multi-media / Megastory

Sáu gương mặt từ Việt Nam trong danh sách Under 30 Forbes Asia 2022

Những thành viên được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 châu Á năm nay mang lại nhiều đóng góp cho xã hội và nền kinh tế.

Là một trong những khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thể nói là nơi cuối cùng xuất hiện làn sóng bùng phát đại dịch, khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chống chọi với những thách thức khá lớn trong năm qua. Từ những đợt hạn chế đi lại kéo dài liên tục cho đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hoạt động kinh doanh ở khu vực này trong năm qua không diễn ra như bình thường.

Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản các doanh nhân trẻ trong khu vực thử nghiệm những ý tưởng mới, tạo dựng thành công và một vài người trong số họ đã khởi nghiệp kinh doanh riêng, bất chấp những thách thức.

Những thành viên được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 châu Á năm nay mang lại nhiều đóng góp cho xã hội và nền kinh tế. Từ những cách thức cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử và học tập trực tuyến đầy sáng tạo đến việc tham gia vào không gian Web3 – tầm nhìn hướng về phía trước của họ thể hiện sự quyết tâm và lạc quan. Họ đang tái định hình tương lai của xã hội và công việc kinh doanh ở châu Á.

Hơn 4.000 ứng cử viên được đề cử cho danh sách năm nay – con số kỷ lục đối với danh sách của châu Á – và các phóng viên của Forbes cùng ban giám khảo uy tín đã xem xét và lựa chọn ra 300 người cuối cùng, bao gồm một số nhà đầu tư mạo hiểm tích cực nhất và các lãnh đạo doanh nghiệp thành công trong khu vực.

22 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt trong danh sách, trong đó Ấn Độ đứng đầu về số lượng thành viên được vinh danh (61 người), tiếp theo là Singapore (34), Nhật Bản (33), Úc (32), Indonesia (30) và Trung Quốc (28).

Ảnh: Forbes Asia

Sự trỗi dậy của những trung tâm khởi nghiệp

Tổng cộng, có 90 trong số 300 thành viên trong danh sách năm nay đến từ Đông Nam Á, khu vực có hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển và thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu.

Khi đại dịch khiến các trung tâm quốc tế khác trong khu vực phải đóng cửa, Singapore đã cố gắng thu hút các doanh nhân trên khắp khu vực đến thành lập doanh nghiệp của họ tại thành phố này. Trong số 34 thành viên từ Singapore, có hơn mười người không phải là cư dân Singapore nhưng sống và hoạt động tại đảo quốc này.

Mặc dù vậy, Indonesia lại được cho là điểm nóng ở Đông Nam Á đối với các công ty khởi nghiệp. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain, được công bố hồi tháng 11.2021, 4,7 tỉ USD lượng vốn đầu tư mạo hiểm được rót vào các công ty khởi nghiệp Indonesia trong nửa đầu năm 2021.

Chiếm 10% danh sách tổng thể, hầu hết các doanh nhân Indonesia trong danh sách 30 Under 30 châu Á đang xây dựng các doanh nghiệp nhằm phục vụ nhóm dân số khoảng 274 triệu người ngày càng có hiểu biết về công nghệ.

Debeasinta Budiman và Garret Koeswandi là hai người trong số đó. Công ty thương mại xã hội của họ đang cố gắng giảm giá hàng tiêu dùng tại các thành phố nhỏ hơn và khu vực nông thôn ở Indonesia, nơi hàng hóa thường có giá cao hơn so với các thành phố lớn hơn. Tập trung vào khu vực phía đông kém phát triển của đất nước, Aplikasi Super hợp tác với mạng lưới các đại lý nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, được tổng hợp thông qua ứng dụng của mình.

Debeasinta Budiman và Garret Koeswandi, những nhà đồng sáng lập của Aplikasi Super. Ảnh: Gondo Siswanto cho Forbes Asia

Liên doanh của họ thu hút tổng cộng 36 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư uy tín như Alpha JWC Ventures, B Capital, Y-Combinator, Softbank, rapper Jay-Z và giám đốc điều hành ngân hàng Thế giới Mari Elka Pangestu.

Thương mại thông qua mạng xã hội với tốc độ nhanh đang đặc biệt gia tăng ở đất nước này và các nơi khác trong khu vực, đồng thời thu hút nguồn tiền đầu tư mạo hiểm lên tới hàng trăm triệu USD. Được các sinh viên bỏ học ngành khoa học máy tính tại Stanford, Adit Palicha và Kaivalya Vohra, thành lập vào tháng 8.2021, công ty thương mại nhanh Zepto có trụ sở tại Ấn Độ đang tiến rất gần đến trạng thái kỳ lân, đạt mức định giá 900 triệu USD sau vòng gọi vốn series D mới nhất trị giá 200 triệu USD do Y Combinator dẫn đầu vào tháng 5.2022.

Ngôi sao và nhà vô địch

Trong danh sách, có nhiều tên tuổi quen thuộc đã xuất hiện gần đây trong tiêu đề của các báo trên thế giới. 15 vận động viên tham dự thế vận hội Olympic được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 Asia trong năm nay, bao gồm những vận động viên nổi tiếng như vận động viên trượt tuyết người Mỹ Eileen Gu. Cô đại diện cho Trung Quốc tham gia tranh tài tại Olympic Bắc Kinh 2022, và mang về hai huy chương vàng cùng với một huy chương bạc.

Vận động viên trượt tuyết người Mỹ Eileen Gu giành huy chương vàng cho Trung Quốc trong Olympics mùa đông 2022 ở Zhangjiakou, Trung Quốc. AP Photo/Alessandra Tarantino

Những vận động viên khác trong danh sách bao gồm Cheung Ka Long giành chiến thắng trong môn đấu kiêm tại Olympic Tokyo, trở thành người thứ hai ở Hong Kong giành huy chương vàng ở Olympic.

Vận động viên thể dục dụng cụ Nhật Bản Daiki Hashimoto, vận động viên nhảy cầu Trung Quốc Toàn Hồng Thiền (Quan Hongchan), nhà vô địch cầu long Singapore Loh Kean Yew và tay golf nữ số 1 thế giới Jin Young Ko của Hàn Quốc cũng được vinh danh vào danh sách.

Một thành viên nổi bật khác là nữ diễn viên Hàn Quốc Hoyeon. Nhờ vai diễn đầu tiên trong bộ phim Squid Game được nhiều người xem nhất, diễn viên kiêm người mẫu 27 tuổi trở nên nổi tiếng toàn cầu trong đầu năm nay, giành giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở hạng mục Phim truyền hình tại giải lớn quốc tế Screen Actors Guild Awards.

Từ vai diễn nổi tiếng này, cô đã được chọn đóng vai chính trong loạt phim kinh dị Disclaimer sắp tới của Apple, do Alfonso Cuarón viết kịch bản và đạo diễn.

Xem danh sách Forbes 30 Under 30 Asia đầy đủ ở đây.

Nữ diễn viên Hàn Quốc Hoyeon trở nên nổi tiếng toàn cầu trong năm nay sau vai diễn trong bộ phim nổi tiếng Squid Game của Netflix. Ảnh: Rosdiana Ciaravolo/Getty Image/Forbes
 

Danh sách cũng vinh danh sáu gương mặt trẻ tuổi xuất sắc đang hoạt động ở thị trường Việt Nam 


Lĩnh vực tài chính & quỹ mạo hiểm: Ảnh hưởng đến dòng tiền trong nền kinh tế ở châu Á.
Nguyễn Thế Vinh. Ảnh: Forbes Asia

Nguyễn Thế Vinh
Đồng sáng lập, Coin98 Finance
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Công ty tài chính phi tập trung dựa vào blockchain (công nghệ chuỗi khối) cung cấp những sản phẩm bao gồm sàn giao dịch và ví tiền mã hóa, huy động được 16,5 triệu USD trong ba vòng gọi vốn. Hồi tháng 1, Binance Labs công bố khoản đầu tư chiến lược vào Coin98. Trong năm 2021, công ty hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống trị giá 1,25 triệu USD. Vinh bắt đầu tham gia cùng phát triển Coin98 vào năm 2019, sau hai năm startup được thành lập. Trước khi Vinh đồng sáng lập và quản lý VIC Group, startup đầu tư tiền mã hóa, anh là kỹ sư phần mềm tại FPT Software HCMC.


Lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và năng lượng: Tạo ra những sản phẩm, phương thức và vật liệu cho ngày mai.

Lê Yên Thanh. Ảnh: Forbes Asia

Lê Yên Thanh
Sáng lập, Phenikaa MaaS
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Thanh sáng lập và điều hành BusMap – dự án bản đồ xe buýt lớn nhất Việt Nam. Thanh lập BusMap từ khi còn là sinh viên đại học sau này trở thành dự án bản đồ dịch tễ COVID-19 cho một số tỉnh và dựa trên đó phát triển thành công ty Phenikaa MaaS chuyên về các giải pháp giao thông thông minh. Được tập đoàn Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD giữa năm 2021, công ty dự định mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực, bắt đầu ở Thái Lan sau khi công ty thí điểm các giải pháp ở Bangkok và Chiangmai. Thanh từng nổi tiếng là ‘chàng trai vàng’ tin học khi sở hữu tới hơn 100 giải thưởng, huy chương tin học trong nước và quốc tế.   


Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Forbes Asia

Nguyễn Văn Thanh
Phó Tổng giám đốc, VinBus
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Nhà cung cấp giao thông công cộng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng xe buýt điện, Vinbus đưa vào 3 tuyến xe buýt điện do công ty Vinfast sản xuất hoạt động trong năm 2021 và dự định mở rộng sang các thành phố khác. Là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất tại VinGroup, Nguyễn Văn Thanh tham gia phát triển Vinbus vào năm 2019, tập trung vào cung cấp giải pháp giao thông giá rẻ cũng như dễ tiếp cận. Trước đó, Thanh khởi nghiệp bằng một xưởng dệt may lúc 18 tuổi, rồi nghỉ học đại học giữa chừng để làm việc cho các công ty như KFC Vietnam, Cargill Vietnam và Lazada Vietnam.


Uyên Trần. Ảnh: Forbes Asia

Uyên Trần
Nhà sáng lập, TômTex
Đà Nẵng, Việt Nam

Nhà nghiên cứu vật liệu và thiết kế thời trang Uyên Trần đồng sáng lập TômTex ở New York, phát triển loại vật liệu sinh học mềm dẻo – da sinh học, đặt tên TômTex. TômTex với thành phần vật liệu chitosan – chất tạo màng sinh học được sản xuất từ quá trình xử lý vỏ giáp xác, nấm và thành phần tự nhiên khác như bã cà phê. Vật liệu phân hủy sinh học này bền nhưng đủ mềm có thể khâu tay hoặc máy. Hỗn hợp được nhuộm bằng các chất màu tự nhiên như than, cà phê và đất son để tạo màu sắc cho da sinh học, có thể sử dụng cho các ngành thời trang, bao bì, nội thất… Loại vật liệu này có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên sau vài tháng hoặc hoạt động như là phân bón cho cây trồng.
Loại vải cô tạo ra đã được công nhận qua các giải thưởng trong làng thời trang thế giới: Vào chung kết LVMH Innovation Award (giải thưởng ủng hộ các sáng kiến và ý tưởng đổi mới); quán quân CFDA K11 Innovation dành cho tư duy thiết kế sáng tạo trong các hệ thống thời trang bền vững từ hiệp hội Thời trang Mỹ (CFDA); huy chương vàng Idea Sustainability Award tại Mỹ (Giải thưởng cho các thiết kế được kết nối về chiến lược thiết kế, xây dựng thương hiệu, tương tác kỹ thuật số). TômTex huy động được 1,7 triệu USD. Uyên tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang tại Academy of Art University và bảo vệ thạc sĩ chuyên ngành chất liệu tại trường thời trang hàng đầu nước Mỹ – Parson School of Design.


Lĩnh vực nghệ thuật (Nghệ thuật & Phong cách, Thực phẩm & Đồ uống): Tạo ra và thiết kế tương lai, từ phòng bếp đến sàn diễn thời trang.
Trần Bích Ngọc. Ảnh: Forbes Asia

Trần Bích Ngọc
Nghệ sỹ, Ngoc Like Tattoo
Hà Nội, Việt Nam

Nghệ sỹ xăm chuyên xăm che sẹo, che đi những tổn thương, vẻ xấu xí trên người từ năm 2013, từ khi cô 19 tuổi. Trong khi xăm mình vẫn là chủ đề bị lảng tránh ở Việt Nam, Ngọc tin là hình xăm nghệ thuật giúp che đi những vết sẹo có thể giúp xoa dịu những tổn thương và nhờ đó những người bị thương, đặc biệt phụ nữ, trở nên tự tin bắt đầu lại cuộc sống hạnh phúc hơn. Ngọc vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ Nghệ thuật Điện Ảnh – Truyền Hình tại ĐH Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội trong năm nay.


Lĩnh vực công nghệ tiêu dùng: Tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày tốt hơn
Phillip An. Ảnh: Forbes Asia

Phillip An
Đồng sáng lập, Homebase
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Phillip An, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc vận hành của Homebase, startup công nghệ bất động sản đơn giản hóa quy trình mua bất động sản, mang đến giải pháp giúp người mua, bán, và sở hữu nhà dễ dàng hơn thông qua giao diện công nghệ đơn giản.Homebase là công ty đầu tiên ở Việt Nam được Y Combinator đầu tư và huy động được 30 triệu USD, bao gồm vốn chủ sở hữu lẫn nợ, từ những nhà đầu tư như Goodwater Capital, Antler cùng với VinaCapital Ventures. Tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại viện Công nghệ California, Phillip đã từng làm việc tại Goldman Sachs and McKinsey và học MBA tại Harvard Business School.

————————————

Phương pháp và quy trình đánh giá

Danh sách 30 Under 30 của tạp chí Forbes châu Á được tổng hợp sau quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt. Từ hơn 4.000 đề cử trực tuyến, nhóm các nhà nghiên cứu và phóng viên của chúng tôi chọn ra danh sách ban đầu gồm 500 thí sinh lọt vào vòng bán kết, sau đó sẽ được đội ngũ giám khảo kỳ cựu cùng các chuyên gia trong ngành đánh giá lại. 300 người cuối cùng được lựa chọn sau khi trải qua quá trình xem xét phản hồi của ban giám khảo dựa trên các tiêu chí như thể hiện khả năng lãnh đạo, tác động, tiềm năng thành công và đại diện cho tinh thần doanh chủ mà Forbes tôn vinh. Các yếu tố khác như sự đổi mới, sự thay đổi – cũng như quy mô và sự phát triển của các dự án kinh doanh của họ trong một số hạng mục – là yếu tố tác động đến quyết định cuối cùng.

Ban giám khảo năm nay bao gồm các nhà đầu tư, doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp có thành tích và được đánh giá cao như Mickey Mikitani, CEO của Rakuten; Roshni Nadar Malhotra, chủ tịch tập đoàn HCL kiêm người được ủy thác của quỹ Shiv Nadar; JP Gan, đối tác sáng lập tại INCE Capital; Kaifu Lee, CEO của Sinovation Ventures; Hian Goh, đối tác sáng lập của OpenSpace Ventures; Kishin RK, người sáng lập kiêm CEO của RB Capital Group; Nisa Leung, giám đốc hợp danh tại Qiming Venture Partners; Kuok Meng Ru, CEO của BandLab Technologies; Laurence Lien, chủ tịch Asia Philanthropy Circle; InKyung Lee, đối tác hợp danh tại MBK Partners; Ronald Akili, CEO của PTT Family; Janice Lee, CEO của Viu; S.D. Shibulal, đồng sáng lập của Infosys và Axilor Ventures; Nicole Warne, người sáng lập GaryPepperGirl, cùng những người khác.

* Trong trường hợp giám khảo là nhà đầu tư vào các đề cử trong hạng mục mà họ xét duyệt, họ sẽ không tham gia đánh giá ứng viên đó và chỉ những phản hồi của các giám khảo còn lại mới được xem xét.
** Giới hạn độ tuổi để đưa vào danh sách năm 2022 là các ứng viên sinh từ ngày 1.1.1992 trở lại đây.

——————————————–

Biên tập: Rana Wehbe Watson
Nghiên cứu hồ sơ: Jonathan Burgos, Karsha Green, John Kang, Danielle Keeton-Olsen, Khổng Loan, Suzanne Nam, Ramakrishnan Narayanan, Yessar Rosendar, James Simms, Catherine Wang, Yue Wang, Jennifer Wells, Ardian Wibisono và David Yin

Biên dịch: Quỳnh Anh- Gia Nhi