multi-media / Megastory

Danh sách tỉ phú: Tài sản người giàu nhất Indonesia đến từ khai mỏ

Tỉ phú Low Tuck Kwong của Bayan Resources với mức tài sản tăng gần gấp năm lần trong năm qua, tự tin rằng than đá vẫn có khả năng sinh lời trong tương lai.

Trong khi các chiến dịch toàn cầu khuyến khích cắt giảm sử dụng than khiến tương lai dài hạn của loại nhiên liệu này trở nên bất ổn hơn, hai năm qua lại thành vận may bất ngờ đối với tỉ phú Low Tuck Kwong, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty sản xuất than lớn thứ tư Indonesia, Bayan Resources.

Thị trường toàn cầu hiện đang phát triển rất mạnh mẽ, khi giá cả tăng vọt sau xung đột Ukraine-Nga vào tháng 2.2022. Ngoài ra, những trận mưa dồi dào giúp các sà lan chở than của Bayan xuôi theo sông Senyiur ở Borneo đến cảng tại Balikpapan hoạt động trơn tru – không giống như những năm trước khi hạn hán làm gián đoạn các chuyến hàng của họ và ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trong chín tháng đầu năm 2022, Bayan đạt doanh thu (3,3 tỉ đô la Mỹ) và lợi nhuận (1,7 tỉ đô la Mỹ) cao hơn so với cả năm 2021, dẫu cho năm 2021 đã mang lại kết quả vượt bậc, với doanh thu tăng hơn gấp đôi và lợi nhuận tăng gần gấp bốn lần.

Giá cổ phiếu của Bayan tăng gấp năm lần kể từ đầu năm 2021 và tăng gấp ba lần trong năm 2022. Cổ phiếu tăng vọt giúp Low, 74 tuổi, người sở hữu phần lớn cổ phần của Bayan, vượt lên vị trí thứ hai trong danh sách 50 người giàu nhất Indonesia, từ vị trí thứ 18, với khối tài sản tăng gấp 4,7 lần lên 12,1 tỉ đô la Mỹ.

Giống như nhiều quốc gia, chính phủ Indonesia đang cố gắng giảm lượng điện năng được tạo ra từ than đá của đất nước. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 do Indonesia tổ chức vào tháng 11.2022, họ đưa ra thông báo về chương trình mà theo đó một nhóm các nước phát triển và ngân hàng tư nhân sẽ hỗ trợ 20 tỉ đô la Mỹ để giúp Indonesia cắt giảm việc sử dụng than và phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn.

Điều này không làm Low lo lắng. Ông hài lòng với triển vọng của Bayan trong một ngành đang bị tấn công nhưng lại là ngành quan trọng của đất nước.

Trong thông điệp ở báo cáo thường niên năm 2021 của Bayan, Low cho biết: “Mặc dù chúng tôi nhận ra than được coi là ngành công nghiệp đang lụi tàn, nhưng chi phí cơ bản của chúng tôi thuộc hàng thấp nhất thế giới và than có lượng phát thải thấp, đứng thứ ba về lượng phát thải CO2 tương ứng. Điều đó có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ nằm trong số những công ty cuối cùng còn trụ vững.”

Giám đốc tài chính của Bayan, Alastair Mcleod, khi được hỏi về chương trình tài trợ trị giá 20 tỉ đô la Mỹ, cho biết đó là “tỉ lệ rất nhỏ trong số tiền cần thiết để đưa Indonesia thoát khỏi than đá.” Và ông khẳng định rằng than đá sẽ là một phần của các loại năng lượng ở các nước đang phát triển trong nhiều năm tới.

Theo quan sát cơ sở hoạt động của Low tại Tabang ở Đông Kalimantan, nơi có 85% hoạt động sản xuất của công ty, sẽ còn rất lâu mới đến ngày lụi tàn của ngành than. Hoạt động sản xuất ở Tabang diễn ra liên tục.

Những chiếc xe tải kéo rơmooc đôi, mỗi chiếc lớn hơn một con cá voi xanh trưởng thành, chở 230 tấn than đi quãng đường 69km từ các mỏ đến cảng Senyiur suốt ngày đêm, trừ hai ngày trong năm là ngày Quốc khánh Indonesia và lễ Eid al-Fitr.

Hiện tại có 150 xe tải đang hoạt động và con số đó sẽ được tăng gấp đôi để đáp ứng mục tiêu của công ty là tăng sản lượng lên 60 triệu tấn hằng năm vào năm 2026.

Bayan cung cấp “vàng đen” của mình cho cả khách hàng trong nước – họ có nghĩa vụ đối với công ty điện lực quốc gia – lẫn khách hàng quốc tế.

Trong chín tháng đầu năm 2022, 1/4 lượng than của Bayan được bán cho thị trường Indonesia, và những khách hàng quốc tế lớn bao gồm Philippines (30%), Hàn Quốc (15%), Ấn Độ (9%), Bangladesh (7%) và Malayasia (5%).

Chẳng cần phải phóng đại tầm quan trọng của than đối với Indonesia. Đất nước này là nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ mang lại hơn 91 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Than vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất trong nhà, chiếm 38% năng lượng phân tán vào năm 2021, vượt xa dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, với năng lượng tái tạo chỉ chiếm 12%.

Có rất nhiều than trong lòng đất. Bộ năng lượng Indonesia dự báo với sản lượng nội địa trung bình hằng năm là 600 triệu tấn, trữ lượng than hiện có của Indonesia có thể đủ cho hơn 60 năm.

Low sinh ra ở Singapore, là người đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm trong hơn 25 năm qua trong lĩnh vực mà ông gọi là “việc kinh doanh khó khăn.” Cha của ông từ Quảng Châu, Trung Quốc di cư đến Singapore khi ông mới ba tuổi, thành lập công ty xây dựng dân dụng Sum Cheong.

Khi Low 14 tuổi, ông bắt đầu giúp cha xây dựng các dự án sau giờ học. Sum Cheong về sau trở thành công ty thành công ở Singapore và Malaysia. Nhưng thay vì lên kế hoạch tiếp quản gia nghiệp, Low muốn tự lập nghiệp, ở một nơi lớn hơn và nhìn thấy cơ hội ở Indonesia, nơi mà vào thời điểm đó có rất ít người Singapore kinh doanh.

Năm 1973, ở tuổi 25, ông có được dự án đầu tiên, xây dựng nền móng cho một nhà máy sản xuất kem ở Ancol, trên bờ biển Jakarta. Low cho biết ông là nhà thầu đầu tiên ở Indonesia sử dụng búa đóng cọc diesel để đóng cọc, giúp đẩy nhanh tiến độ công việc.

Trong khi thực hiện dự án, Low đã có bước ngoặt lớn. Ông kể rằng ông “rất may mắn” khi gặp được Liem Sioe Liong, người sáng lập tập đoàn Salim và là bạn của cố tổng thống Suharto. Liem, người sau này trở thành doanh nhân giàu nhất Indonesia, là chủ sở hữu nhà máy bột mì Bogasari gần nhà máy kem.

“Ông ấy nhìn thấy chúng tôi khiêng cọc, chặn chúng tôi lại và nói chuyện với tôi. Tôi nói rằng tôi không nói được tiếng Bahasa Indonesia, và ông ấy đưa cho tôi danh thiếp, nói chuyện với tôi bằng tiếng Quan Thoại rồi hẹn gặp tôi sau đó,” Low kể.

Cuộc nói chuyện đó dẫn đến quá trình hợp tác giữa Low và Liem, qua đời vào năm 2012, và con trai út của ông là Anthoni, người đứng thứ năm trong danh sách 50 người giàu nhất Indonesia. “Cả hai đã giúp chúng tôi rất nhiều,” Low nói.

Low cũng hợp tác với Jaya Steel – công ty con của Pembangunan Jaya, là liên doanh giữa chính quyền tỉnh Jakarta và các doanh nhân địa phương bao gồm cả tỉ phú bất động sản quá cố Ciputra – để thành lập Jaya Sumpiles Indonesia. Tỉ lệ sở hữu ban đầu là 50/50, sau đó Low kiểm soát hoàn toàn.

Tuy nhiên, Low vẫn muốn có nguồn doanh thu ổn định hơn so với hoạt động kinh doanh xây dựng dân dụng đang mang lại. Cuối năm 1987, ông quyết định tham gia mảng kinh doanh than đá.

Dato Low Tuck Kwong at Tabang Coal Mine

Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp than đá của Indonesia vẫn còn sơ khai. Jaya Sumpiles đã làm việc với một số thợ mỏ để dỡ bỏ, khai thác và vận chuyển lớp đá phủ (lớp đá phủ là lớp ngoài cùng của mỏ đá, bao gồm đất, đá, thực vật phải được loại bỏ trước khi có thể bắt đầu khai thác).

Trong những năm 1990, sản lượng than nội địa tăng vọt từ 4,4 triệu tấn lên 80,9 triệu tấn, nhờ các chính sách hỗ trợ khai thác nhằm thúc đẩy đầu tư. Vào tháng 11.1997, sau một thập niên tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có quyền công dân Indonesia (ông nhập tịch vào năm 1992), Low đã mua khu khai thác nhượng quyền đầu tiên của mình: Gunungbayan Pratamacoal, ở Đông Kalimantan.

Quá trình sản xuất bắt đầu vào năm 1998, là thời điểm ảm đạm để khởi sự kinh doanh ở Indonesia, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á cùng bất ổn chính trị, với các cuộc bạo loạn ở Jakarta và cựu tổng thống Suharto bị lật đổ. Lô hàng đầu tiên, công ty lỗ ba đô la Mỹ/tấn do giá sụt giảm. “Hành trình của chúng tôi không hề dễ dàng ngay từ đầu. Mọi người cười nhạo chúng tôi vì đã mua mỏ. Họ nói chúng tôi điên,” Low nhớ lại.

Từ lâu đã có những trở ngại nghiêm trọng về logistics đối với việc khai thác ở khu Đông Kalimantan giàu than đá. Khoảng cách từ mỏ khai thác đầu tiên của Low đến cảng Balikpapan xa gấp đôi so với mỏ than Multi Harapan Utama, và sà lan của công ty phải mất bốn ngày hành trình xuôi dòng. (Cũng mất bốn ngày để đi xuôi dòng từ Tabang, nơi sản xuất chính hiện tại của Bayan, đến Balikpapan.) Để đi từ Balikpapan đến Tabang, phải mất gần hai giờ đi trực thăng hoặc cả ngày bằng đường sông và đường bộ.

Bất chấp những trở ngại, Low có linh cảm rằng khai thác than ở khu vực Đông Kalimantan sẽ có lãi và có thể mở rộng, nên mua lại các khu khai thác nhượng quyền và phần lớn cổ phần của Dermaga Perkasapratama, nhà điều hành Balikpapan Coal Terminal, một trong những nhà máy lớn nhất trong nước, hiện có sức chứa 1,5 triệu tấn hoặc sản lượng 24 triệu tấn hằng năm và có thể tăng lên nữa.

Năm 2004, Low hợp nhất tài sản và thành lập Bayan Resources, đặt theo tên một quận địa phương. Bốn năm sau, khi đã trở thành nhà sản xuất lớn thứ tám của Indonesia, Bayan tiến hành niêm yết trên sàn Indonesia. Số tiền thu được từ IPO được dùng để phát triển các khu khai thác nhượng quyền, bao gồm cả những khu khai thác nhượng quyền ở Tabang.

Hiện công ty có 12 giấy phép khai thác với diện tích 34.715 hécta – gần bằng một nửa diện tích của Singapore. Khu vực này chứa than đá bitum có hàm lượng tro và lưu huỳnh thấp với nhiệt trị phù hợp nhất cho các nhà máy điện chạy bằng than, nhưng tương đối ít gây ô nhiễm hơn so với các loại than khác.

Bayan ước tính trữ lượng than khổng lồ của Tabang là gần hai tỉ tấn, có thể kéo dài tuổi thọ của mỏ hơn 30 năm. Để đối phó với chu kỳ giá than và giảm thiểu rủi ro theo mùa của thiên nhiên, công ty thực hiện kế hoạch tăng cường hiệu quả dài hạn.

Hệ số bóc đá của Tabang thấp, ở mức 2,9 (có nghĩa là phải bóc 2,9m3 đất đá để tiếp cận một tấn than) và con đường riêng trải nhựa dài 69km để vận chuyển than đến cảng Senyiur giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất của Bayan và tăng cường lợi nhuận, bên cạnh đó, việc sử dụng rơmoóc đôi giúp tiết kiệm nhiên liệu. Trong chín tháng đầu năm 2022, biên lợi nhuận ròng của công ty là 51%, vượt trội so với các công ty khác do giá than tăng cao. Trong cả năm 2021, biên lợi nhuận là 44%.

Hiệu suất phụ thuộc một phần vào mực nước sông Senyiur, đôi khi mực nước xuống quá thấp dẫn đến khó vận hành sà lan chở than. Trong các năm 2016, 2018 và 2019, do mực nước không đủ để chạy sà lan, một số chuyến giao hàng của Bayan đã bị trì hoãn, khiến họ phải đền bù hơn 3,6 triệu đô la Mỹ cho khách hàng.

Low thậm chí còn chuẩn bị bán cổ phiếu của mình nhưng đã hủy bỏ kế hoạch do giá mua quá thấp. Ông nói, những nhà đầu tư từng quan tâm “lẽ ra hiện nay có thể kiếm bộn tiền nếu lúc đó họ mua công ty.”

Để khai thác hết tiềm năng của các mỏ ở Tabang, Bayan đang chi 400 triệu đô la Mỹ cho cơ sở hạ tầng mới. Năm 2019, công ty bắt đầu xây dựng con đường vận chuyển riêng dài 101km nối Tabang và một cảng mới ở Muara Pahu trên Mahakam, con sông lớn nhất của Đông Kalimantan. Mực nước Mahakam không cạn thấp trong mùa khô và sà lan có thể ra khơi vào ban đêm.

Công ty đang lắp đặt ba sà lan xúc lật tại cảng mới để tải than nhanh hơn. Song song với con đường chuyên chở riêng, Bayan cũng đang xây dựng con đường dành cho mục đích công cộng, giúp cung cấp phương tiện đi lại ở vùng sâu vùng xa. Toàn bộ dự án, với mục tiêu tăng sản lượng lên 60 triệu tấn vào năm 2026, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Giám đốc tài chính McLeod cho biết: “Chúng tôi muốn trở thành công ty lớn nhất và tốt nhất ở Indonesia.” Hiện tại, đạt lợi nhuận cao nhất trong nước là công ty than đối thủ Adaro Energy. “Họ đã tạo ra 1,3 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm, còn chúng tôi tạo ra một tỉ đô la Mỹ lợi nhuận ròng. Nhưng họ đã bán được 27,5 triệu tấn, trong khi chúng tôi chỉ bán được 17 triệu tấn,” ông nói. Low tuyên bố, khi Bayan có thể đáp ứng sản lượng, “chúng tôi sẽ là công ty than có lợi nhuận cao nhất ở Indonesia.”

Alberto Migliucci, CEO kiêm nhà sáng lập Petra Commodities có trụ sở tại Singapore, nhìn thấy triển vọng tốt cho than Indonesia và Bayan.

Về trung hạn, ông dự kiến nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng khi nước này phục hồi sau đại dịch và nhu cầu từ Ấn Độ đối với loại than có hàm lượng tro thấp phù hợp với sản lượng của Bayan cũng tăng lên.

Migliucci cho biết: “Bayan đang đạt hiệu suất rất tốt. Họ có các hoạt động vững chắc với điều kiện địa chất thuận lợi sẽ cho phép họ đẩy mạnh sản xuất và tận dụng cơ hội thị trường hiện tại.”

Bayan đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ. Công ty có hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ tiền mặt và gần 280 triệu đô la Mỹ cho các khoản vay dự phòng, và không có khoản nợ nào sau khi trả trước hạn 400 triệu đô la Mỹ trái phiếu vào năm ngoái.

Nhờ đó, Migliucci cho rằng công ty được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với các tình huống tài chính khó khăn hơn đang ảnh hưởng đến ngành than hiện nay.

Với số tiền này, Bayan cũng có cơ hội mở rộng sang các khoáng sản liên quan đến năng lượng xanh và các ngành công nghiệp xe điện. McLeod xác nhận công ty đang tìm cách đa dạng hóa.

Low, người sở hữu một doanh nghiệp năng lượng tái tạo nhỏ, cho biết ông sẽ vẫn tập trung vào than đá. Nhìn ra cây cầu mới dài 581m sẽ sớm tấp nập xe tải vận chuyển than suốt 363 ngày trong năm, ông thể hiện niềm tin rằng Bayan sẽ còn nhộn nhịp trong thời gian dài. Low cười rạng rỡ nói: “Cây cầu này có thể tồn tại hơn 40 năm.”

————————–

Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo Forbes Việt Nam, số 114, tháng 2.2023