Thị Trường

Tập đoàn Thái Lan muốn đón làn sóng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc

2 tuần trước
Nguồn: Nikkei Asia

Tập đoàn logistic và quản lý hậu cần WHA của Thái Lan, dự tính chi gần 1 tỷ USD để xây dựng khu công nghiệp mới ở Đông Nam Á từ nay đến năm 2028, trong bối cảnh thuế quan của ông Trump có thể khiến nhiều chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Share
this:

Thông tin trên vừa được bà Jareeporn Jarukornsakul, Tổng giám đốc điều hành WHA nói với Nikkei Asia.

WHA hiện vận hành 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích 12.500 hectare dọc hành lang kinh tế phía Đông Thái Lan và tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Công ty có kế hoạch xây dựng 4 khu công nghiệp nữa ở Thái Lan và Việt Nam, cũng như cân nhắc mở rộng sang Indonesia và Campuchia.

Một khu công nghiệp của WHA ở Thái Lan – Ảnh: Bangkok Post

Ban đầu là nhà cung cấp kho bãi và dịch vụ hậu cần, WHA tham gia vào lĩnh vực kinh doanh – vận hành khu công nghiệp, thông qua việc mua lại Hemaraj Land & Development năm 2015.

WHA có thế mạnh trong lĩnh vực buôn bán ô tô. Ford Motor và General Motors đã thành lập cửa hàng tại khu công nghiệp của Hemaraj vào những năm 1990, góp phần giúp Thái Lan được xem như “Detroit của châu Á”. Các khu công nghiệp của WHA hiện là nơi đặt cơ sở của hơn 400 công ty liên quan đến lĩnh vực ô tô, như Mazda Motor, Suzuki Motor và Robert Bosch.

Bà Jareeporn thông tin, đầu tư của các công ty Trung Quốc tăng vọt thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp từ năm 2018 bắt đầu chuyển xuống Đông Nam Á hoạt động, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lên cao. Giai đoạn 2020 – 2024, công ty Trung Quốc chiếm tới 60% đất mua tại những khu công nghiệp của WHA. Họ cũng đang ngày càng tìm kiếm những khu lớn hơn.

Hãng xe điện BYD đã xây dựng xưởng sản xuất xe du lịch hoàn chỉnh đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, trong 1 khu công nghiệp của WHA. Great Wall Motor, SAIC Motor và Changan Automobile, cũng đã, đang hoặc có kế hoạch xây nhà máy tại những khu công nghiệp của WHA.

Theo bà Jareeporn, động thái chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc dự kiến tăng tốc trong nhiệm kỳ tới của ông Trump. Vị cựu Tổng thống đe dọa tăng thêm 10% thuế với mọi hàng hóa Trung Quốc ngay khi nhậm chức. WHA đã nhận được nhiều yêu cầu về chuẩn bị đất đai, từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, cũng như công ty sản xuất thiết bị điện tử và trung tâm dữ liệu.

Doanh thu của WHA tăng khoảng 4%, lên 500 triệu USD năm 2023. Tập đoàn có kế hoạch nhân đôi, lên 1 tỷ USD năm 2033.

Những công ty hậu cần khác của Thái Lan, cũng đang chào đón sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Amata đang mở rộng một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ đơn vị Marubeni từ Nhật Bản. Saha Group thì đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động kinh doanh khu công nghiệp do mình quản lý.

Theo báo chí Thái Lan, nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc Haier Group đang xây dựng nhà máy mới tại nền kinh tế số 2 Đông Nam Á, với số vốn 400 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Somkiat Tangkitvanich, Chủ tịch Viện nghiên cứu Phát triển Thái Lan cảnh báo, Đông Nam Á đang có thặng dư thương mại ngày càng tăng với Hoa Kỳ, nên cũng dễ trở thành đối tượng bị đánh thuế. Điều này khiến khó bán hàng hơn, dẫn đến dư thừa nguồn cung trong khu vực.

(Biên dịch: NVP)