Doanh nghiệp

SK Group rót 340 triệu USD sở hữu 4,9% The CrownX

3 năm trước
Tác giả Linh Chi

Hôm nay 11.11, tập đoàn Masan và SK Group ký kết thỏa thuận mua cổ phần tại The CrownX (TCX) với tổng giá trị 345 triệu USD tiền mặt.

Share
this:

SK Group đã chi ra 340 triệu USD trong giao dịch lần này để sở hữu 4,9% cổ phần tại nền tảng tiêu dùng bán lẻ TCX, trong khi Masan rót thêm 5 triệu USD để tăng sở hữu lên 85%. Như vậy, The CrownX đang được định giá khoảng 6,9 tỉ USD, giá trị mỗi cổ phần là 93,5 USD. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn tài chính cho Masan Group.

Masan cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng sở hữu tại TCX trong tương lai. Ông Danny Le, tổng giám đốc Masan Group cho biết thỏa thuận đầu tư của SK Group đã khẳng định niềm tin vào sự thành công của mô hình “mini-mall” trên quy mô toàn quốc.

Trong khi đó, giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment cho rằng “tập đoàn mẹ tin tưởng vào chiến lược tăng trưởng của Masan khi nhân rộng mô hình “mini-mall” và nền tảng tiêu dùng của tập đoàn này”.

Hồi tháng 7 năm nay, Masan công bố mua thêm cổ phần từ cổ đông thiểu số, nâng tỷ lệ sở hữu tại TCX từ 80,2% lên 84,9%. Trước đó một tháng, nhóm nhà đầu tư ngoại bao gồm Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã đổ vào TCX 400 triệu USD để sở hữu 5,5% cổ phần mới tại công ty này. Masan đặt mục tiêu sẽ khép lại vòng huy động vốn với giá trị từ 200 lên 300 triệu USD vào TCX trước cuối năm nay.

Tại đại hội cổ đông của Masan Group tổ chức hồi tháng 4, tổng giám đốc Danny Lê đã khẳng định Masan vẫn tìm kiếm các cổ đông chiến lược nếu có điều kiện phù hợp, tuy nhiên quyền kiểm soát tại TCX vẫn phải thuộc về Masan.

TCX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất giữa Masan Consumer Holdings và WinCommerce (đổi tên sau khi Masan mua lại VinCommerce), thành lập vào tháng 6 năm 2020.

Trong chín tháng đầu năm, TCX đạt lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) 4.774 tỉ đồng, tăng hơn 185% so với cùng kỳ năm trước.

Ưu tiên trong thời gian tới của Masan là tăng tốc mở rộng mô hình mini-mall tại TCX. Mô hình này là một phần trong chiến lược “Point of Life” tích hợp Winmart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (tài chính), Mobicast (mạng di động mới) vào một nền tảng khách hàng thân thiết.

Thông cáo từ Masan cho biết các cửa hàng thí điểm theo mô hình mini-mall đã đạt thành công bước đầu khi lượng khách hàng gia tăng và lợi nhuận cải thiện rõ rệt. Chiến lược trung và dài hạn của Masan hướng tới mở rộng quy mô trên toàn quốc và duy trì có lợi nhuận.

Cụ thể là gia tăng mức đóng góp của danh mục nhãn hàng riêng lên 20-25% doanh số kênh bán lẻ hiện đại, riêng kênh trực tuyến đạt khoảng 50.000 đơn hàng/ngày để đóng góp 5% vào tổng doanh thu. Ngoài ra, Masan sẽ hợp tác với từ 2.000 đối tác bán lẻ truyền thống để thúc đẩy mô hình nhượng quyền, phát hành chương trình khách hàng thân thiết và thanh toán qua ví di động để duy trì mô hình thu hút khách hàng mới có chi phí thấp.

Masan hiện sở hữu các công ty thành viên và công ty liên kết trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, chuỗi F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông và sản xuất vật liệu công nghiệp. SK Group là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu của Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng, hóa chất, viễn thông, chất bán dẫn, hậu cần và dịch vụ, tại hơn 40 quốc gia và có doanh thu hợp nhất 86 tỉ USD vào cuối năm 2019.