Lãng phí thực phẩm khiến các cửa hàng tạp hóa tốn đến 28 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Afresh đang nỗ lực cắt giảm con số đó.
Albertsons muốn bán quả mâm xôi tươi. Không phải quả mâm xôi nhão, hoặc bị mốc, hay là loại mà bạn cho vào tủ lạnh rồi không còn ăn được nữa. Quả mâm xôi mà họ muốn bán có màu đỏ, mọng nước và thơm ngon.
Chuyện này rất khó thực hiện. Trước đây, các quản lý cửa hàng sẽ phải đưa ra con số dự báo tốt nhất để quyết định lượng đặt hàng. Quá ít thì thiếu hàng cho khách. Quá nhiều, quả mâm xôi sẽ bị trữ quá lâu và hư hỏng.
Suzanne Long, giám đốc phát triển bền vững của Albertsons, cho biết: “Trước đây, việc đặt hàng sản phẩm là quy trình thủ công, nghĩa là các cửa hàng có nhiều khả năng đưa ra ước tính không chính xác về loại và số lượng sản phẩm mà khách hàng sẽ mua.”
Công ty Albertsons có trụ sở tại Boise, Idaho – một trong những chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất quốc gia với doanh thu hằng năm 78 tỉ đô la Mỹ – đã bắt đầu sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ở khắp các cửa hàng của mình vào năm ngoái.
Phần mềm AI này là sản phẩm từ công ty khởi nghiệp Afresh Technologies, giúp dự báo nhu cầu và đặt hàng cho loại thực phẩm bị hư hỏng nhanh nhất, như chuối, ớt chuông và salad đóng gói. Hiện, Albertsons tiến hành đặt hàng thường xuyên hơn với số lượng ít hơn.
CEO Matt Schwartz của Afresh cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng chất đầy các kệ và để trống phòng kho cho lần xuống hàng tiếp theo.”
Afresh có trụ sở tại San Francisco, bắt đầu hoạt động vào năm 2017, vẫn là một doanh nghiệp non trẻ – Forbes ước tính doanh thu năm ngoái của công ty ở mức dưới 10 triệu đô la Mỹ – nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng.
Với nguồn vốn 150 triệu đô la Mỹ từ Spark Capital, Insight Partners và các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu khác, Afresh đã triển khai phần mềm của mình tại 3.300 cửa hàng bao gồm Albertsons (khách hàng chủ lực của công ty), WinCo Foods và Fresh Thyme. Nhân viên siêu thị sử dụng iPad để kiểm tra xem họ còn bao nhiêu quả táo, bông cải xanh và cà chua bi trên kệ, sau đó xem xét các đề xuất tự động về số lượng đặt hàng.
Theo ước tính từ ReFED, tổ chức phi lợi nhuận theo dõi tình trạng lãng phí thực phẩm, ngày càng có nhiều cửa hàng tạp hóa áp dụng loại công nghệ này, để nỗ lực cắt giảm lượng thực phẩm họ vứt đi mỗi năm, với tổng số tiền tiêu tốn lên tới 28 tỉ đô la Mỹ.
Schwartz cho biết, vì các cửa hàng thường đặt hàng quá nhiều so với nhu cầu, nên họ vứt đi khoảng 5-6% thực phẩm tươi sống. Tỉ lệ này có thể gấp đôi đối với thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài việc không tốt cho môi trường, nó còn có hại cho hoạt động kinh doanh vì mất doanh thu và giảm lợi nhuận.
Afresh cho biết thông thường khách hàng của họ giảm lãng phí thực phẩm xuống 1/4, như vậy có thể nâng tỉ suất lợi nhuận hoạt động của danh mục sản phẩm lên 40% và mang lại lợi nhuận hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Schwartz nói: “Chúng tôi nói với các giám đốc tài chính rằng: ‘Các anh, chị sắp vượt chỉ tiêu rồi.’”
Đó là thông điệp đáng hoan nghênh vào thời điểm các cửa hàng tạp hóa, vốn nổi tiếng là có tỉ suất lợi nhuận thấp, đang phải vật lộn với giá thực phẩm ngày càng tăng.
Albertsons, sở hữu các thương hiệu Safeway, Vons và Jewel-Osco và đã công bố kế hoạch sáp nhập với Kroger, đã triển khai phần mềm này tại gần 2.200 cửa hàng của mình vào năm ngoái.
Công ty cho biết mục tiêu của họ là loại bỏ lượng rác thải thực phẩm phải đưa đến các bãi chôn lấp vào năm 2030. “Nếu bạn có thể đạt được 3 đến 5 điểm lợi nhuận gộp nhờ phần mềm này mà không cần phải tăng giá thì đó là lợi ích rất lớn,” Walter Robb, cựu CEO của Whole Foods và cũng là người đầu tư vào Afresh, cho biết.
Để hỗ trợ các đơn đặt hàng, công ty khởi nghiệp này khai thác mớ dữ liệu lộn xộn một cách hiệu quả để đưa ra dự báo nhu cầu tốt hơn so với bất kỳ con người nào. Phần mềm bắt đầu bằng cách nghiên cứu lịch sử bán hàng của một sản phẩm được bán trong nhiều năm qua, tổng hợp dữ liệu bán hàng hằng ngày.
Sau đó, AI sẽ tính đến bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến nhu cầu, chẳng hạn như các chương trình khuyến mãi sắp tới, thời tiết, ngày lễ và ngày phát phiếu thực phẩm. Ngoài ra còn phải ước tính đến những mặt hàng một khi đã chín sẽ vô cùng nhanh hư như bơ và đào, những thứ khiến cửa hàng luôn phải chạy đua với thời gian để bán.
Đây là cải tiến lớn so với việc nhân viên phải xem xét từng sản phẩm, sử dụng khả năng phán đoán của họ để tính xem cần đặt bao nhiêu quả táo Gala hay Honeycrisp, Fuji, Pink Lady và Granny Smith.
Làm được điều này, nghĩa là trái cây và rau củ không còn tồn tại lâu ở các cửa hàng tạp hóa như Cub, chuỗi cửa hàng ở Minnesota với 100 địa điểm. Hiện tốc độ vận chuyển sản phẩm ra vào cửa hàng của Cub đang nhanh hơn 7% so với trước đây. Nhà bán lẻ này cũng đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng 2,5% nhờ cải thiện lượng hàng tồn kho.
Robb chia sẻ: “Hãy nhớ rằng bán lẻ nghĩa là có đúng sản phẩm với mức giá phù hợp vào đúng thời điểm. Đây chính là công cụ để thực hiện điều đó.”
Mảng có giá trị cao ở cửa hàng tạp hóa chính là các mặt hàng tươi sống. Các kệ hàng tươi sống luôn có lượng lớn người qua lại, đặc biệt là để trả hàng. Cải thiện chất lượng và lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống là ưu tiên hàng đầu của Albertsons – công ty coi đây là cách để tăng doanh số bán hàng và giành thị phần từ các đối thủ cạnh tranh. “Danh mục hàng tươi sống thực sự rất quan trọng,” CEO Vivek Sankaran của Albertsons cho biết trong báo cáo thu nhập hằng quý vào tháng trước.
Schwartz, 33 tuổi, cựu cố vấn của Bain có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh từ Stanford, đã thành lập Afresh sáu năm trước sau khi biết được số lượng thực phẩm tươi sống bị các cửa hàng tạp hóa vứt đi và nhận thấy có rất ít công nghệ để giải quyết vấn đề này.
Schwartz là người luôn quan tâm đến sức khỏe, từng thực hành nhịn ăn gián đoạn và thiết kế kế hoạch ăn uống cũng như tập luyện cho bạn bè. Thời gian đầu đi làm, anh từng làm việc tại Simple Mills, công ty sản xuất bánh quy giòn, bánh quy và các món ăn nhẹ khác có thành phần thay thế như bột hạnh nhân và đường dừa.
Afresh tính phí mỗi cửa hàng sử dụng phần mềm của mình ở mức hàng trăm đô la Mỹ mỗi tháng. Công ty cho biết, kể từ khi được áp dụng, phần mềm của họ đã ngăn chặn được khoảng 20 triệu kg thực phẩm bị vứt bỏ.
Dana Gunders, giám đốc điều hành của ReFED cho biết: “Đây là một trong số ít công nghệ mà chúng tôi đang chứng kiến sự phát triển thực thụ.”
Theo Pacific Coast Collaborative, một tổ chức của chính phủ đa bang thực hiện sáng kiến giảm khí thải nhà kính, khi việc dùng AI để đặt hàng được áp dụng rộng rãi hơn, chúng ta có thể cắt giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm ở các cửa hàng vào năm 2030. Trong số các công ty cũng bán công nghệ tương tự có Shelf Engine, từng giành được khách hàng là Kroger nhưng sau đó đã sa thải khá nhiều nhân viên của mình.
Afresh đang tiếp nhận thêm nhiều đăng ký từ các cửa hàng và mở rộng hoạt động ngoài lĩnh vực sản xuất với khách hàng hiện có. Năm nay, công ty dự kiến phần mềm của mình sẽ được ứng dụng ở 7.500 cửa hàng nữa, trong đó có các đột phá mới vào quầy thịt và hải sản, khu vực đồ nguội và thực phẩm chế biến sẵn.
Afresh cũng đang giới thiệu thêm nhiều công cụ cho các cửa hàng tạp hóa, chẳng hạn như công cụ giúp nhân viên hoàn thành việc kiểm tra hàng tồn kho hằng tháng.
Schwartz cho biết hiện công ty hỗ trợ đặt hàng cho 1/10 tổng số sản phẩm được bán ở Mỹ. Anh nói: “Chúng tôi dự định sẽ sớm hoàn thành mục tiêu ngăn chặn hơn 45 triệu kg rác thải thực phẩm mỗi năm.”
Biên dịch: Quỳnh Anh
9 tháng trước
Google ra mắt phiên bản mới cho mô hình ngôn ngữ Gemini4 tháng trước
Trung Quốc vượt Hoa Kỳ trong cuộc đua bằng sáng chế AI1 năm trước
Năm công cụ AI hỗ trợ quá trình xin và nghỉ việc