Samsung SDI, công ty con của Samsung Electronics, đã khởi công nhà máy sản xuất pin điện tử có tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ USD tại Malaysia.
Nhà đầu tư cho biết dự án nhằm tận dụng những lợi thế từ môi trường công nghệ có chi phí thấp và phát triển vững chắc của quốc gia Đông Nam Á này, cũng như nhắm đến thị trường pin xe điện đang tăng trưởng nhanh trên toàn cầu.
Trong thông cáo, Samsung SDI cho biết nhà máy đặt tại thành phố Seremban, miền Nam Kuala Lumpur (Malaysia) sẽ khánh thành năm 2025, một năm sau khi công ty này ra mắt dòng pin hình trụ có kích thước 21mm x 70mm dành cho xe điện.
Nhu cầu loại pin hình trụ này được dự báo tăng trưởng từ 10,17 tỉ pin trong năm nay lên 15,11 tỉ pin vào năm 2027. Samsung SDI kỳ vọng vào nhu cầu từ các công ty chế tạo công cụ điện và hệ thống lưu trữ năng lượng cũng như sản xuất xe điện (EV).
Market Research Future dự báo ngành công nghiệp xe điện toàn cầu sẽ đạt giá trị 957 tỉ USD vào năm 2030 với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) đạt 24,5% kể từ năm 2022. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang khuyến khích người dân mua xe điện để giảm khí thải carbon.
“Chúng tôi sẽ biến công ty vận hành nhà máy Samsung SDI Energy Malaysia trở thành trung tâm của ngành pin điện tử toàn cầu,” Yoonho Choi, chủ tịch và CEO Samsung SDI nói trong thông cáo.
Ông cho biết thêm Malaysia là chìa khóa quan trọng cho tham vọng này. “Với sự hỗ trợ của chính phủ Malaysia và các đối tác, chúng tôi có thể hiện thực hóa tầm nhìn nhanh chóng hơn,” ông cho biết.
Hàng xuất khẩu từ Malaysia có thể tiến vào Trung Quốc, Mỹ và Đông Nam Á mà không phải chịu sự ràng buộc về chính trị, Darson Chiu, phó giám đốc dự báo kinh tế vĩ mô của viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan cho biết. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trong bốn năm qua đã tăng thuế nhập khẩu giữa hai cường quốc này.
“Ngày càng nhiều quốc gia mở rộng hoạt động từ Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc, sang Đông Nam Á khi các chính trị gia tại những nước phương Tây không ngừng gây sức ép lên Trung Quốc,” Seng Wun Song, nhà kinh tế học của chi nhánh trực thuộc ngân hàng tư nhân CIMB (Malaysia) đặt tại Singapore cho biết.
Calvin Cheng, nhà phân tích cấp cao của viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia (ISIS), nhận định sức hút của Malaysia với các nhà đầu tư công nghệ quốc tế một phần do quốc gia này không áp dụng các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 như Trung Quốc và các nước khác ở khu vực Bắc Á.
Theo Cheng, các quốc gia Đông Nám Á đóng góp 7% doanh số bán dẫn toàn cầu, có nhiều nhà máy sản xuất, cung cấp nguồn nhân lực công nghệ khá thành thạo tiếng Anh, có tay nghề phù hợp và chi phí lao động thấp hơn những nền kinh tế phát triển khác của châu Á. “Đông Nam Á đang hội nhập với nền kinh tế thế giới ở mức rất cao,” ông nhận định.
“Thị trường xe điện và linh kiện tại Đông Nam Á phát triển nhanh chóng. Nhu cầu những loại pin này ngày càng tăng, bất kể đó là xe máy điện (e-bike) tại Indonesia hoặc xe điện ở Singapore,” Song cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
Danh sách: Tài sản tỉ phú Hàn lao dốc