Ngành hàng không trên thế giới bao gồm ở Mỹ chao đảo do tình trạng thiếu hụt phi công nghiêm trọng.
Sau hơn hai năm đại dịch COVID-19, mùa hè năm nay được cho là thời điểm huy hoàng để ngành du lịch tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, trái ngược lại sự kỳ vọng này, mùa du lịch cao điểm lại bị ảnh hưởng do tình trạng gián đoạn chuyến bay và sân bay hỗn loạn liên tục diễn ra.
Trong ngày 18.7, các sân bay trên khắp thế giới đã thống kê hơn 25.000 chuyến bay bị hoãn và 3.100 chuyến bay bị hủy, theo dữ liệu của FlightAware. Tại Hoa Kỳ, 19 sân bay ghi nhận có ít nhất 20% chuyến bay bị hoãn. Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York có số chuyến bay bị hoãn nhiều nhất, chiếm một nửa.
Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra trong ngày 19.7. Đến 6 giờ sáng theo giờ miền Đông, các hãng hàng không ghi nhận hơn 7.000 chuyến bay bị hoãn. Chưa đầy ba giờ sau, con số đó đã lên đến 10.000 và dự kiến tăng gấp đôi vào cuối ngày.
“Thật không may, du khách sẽ phải dần quen tình trạng này thêm một thời gian nữa, cảm thấy thất vọng không những do trễ tuyến mà còn giá cao hơn,” Mark Baier, CEO của AviationManuals, công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn phát triển hàng không và phần mềm hệ thống quản lý an toàn, cho biết.
Baier cho biết thêm tình trạng gián đoạn chuyến bay trong mùa hè năm nay có thể do thiếu hụt phi công và trang thiết bị gây ra. “ Chúng tôi thực sự chứng kiến hệ thống đang căng sức cố gắng nhanh chóng quay trở lại mức hoạt động như trước đại dịch. Những hãng hàng không đã ngừng hoạt động hoặc hủy bỏ một vài trang thiết bị, vì vậy hiện chúng ta đang gặp phải tình trạng thiếu hụt.”
Nhưng cho đến nay, vấn đề lớn hơn là tình trạng thiếu phi công. “Nhiều phi công sinh ra trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1964. Đến hiện tại, họ sắp đến tuổi nghỉ hưu. Và họ chiếm một tỉ lệ lớn trong lực lượng lao động. Vì vậy, ngành hàng không sẽ thiếu hụt nhiều phi công, nhưng thành thật mà nói họ được đề nghị nghỉ hưu sớm khi các hãng giảm số lượng chuyến bay,” Baier cho biết thêm.
Các hãng hàng không nên nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, theo Baier. “Ngay cả trước đại dịch, tình trạng thiếu nhân sự này vẫn sẽ xảy ra. Đại dịch chỉ làm cho tình trạng này xảy ra sớm hơn. Các hãng hàng không đang có nhiều phi công sắp đến tuổi nghỉ hưu và không thể bay được sau độ tuổi đó.”
“Thật dễ dàng thay đổi quyết định cho phi công sắp đến tuổi về hưu nghỉ sớm nhưng tự hỏi chúng tôi có nên làm điều đó hay không,” CEO Ed Bastian của Delta Air Lines cho biết trong hội nghị trực tuyến báo cáo tài chính quý 2 năm 2022.
“Nhưng bạn hãy nhìn lại vào mùa hè năm 2020 khi tổng doanh thu có lẽ thấp hơn 20% so với năm 2019. Lúc đó chúng ta không hề biết vaccine có thể phát huy hiệu quả ra sao cho đến khi nghiên cứu và sản xuất ra chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng không biết liệu thế giới có mở cửa trở lại hay không. Vì vậy, tôi không có bất kỳ hối tiếc nào về những quyết định đó khi nhìn lại.”
Bên cạnh những phi công lớn tuổi sắp nghỉ hưu, ngành hàng không cũng đang thiếu phi công trẻ. “Các hãng hàng không thường tuyển phi công xuất thân từ quân đội, nhưng số lượng này không nhiều,” Baier nói.
“Có một hiện tượng hơi kỳ lạ mà người ngoài ngành thật sự không biết nhiều là những người muốn trở thành phi công phải thật sự yêu thích bay mới có thể làm được. Học trở thành phi công tốn kém hơn nhiều.”
Kết quả: không còn nhiều người muốn trở thành phi công.
Từ trước đến giờ, những phi công ở Hoa Kỳ phải trả tới 150.000 USD để được đào tạo riêng nhưng sau khi học xong, họ kiếm được một công việc lương thấp tại hãng hàng không trong khu vực và sau đó lương tăng từ từ. Tuy nhiên, quá trình tăng lương cũng mất nhiều năm. Bayer nói: “Bạn phải thực sự muốn trở thành một phi công.”
“Các hãng hàng không đã cố gắng giảm bớt chi phí đào tạo phi công,” Baier nói. “Hiện giờ một số hãng hàng không ở Hoa Kỳ đang bắt đầu xây dựng các trường dạy bay chuyên nghiệp, tuy nhiên, thành thật mà nói, các hãng hàng không ở châu Âu đã thực hiện điều này từ lâu.”
Muộn còn hơn không. Năm ngoái, United Airlines bắt đầu giảng dạy những sinh viên đầu tiên tại United Aviate Academy, trường dạy bay mới của hãng ở Arizona. Năm nay, hãng hàng không công bố sẽ chi 100 triệu USD để xây dựng cơ sở mới ở Denver.
Chương trình phát triển nghề phi công Propel Pilot Career Path của hãng hàng không Delta hợp tác với các trường cao đẳng cung cấp một lộ trình nhanh chóng giúp sinh viên đạt được chứng chỉ bay và kinh nghiệm cần thiết để trở thành phi công cho hãng trong vòng 42 tháng hoặc ngắn hơn. Chương trình đang phát triển. Hồi tháng Hai, Delta đã công bố mối quan hệ hợp tác với đại học Hampton, trước đây là trường tư thục dành cho người da màu, để thực hiện chương trình này.
Cách đây vài tuần, American Airlines thông báo thành lập quỹ học bổng phi công trị giá 1 triệu USD mỗi năm sẽ tài trợ cho hai sinh viên học tại American Airlines Cadet Academy.
Mặc dù vậy, bạn không thể đào tạo ra nhiều phi công cho những chuyến bay thương mại trong một sớm một chiều. “Không có cách nào giải quyết nhanh cả,” Baier nói. “Cần có thời gian để phi công phát triển kỹ năng. Chắc chắn là không dưới một năm trước khi chúng ta bắt đầu tuyển vào phi công mới.”
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng. “Tôi thực sự vui mừng khi thấy các hãng hàng không bắt đầu xây dựng học viện bay,” Baier nói. “Đây là một nền tảng tốt hơn nhiều mà chúng ta đang hướng tới.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Du lịch nội địa Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh phòng dịch nghiêm ngặt
Disney tham gia vào thị trường du lịch bằng máy bay tư nhân
Nhật Bản mở cửa lại ngành du lịch với quy định mới
Những lưu ý quan trọng về mùa du lịch hè năm 2022