Ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, 70% trong tổng số 21.517 doanh nghiệp trên cả nước đã phải tạm dừng hoạt động.
Kết quả nói trên được đề cập trong khảo sát về sức khoẻ tài chính doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và VnExpress thực hiện trong tháng 8.
Trong số gần 22.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, số lượng doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỉ đồng chiếm khoảng 39%. Doanh nghiệp có doanh thu từ 3-50 tỉ đồng chiếm 42%, chưa tới 10% doanh nghiệp đạt doanh thu từ 200 tới 1000 tỉ đồng.
Khảo sát cho biết, chỉ có 16% (khoảng hơn 3000 doanh nghiệp) trong số 21.517 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết vẫn tiếp tục duy trì sản xuất/kinh doanh, dù không thể hoạt động hết công suất. 15% doanh nghiệp trả lời họ đang chờ làm thủ tục giải thể.
Đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, do tình hình vận chuyển khó khăn và các quy định về giãn cách xã hội là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, chiếm tỷ lệ cao nhất – 35,1%.
Ước tính sẽ có khoảng 10.500 doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu trong năm nay, chiếm tỷ lệ 70% trong số các doanh nghiệp đang phải “tạm dừng hoạt động”. Ở nhóm doanh nghiệp”duy trì sản xuất/kinh doanh”, tỷ lệ này là 34%.
Trả lời cho câu hỏi về dòng tiền để duy trì hoạt động, 40% trong số gần 15.000 doanh nghiệp đang phải “tạm dừng hoạt động” cho biết dòng tiền của họ chỉ giúp duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng”.
Tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền đủ để xoay sở sản xuất kinh doanh từ 1 – 3 tháng là tương đương nhau, khoảng 46% ở cả hai nhóm. “Thời điểm tháng 9/2021 là cột mốc quyết định để “cứu nguy” cho cả hai nhóm doanh nghiệp nói trên”, nhóm thực hiện khảo sát đưa ra nhận xét.
Hai khó khăn lớn nhất mà cả hai nhóm doanh nghiệp gặp phải là trả tiền lương cho người lao động và trả lãi vay cho ngân hàng. Khoảng 70% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết vấn đề tài chính lớn nhất họ phải đối mặt là trả lương cho người lao động.
61% doanh nghiệp thuộc nhóm “tạm dừng hoạt động” và 50% nhóm “duy trì sản xuất/kinh doanh” cho rằng họ gặp khó khi phải tiếp tục trả lãi vay ngân hàng. Tiền thuê đất/kho bãi, chi trả BHYT, BHXH là những bài toán tài chính tiếp theo mà doanh nghiệp cho rằng họ phải đối diện.
Ba giải pháp hỗ trợ được doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất bao gồm: Hỗ trợ cho vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền điện, nước, nhiên liệu. Xấp xỉ 60% doanh nghiệp ở hai nhóm đều cho rằng 3 giải pháp nói trên sẽ tạo có hiệu quả
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất chính phủ có giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh an toàn và đưa ra chính sách phù hợp dành cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine quay lại làm việc.
1 năm trước
Forbes Việt Nam số 121: Chuyển dịch sản xuất3 tháng trước
1 năm trước
Nigeria chạy đua mở rộng quy mô sản xuất thuốc