Mặc dù Rivian thông báo lỗ 4,7 tỉ USD trong năm sản xuất xe tải điện đầu tiên, công ty vẫn còn khoản vốn lớn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Rivian, startup xe điện nhận được nhiều tiền đầu tư nhất trong lịch sử Mỹ, cho biết lỗ gần 5 tỉ USD trong năm sản xuất xe tải điện đầu tiên vì nguồn cung chip máy tính, linh kiện và nguyên liệu thô khan hiếm, khiến công ty chỉ có thể sản xuất khoảng 25.000 xe bán tải, xe SUV và xe tải giao hàng trong năm nay.
Công ty sản xuất ô tô ở California, do CEO RJ Scaringe thành lập, đã báo cáo khoản lỗ ròng 2,5 tỉ USD trong quý 4 năm 2021 và 4,7 tỉ USD trong cả năm. Doanh thu hàng năm đạt 55 triệu USD sau khi công ty hoàn thành giao 920 xe hạng sang. Công ty nhận được đơn đặt hàng khoảng 83.000 chiếc xe bán tải R1 T và xe SUV R1 S. Nhưng phải đến năm sau, những chiếc xe này mới giao đến khách hàng. Nhà đầu tư đầu tiên Amazon cũng đang chờ đợi để nhận 100.000 xe tải giao hàng chạy bằng điện.
“Các nhà cung cấp của chúng tôi đang gặp phải rất nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề riêng của từng công ty, trì hoãn sản xuất do đại dịch COVID-19 gây ra và nguồn cung chất bán dẫn hạn chế,” Scaringe cho biết trong cuộc họp trực tuyến với các nhà phân tích. Kế hoạch sản xuất của Rivian dè dặt trong năm nay nhưng “chúng tôi nhất định vẫn làm việc chăm chỉ để có thể vượt qua doanh số 25.000 ”. Tuy nhiên, “không thể đoán trước được mọi thứ, đặc biệt là trong hoàn cảnh này.”
Cổ phiếu của công ty, đã giảm 6,4% xuống còn 41,16 USD trên sàn giao dịch Nasdaq trong ngày 10.3 trước khi công bố báo cáo hoạt động, giảm thêm 12% xuống 35,99 USD trong giao dịch ngoài giờ. Cổ phiếu đã giảm mạnh 60% trong năm nay và giảm 76% kể từ khi đạt đỉnh 172,01 USD trong ngày 16.11.2021.
Cổ phiếu của các công ty sản xuất xe điện, bao gồm Tesla, Lucid, Fisker và Nikola, đều đã bị giảm giá trong năm nay do sản lượng dự kiến bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khan hiếm ngày càng tăng- ngay cả khi giá dầu tăng cao thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô và xe tải điện không phát thải.
Bên cạnh tình trạng khan hiếm chip máy tính và các linh kiện đặc biệt, ngày càng có nhiều lo ngại về chi phí cho nguyên liệu thô được sử dụng trong pin bao gồm niken được khai thác ở Nga cũng như coban và lithium, sẽ tiếp tục đột ngột tăng khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc tấn công vào Ukraine, khiến các quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế tàn khốc.
“Câu chuyện về kết quả kinh doanh của Rivian làm chúng tôi thất vọng và cả Phố Wall chưa phản ánh hết tình hình thực tế của startup này,” Dan Ives, chuyên viên phân tích cổ phiếu của Wedbush Securities cho biết trong báo cáo nghiên cứu.
“Chúng tôi tin nhờ vào quan điểm thiết kế và kỹ thuật cốt lõi cùng với mối quan hệ hợp tác kinh doanh với Amazon, Rivian có tiềm năng trở thành một đối thủ xe điện lớn trong 10 năm tới. Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, công ty cần bắt đầu những mô hình giao hàng đến khách hàng và ngừng bào chữa.”
Mặc dù triển vọng tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng trong năm 2022 nhưng Rivian vẫn giữ vị thế tốt trong thời gian dài nhờ vào lượng tiền mặt cực kỳ lớn. Công ty cho biết đã chi hết khoản tiền mặt 18,4 tỉ USD trong năm ngoái nhưng có khả năng gọi vốn bổ sung với hạn mức tín dụng quay vòng dựa trên tài sản.
Công ty đã huy động được khoảng 11 tỉ USD khi là công ty tư nhân, từ những nhà đầu tư bao gồm Amazon và Ford, và thêm 13,7 tỉ USD nữa trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2021.
Khoản tiền mặt đó sẽ có thể giúp công ty vượt qua các điều kiện khó khăn trong năm 2022 và tiến hành xây dựng nhà máy thứ hai ở Georgia với kinh phí 5 tỉ USD cũng như để tăng sản lượng tại nhà máy Normal, Illinois, có khả năng sản xuất 150.000 xe mỗi năm trong năm sau.
Scaringe không còn là tỉ phú nữa trong tháng này sau khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của Rivian khi công ty thông báo tăng giá lên tới 20% trong tháng 3 và áp dụng cho cả những khách đã đặt trước mẫu R1, khiến khách hàng đang chờ xe tức giận. Công ty đã thay đổi quyết định không áp dụng giá mới cho những người đang chờ nhận xe và Scaringe đã xin lỗi về hành động này trong cuộc họp vào ngày 10.3.
“Chúng tôi nhận ra đây là một sai lầm và nhanh chóng chuyển sang áp dụng mức giá cũ cho những khách đã đặt hàng trước ngày 1.3,” ông nói. “Mối quan hệ tốt với khách hàng là điều quan trọng nhất chúng tôi đang phát triển. Chúng tôi tin những khách hàng ban đầu rất quan trọng để tạo dựng thương hiệu cần thiết nhằm giúp tăng doanh số của nhiều loại xe lên hàng triệu trong tương lai.”
Công ty cũng đang chuẩn bị cung cấp các loại xe sử dụng pin lithium sắt phosphate (LFP) có giá thành thấp hơn và dự kiến bắt đầu từ năm tới. Những pin đó không sử dụng niken và các vật liệu khác như pin lithium-ion thông thường. Sự thay thế này có thể giúp công ty tránh khỏi đợt biến động giá hàng hóa. Trong thời gian đầu, Rivian sẽ sử dụng pin LFP trong các xe tải giao hàng đang sản xuất cho Amazon và dần dần dùng cho các mẫu R1 T và R1S trong năm 2023.
Mặc dù Rivian được xem là đối thủ cạnh tranh tiềm năng mạnh mẽ với Tesla nhưng sẽ cần nhiều năm để bắt kịp nhà sản xuất xe điện hàng đầu trong ngành của Elon Musk. Đáng chú ý, nếu Rivian chỉ sản xuất 25.000 chiếc trong năm nay thì quá trình tăng trưởng sản xuất của công ty cũng sẽ chậm giống như Tesla.
Công ty của Musk đã sản xuất ít hơn 2.500 chiếc Roadster chạy điện từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 2008 đến năm 2011. Tesla chuyển sang giai đoạn tăng trưởng với sự ra mắt của mẫu xe Model S trong năm 2012. Công ty đã sản xuất 2.800 chiếc trong năm đó và 23.000 chiếc vào năm 2013, tương đương 23.800 chiếc trong giai đoạn 18 tháng đầu sản xuất tại nhà máy Fremont, California.
“Chúng tôi chắc chắn đang trải qua một trong những hoàn cảnh đầy thách thức nhất của chuỗi cung ứng mà ngành công nghiệp ô tô từng chứng kiến,” Scaringe nói. “Nhưng khi chúng tôi hướng đến triển vọng trong 10 năm tới kể từ bây giờ, các sản phẩm, công nghệ và nền tảng thương hiệu của chúng tôi sẽ giúp chiếm được thị phần đáng kể trong lĩnh vực vận tải.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Cổ phiếu Rivian giảm kỷ lục nhưng vẫn được định giá cao hơn GM và Ford
Ford và Rivian hủy hợp tác phát triển xe điện
1 năm trước
Hyundai đầu tư gần 20 tỉ USD vào mảng xe điện