Việt Nam là một thị trường đầu tư rất tiềm năng nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề cố hữu cản trở việc gia nhập của các quỹ đầu tư quốc tế.
Sáng ngày 26/7/2022, tại diễn đàn ngày hội tuyển dụng BUIDL Career Day 2022 do JobHopin tổ chức tại Gem Center TP.HCM, Bà Maggie Võ – Giám đốc điều hành Quỹ Fuel VC tại Miami, Florida, Mỹ, đã có cuộc chia sẻ về tiềm năng cũng như trở ngại từ các startup tại Việt Nam với góc nhìn từ một quỹ ngoại. Theo đánh giá Việt Nam vẫn có rất nhiều vấn đề cố hữu cản trở việc gia nhập của các quỹ đầu tư quốc tế.
Thứ nhất, những nhà sáng lập trẻ tại Việt Nam, dù hiểu về công nghệ rất tốt, nhưng lại thiếu kiến thức trong việc gây quỹ, văn hóa doanh nghiệp và luật. Chính điều đó đã gây cản trở trong việc mở rộng thị trường, đáp ứng được chuẩn quốc tế, cũng như cạnh tranh với startup từ các nước khác.
Thứ hai, Việt Nam đang thiếu những mega deals (những vòng đầu tư có trị giá trên 100 triệu USD), tới nay Việt Nam mới chỉ 7 thương vụ là mega deals. Những vòng từ series B trở lên cũng chỉ chiếm 11% trong năm 2021.Bà Maggie Võ giải thích: “Tại sao các quỹ và nhà đầu tư cần thấy những thương vụ trên 100 triệu USD? Bởi tính theo 10% sở hữu thì startup đó mới có cơ hội trở thành kỳ lân”.
Thứ ba, Việt Nam vẫn chưa có hoàn thiện được quy trình pháp lý, tạo rào cản lớn cho các startup và quỹ gia nhập thị trường, dẫn tới vòng xoáy: Thiếu nhà đầu tư lớn – startup gọi vốn ít khiến công ty không hấp dẫn, lặp đi lặp lại.
Tuy nhiên bà Maggie Võ không phủ nhận rằng Việt Nam là một thị trường đầu tư rất tiềm năng: Trong năm 2021, Việt Nam đã nhận hơn 1,4 tỉ USD tiền đầu tư cho 165 startup, gấp 3,2 lần so với 2020. Số lượng startup được đầu tư cũng tăng 60% với với năm trước đó. Nổi bật trong đó là ngành game với tăng trưởng lên tới 2.813%. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về đầu tư, khi chiếm tới 19% thị trường về số lượng đầu tư và 13% về số tiền, xếp sau Indonesia và Singapore.
Lý giải cho sự tăng trưởng này, bà Maggie Võ cho biết, Việt Nam là một quốc gia có nhiều cơ hội hấp dẫn. Đầu tiên là về vĩ mô Việt Nam có chỉ số lạm phát thấp chỉ 3,5 – 4%, GDP hằng nằm từ 6 – 6,5%, và nền kinh tế số có giá trị tới 14 tỉ USD, đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Kế tiếp, chính là yếu tố con người, Việt Nam có dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet và smartphone cao, thu nhập tăng nhanh.
“Việt Nam được thế giới đánh giá là có nguồn nhân lực về kỹ sư công nghệ rất cao, ngang với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc. Các công ty, tập đoàn công nghệ rất sẵn sàng outsource cho các kỹ sư Việt Nam.” Maggie Võ nhận định.