Báo cáo từ Hindenburg Research khiến giá trị tài sản của tỉ phú Carl Icahn giảm hơn 35%, từ 18,3 tỉ USD xuống còn 12 tỉ USD.
Vào ngày 2.5, cổ phiếu của Icahn Enterprises giảm 20% sau khi xuất hiện cáo buộc từ công ty nghiên cứu bán khống Hindenburg Research.
Nhà hoạt động và đầu tư huyền thoại Carl Icahn đã bị giáng đòn nặng nề, khi công ty bán khống Hindenburg Research, do Nate Anderson (38 tuổi) điều hành, đã đưa ra báo cáo cáo buộc Icahn Enterprises L.P. (IEP), công ty đầu tư với Ichann nắm 85% cổ phần, thổi phồng giá trị của danh mục tài sản riêng và giá cổ phiếu có “mức định giá cao đáng kể.”
Giá trị tài sản của Carl Icahn đã giảm hơn 35%, từ 18,3 tỉ USD ghi nhận đến trưa ngày 2.5 xuống còn 12 tỉ USD sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 3.5. Trong ngày 3.5, cổ phiếu IEP mất 20% giá trị, lấy đi 3 tỉ USD trong khối tài sản ròng của nhà tài phiệt này. Forbes sau đó đã hạ thêm 3,6 tỉ USD trong giá trị tài sản ròng của Icahn, theo sau thông tin ông đã thế chấp một nửa số cổ phần trong IEP để đảm bảo cho các khoản vay cá nhân không xác định. Trong thông cáo báo chí, tỉ phú 87 tuổi này cho rằng báo cáo của Hindenburg Research là hành động “tư lợi và nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận cho vị thế bán khống của công ty này.”
Giờ đây, Icahn sẽ phải suy tính và tìm cách giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư với việc kinh doanh của ông. Với Icahn nắm 85% cổ phần trong IEP, 15% cổ phần còn lại, tương đương với khoảng 2,1 tỉ vốn hóa, thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư cá nhân. Tỉ giá thả nổi công khai thấp này đã giúp cổ phiếu tăng giá, song khiến giá trị của 85% cổ phần mà Icahn sở hữu giảm xuống.
Giá cổ phiếu giảm mạnh cũng có thể khiến khối tài sản của Icahn giảm xuống, khi điều này khiến ông gặp khó khăn trong việc vay vốn. Theo báo cáo thường niên của IEP, đến hết năm 2022, Carl Icahn đã thế chấp 181,5 trong 300 triệu cổ phần của mình để đảm bảo một số khoản vay cá nhân. Hindenburg Research cảnh báo “Hình thức huy động tài chính này có rủi ro đối với giao dịch ký quỹ nếu giá cổ phiếu giảm xuống.”
Tuy vậy, vẫn chưa rõ Icahn vay bao nhiêu tiền từ việc thế chấp cổ phần. Icahn Enterprises tuyên bố rằng Icahn có đủ “tài sản bổ sung để đáp ứng bất kỳ nghĩa vụ nào” từ các khoản vay ký quỹ của mình và ông đang thanh toán khoản tiền vay gốc và lãi, và chưa bao giờ xảy ra trường hợp vỡ nợ” đối với các khoản vay đó. Forbes chưa thể liên hệ được với Carl Icahn cho bình luận về khoản nợ này.
Khác với một vài công ty cho phép các nhà lãnh đạo thế chấp cổ phần để vay tiền nhưng quy định hạn mức, Icahn Enterprises không tiết lộ giới hạn Icahn có thể vay bao nhiêu tiền trong báo cáo tài chính. Về lý thuyết, Carl Icahn có thể vay một vài tỉ USD từ việc thế chấp 181,5 triệu cổ phần của ông. Số cổ phần này từng giá trị hơn 9 tỉ USD trước khi giảm xuống. (Khoản vay ký quỹ thường tương đương với 25% đến 75% giá trị của tài sản thế chấp).
Trong báo cáo, Hindenburg Research lưu ý “Chúng tôi coi việc Icahn thông tin về những điều khoản chính của các khoản vay ký quỹ này là rất quan trọng để các nhà đầu tư có thể nắm được rủi ro tiềm ẩn của giao dịch ký quỹ và buộc phải bán tài sản.” Giá cổ phiếu của Icahn Enterprises giảm đủ sâu sẽ buộc Icahn phải thanh toán toàn bộ khoản vay gốc, hoặc thế chấp thêm cổ phiếu cho Morgan Stanley (Theo hồ sơ liên bang tại Florida và Delaware được Hindenburg xác nhận, Morgan Stanley đối tác cho các khoản vay ký quỹ của Ichan).
Carl Icahn không phải vị tỉ phú duy nhất lấy cổ phần trong công ty đại chúng của mình để làm tài sản thế chấp cho việc vay tiền. Elon Musk đã thế chấp số cổ phần của ông trong Tesla để huy động tài chính cho việc mở rộng quy mô kinh doanh. Larry Ellison, đồng sáng lập Oracle đã thế chấp cổ phần trong tập đoàn phần mềm này kể từ năm 2007, sau khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) yêu cầu công bố thông tin. Một bản tin của Forbes ghi nhận kể từ tháng 11. 2021, ít nhất 32 trong số 400 tỉ phú Mỹ đã lấy cổ phần làm tài sản thế chấp để thực hiện các khoản vay cá nhân.
Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô lớn không cho phép nhân sự vay tiền bằng việc thế chấp cổ phần. Theo dữ liệu từ công ty cố vấn ủy quyền Institutional Investors Service, hơn 68,4% công ty trong nhóm S&P 500 cấm toàn bộ nhân viên và cổ đông thế chấp cổ phần, 22% công ty chỉ cho phép một số cá nhân nhất định và 3,4% còn lại cho phép nhân sự thế chấp cổ phần để đảm bảo khoản vay.
Chia sẻ với Forbes hồi năm 2021, Jan Frank, CEO của công ty cung cấp giải pháp ISS, nhận định: “Khi các nhà lãnh đạo hoặc giám đốc thế chấp đáng kể số lượng cổ phần, điều này khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại.” Có lẽ là các nhà đầu tư của Icahn Enterprises sẽ làm tốt hơn nếu lắng nghe.
Biên dịch: Minh Tuấn
2 năm trước
Cổ phiếu Amazon tiếp tục tăng sau đợt chia tách