Công nghệ

Startup Element Biosciences huy động 277 triệu USD để giải mã bí ẩn sinh học

6 tháng trước
Tác giả Alex Knapp

Trong hai thập niên qua, giải trình tự gene – xác định thứ tự của các khối cấu tạo DNA trong mã di truyền – có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh. 

Share
this:

Kỹ thuật này đã giúp đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine COVID-19 và đưa ra những phương pháp mới điều trị ung thư.

Ngoài ra, kỹ thuật cũng đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của y học chính xác – phương pháp điều trị dựa trên gene, protein và các chất đặc hiệu khác trong cơ thể của người bệnh.

Molly He đồng sáng lập Element Biosciences để giải mã những bí ẩn sinh học. Ảnh: Element Biosciences/ Forbes 

Với nền tảng giải trình tự DNA Aviti, startup Element Biosciences có trụ sở tại San Diego là một trong những công ty tham gia lĩnh vực nghiên cứu và phát triển này. Ngày 11.7, công ty thông báo đã huy động 277 triệu USD trong vòng gọi vốn series D với mức định giá 1,03 tỉ USD. 

Wellington Management dẫn dắt vòng gọi vốn này. Ngoài ra, Samsung Electronics, Venrock, T.Rowe Price, Fidelity và những công ty khác cùng tham gia. Tính đến nay, công ty huy động tổng cộng 680 triệu USD.  

Element Biosciences đang cần nguồn vốn này. Molly He, đồng sáng lập kiêm CEO của Element Biosciences nói với Forbes: “Đây là mảng kinh doanh đòi hỏi nguồn đầu tư cao để cố gắng tìm hiểu bí mật của cuộc sống cũng như giúp bệnh nhân tiếp cận mô hình y học chính xác ở mức giá phải chăng.”

He cho biết thêm khoản đầu tư mới sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và quá trình thương mại hóa sản phẩm của công ty. Điểm khác biệt của công ty là tăng khả năng nghiên cứu trong lĩnh vực “multi-omics” – gene, protein và tế bào – để hiểu biết toàn diện và tích hợp về sinh học của con người, nâng cao độ chính xác và hiệu quả của chẩn đoán và điều trị bệnh.

Đây là những gì các máy giải trình tự Aviti đang làm. Công ty lắp đặt gần 200 máy tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu, bệnh viện và công ty dược phẩm. Năm 2023, Element Biosciences đạt doanh thu hơn 25 triệu USD.

Công ty đang trên đà đạt được doanh thu “nhiều hơn gấp đôi con số đó” vào năm 2024 nhờ doanh số bán máy và bộ công cụ phân tích sinh học đạt 289.000 USD.

Mặc dù doanh thu tăng nhưng Element Biosciences vẫn chưa thể phát triển như Illumina, hiện công ty chiếm khoảng 80% thị phần giải trình tự. Cổ phiếu Illumina giảm gần 80% so với mức cao cách đây vài năm nhưng vốn hóa của công ty vẫn đạt khoảng 17 tỉ USD.

Công ty báo cáo doanh thu đạt 4,5 tỉ USD trong năm 2023. Những công ty lớn khác trong ngành bao gồm Pacific Biosciences có trụ sở tại California và Qiagen ở Đức.

Hầu hết công ty giải trình tự DNA theo phương pháp tổng hợp. Trong khi đó, Element Biosciences sử dụng loại quy trình hóa học khác để giải trình tự gene gọi là “avidity sequencing.”

Theo bài báo đăng trên tạp chí Nature Biotechnology vào năm 2023, phương pháp này tạo ra kết quả có độ chính xác cao thông qua quy trình đơn giản và tốn ít vật liệu hơn. Điều đó giúp Element Biosciences giảm giá dịch vụ và sản phẩm thấp hơn các đối thủ lớn.

Nữ doanh nhân 53 tuổi Molly He sinh ra tại Trung Quốc. Đến năm 1992, bà đến Hoa Kỳ để theo học tiến sĩ vật lý sinh học và hóa sinh protein tại Đại học California Los Angeles. Sau ba năm học, He chuyển sang làm việc cho một số công ty công nghệ sinh học khác nhau. Thậm chí bà từng làm cho các đối thủ Pacific Biosciences và Illumina. 

Năm 2017, bà rời Illumina để thành lập Element Biosciences cùng Mike Previte, hiện đảm nhận chức giám đốc công nghệ của công ty và Matthew Kellinger, phó chủ tịch phụ trách hóa sinh.

Đầu năm 2024, Element Biosciences đã ra mắt máy giải trình tự Aviti24 mới và sẽ được bán trên thị trường vào cuối năm. Máy có thể phân tích gene, protein và tế bào cùng một lúc. Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 

Công ty gần đây thuê giám đốc điều hành mới để giám sát hoạt động. Máy học đã được tích hợp trong các sản phẩm của công ty để thực hiện quy trình giải trình tự gene, nhưng He cho biết cần phải phát triển thêm vì khách hàng của Element Biosciences ngày càng thu thập nhiều loại dữ liệu khác nhau.

He nói: “Chúng tôi chấp nhận đầu tư và sẵn sàng cung cấp công cụ triển khai nghiên cứu đến tất cả nhà khoa học cho dù họ có đủ tiền để mua hay không.” 

Biên dịch: Gia Nhi

————————

Xem thêm:

Các liệu pháp gene và tế bào đang bị “khủng hoảng công suất”
Nhà khoa học David Liu lập nhiều công ty sáng tạo ra liệu pháp chỉnh sửa gene