Kinh doanh

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 lên 6,5%

3 năm trước
Tác giả Linh Chi

Những biến số chính của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022, bao gồm lãi suất, lạm phát, GDP và các động lực tăng trưởng kinh tế được bà Hoàng Việt Phương – giám đốc trung tâm Phân tích và Đầu tư SSI chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh 2021 do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 9.12.

Share
this:

Bà Phương mở đầu phần chia sẻ bằng cách tổng kết lại những chỉ số chính thể hiện hai mặt tích cực và chưa tích cực của kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2021.

Ảnh hưởng của đợt sóng dịch bệnh lần thứ 4 khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 3 ghi nhận mức âm (-6,27%) – thấp nhất trong vòng 20 năm, điều này đồng nghĩa kinh tế Việt Nam trong năm nay khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra hồi đầu năm.

Hoạt động xuất nhập khẩu, nguồn vốn FDI là hai điểm nhấn tích cực trong bức tranh vĩ mô của nền kinh tế năm nay. Cụ thể, xuất nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng khá tích cực trong vòng 9 tháng đầu năm, với xuất khẩu tăng 18,8% và nhập khẩu tăng 30,8 %, thâm hụt thương mại 2,5 tỉ USD trong chín tháng.

Lý giải, bà Phương cho biết Việt Nam vốn nhập siêu các hàng hóa cơ bản và xuất siêu những sản phẩm gia công chế biến. Khi giá các loại hàng hóa cơ bản tăng mạnh trong chín tháng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ chậm lại đáng kể. Nhưng thương mại đã quay về thặng dư từ tháng 10 khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng.

Bà Hoàng Việt Phương – giám đốc trung tâm Phân tích và Đầu tư SSI chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh 2021 do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 9.12.

Cán cân thanh toán của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức thặng dư tích cực khoảng 9 tỉ USD, phần lớn đến từ nguồn vốn FDI giải ngân dự kiến. Đại diện từ SSI cho biết dự báo giải ngân vốn FDI ở mức xấp xỉ 19-20 tỉ USD trong năm nay.

Bất chấp dịch bệnh, nguồn vốn FDI đăng ký vẫn tiếp tục tăng so với năm 2020. Tuy nhiên, số lượng dự án mới hoàn toàn vẫn hạn chế vì doanh nghiệp phải tuân thủ việc hạn chế đi lại, phần gia tăng đa số đến từ các dự án đã có mặt ở Việt Nam, đồng nghĩa các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây.

Hai điểm chưa tích cực được nhắc tới là phục hồi kinh tế theo hình chữ U và chỉ số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng ghi nhận ở một số thành phố lớn, ví dụ TP.HCM vẫn chưa thể về lại mức cũ trước dịch bệnh, cho thấy tâm lý tiêu dùng của người dân còn khá yếu sau dịch.

Nữ diễn giả cho rằng các kịch bản kinh tế vĩ mô trong năm 2022 sẽ “tích cực” hơn, cụ thể là sẽ không có các đợt giãn cách chặt chẽ như đã từng xảy ra trong năm 2021. “Hoạt động mở cửa sẽ cầm chừng và có thể mọi thứ sẽ bình thường trở lại vào khoảng cuối năm sau”, bà Phương nói.

Theo số liệu từ SSI, tới ngày 1.12 năm nay, tỷ lệ phủ vaccine của Việt Nam đạt 72%, nghĩa là nằm trong tốp các quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới, đây cũng là một điểm tích cực đáng ghi nhận trong bối cảnh không ai có thể dự đoán diễn tiến tiếp theo của đại dịch.

Ba yếu tố sẽ tạo nên sự tích cực hơn của năm 2022 là tỷ lệ tiêm phủ vaccine đã cao hơn nhiều so với xuất phát điểm của 2021, kinh nghiệm của các hãng dược trong sản xuất và cung ứng vaccine cho thị trường. Cuối cùng là tiến bộ của y học khi có thể cung cấp thuốc chữa Covid-19 với mức giá thương mại hóa “có thể chấp nhận” được để cung cấp cho các quốc gia.

Đối với các chỉ số chính của nền kinh tế trong năm sau, nữ diễn giả đưa ra dự báo lạm phát, lãi suất và tăng trưởng GDP, đồng thời phân tích một số động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới.

Bà Phương dự đoán lạm phát có thể sẽ tăng mạnh trong hai quý đầu năm sau, tiệm cận mức 4% của chính phủ đề ra, nhưng sẽ được kiểm soát vào cuối năm về dưới 4%. Cùng với lạm phát, lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Mức tăng nếu có sẽ không đáng kể, với mục tiêu quan trọng là hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh, sau đó là thị trường chứng khoán và bất động sản.

Ngược với mức tăng trưởng GDP ở thời điểm thấp kỷ lục (-6,72%) trong quý 3 năm nay, bà Phương dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm sau sẽ ở khoảng 6-6,5%. Mức tăng trưởng này đã được đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại trong năm 2022.

Các động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam bao gồm mức tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và EU, hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do, cụ thể là RCEP, và cuối cùng là gói kích cầu kinh tế dự kiến được chính phủ Việt Nam bàn luận và thông qua đầu tháng 1 năm sau. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 cũng sẽ tăng ở mức 13%, và phần lớn rơi vào cuối năm sau.

Chốt lại bài trình bày, đại diện từ SSI đưa ra hai rủi ro lớn trong bức tranh kinh tế là nợ xấu ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.