CEO của Open AI, Sam Altman ủng hộ việc Mỹ nên ban hành thêm quy định quản lý đối với ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hôm 16.5, Sam Altman – CEO của OpenAI và những nhà lãnh đạo khác đã lên tiếng ủng hộ ban hành thêm quy định quản lý đối với ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), động thái trái ngược với các hãng công nghệ khác phản đối việc cơ quan chính phủ can thiệp vào lĩnh vực này.
Sam Altman nhận định AI có thể trở thành mối nguy hại cho xã hội khi anh thể hiện quan điểm ủng hộ quy định bổ sung từ chính phủ Mỹ, song cũng lưu ý về sự tiến bộ mà công nghệ này có thể mang lại về mặt lao động, chăm sóc sức khỏe và kinh tế. Altman cho biết thêm quy định quản lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và giảm thiểu các tác động tiêu cực của AI.
Bên cạnh Sam Altman, Christina Montgomery, giám đốc về quyền riêng tư và chủ tịch hội đồng đạo đức AI của IBM và giáo sư danh dự tại đại học New York Gary Marcus cũng có mặt trong phiên điều trần vừa qua. Trong đó, ông Marcus đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan đến can thiệp vào kết quả bầu cử, cung cấp thông tin thiếu chính xác về sức khỏe và hình thức quảng cáo siêu mục tiêu.
Gary Marcus mong muốn Mỹ thành lập một tổ chức ở tầm chính phủ để đảm bảo AI phát triển theo đúng trình tự, cho rằng việc giám sát có thể thực hiện theo hình thức đánh giá mức độ an toàn tương tự như quy trình của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Mỹ). Trong khi đó, Montgomery cho biết quá trình giám sát AI nên có những quy tắc theo từng rủi ro khác nhau, với quy định cao nhất nên được áp dụng cho các trường hợp tiềm ẩn mối nguy hại lớn nhất đối với xã hội.
Sam Altman kêu gọi thành lập một cơ quan liên bang mới tập trung vào cấp phép cho công nghệ AI, và thu hồi nếu có công ty nào vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn.
Altman đã phản hồi nhận định ban đầu từ Thượng nghị sĩ Josh Hawley về việc liệu quá trình phát triển của AI có giống như sự ra đời của máy in hay “bom nguyên tử”. “Chúng tôi cho rằng đó có thể như khoảnh khắc ra đời của máy in ép,” Altman trả lời.
Thượng nghị sĩ bang Illinois, Dick Durbin đã gọi yêu cầu từ các nhà lãnh đạo lĩnh vực AI về quy định quản lý là điều “mang tính lịch sử, và ông chưa từng thấy đại diện từ các tập đoàn lớn hoặc tổ chức tư nhân nào thể hiện mong muốn cơ quan chính phủ ban hành khung pháp lý như vậy cả.”
Sam Altman đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015, với khoản hậu thuẫn tài chính từ những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như CEO Tesla Elon Musk, nhà sáng lập Paypal và Palantir Technologies Peter Thiel, và đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman.
Ban đầu, công ty hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, sau đó chuyển hướng sang vì lợi nhuận có “giới hạn” vào năm 2019, với lợi nhuận tối đa giới hạn ở mức gấp 100 lần bất kỳ khoản đầu tư nào. Đến thời điểm hiện nay, OpenAI đã ra mắt GPT-4, phiên bản có khả năng tạo ra văn bản để phản hồi gợi ý từ người dùng và DALL-E, mô hình học sâu có thể tạo ra hình ảnh gốc.
UBS ước tính, ChatGPT của OpenAI có hơn 100 triệu người dùng trong tháng 1.2023, thành tích đạt được chỉ sau hai tháng ra mắt và trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất lịch sử. Các công ty như Google cũng tham gia cuộc đua phát triển chatbot với Bard, AI đàm thoại được xem như đối thủ cạnh tranh của ChatGPT.
Google cũng có kế hoạch tích hợp Bard vào công cụ tìm kiếm. Công nghệ AI đã được các quan chức chính phủ và nhà khoa học, những người đưa ra lo ngại về quyền riêng tư, giảm số lượng việc làm và tiềm ẩn nguy cơ tác động đến các cuộc bầu cử, theo dõi sát sao.
Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, Aleksander Mądry – giám đốc Trung tâm Deployable Machine Learning (Tạm dịch: Ứng dụng máy học có thể triển khai) của viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lưu ý rằng có thể có một số quy định hạn chế việc ứng dụng AI vào thời điểm hiện tại. Tuy vậy, những quy định này vẫn chưa hoàn thiện, qua đó thể hiện mức độ quan trọng của các phiên điều trần như ngày 16.5 vừa qua cho việc ban hành chỉ dẫn trong tương lai.
Các công ty công nghệ như Apple, Amazon và Meta đã phản đối về sự can thiệp từ cơ quan quản lý. Ngành công nghệ ghi nhận số tiền 100 triệu USD dành cho quảng cáo nhằm phản đối các biện pháp chống độc quyền và dự luật khác từ quốc hội Mỹ kể từ năm 2021 đến cuối năm 2022, theo Wall Street Journal.
Đáng chú ý, OpenAI không phải công ty đầu tiên lên tiếng ủng hộ quy định quản lý AI trước quốc hội. Năm 2020, Mark Zuckerberg đã kêu gọi Quốc hội Mỹ nên cập nhật Điều luật 230, nằm trong bộ luật Internet cho phép các nền tảng mạng xã hội và những hãng công nghệ khác được miễn trừ trách nhiệm pháp lý khi bên thứ ba đăng tải nội dung trên nền tảng, theo hướng có trách nhiệm hơn.
Xem thêm: Tòa án Tối cao Mỹ xem xét trách nhiệm của mạng xã hội
Biên dịch: Minh Tuấn
3 tháng trước
OpenAI ra mắt công cụ tìm kiếm cạnh tranh với Google