Blockchain

Sức mạnh ổn định của tiền mã hóa Tether nhờ đâu?

1 năm trước
Forbes

Làm thế nào để trở nên giàu có từ tiền mã hóa? Đội ngũ lãnh đạo công ty Tether có vốn hóa thị trường 83 tỉ đô la Mỹ đã thực sự “đào được” gia tài cho mình.

Share
this:

Lĩnh vực tiền mã hóa đang gặp khó khăn. Sức ép từ các cơ quan quản lý khiến giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa giảm khoảng 60% so với mức đỉnh vào năm 2021. Mặc dù vậy, Tether – công ty phát hành đồng tiền ổn định (stablecoin) vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Vốn hóa thị trường của công ty có trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh đã tăng từ khoảng 65 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 lên 83 tỉ đô la Mỹ. Trong ba tháng đầu năm 2023, Tether báo cáo lợi nhuận đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ và chiếm hơn 50% thanh khoản của toàn bộ thị trường tiền mã hóa.

Tether áp dụng mô hình kinh doanh đơn giản nhưng ít rủi ro. Theo đó, khách hàng lấy tiền định danh theo mệnh giá đồng đô la Mỹ làm tài sản thế chấp cho USDT, token hoạt động trên nền tảng blockchain do Tether phát hành (chữ “T” là viết tắt của Tether).

Tether giữ phần lớn tài sản thế chấp dưới dạng tín phiếu kho bạc, quỹ thị trường tiền tệ, bitcoin và các khoản vay có đảm bảo, đồng thời công ty có nguồn thu từ những khoản dự trữ này. Một USDT luôn bằng một đô la Mỹ và có thể quy đổi theo yêu cầu. Tuy vậy, khách hàng của Tether không nhận tiền lãi từ số lượng USDT nắm giữ.

Tether đã hưởng lợi từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3.2023 sau khi có thông tin rằng công ty Circle tại Boston, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ, lưu giữ hơn ba tỉ đô la Mỹ tiền gửi không bảo hiểm trong SVB. Đồng stablecoin USDC của Circle đã giảm giá trị xuống còn 88 cent Mỹ, mức giảm đủ lớn khiến khách hàng chuyển tài sản sang USDT của Tether.

Xét theo khả năng phục hồi và dẫn đầu thị trường, Forbes ước tính Tether có thể đạt mức định giá chín tỉ đô la Mỹ nếu được bán – trong trường hợp thông tin tài chính đúng như công ty công bố. Con số này đủ để biến bốn nhà lãnh đạo của Tether thành tỉ phú.

Theo tính toán của Forbes, giám đốc tài chính (CFO) Giancarlo Devasini sở hữu khối tài sản bốn tỉ đô la Mỹ từ hơn 40% cổ phần; CEO Jan Jan Ludovicus van der Velde và giám đốc công nghệ (CTO) Paolo Ardoino đều nắm giữ 1,8 tỉ đô la Mỹ. Còn giám đốc pháp lý Stuart Hoegner giữ số cổ phần trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ. Tether không phản hồi yêu cầu bình luận.

Tether đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng nếu Quốc hội Mỹ thông qua các quy định quản lý đối với stablecoin, tương tự như Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5.2023, lợi thế có thể nghiêng về các công ty tuân thủ quy định quản lý hơn, ví dụ Circle hoặc những cái tên mới gia nhập thị trường như nhóm ngân hàng.

Một thách thức khác mà Tether có thể phải đối mặt là trường hợp những người nắm giữ USDT muốn nhận về lợi nhuận. Những nhà sáng lập của Tether đã trở nên giàu có thật dễ dàng nhờ khoản đầu tư của khách hàng, nhưng công ty có thể gặp phải khó khăn trong tương lai.