Kinh doanh

Startup dược phẩm Xtalpi IPO tại Hong Kong

5 tháng trước
Tác giả Zinnia Lee

Xtalpi sẽ dùng số tiền thu về từ việc IPO vào R&D, phát triển công nghệ và mở rộng quy mô ở các thị trường khác nhau.

Share
this:

Vào ngày 13.6, Xtalpi – startup nghiên cứu dược phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc, đã chào sân trên sàn chứng khoán Hong Kong và ghi nhận cổ phiếu tăng, nâng vốn hóa thị trường lên 2,5 tỉ USD.

Theo đó, Xtalpi, công ty ứng dụng AI và cơ học lượng tử để nghiên cứu các loại dược phẩm mới có tiền thân là QuantumPharm, đã chốt phiên giao dịch đầu tiên ở mức 5,8 đô la Hong Kong/cổ phiếu (0,74 USD), cao hơn 9,8% so với định giá ban đầu 5,28 đô la Hong Kong/cổ phiếu (0,68 USD) khi IPO. Cổ phiếu công ty giao dịch trong ngày có mức tăng 24,6%. Xtalpi đã thu về 989,3 triệu đô la Hong Kong (126,7 triệu USD) từ đợt IPO.

(Từ trái sang): Các nhà sáng lập của Xtalpi gồm Ma Jian, Wen Shuhao và Lai Lipeng. Ảnh: Shanshan Kao/Forbes Asia.

Trong bản cáo bạch, Xtalpi cho biết công ty sẽ đầu tư khoản tiền thu về từ IPO vào hoạt động R&D (Nghiên cứu và phát triển) và phát triển công nghệ AI cũng như cơ học lượng tử, bên cạnh đó là mở rộng quy mô ở các thị trường Mỹ, châu Âu, Đông Á (đặc biệt là Hong Kong), Đông Nam Á và Trung Đông.

Xtalpi là công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu theo quy định mới của Hong Kong dành cho các doanh nghiệp công nghệ có vốn hóa và doanh thu nhỏ. Quy định này chính thức ban hành từ một năm trước với mục tiêu thúc đẩy thị trường IPO đang sụt giảm của Hong Kong.

Đợt IPO của Xtalpi đã thu hút nhóm nhà đầu tư đầu tiên gồm công ty đầu tư của Peter Lee, đồng chủ tịch Henderson Land Development và quỹ đầu tư tư nhân do Gong Hongjia, tỉ phú Trung Quốc phát triển nhà cung cấp thiết bị giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology, sở hữu bên cạnh những cái tên khác.

Xtalpi cho biết công ty là startup nghiên cứu dược phẩm AI huy động vốn tốt nhất, khi đã nhận về 732 triệu USD tổng vốn đầu tư, trích dẫn số liệu từ Frost & Sullivan, kể từ khi thành lập vào năm 2015. Theo bản cáo bạch, vòng gọi vốn tư nhân lớn nhất của Xtalpi diễn ra hồi tháng 10.2021 khi công ty huy động 380 triệu USD từ vòng Series D, nhận về mức định giá vào khoảng 2 tỉ USD.

Các nhà đầu tư của Xtalpi trước đợt IPO bao gồm Tencent, Hongshan (tiền thân là Sequoia China) của tỉ phú Neil Shen, 5Y Capital của Richard Liu – thành viên trong danh sách Forbes Midas List, Susquehanna International Group của tỉ phú Mỹ Jeff Yass, Sino Biopharmaceutical của Tse Ping và quỹ Vision Fund 2 thuộc tập đoàn Nhật Bản SoftBank.

Do Wen Shuhao, Ma Jian và Lai Lipeng, ba nhà cơ học lượng tử từ đại học MIT, thành lập, Xtalpi kết hợp AI, cơ học lượng tử, điện toán đám mây và công nghệ tự động để tìm ra các phân tử mới có thể phát triển dược phẩm.

Với cơ học lượng tử, Xtalpi cho biết công ty mất chưa đến hai tháng để xác định phân tử tiềm năng, nhanh hơn rất nhiều so với khoảng thời gian 10 tháng mà các công ty dược phẩm chỉ dùng AI cần để làm điều tương tự, trích dẫn từ Frost & Sullivan.

Gần đây, Xtalpi cũng mở rộng sang nghiên cứu hợp chất mới để ứng dụng trong nông nghiệp, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe cũng như hóa dầu và chế tạo vật liệu mới cho pin xe điện.

Xtalpi thực hiện nghi thức rung chuông chính thức niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong. Ảnh: Shanshan Kao/Forbes Asia.

Trong năm 2023, Xtalpi báo cáo doanh thu từ hoạt động nghiên cứu dược phẩm và giải pháp tự động tăng 30,8% lên 174,4 triệu nhân dân tệ (24 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2023. Công ty cho biết kết quả này đến từ số lượng khách hàng gia tăng. Danh sách khách hàng của Xtalpi có các tập đoàn dược phẩm lớn và doanh nghiệp Hong Kong như Pfizer, Johnson & Johnson, Chia Tai Tianqing Pharmaceutical Group thuộc Sino Biopharmaceutical và CK Life Sciences, đơn vị về biotech thuộc CK Hutchison Holdings của Lý Gia Thành (Li Ka-shing).

Trong năm vừa qua, khoản lỗ của Xtalpi đã tăng từ 1,8 tỉ nhân dân tệ (248 triệu USD) lên 2 tỉ nhân dân tệ (275 triệu USD) do công ty đầu tư nhiều vào R&D. Xtalpi dự báo khoản lỗ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi triển khai kế hoạch mở rộng trên thị trường quốc tế và tăng chi phí liên quan đến việc thanh toán dựa trên cổ phiếu.

Lĩnh vực nghiên cứu dược phẩm bằng AI đã trở thành thị trường thu hút nhiều sự chú ý, một phần đến từ việc nhiều người tin rằng các thuật toán có thể đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, nghiên cứu thuốc điều trị tiếp theo và giúp giảm nhiều chi phí trong khâu phát triển sản phẩm.

Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group đưa ra hồi tháng 6.2023, lĩnh vực này đã thu hút các tập đoàn dược phẩm và công nghệ đầu tư 18 tỉ USD trong một thập niên qua. Nhưng cho đến nay, chưa có công ty nào đạt được bước tiến lớn trong nghiên cứu lâm sàng.

Nhưng một số công ty đang tiến gần đến điều đó. Trong năm 2023, Insilico Medicine – công ty đặt trụ sở tại Hong Kong và New York (Mỹ) – cho biết đã tiến hành thử nghiệm trên người loại dược phẩm mới giúp điều trị xơ phổi tự phát, một loại bệnh viêm phổi hiếm gặp. Insilico Medicine cũng đã nộp hồ sơ IPO tại Hong Kong để huy động số tiền không tiết lộ giá trị.

Biên dịch: Minh Tuấn