹ ETF (hoán đổi danh mục) chăm sóc sức khỏe, như một ngoại lệ.
Cụ thể, toàn bộ 0,5% doanh thu từ phí (sau khi trừ chi phí hoạt động) của quỹ được quyên góp cho Quỹ Ung thư Vú Susan G. Komen. Trong đó, người quản lý danh mục đầu tư của quỹ là Michael F. Taylor không nhận lương.
Một doanh nghiệp tư nhân vừa cho đi toàn bộ lợi nhuận đồng thời vừa có hiệu suất kinh doanh tốt là điều rất hiếm, chẳng hạn Newman’s Own, thương hiệu thực phẩm đã quyên góp 600 triệu USD cho các chương trình vì trẻ em. Nơi Phố Wall, tôn chỉ thiện nguyện dường như càng lạc lõng hơn bao giờ hết, vì ở đây, phương châm sống còn là “biết tham mới tốt” (greed is good).
“Đây là quỹ ETF đầu tư dựa trên tác động xã hội đầu tiên từng có,” Taylor, 52 tuổi, người đã làm giàu nhờ sự nghiệp trong lĩnh vực quỹ phòng hộ (hedge fund) và đã nghỉ hưu sớm, tự hào tuyên bố. “Tôi giờ có phước là không cần nhận thù lao cho công việc mình đang làm.”
Đến nay, quỹ này đã tặng 250 ngàn USD cho Komen. Ông cho biết lý do chọn Komen vì tổ chức này đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực nghiên cứu y khoa, gần đây khoảng 10 triệu USD mỗi năm.
Khách hàng của quỹ Simplify không phải “hy sinh” bất kỳ quyền lợi nào. Quỹ ETF chủ động này ra mắt cuối năm 2021 và tới nay đã thu hút được 144 triệu USD tài sản, đạt lợi nhuận trung bình 5,3% mỗi năm (theo YCharts), ngang ngửa quỹ Health Care Select SPDR có quy mô lớn hơn, chuyên mô phỏng chỉ số.
Chắc chắn rằng Taylor không điều hành một quỹ chỉ “giả vờ” quản lý chủ động (nhưng thực chất chỉ mô phỏng máy móc các chỉ số). Tỷ lệ luân chuyển tài sản mỗi năm của ông đạt mức 210%, bình thường với một quỹ phòng hộ, nhưng khá lạ thường đối với một quỹ ETF.
Quỹ SPDR đang nắm cổ phiếu của Merck, Biogen, Amgen và Pfizer, nhưng Taylor luôn tránh những cái tên này, vì ông cho rằng các bằng phát minh sắp hết hạn sẽ khiến chúng suy giảm lợi nhuận. Riêng Pfizer còn mang “tội” làm ra vaccine Covid, thứ Taylor thẳng thắn khẳng định là vô giá trị.
Taylor là vậy: không ngại bày tỏ quan điểm. Khi đại dịch bùng phát năm năm trước, ông công khai nói virus này là sản phẩm nhân tạo của Trung Quốc. Hiện ông vẫn giữ quan điểm gay gắt với Moderna, cho rằng vaccine mRNA của hãng có thể gây rối loạn miễn dịch và có khả năng sẽ bị rút khỏi thị trường. Dù ông có thể sai, nhưng quyết định tránh xa cổ phiếu Moderna đã đúng: giá của nó đã rơi từ mức đỉnh 484 USD xuống chỉ còn 35 USD.
Niềm tin khác biệt của Taylor về virus không vô căn cứ: sau khi lấy bằng thạc sĩ khoa học tại Đại học Johns Hopkins, ông làm việc tại GenVEC, hãng chuyên nghiên cứu công nghệ dùng virus đưa các đoạn gene vào cơ thể người.
Nhưng ông sớm thất vọng khi phần lớn công việc chỉ là di chuyển cốc đong (becher) từ bàn này sang bàn nọ. “Tôi yêu khoa học. Tôi chỉ không thích làm khoa học,” ông nói. “Tôi thà làm thợ mộc còn hơn.”
Còn một điều khác khiến ông băn khoăn: trong lúc Phố Wall đang “phát cuồng” vì công nghệ sinh học, cổ phiếu GenVec được ca ngợi khắp các kênh truyền hình, thì ông biết rõ công ty này không hề có tương lai.
Giải pháp là gì? Ông đi học kinh doanh. Sau khi lấy bằng MBA từ Đại học Rochester, ông làm cho nhiều quỹ đầu tư, gồm Oppenheimer, Caxton, Citadel và Millennium. Một trong những thương vụ thành công của ông là mua cổ phiếu Gilead khi họ còn ở giai đoạn đầu nghiên cứu thuốc chữa HIV. Một thương vụ khác là bán khống cổ phiếu của Valeant, công ty sau này bị phát hiện thổi phồng số liệu doanh thu.
Quỹ ETF Simplify sở hữu cổ phiếu thuộc về nhiều công ty lớn “quen mặt” giới đầu tư ngành chăm sóc y tế, như Eli Lilly. Hiện giá cổ phiếu Lilly đang có vẻ đắt đỏ với P/E 70 lần trong một năm qua, nhưng Taylor dự đoán công ty sẽ đạt cú hích lớn về doanh thu trong thời gian tới, nhờ việc chương trình bảo hiểm Medicare chấp nhận trả tiền cho loại thuốc giảm cân đắt tiền chuyên dùng cho bệnh nhân bị mất ngủ do chính hãng này sản xuất.
Đồng thời, bệnh nhân thừa cân, cao tuổi, mất ngủ còn cần dùng một thiết bị bơm khí do Resmed sản xuất. Taylor cũng nắm cổ phiếu của Resmed.
Ngoài các hãng y dược chính thống, danh mục đầu tư của Taylor có thể được miêu tả là “kỳ lạ.” Ông sở hữu Chewy, công ty được hầu hết mọi người xem là nơi bán thực phẩm cho thú cưng, còn ông nhìn thấy giá trị khác: doanh nghiệp phân phối thuốc thú y có biên lợi nhuận cao.
PureCycle Technologies là một doanh nghiệp thua lỗ đang tìm cách tái chế polypropylene, vậy tại sao họ được Taylor chọn? Vì trước đó ông đang tìm kiếm các cổ phiếu bị định giá thấp có khả năng hồi phục và gõ từ khóa “cổ phiếu rác” vào ô tìm kiếm. Google hiện ra danh sách các công ty quản lý rác thải, gồm cái tên trên.
Thích thú, ông đào sâu tìm hiểu khía cạnh hóa học và kết luận rằng PureCycle đang ở ngưỡng thương mại hóa và sẽ mang về được hàng tỷ USD doanh thu. Quy tắc của Simplify cho phép hiện diện tối đa 20% tài sản ngoài ngành chăm sóc sức khỏe và khi cổ phiếu PureCycle được giao dịch dưới 4 USD (từ mức đỉnh 32 USD), quỹ bèn mua vào. Gần đây, PureCycle đã vượt mốc 7 USD.
Arcutis Biotherapeutics là một khoản cược dài hạn khác với tiềm năng lợi nhuận lớn. Hiện công ty vẫn đang thua lỗ trong quá trình nghiên cứu phát triển phương pháp điều trị sinh học cho các căn bệnh tự miễn và quỹ của Taylor dành 8% tài sản đầu tư cổ phiếu hãng này (còn SPDR thì không).
Lĩnh vực miễn dịch học cũng quan trọng không kém virus học. Các phương pháp điều trị trong tương lai cho ung thư, bệnh vảy nến và đa xơ cứng sẽ liên quan đến việc điều chỉnh hệ miễn dịch của người. Với riêng Taylor, ông có lý do cá nhân để quan tâm đến nghiên cứu hệ miễn dịch: bản thân ông đang mắc một bệnh tự miễn khiến ông bị đau cột sống nghiêm trọng suốt nhiều năm cho đến khi áp dụng một liệu pháp thử nghiệm bằng laser trong thời gian qua. Liệu pháp có tác dụng, hiện ông đã có thể đi lại sau nhiều năm dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để nằm.
Giới đầu tư lâu nay luôn “lúc nóng lúc lạnh” với các công ty ở giai đoạn thai nghén như GenVec, PureCycle và Arcutis. Trong vài năm gần đây, thị trường có phần lạnh nhạt. Kể từ khi quỹ Simplify Health Care ra mắt, ngành chăm sóc sức khỏe nói chung và cổ phiếu các công ty công nghệ sinh học nói riêng đều có hiệu suất kém hơn thị trường.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này vẫn lạc quan: “Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên vàng của khai phá và phát triển công nghệ sinh học, và mọi chuyện chỉ mới bắt đầu,” ông nói. “Con người sẽ sống lâu và sống khỏe hơn.”
Hãy hy vọng ông đúng.
Việc mua các quỹ theo ngành với hy vọng vượt trội hơn thị trường chung thường là một việc làm dại dột — hiếm khi hiệu quả và dễ mất tiền. Tuy vậy, vẫn có lý do chính đáng để đầu tư, như một cách cân bằng danh mục. Với người lớn tuổi chịu gánh nặng chi phí thuốc men và hệ thống Medicare đang cạn kiệt, họ nên cân nhắc đầu tư vào các quỹ y tế.
Gợi ý lựa chọn: quỹ ETF đặc thù được miêu tả trong bài viết này (Simplify Health Care).
Lựa chọn khác là các quỹ đầu tư chỉ số (Index Fund) như Health Care Select SPDR, Vanguard Health Care hoặc Fidelity MSCI Health Care. Các quỹ này có tài sản từ hai đến 39 tỷ USD, phí quản lý dưới 0,1% và có danh mục đầu tư gần giống hệt nhau, chủ yếu tập trung vào cổ phiếu những công ty lớn nhất ngành.
William Baldwin là người phụ trách chuyên mục Chiến lược đầu tư của Forbes.
Biên dịch: Vương Đỗ — Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 6.2025
1 năm trước
2 năm trước
CVS đánh bại Amazon để mua lại Signify Health1 năm trước