Doanh nhân

Techtronic Industries và hành trình loại bỏ dây điện

Horst và Stephan Pudwill đang phát triển Techtronic Industries để đảm nhận trọng trách trụ cột của ngành thiết bị điện toàn cầu. Họ đặt mục tiêu trọng tâm là đổi mới sáng tạo để xóa sổ những sợi dây điện.

Share
this:

Đầu năm 2020, ba lãnh đạo của công ty sản xuất dụng cụ điện Techtronic Industries (TTI) có trụ sở tại Hong Kong, bao gồm Horst Julius Pudwill, phó chủ tịch Stephan Horst Pudwill (con trai của Julius) và CEO Joseph Galli Jr., ngày càng lo lắng.

Khi dịch bệnh lan rộng, khách hàng lớn nhất của TTI là Home Depot và nhà máy lớn nhất của công ty tại Đông Quan, Trung Quốc đều rơi vào thế khó. Nhà máy đã phải đóng cửa trong 10 ngày của tháng hai vì đại dịch. Một tháng trước đó, chuỗi cửa hàng bán đồ gia dụng Home Depot, vốn đóng góp phân nửa doanh thu cho TTI vào năm ngoái, phải giảm thời gian hoạt động và hạn chế số khách vào cửa hàng cùng lúc.

Đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất kể từ khi TTI được Horst, 76 tuổi, đồng sáng lập năm 1985. (Stephan, 44 tuổi, gia nhập công ty năm 2004 và Galli, 62 tuổi, tham gia năm 2006.)

Trong cuộc gọi trực tuyến trên nền tảng Zoom vào đầu tháng tư, bộ ba đã hội ý với nhóm lãnh đạo TTI. Thay vì rút cổ phần, họ quyết định tiếp tục kế hoạch phát triển dài hạn của công ty, trong đó có giữ chi phí R&D ở mức 3% doanh thu thường niên. Công ty cũng phải điều chỉnh hoạt động trong mùa dịch, chẳng hạn như cho phép tăng hàng tồn kho khi khách cắt giảm đơn hàng.

Chiến lược của TTI đã mang lại hiệu quả. Khi báo cáo kết quả doanh thu nửa năm vào tháng sáu, lợi nhuận công ty đã tăng 16% lên 332 triệu đô la Mỹ, trong khi doanh thu cũng tăng 13% lên 4,2 tỉ đô la Mỹ. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng doanh thu của năm kết thúc vào đầu tháng ba năm nay của TTI sẽ tăng gần 15% lên 8,8 tỉ đô la Mỹ.

“Chúng tôi đã thực hiện nhiều quyết định táo bạo trong năm 2020. Trong khi các đối thủ cho nhân viên nghỉ không lương, chúng tôi quyết định đầu tư mạnh hơn vào công ty nhằm tạo hàng tồn để hỗ trợ khách hàng và đầu tư vào R&D,” Horst cho biết. “Đó là những quyết định chúng tôi thực hiện với tư cách là một nhóm người, một doanh nghiệp.”

Lệnh đóng cửa và hạn chế di chuyển tại Mỹ và các nơi khác đã mang lại lợi thế không ngờ. Các khách hàng thất nghiệp hoặc phải làm việc tại nhà quyết định giờ là thời điểm tốt để tân trang và sửa sang nhà cửa, nhờ đó nhu cầu dành cho các thiết bị và nguyên vật liệu gia dụng gia tăng.

Bước sang năm 2021, triển vọng của TTI vẫn tươi sáng. Từng được xem là kẻ bị thua thiệt trong ngành thiết bị điện và gia dụng toàn cầu, trong nhiều năm TTI dần vươn lên và trở thành đối thủ đáng gờm của hai tên tuổi toàn cầu Stanley Black & Decker và Bosch.

Bosch là công ty tư nhân nên khó có thể so sánh. Trong khi nếu so với 14,5 tỉ đô la Mỹ doanh thu của công ty được niêm yết Stanley, doanh thu của TTI thấp hơn nhưng khoảng cách đang dần thu hẹp.
Trong năm năm qua, doanh thu của TTI tăng 60%, trong khi Stanley tăng 23%.

Với sự ủng hộ của các nhà đầu tư, cổ phiếu TTI đã tăng gần bốn lần cuối năm ngoái, trong khi cổ phiếu Stanley chỉ tăng chưa tới hai lần. Ngày nay giá trị thị trường của TTI trên sàn chứng khoán Hong Kong (29 tỉ đô la Mỹ) cao hơn cả Henderson Land, một trong những công ty bất động sản lớn nhất Hong Kong (trị giá 19 tỉ đô la Mỹ).

Mục tiêu dài hạn của TTI là cách mạng hóa công nghệ lõi dùng trong sản xuất thiết bị điện và vượt xa các đối thủ nhờ đổi mới sáng tạo. Dù nhiều công ty sản xuất thiết bị điện cũng đang mang tới các sản phẩm không dây, Horst là người sớm đặt cược lớn để tiên phong trong công nghệ này, điển hình như dòng sản phẩm bán chạy Milwaukee của TTI được bán tại Home Depot.

“Milwaukee là cái tên được giới thiết bị điện không dây công nhận. Hãng được xem là tiên phong trong ngành thiết bị điện khi là thương hiệu đầu tiên sử dụng lithium-ion trong các dòng sản phẩm của mình,” Aida Vasquez của trang web Architecture Lab dành riêng cho cộng đồng kiến trúc nhận định.

“Nhiều đột phá mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong các thập niên tới,” Joseph Galli Jr. nói

Lithium-ion là yếu tố làm nên sự khác biệt. TTI ứng dụng lithium-ion để tạo ra pin dùng trong thiết bị điện, thay vì sử dụng các vật liệu truyền thống như niken-cadmium. Dù đắt hơn nhiều, pin lithium-ion lại vượt trội hơn hẳn các loại pin trước đây về hầu hết mọi mặt: nhẹ hơn, nhỏ hơn và tích trữ năng lượng lâu hơn. “Tôi cược rằng pin sẽ ngày càng tốt hơn. Chúng tôi cũng suy ngẫm cách để đa dạng hóa và mở rộng sang các cơ hội khác,” Horst Julius Pudwill nói.

TTI cũng đưa đổi mới sáng tạo khác vào pin, chẳng hạn như thử nghiệm và chỉnh sửa bằng phần mềm sở hữu độc quyền. “Ngược lại, các đối thủ của công ty phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm bên ngoài và nhiều bên mua tất cả pin từ nguồn thứ ba,” ngân hàng UBS nhận định trong báo cáo.

Cũng theo UBS, điểm khác biệt nữa phải kể đến là các động cơ điện của TTI. Công ty sử dụng các mô tơ hiệu suất cao không chổi than có công suất cao hơn 20-25% so với các loại động cơ tương đương, nhờ đó tạo ra nguồn điện, hiệu năng và độ bền cao hơn. “Chẳng hạn như với sản phẩm khoan không chổi than hiệu Milwaukee, chúng tôi cho ra mắt thế hệ mới với kích thước nhỏ và công suất mạnh hơn mỗi hai năm một lần. Không hề có giới hạn. Nhiều đột phá mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong các thập niên tới,” CEO Joseph Galli chia sẻ.

TTI và toàn ngành sản xuất thiết bị điện vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Công ty nghiên cứu Arizton có trụ sở tại Chicago nhận định các thiết bị điện không dây hiện chiếm 56% tổng thị trường thiết bị điện toàn cầu trị giá 24 tỉ đô la Mỹ. Tỉ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho tới ít nhất năm 2025. Bosch, Stanley và TTI đã kiểm soát khoảng 40% thị trường thiết bị điện không dây năm 2019, theo ước tính của công ty nghiên cứu.

Thành công là trái ngọt chín muộn với Horst. Sau khi quyết định chọn Trung Quốc làm nơi sản xuất chi phí thấp, nhà sáng lập của TTI ban đầu phải vật lộn để bán hàng bởi các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc vẫn thường bị thị trường nước ngoài xem là chất lượng thấp so với sản phẩm có xuất xứ khác của các doanh nghiệp đối thủ.
Tuy vậy Horst vẫn chăm chỉ làm việc để đảm bảo chất lượng các thiết bị điện của mình đạt chuẩn quốc tế, dần đạt được sự xem trọng và số khách hàng gia tăng.

“Sản xuất là một trong những mảng chúng tôi rất giỏi. Nhưng sức mạnh của chúng tôi nằm ở R&D,” Stephan cho biết. “Chúng tôi thực sự là người dẫn đầu công nghệ, tạo bứt phá.”

Hiện thân đầu tiên cho niềm tin của Horst vào tương lai của các sản phẩm thiết bị điện không dây là dụng cụ vặn vít cầm tay 3,6 V, ra mắt năm 1986, khi công ty chỉ vừa ra mắt một năm. Sản phẩm ngay lập tức thành công: thương hiệu Craftsman của chuỗi bán lẻ Sears đã đặt hàng 250 ngàn sản phẩm trong đơn hàng đầu tiên. “Tôi bắt đầu với các thiết bị nhỏ.

Bạn cần kiên nhẫn, đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ,” Horst nói. Giấc mơ của ông là mang công nghệ không dây gói gọn vào các thiết bị điện kích cỡ lớn dành riêng cho người dùng chuyên nghiệp, chẳng hạn như các nhà thầu và thợ điện. “Công nghệ không dây với tôi là mới và không đối thủ,” Horst nói. “Họ không tin rằng không dây chính là tương lai.”

Năm 1990, Horst đưa TTI lên sàn chứng khoán Hong Kong và năm 2002, công ty lọt vào danh sách Best Under A Billion dành cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có doanh thu nhỏ hơn một tỉ đô la Mỹ của Forbes Asia. Năm 2014, Horst vào danh sách 50 người giàu nhất Hong Kong với tài sản trị giá 1,14 tỉ đô la Mỹ, đứng ở vị trí thứ 43.

Năm nay ông đứng thứ 12 với tài sản 6,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 83% so với 3,7 tỉ đô la Mỹ năm ngoái. Giám đốc không điều hành Roy Chung, người đồng sáng lập TTI cùng Horst, hiện sở hữu cổ phần công ty trị giá hơn 900 triệu đô la Mỹ ở thời điểm bài báo này được viết.

Ở vị trí chủ tịch, Horst đóng vai trò lên kế hoạch chiến lược dài hạn, trong khi Stephan và Galli cùng quản lý hoạt động thường ngày, với Stephan giám sát hoạt động nội bộ, trong khi Galli tập trung vào các hoạt động kinh doanh, phát triển sản phẩm và bán sản phẩm.
Đối với người nhà Pudwill, Galli, người Mỹ, thu hút sự chú ý nhờ 19 năm làm việc tại Black & Decker trước khi công ty sáp nhập với Stanley năm 2010.

Vị trí cuối cùng của ông tại công ty này là chủ tịch mảng thiết bị và phụ tùng điện toàn cầu, vốn trị giá 3,1 tỉ đô la Mỹ vào thời điểm đó. Năm 1999, Galli chuyển sang Amazon đảm nhận chức chủ tịch, dành 13 năm làm việc dưới trướng Jeff Bezos. Ông gia nhập TTI năm 2006 để phụ trách mảng thiết bị điện và trở thành CEO năm 2008. “Khi còn ở Black & Decker, việc phát triển sản phẩm mới thường tốn từ 20-28 tháng. Tại TTI, thời gian là chín tháng,” Galli cho biết. “Horst là doanh nhân. Không hề có tình trạng quan liêu, vậy nên việc phê duyệt thường không cần tới chín chữ ký.”

Stephan cũng là người Đức như cha mình. Ông lớn lên để kế thừa sự nghiệp gia đình. Khi Stephan còn nhỏ, Horst đưa con đến các bữa tiệc công ty và cho con đi theo trong những chuyến công tác nước ngoài. “Bạn học được rất nhiều thứ tại đại học, nhưng không gì tốt hơn là được cầm tay chỉ việc. Tôi bắt đầu làm việc này ngay từ khi còn nhỏ,” Stephan, tốt nghiệp đại học British Columbia tại Canada, cho biết.

Stephan rõ ràng tận tường vai trò của mình. Trong buổi phỏng vấn, ông trích dẫn các số liệu kỹ thuật chi tiết về công nghệ pin của TTI, chẳng hạn như hóa chất được dùng, hiệu năng và đặc tính. “Stephan chủ động gắn bó và liên đới chặt chẽ tới công việc,” Horst cho biết. “Chúng tôi cần tham gia vào thực tiễn vì chúng tôi là những cổ đông lớn nhất, kiếm được nhiều nhất và cũng sẽ tổn thất nhiều nhất nếu thua lỗ.”

Stephan gắn bó với công việc theo cách thức khác: Ông đích thân thử nghiệm từng sản phẩm của công ty, trong khi năm ngoái TTI cho ra mắt 500 sản phẩm.

Tại trụ sở chính, TTI có phòng trưng bày đặt các hàng kệ chứa hàng trăm thiết bị điện, từ thương hiệu Milwaukee có sắc đỏ tươi đến nhãn hàng Ryobi màu vàng chanh, với kích thước từ nhỏ đủ bỏ túi đến cao hai mét. Stephan chỉ ra các sản phẩm được yêu thích nhất của công ty, gồm bình phun và súng nhiệt.

“Phòng trưng bày của chúng tôi giống một cửa hàng đồ chơi dành cho người lớn,” Stephan nói.
Tại nhà, ông cũng sở hữu nhiều sản phẩm của TTI: máy cắt cỏ, các thiết bị để làm nhà cho chó, ống bơm lốp xe đạp – tất cả đều không dây. Giống như khi được Horst nuôi lớn trong môi trường doanh nghiệp, Stephan cũng đang làm như vậy với các con của mình.

Gần đây ông đang làm mô hình máy bay với con trai lớn bằng sản phẩm của TTI, chẳng hạn như khoan, cưa, tua-vít và máy bào gỗ. Đó là cách thức Stephan giới thiệu ngành kinh doanh cho thế hệ thứ ba của gia đình. “Tôi muốn chỉ con mình biết cách sử dụng các thiết bị, và biết chúng dùng để làm gì. Tôi thích tạo ra các thứ,” ông nói. Và có vẻ như TTI sẽ sở hữu các tài năng mới để tiếp tục bám rễ sâu vào ngành.

—————-

Biên dịch: Giang Lê
*Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 92, tháng 4.2021.