Nhiều ý kiến cho rằng, Đông Nam Á cần giảm thiểu tác động từ thuế quan Hoa Kỳ, bằng việc tăng cường thương mại nội khối, cũng như hướng tới châu Âu và Ấn Độ.
Trước mắt nhiều chính phủ có thể sẽ tìm cách đàm phán trực tiếp với Nhà Trắng, để được giảm thuế hoặc miễn trừ. Thành viên ASEAN như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Indonesia, nằm trong số những nước bị áp thuế đối ứng cao nhất. Campuchia chịu mức nghiêm trọng hàng đầu, 49%. Thấp nhất là Singapore 10%.
Ông Ong Kian Ming, Phó hiệu trưởng đại học Taylor, cũng là cựu Thứ trưởng Thương mại Malaysia chia sẻ: “ASEAN nên đẩy mạnh thương mại nội khối, và mở rộng tới đối tác khác thông qua hiệp định RCEP và CPTPP. Bên cạnh đó cần củng cố quy tắc thương mại, để chuyên nghiệp hóa trong 1 sân chơi bình đẳng. Ấn Độ cũng là thị trường khổng lồ nên tăng cường kết nối.”
RCEP và CPTPP đều tập trung vào châu Á Thái Bình Dương, với lần lượt 15 và 12 thành viên. Hoa Kỳ không có trong cả 2.
Ông Peter Varghese, Hiệu trưởng Đại học Queensland ở Úc nói: “Chiến lược tốt nhất là tìm kiếm mọi cơ hội có sẵn. Nên thúc đẩy tự do thương mại đầu tư nội khối ASEAN. Thế khó của ASEAN là họ muốn cân bằng chiến lược, nhưng không đủ năng lực đóng góp cho sự cân bằng đó, bởi nội bộ có sự liên kết lỏng.”
Ông Wong Chen, một nghị sĩ Malaysia, Chủ tịch ủy ban Quan hệ quốc tế và Thương mại của quốc hội, cho biết trọng tâm là cần mở rộng sang thị trường khác như châu Âu hoặc vùng Vịnh. Ông bi quan về khả năng hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn xuống ASEAN, trở thành đối thủ lớn nhất của ASEAN ngay trên sân nhà.
Ông Michael Green, cựu quan chức hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush nói, khu vực nên chống lại chủ nghĩa bảo hộ bằng cách thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Ông chia sẻ tiếp: “ASEAN cần đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối. Điều đó giúp tự chủ và có nhiều đòn bẩy hơn. Tuy nhiên xu hướng bảo hộ nội khối cũng không nhỏ, cần quyết tâm chính trị mạnh của mỗi thành viên.”
Dẫu vậy nhiều ý kiến cho rằng, có thể trước mắt một số thành viên ưu tiên đàm phán với Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Khắc Giang, Chuyên gia nghiên cứu tại viện ISEAS Yusof-Ishak ở Singapore chia sẻ: “Việt Nam chắc chắn sẽ làm mọi cách thương lượng với Hoa Kỳ, tiến tới được giảm thuế xuống ngang bằng với những quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Nếu những đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia xuất hàng vào Hoa Kỳ với thuế thấp hơn, sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, không chỉ xuất khẩu mà còn đầu tư.”
Ngân hàng DBS tại Singapore cho rằng, do tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chênh lệch thuế quan qua lại, nên Việt Nam, Thái Lan và Malaysia dễ bị tổn thương hơn so với nhóm Singapore, Indonesia và Philippines.
Ông Dindo Manhit, Chủ tịch công ty tư vấn Stratbase ADR tại Manila nhận định, thuế quan tương đối thấp 17% áp dụng với hàng hóa Philippines, mang đến cả cơ hội lẫn rủi ro. Rủi ro là hàng hóa Philippines kém cạnh tranh hơn tại Hoa Kỳ, nhưng cơ hội là có thể thu hút nhiều đầu tư hơn.
Mức thuế thấp giúp Philippines trở thành lựa chọn cho nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Chuyên gia kinh tế Josua Pardede từ ngân hàng Permata của Indonesia lạc quan rằng, thuế lên hàng hóa xứ vạn đảo thấp hơn từ đối thủ như Trung Quốc và Việt Nam, sẽ mang đến cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang Hoa Kỳ, nhất là may mặc, giày dép và đồ điện tử.
Để hưởng lợi, Indonesia cần tăng cường năng lực sản xuất, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng, duy trì chất lượng sản phẩm và tốc độ ra lò.
Một quan chức hiệp hội dệt may, giày dép và du lịch Campuchia chia sẻ, mặc dù mức thuế với xứ chùa tháp là 49%, tương đối cao, nhưng so với đối thủ trong khu vực thì mọi thứ đều mang tính tương đối.
(Biên dịch: NVP)
2 tháng trước
Du khách Nhật Bản đến Philippines tăng vọt3 tháng trước
IPO ở Đông Nam Á sẽ phục hồi trong năm 2025?