Nhà thiết kế Rebecca Minkoff ra mắt bộ sưu tập NFT thứ hai trong Tuần lễ thời trang Crypto kết thúc vào ngày 27.3.
Khi Tuần lễ thời trang Crypto (CFW) bắt đầu, Rebecca Minkoff ra mắt bộ sưu tập NFT thứ hai. Nhưng lần này, các sản phẩm được thiết kế để tồn tại hoàn toàn trong metaverse (vũ trụ ảo).
“Không có sản phẩm may mặc nào trong thế giới thật giống với bộ sưu tập này,” Minkoff, gần đây bán thương hiệu thời trang của mình cho Sunrise Brands với giá 13 triệu USD đến 19 triệu USD, nói với WWD. “Thay vào đó, chúng tôi tập trung hoàn toàn vào kiểu dáng thời trang kỹ thuật số, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được DNA của thương hiệu.”
Minkoff ra mắt sản phẩm trong bộ sưu tập mới trên sàn diễn kỹ thuật số trong Tuần lễ thời trang Crypto, bắt đầu ngày 18.3. Sau đó, dòng sản phẩm đầy đủ sẽ có sẵn trên The Dematerialized, sàn giao dịch dành cho NFT (mã token độc nhất) thời trang, nơi khách hàng có thể xem, mua cũng như tạo kiểu cho hình đại diện. Minkoff nói: “Chúng tôi rất hào hứng khi thiết kết ra sản phẩm may mặc này, đảm bảo chúng thiết thực hơn so với bộ sưu tập trước đó.”
Nhà thiết kế 41 tuổi thành lập công ty vào năm 2005 cùng với người đồng sáng lập cũng là anh trai của cô, Uri, trước đây là CEO. Sau khi bán cho Sunrise, Uri đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao tập trung vào đổi mới và công nghệ. Minkoff vẫn giữ chức danh giám đốc sáng tạo.
“Giờ đây, chúng tôi có đủ nguồn lực để đầu tư nhiều vào NFT,” cô nói về thương vụ mua lại Sunrise. “Cuối cùng tôi cũng chứng kiến được sự quan tâm của thế giới dành cho lĩnh vực này và những thứ chúng tôi tập trung thiết kế, cho dù thiết kế riêng lẻ hay cho nhóm.”
Dù sao, Minkoff hoàn toàn mong đợi “NFT sẽ tiếp tục là một phần trong câu chuyện thương hiệu của chúng tôi. Đây sẽ trở thành nhóm sản phẩm quan trọng của Rebecca Minkoff tương tự như phát triển túi xách và thời trang may sẵn. ”
Dòng sản phẩm NFT mới lấy cảm hứng từ khái niệm triết học Hy Lạp về dunamis để chỉ sức mạnh lẫn tiềm năng. Bộ sưu tập Dunamis bao gồm bốn kiểu dạng kỹ thuật số: Athena, Venus, Aphrodite cùng với Persephone.
Ngoài chủ đề nữ thần Hy Lạp, dòng sản phẩm này còn gợi nhắc tới nguồn gốc New York của công ty với gu thẩm mỹ sang trọng đặc trưng của hộp đêm. Kiểu dáng Manhattanite theo phong cách Grecian — bao gồm váy, áo, quần, lẫn phụ kiện — sẽ có giá từ 100 USD đến 1.400 USD. Người mua hàng có thể mua NFT bằng tiền mã hóa (Crypto) và tiền pháp định, DMAT không yêu cầu người mua phải có ví tiền mã hóa nên tất cả đều có thể truy cập NFT.
Thiết kế thời trang kỹ thuật số đặc biệt tự do, Minkoff nói, “vì không phải sản phẩm thời trang thật. Nên trọng lượng bộ quần áo, giống như chiếc áo choàng nạm ngọc nặng có khi lên tới 45 kg trong thế giới thật, có thể tồn tại trong metaverse. Khi chúng tôi có cơ hội để tưởng tượng, chúng tôi nói “Tại sao không vui, đó là điều tưởng tượng, không có quy tắc nào cả, hãy cùng chơi và khám phá.”
Mùa thu năm ngoái, trước khi bán cho Sunrise, Minkoff trở thành nhà tiên phong trong thế giới NFT thời trang khi cô ra mắt bộ sưu tập hàng may mặc kỹ thuật số đầu tiên của mình trong Tuần lễ thời trang New York (NYFW).
Bộ sưu tập Thu/Đông ra mắt tại Spring Studios, trung tâm tổ chức các buổi trình diễn NYFW, với loạt hình ảnh trực tuyến được chụp bởi nhiếp ảnh gia Cass Bird. Mỗi bức ảnh đều có mã QR đặc biệt đưa đến trải nghiệm thực tế tăng cường để chào giá trực tiếp.
Bộ sưu tập NFT kỹ thuật số đầu tiên — có giá từ 60 USD đến 600 USD — bán hết trong chín phút. Minkoff từ chối cho biết tổng doanh số bán hàng. Cô cho biết: “Chúng tôi không ngờ bộ sưu tập lại thu hút nhiều người mua đến thế. Điều này cho thấy nhu cầu về sản phẩm sang trọng trong metaverse tăng cao. Thông qua tất cả đó để hiểu được cách tận dụng sự khan hiếm trở thành cơ hội cho các nhà sưu tập thu được lợi nhuận khi bán lại.”
Minkoff cũng tin NFTs “chuyển đổi toàn bộ ngành công nghiệp thời trang theo những cách chúng ta không thể tưởng tượng được.”
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến số lượng hàng tồn kho và chi phí may mặc,” cô cho biết. “Những gì sẽ làm để giải quyết các vấn đề về nguồn cung cũng như giá trị thật?” Về phía người mua, cô hình dung ra thế giới nơi chiếc váy NFT có thể được sử dụng không chỉ cho hình đại diện mà còn là trang phục cho các bức ảnh trên Instagram.
Màn ra mắt của Minkoff tại CFW thể hiện mong muốn của nhà thiết kế tiếp tục tương tác với khách hàng Thế hệ Z. Để đẩy mạnh những nỗ này, cô cũng sẽ ra mắt bộ sưu tập NFT thứ hai trên nền tảng metaverse Roblox, và tổ chức sự kiện eSports trong khuôn khổ High Heel Obby, cuộc thi vượt chướng ngại vật trên Roblox thu hút 10 triệu người chơi mỗi tháng.
Bằng cách mua NFT qua DMAT, mỗi người mua sẽ trở thành thành viên trong thế giới Metaverse của Rebecca Minkoff, với quyền truy cập vào sự kiện eSports trên Roblox vào ngày 25.3. Đối với sự kiện eSports (thể thao điện tử) trên High Heel Obby, cả chủ sở hữu NFT và người chơi Roblox đều có thể cạnh tranh tạo kiểu dáng cho Minkoff để giành giải thưởng từ thương hiệu.
Trong khi cô định hướng cho thế hệ tiếp theo thông qua Web3, Minkoff sớm xem xét lại chiến lược mở cửa hàng. “Cửa hàng truyền thống không phải là mục tiêu cho năm nay mà đến năm 2023,” cô cho biết. “Khi chúng tôi mở lại cửa hàng truyền thống, chúng tôi sẽ suy nghĩ cẩn thận về hình thức cửa hàng, nhưng sẽ có bộ phận NFT.” Cô cũng có kế hoạch thực hiện buổi biểu diễn trực tiếp tại Tuần lễ thời trang New York vào mùa thu năm nay.
Minkoff cũng không có kế hoạch từ bỏ khách hàng ban đầu là phụ nữ thế hệ Millennial. Đó là những vị khách cô có được hơn 16 năm trước với bộ sưu tập túi xách Morning After Bag và áo thun I Love New York Tee. “Việc cần làm hiện giờ là hướng dẫn người tiêu dùng mua NFT từ chúng tôi và cả khách không biết lấy ở đâu đồng thời tăng lượng khách hàng có kiến thức về điều này,” cô cho biết. “ Chúng tôi đưa họ tiếp xúc với metaverse cùng với khách hàng để hy vọng kết nối giữa hai thế giới cùng một lúc.”
Biên dịch: Gia Nhi