Sách Trắng 2021 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thực hiện chính thức ra mắt hôm nay 25.11, cung cấp góc nhìn về các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Ở thông điệp viết trong Sách Trắng 2021, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ – trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam bày tỏ sự lạc quan về hoạt động thương mại giữa châu Âu và Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, dù còn những thách thức sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong một khoảng thời gian nữa.
“Tăng cường tự do hóa sẽ mở ra các lĩnh vực và ngành nghề mới cho nhà đầu tư cả hai bên. Các mâu thuẫn về luật định hiện nay sẽ được giảm thiểu khi môi trường pháp lý hài hòa hơn với các quy định và thông lệ quốc tế, thúc đẩy làn sóng thương mại và đầu tư song phương, thúc đẩy doanh nghiệp và xã hội phục hồi hậu đại dịch,” ông viết.
Ở mỗi chương trong Sách Trắng 2021, 18 tiểu ban ngành nghề của EuroCham tập trung vào các vấn đề chính mà họ tin rằng chính phủ Việt Nam cần ưu tiên giải quyết. Sách đánh giá những vấn đề ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam như tác động đến hoạt động thương mại, sức tăng trưởng hoặc môi trường việc làm. Từ đó, mỗi chương đưa ra các khuyến nghị cụ thể để cải thiện hoặc giải quyết những thách thức đó.
“Ấn phẩm thứ 13 của Sách Trắng ra mắt vào thời điểm quan trọng: khởi đầu quá trình thực thi hiệp định EVFTA, trong khi chúng ta vẫn đang đương đầu với đại dịch toàn cầu. Tôi hy vọng các vấn đề kiến nghị trong Sách Trắng sẽ được giải quyết để môi trường kinh doanh tại Việt Nam cởi mở, cạnh tranh và hấp dẫn hơn nữa với các doanh nghiệp nước ngoài,” theo ông Alain Cany – chủ tịch EuroCham.
Theo Sách Trắng 2021, quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu phát triển mạnh mẽ kể từ lần đầu tiên thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1990. Ngày nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm tại Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 30 (0,5%) và đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn thứ mười (2%) của EU. Đức, Hà Lan và Pháp là các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam; ở chiều ngược lại, Đức, Ý và Hà Lan là những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam.
Ấn phẩm cũng đưa ra dữ liệu về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của EuroCham cho thấy, dù chỉ số này từng giảm xuống thấp nhất hồi quý I.2020, các nhà đầu tư châu Âu vẫn thể hiện thái độ lạc quan về khả năng phục hồi kinh doanh trong tương lai, bất chấp các thách thức ngắn hạn.
Ngay sau khi giới thiệu Sách Trắng 2021, đại diện của một số tiểu ban, ngành nghề thuộc EuroCham, bao gồm dược phẩm, chuyển đổi số, logistics và cơ sở hạ tầng, quản lý sở hữu trí tuệ, phát triển năng lượng tái tạo… có cuộc đối thoại cùng với đại diện từ các bộ, ngành ở Việt Nam để thảo luận về những vấn đề còn đang tồn tại trong hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam.
1 năm trước
Hướng dẫn định cư ở Đan Mạch trong năm 20232 tuần trước
Tăng trưởng Việt Nam 2025: Thúc đẩy nội lực tư nhân3 năm trước
Ficus gia tăng sở hữu ở các công ty con Seedcom