Công nghệ

Relativity Space phóng tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới

Relativity Space đã phóng thành công tên lửa in 3D đầu tiên Terran 1, song không thể bay đến quỹ đạo như kế hoạch do gặp sự cố sau khi tách tầng.

Share
this:

Vào ngày 22.3, công ty khởi nghiệp Relativity Space đã phóng thành công Terran 1, tên lửa sản xuất gần như hoàn toàn bằng công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới trên bệ phóng tại trạm không quân Mũi Canaveral, Mỹ sau hai lần trì hoãn trước đó.

Mặc dù vậy, tên lửa bay tới quỹ đạo do gặp sự cố ở tầng trên sau khi tách khỏi tầng 1. Tuy không diễn ra như kế hoạch, nhưng Relativity Space đã thu về những dữ liệu đáng giá cho các đợt phóng tiếp theo.

Relativity Space sản xuất Terran 1 bằng Stargate, máy in 3D cỡ lớn rút ngắn thời gian chế tạo tên lửa từ nguyên liệu thô chỉ trong khoảng 60 ngày. “Không chỉ phát triển thành công tên lửa mới, chúng tôi còn tạo ra hình thức sản xuất mới để chế tạo gần như toàn bộ Terran 1,” Josh Brost, phó chủ tịch phụ trách về doanh thu của Relativity Space, cho biết.

Relativity Space do Tim Ellis và Jordan Noone, những người từng làm việc tại các công ty hàng không vũ trụ lớn hơn là Blue Origin của Jeff Bezos và SpaceX của Elon Musk, thành lập vào năm 2015. Tại công ty cũ, cả hai đều phụ trách về phương pháp in 3D dựa trên vật liệu hợp kim và chính kinh nghiệm chuyên môn đó giúp họ nhìn ra cơ hội từ việc ứng dụng công nghệ in 3D trong phát triển thiết bị vũ trụ.

Hình ảnh chụp lại tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới, Terran 1 do Relativity Space sản xuất đặt trên bệ phóng. Ảnh: Relativity Space.

Điều này còn mang đến những lợi thế khác để cạnh tranh với những hãng sản xuất hàng không vũ trụ truyền thống khác. Tim Ellis và Jordan Noone từng nằm trong danh sách Forbes Under 30 năm 2019.

Trao đổi với Forbes, Tim Ellis, hiện giữa chức CEO của Relativity Space, cho biết cả hai từng gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi mới thành lập công ty. “Chúng tôi quyết định thành lập Relativity Space trong khi bản thân không biết gì về khởi nghiệp. Một trong những nhà đầu tư tôi nghĩ đến đầu tiên là Mark Cuban, vì một người bạn từ đại học nói với tôi rằng ông ấy hay trả lời email ngẫu nhiên.”

Sau khi thử gửi email đến gần 20 địa chỉ khác nhau, cả hai cũng đã tìm ra đúng địa chỉ email của Mark Cuban. Tiêu đề “Space is Sexy, 3D Printing Entire Rocket” (Tạm dịch: Sức hút từ tên lửa sản xuất gần như hoàn toàn bằng in 3D) từ email của hai người đã thu hút sự chú ý từ vị tỉ phú này.

“Mark Cuban hỏi chúng tôi muốn ông ấy làm gì. Tôi nói rằng ‘Chúng tôi muốn huy động 500.000 USD cho vòng hạt giống và sẽ rất vui nếu ông có thể đầu tư 100.000 USD vào công ty. Thế là ông ấy quyết định đầu tư 100% vào Relativity Space và toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong gần 30 phút,” Ellis chia sẻ.

Đến nay, Pitchbook ước tính Relativity Space đã huy động thành công hơn 1,3 tỉ USD, đạt giá trị vốn hóa thị trường hơn 4 tỉ USD. Công ty cũng có hợp đồng từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), công ty vận hành vệ tinh OneWeb (Anh) và các khách hàng khác, với tổng giá trị hơn 1,2 tỉ USD.

Nhờ đó, Relativity Space đã phát triển ra một vài trong số những máy in 3D lớn nhất trên thế giới, sử dụng để chế tạo cấu trúc và thành phần bên trong tên lửa (trong buổi phóng, tên lửa đã mang theo một chiếc có kích thước 15cm, một trong những món đồ in 3D đầu tiên của Relativity Space).

Sự kiện vào ngày 22.3 đánh dấu Relativity Space phóng tên lửa Terran 1 đầu tiên, hướng đến phát triển tên lửa có trọng tải và kích thước lớn hơn Terran R. Công ty kỳ vọng Terran R sẽ trở thành nguồn doanh thu lớn nhất. Terran 1 là tên lửa hai tầng có có khả năng mang tải trọng lên đến 1.249kg vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), với giá vé 12 triệu USD.

Tên lửa Terran R, với Relativity Space có kế hoạch tái sử dụng toàn bộ và có khả năng mang tải trọng gấp 16 lần thế hệ trước, cũng sẽ có thể đưa thiết bị vũ trụ lên sao Hỏa và mặt trăng. Trên trang web chính thức, Relativity Space đặt mục tiêu phóng Terran R vào năm 2024, song Brost lưu ý thời gian chính thức sẽ còn phụ thuộc vào dữ liệu thu thập từ lần phóng Terran 1 vừa qua, cũng như những đợt phóng tàu khác.

“Vai trò của Terran 1 trong quá trình phát triển của Relativity Space tương tự như Falcon 1 đối với SpaceX trước đây.”Nhà phân tích ngành hàng không vũ trụ Caleb Henry.




“Vai trò của Terran 1 trong quá trình phát triển của Relativity Space tương tự như Falcon 1 đối với SpaceX trước đây. Mục tiêu đằng sau đó nhằm chứng minh khả năng của công nghệ phóng tàu quan trọng trước khi phóng tên lửa lớn hơn, với Falcon 9 của SpaceX và Terran R của Relativity Space, qua đó có thể cạnh tranh để giành lấy hợp đồng giá trị cao từ thị trường,” Caleb Henry, nhà phân tích hàng không vũ trụ của Quilty Analytics, chia sẻ với Forbes qua email.

Do vậy, ngay cả khi tên lửa Terran 1 không thể bay lên quỹ đạo trái đất cũng sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng trong tương lai. Terran 1 đã hoàn thành một mục tiêu mà Relativity Space đề ra là vượt qua Max Q, khoảng thời gian tên lửa đạt áp suất động tối đa trong quá trình phóng. Đây là bài kiểm tra quan trọng để đánh giá tác động của kết cấu của một thiết bị vũ trụ. Bên cạnh đó, việc phóng tên lửa không thành công là điều tương đối bình thường trong ngành hàng không vũ trụ.

Càng cho thấy thành công từ việc phóng tên lửa, Relativity Space càng có lợi thế khi cơ hội từ thị trường dần rộng mở hơn. Đó là vì một vài công ty, như United Launch Alliance (ULA) đã tạm hoãn phóng tên lửa và mất nhiều tháng, hoặc nhiều năm nữa để phóng thế hệ tên lửa tiếp theo. Nhu cầu dành cho các đợt phóng tên lửa cũng tăng lên nhờ vào cải tiến trong công nghệ vệ tinh, hướng tới quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

“Việc các công ty hàng không vũ trụ tạm hoãn phóng tên lửa đã hạn chế khả năng phóng tên lửa trên toàn thế giới. Điều này làm chậm quá trình phóng tên lửa mới và gia tăng nhu cầu dành cho các Internet vệ tinh. Các công ty có thể phóng tên lửa hạng nặng với chi phí hợp lý và chắc chắn, sẽ có cơ hội phát triển rất lớn,” Henry cho biết.

Biên dịch: Minh Tuấn