Kinh doanh

San Miguel trúng thầu dự án nâng cấp sân bay Ninoy Aquino

11 tháng trước
Tác giả Jonathan Burgos

Liên doanh của San Miguel đặt mục tiêu biến sân bay Ninoy Aquino thành cửa ngõ đi lại quốc tế đẳng cấp của Philippines trong tương lai.

Share
this:

Ngày 16.2, bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Philippines Jaime Bautista thông báo chính phủ nước này đã công bố liên doanh dẫn đầu là San Miguel của Ramon Ang trúng thầu dự án nâng cấp và vận hành cảng hàng không quốc tế Ninoy Aquino (NAIA) trị giá 170,6 tỉ peso (3 tỉ USD).

Trước đó, liên doanh trên, bao gồm Incheon International Airport Corp từ Hàn Quốc, đã đưa ra lời đề nghị nộp cho chính phủ Philippines 82,9% doanh thu từ sân bay Ninoy Aquino nếu trúng thầu. Con số này cao hơn nhiều so với 33,3% doanh thu mà liên doanh gồm GMR Airports International, House of Investments và Cavitex Holdings đưa ra.

Trong khi đó, liên doanh Manila International Airport Consortium, bao gồm Aboitiz Equity Ventures, Alliance Global Group của tỉ phú Andrew Tan, Ayala Corp, Filinvest Development Corp, JG Summit Holdings Inc. và Asia’s Emerging Dragon Corp của Lucio Tan, đề nghị đóng góp 25,9% cho chính phủ Philippines.

San Miguel của Ramon Ang (trong hình) sẽ được phép nâng cấp và khai thác sân bay Ninoy Aquino từ chính phủ Philippines. Ảnh: © 2013 Bloomberg Finance Lp.

Philippines đang thu hút khu vực tư nhân tham gia nâng cấp sân bay Ninoy, từng vài lần bị chuyên trang du lịch Sleeping In Airports đánh giá là cảng hàng không tệ nhất thế giới, nhằm giảm áp lực lên ngân sách của chính phủ. 

“Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với chính phủ Philippines và cổ đông, tận dụng mọi nguồn lực để biến sân bay Ninoy Aquino thành cửa ngõ đi lại quốc tế mà quốc gia này có thể tự hào,” liên doanh với San Miguel nắm 33% cổ phần, cho biết trong thông cáo báo chí.

Từng đón tiếp 48 triệu lượt khách vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19, vượt công suất thiết kế phục vụ 33,2 triệu hành khách/năm, sân bay Ninoy Aquino đang đối mặt với tình trạng quá tải. Hồi tháng 1.2023, cảng hàng không này đã gặp sự cố mất điện khiến hơn 300 chuyến bay bị hủy và hơn 65 ngàn hàng khách bị mắc kẹt.

“Sân bay Ninoy Aquino đã trở nên quá tải và cần phải được nâng cấp,” Bautista cho biết.

Trong vòng 30 ngày, chính phủ Philippines sẽ ký thỏa thuận nhượng quyền với liên doanh của San Miguel. Trong đó, Bautista cho biết liên doanh này sẽ đóng trước khoản phí 30 tỉ peso (535 triệu USD) cho chính phủ Philippines. Thỏa thuận nhượng quyền sẽ hoàn tất trong ba đến sáu tháng.

Dự án nâng cấp sân bay Ninoy Aquino sẽ bao gồm nâng gấp đôi tổng số lượng hành khách mỗi năm lên 62 triệu lượt với quyền khai thác trong 15 năm, và có thể gia hạn thêm 10 năm nữa.

Việc xây dựng sân bay mới là điều cần thiết đối với Philippines, trong bối cảnh lưu lượng khách tăng cao. Ảnh: Afp via Getty Images.

Trong lúc này, San Miguel cũng đang triển khai xây dựng cảng hàng không Manila mới tại Bulacan, cách sân bay Manila hiện nay 44km về phía Bắc. Bautista cho biết Philippines cần gia tăng số lượng sân bay hơn nữa để đáp ứng lưu lượng hành khách hiện nay.

“Dự kiến đến năm 2050, Philippines sẽ cần thêm sân bay để phục vụ gần 100 triệu lượt hành khách. Do vậy, việc xây dựng sân bay mới là điều rất cần thiết. Tôi cho rằng sân bay Manila hiện nay và sân bay mới ở Bulacan sẽ không xung đột lẫn nhau,” Bautista cho biết.

Ramon Ang, mua lại phần lớn cổ phần trong San Miguel từ cố tỉ phú Eduardo Cojuangco Jr. vào năm 2012, là chủ tịch và CEO của công ty này. Ông đã phát triển San Miguel từ một nhà sản xuất bia và thực phẩm thành một trong những tập đoàn đa ngành nhất Philippines, với các khoản đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, hóa dầu, sản xuất điện và cơ sở hạ tầng. Theo danh sách tỉ phú cập nhật theo thời gian thực của Forbes, Ramon Ang sở hữu khối tài sản ròng 3,4 tỉ USD.

Biên dịch: Minh Tuấn