Nhà sáng lập của FTX Sam Bankman-Fried nhận định Hong Kong có khả năng xây dựng lại vị thế trung tâm tiền mã hóa toàn cầu khi hướng tới cơ chế quản lý thân thiện với tiền mã hóa hơn.
Vào ngày 31.10, Hong Kong cho biết sẽ phát triển các chính sách đón nhận tài sản số với mục tiêu xây dựng lại vị thế trung tâm tiền mã hóa toàn cầu. Thông báo này đã nhận về các phản ứng trái chiều từ những cái tên hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa, bao gồm cả tỉ phú Sam Bankman-Fried.
Chia sẻ từ xa tại hội nghị Hong Kong Fintech Week, Sam Bankman-Fried – nhà sáng lập và giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch phái sinh tiền mã hóa FTX – nhận định, mặc dù các khu vực pháp lý như Bahamas và Dubai đã ban hành những quy định thân thiện với tiền mã hóa hơn, Hong Kong vẫn đủ khả năng giành lại vị thế trung tâm tiền mã hóa toàn cầu.
Bankman-Fried đưa ra Hong Kong, Singapore và Busan (Hàn Quốc) vẫn có tiềm năng để trở thành trung tâm tiền mã hóa của châu Á. Trong bài viết trên Twitter hôm 1.11, anh cập nhật tuyên bố chính sách của Hong Kong về tiền mã hóa và cho rằng việc này nên được đưa ra từ năm 2021.
Đó là vì Bankman-Fried đã chuyển trụ sở của FTX từ Hong Kong sang Bahamas vào năm 2021, do Hong Kong ban hành các lệnh hạn chế nghiêm ngặt phòng COVID-19 và quy định quản lý không rõ ràng.
Chính quyền Hong Kong cho biết có chính sách “cởi mở và bao trùm” đối với các loại hình kinh doanh tài sản số, với cơ quan tài chính đưa ra đề xuất cho phép các nhà đầu tư cá nhân giao dịch tiền mã hóa và sản phẩm giao dịch hoán đổi (ETP) tiền mã hóa. Hong Kong sẽ tiến hành quá trình tham vấn rộng rãi với các nhà đầu tư cá nhân về mức độ tiếp cận phù hợp với tài sản số theo cơ chế cấp phép bắt buộc cho hoạt động giao dịch tiền mã hóa.
Thông báo trên cho thấy giới chức Hong Kong đang thay đổi lập trường hạn chế hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư chuyên nghiệp vào năm 2018, khi thành phố tự trị này ban hành cơ chế cấp phép tự nguyện giới hạn các sàn giao dịch tiền mã hóa chỉ cung cấp dịch vụ cho những nhà đầu tư cá nhân có danh mục đầu tư tối thiểu 8 triệu đô la Hong Kong (1 triệu USD). Bắt đầu từ tháng 3.2023, Hong Kong sẽ ban hành các quy định cấp phép bắt buộc.
Tuy vậy, Bankman-Fried lập luận rằng cơ chế cấp phép bắt buộc, hạn chế khả năng tiếp cận với các sản phẩm tiền mã hóa dựa trên giá trị tài sản của nhà đầu tư là quyết định thiếu suy xét và không đúng mục đích. “Tôi cho rằng việc đánh giá các nhà đầu tư thông qua giá trị tài sản là điều không cần thiết và không mang lại lợi ích cho mọi người,” anh cho biết.
Với Bankman Fried, đây là quyết định tạo “sự phân hóa cao” vì thị trường tiền mã hóa khi ấy sẽ chỉ dành riêng cho giới nhà giàu. “Đây là quyết định mang tính phân biệt đối xử và rất khó để ai đó phát triển tài sản trong hệ thống đánh giá nhà đầu tư thông qua giá trị tài sản,” Bankman-Fried cho biết. Anh cho rằng việc cấp phép hoạt động cho các nhà đầu tư nên dựa trên kiến thức về cả sản phẩm và rủi ro ban đầu.
Chính quyền Hong Kong cũng sẽ tiến hành đánh giá quyền sở hữu tài sản đối với tài sản được mã hóa và tính hợp pháp của hợp đồng thông minh. Trong đó, tài sản được mã hóa là quá trình sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để thể hiện quyền sở hữu các loại tài sản như bất động sản hay trái phiếu. Còn hợp đồng thông minh là bộ giao thức có khả năng tự động thực hiện các điều khoản hay thỏa thuận trên công nghệ blockchain khi đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Andrian Cheng, con trai của tỉ phú Henry Cheng và CEO tập đoàn bất động sản Hong Kong New World Development, nhận định Hong Kong sẽ quay trở lại với tham vọng trở thành trung tâm tài sản số toàn cầu. “Chúng tôi tin tưởng các chính sách tiến bộ gần đây không chỉ đặt nền móng cho việc hình thành quy định quản lý vững chắc, mà còn đưa Hong Kong trở thành trung tâm lưu hành kỹ thuật số hàng đầu của thị trường chứng khoán toàn cầu. Đây là điều không một nước nào khác có được,” Cheng chia sẻ tại hội nghị Hong Kong Fintech Week.
Tuy vậy, với Leonhard Weese, đồng sáng lập Hiệp hội Bitcoin Hong Kong, chính phủ vẫn cần phải minh bạch hơn về khung pháp lý đối với tiền mã hóa, cho biết ông cảm thấy ngạc nhiên khi các cơ quan quản lý chỉ thông báo tiến hành tham vấn rộng rãi cho giao dịch tiền mã hóa thay vì có sự thay đổi thực sự về chính sách.
“Chắc chắn là quy định quản lý này chưa được ban hành trong thời điểm hiện nay từ việc Hong Kong thay đổi đôi chút những thông báo này. Dự luật sẽ được thông qua và không bao gồm khả năng tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân,” Weese cho biết.
Ngược lại, chủ tịch của Hashkey Group Michel Lee vẫn giữ sự lạc quan rằng Hong Kong sẽ tiến đến việc cho phép các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường tiền mã hóa tại đây. Hashkey Group là một trong hai công ty tiền mã hóa được các cơ quan quản lý của Hong Kong “bật đèn xanh” cho phép hoạt động tại thành phố này theo cơ chế cấp phép tự nguyện hiện hành.
“Hong Kong có những nhà đầu tư thành thạo thị trường nhất thế giới, với nhiều nhà đầu tư cá nhân đã sở hữu một vài loại tài sản số. Do vậy, tôi cho rằng sẽ thật thiếu trách nhiệm và không thỏa đáng khi chính phủ Hong Kong nói rằng các nhà đầu tư không thể giao dịch các loại tài sản này. Theo tôi, đảm bảo các nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch an toàn là điều chắc chắn phải thực hiện,” Lee cho biết.
2 năm trước
Hypebeast lên kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq