Korea Investment Management (KIM), công ty quản lý quỹ từ xứ sở kim chi, khẳng định vị thế mới trong vai trò cầu nối cho dòng vốn mới vào Việt Nam.
“Việc chính thức thành lập quỹ pháp nhân nội địa năm 2020 là một trong những thành quả lớn nhất chúng tôi đạt được tại Việt Nam,” với phong thái điềm tĩnh và thân thiện, ông Yun Hang Jin – chủ tịch hội đồng thành viên công ty quản lý quỹ KIM Việt Nam chia sẻ về câu chuyện của công ty quản lý quỹ đến từ xứ sở kim chi.
Korea Investment Management (KIM) là một trong những quỹ ngoại vào Việt Nam khá sớm và là quỹ có quy mô lớn từ Hàn Quốc tiên phong tại Việt Nam, từ năm 2006. KIM nhanh chóng trở thành một trong những nhà đầu tư quản lý tài sản hàng đầu tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2018, quỹ Hàn Quốc mua lại công ty quản lý quỹ Hùng Việt và chính thức hoạt động theo pháp nhân trong nước từ năm 2020 thông qua việc sở hữu 100% công ty con KIM Việt Nam.
Sau nhiều năm đi về giữa Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và Brazil trong vai trò một chuyên gia phân tích các thị trường mới nổi. Công việc giúp Yun Hang Jin chứng kiến cách các thị trường mới nổi ứng phó với cuộc khủng hoảng 2007-2008 làm sụp đổ nhiều định chế tài chính. Năm 2018, ông dừng chân tại Việt Nam khi nhận trọng trách lèo lái KIM Việt Nam. “Các nghiên cứu về Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng với KIM, đồng thời giúp tôi tận dụng cơ hội này như một bước tiến trong sự nghiệp,” ông Yun nói.
KIM là nhà quản lý quỹ đầu tiên được thành lập tại Hàn Quốc, ngày nay là một trong năm công ty lớn nhất thị trường xét theo quy mô tài sản, đang quản lý 52,6 tỉ đô la Mỹ. KIM Việt Nam hiện vận hành các quỹ ủy thác từ công ty mẹ với quy mô quản lý khoảng 1 tỉ đô la Mỹ.
Bên cạnh các quỹ đầu tư chủ động, họ đẩy mạnh các sản phẩm quỹ đầu tư chỉ số, đầu năm nay quỹ hoán đổi danh mục ETF đầu tiên ra mắt – KIM Growth VN30 được niêm yết trên HoSE, quy mô hiện tăng gần bốn lần so với lúc niêm yết. Tháng 6.2022, họ ra mắt ETF thứ hai – KIM VNFinselect, đại diện cho ngành tài chính thuộc VNAllShareFinancials Index, nếu điều kiện thị trường cho phép sẽ niêm yết tháng 10.2022.
Điều mà nhà quản lý quỹ KIM Việt Nam tự hào là bên cạnh quỹ đầu tư chủ yếu từ khách hàng Hàn Quốc, họ còn vận hành quỹ ủy thác cho công ty quản lý quỹ hàng đầu của Nhật, Tokyo Marine. KIM Việt Nam đã giành được hợp đồng với Tokyo Marine sau khi quỹ này tìm kiếm đối tác ủy thác quản lý phần danh mục đầu tư của họ tại Việt Nam.
Ông Yun nói công ty mẹ là nhà quản lý quỹ lâu đời nhất Hàn Quốc với mạng lưới rộng lớn cho phép họ kế thừa, có cách tiếp cận đa chiều cùng năng lực quản lý cho đến đào tạo, vận hành hệ thống, hỗ trợ các hoạt động marketing đưa sản phẩm đến nhà đầu tư. “Những gì thị trường Việt Nam đang đi Hàn Quốc đã trải qua, giúp chúng tôi kinh nghiệm nhận định lĩnh vực, ngành nghề, chọn thời điểm đầu tư phù hợp để giảm rủi ro,” ông nói.
Quan hệ đối tác mật thiết giữa hai quốc gia cũng tạo “khẩu vị” cho dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam nổi trội. Khi vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hàn Quốc tăng cao đã kéo dòng vốn gián tiếp (FII) vào theo. Khi các tổ chức tài chính Hàn Quốc sôi động tại Việt Nam, cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS) cũng đặt văn phòng hỗ trợ mạnh mẽ các đơn vị của họ.
Điều này tạo sự khác biệt lớn, các nhà đầu tư Hàn Quốc vì thế nhìn Việt Nam gắn kết hơn các quốc gia láng giềng. So với Nhật Bản, hiện thiếu vắng các công ty chứng khoán hoặc nhà quản lý quỹ của quốc gia này hoạt động ở Việt Nam. “Nhưng tôi tin không chỉ từ Hàn Quốc mà vài năm tới, dòng vốn FII sẽ tiếp tục tăng lên tại Việt Nam,” ông Yun nói.
Các nhà phân tích đánh giá Việt Nam là thị trường quan trọng và yêu thích của các tổ chức tài chính Hàn Quốc. Các công ty quản lý tài sản như KIM hay Mirae Asset đều đặt công ty con tại Việt Nam và ra mắt các sản phẩm ETF. Các hoạt động marketing và bán hàng đang được họ triển khai để tiếp tục huy động vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam.
Nhiều khoản đầu tư lớn và mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ở những lĩnh vực đầu tư khác biệt, chẳng hạn bất động sản hay mua cổ phần tư nhân, nhưng đều là những động thái cho thấy sự “thống nhất” của các doanh nghiệp Hàn khi nhìn nhận Việt Nam là một điểm đến tốt và an toàn trong dài hạn.
Ông Yun cho biết KIM Việt Nam kỳ vọng ra mắt những sản phẩm thu hút nguồn vốn của cộng đồng người Hàn ở Việt Nam – những người có tiền muốn đầu tư nhưng còn vướng mắc pháp lý, hoặc những sản phẩm dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp, những tổ chức lớn của Hàn Quốc, hiện chính sách chưa hấp dẫn nhưng những quy định chắc chắn sẽ mở rộng hơn cho nhà đầu tư trong tương lai.
Các công ty niêm yết trong danh mục theo dõi thường xuyên của KIM hiện chiếm gần 90% tổng vốn hóa thị trường sàn HSX. Các chuyên viên phân tích của KIM ước tính năm 2022, mức tăng trưởng doanh thu 15% và lợi nhuận 20%.
Họ dự báo mức tăng trưởng năm 2023 sẽ giảm đi khi các doanh nghiệp đối diện với nhiều thách thức hơn từ lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng yếu đi, biến động tỉ giá, bất ổn chính trị tiếp tục leo thang… Tuy nhiên, họ lạc quan về triển vọng tăng trưởng bền vững của một số ngành có khả năng hưởng lợi nhờ phục vụ chính nhu cầu nội địa.
Ông Trương Vĩnh An – giám đốc Đầu tư KIM Việt Nam phân tích, ngành ngân hàng với định giá P/B đang ở mức hấp dẫn, kỳ vọng tăng trưởng 20-25% trong năm sau. Nút thắt lo ngại rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến giá nhóm cổ phiếu này thời gian qua giảm mạnh, tuy nhiên Nghị định 65 ra đời tạo tín hiệu tích cực cho kênh vốn này khơi thông trở lại.
“Khẩu vị KIM ưa thích là những ngân hàng có năng lực quản lý tài sản tốt, tỉ lệ nợ xấu thấp cũng như nguồn tiền gửi không kỳ hạn cao vì sẽ có lợi thế vượt trội hơn trong chu kỳ tăng lãi suất,” chuyên gia này nhận định.
Các nhà đầu tư tổ chức như KIM phản ứng như thế nào trước sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua? Các nhà phân tích KIM Việt Nam cho rằng thị trường tài chính Việt Nam có mối tương quan khá cao so với thị trường Mỹ nên việc VN-Index giảm sâu là không quá bất ngờ, nhất là trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang nhiều xáo trộn.
“Chúng tôi không cố gắng xác định đỉnh hay đáy thị trường mà tập trung tái cấu trúc danh mục, lựa chọn cổ phiếu và ngành nghề phù hợp theo từng giai đoạn. Chúng tôi thường mua vào nhiều hơn khi thị trường giảm với những cổ phiếu chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng dài hạn,” theo ông An.
Thị trường vốn Việt Nam phát triển vượt bậc những năm gần đây trên cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh, nhiều sản phẩm mới góp mặt như hợp đồng tương lai VN30 hay chứng quyền có bảo đảm.
Thống kê của bộ Tài chính, thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, từ quy mô 40% GDP năm 2011 đến 2021 đã vượt 134% GDP và gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP và thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP.
Năm 2021, dù tác động bất lợi của đại dịch, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán đạt 1,12 triệu tỉ đồng, xấp xỉ 39% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Trong 554 mã chứng khoán niêm yết hiện có cả cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, quỹ ETF, chứng quyền có bảo đảm hay trái phiếu.
Tổng khối lượng 134 tỉ cổ phiếu niêm yết cho giá trị vốn hóa hơn 4,79 triệu tỉ đồng, đạt khoảng 57% GDP năm 2021. Tăng trưởng bùng nổ cả về quy mô và chiều sâu đã đưa vốn hóa nhiều doanh nghiệp vượt 10 tỉ đô la Mỹ, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thành nơi triển vọng đầu tư.
Dù vậy theo ông Yun, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ, số lượng sản phẩm tăng nhanh nhưng chất lượng và sự đa dạng cần sự cải thiện, đòi hỏi sự lớn mạnh của các chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ phòng ngừa rủi ro, hợp đồng quyền chọn hoặc các khoản đầu tư bảo toàn vốn để thị trường vốn tăng trưởng bền vững. “Thị trường cần các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng hơn để tạo ra nhiều công cụ huy động vốn, phòng ngừa rủi ro cao hơn cho nhà đầu tư và người tham gia thị trường,” ông nói.
Ông Yun tin rằng các cơ quan quản lý sẽ dần áp dụng các thông lệ quốc tế để giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường thuận lợi. Việc hoàn thiện khuôn pháp lý cùng hạ tầng công nghệ sẽ giúp các dịch vụ tài chính mới ra đời đa dạng hơn.
“Với điểm mạnh là một thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam được đánh giá có triển vọng tích cực, tuy nhiên điểm yếu là thị trường nhỏ, khi tăng thì quá nóng nhưng khi rơi thì rất nhanh, một thị trường dễ bị tổn thương,” ông nói.
Ngoài ra, ở các thị trường phát triển có đa dạng loại hình quỹ hoạt động, vai trò của nhà đầu tư tổ chức giúp tạo lập và cân bằng thị trường trong khi hai năm qua tại Việt Nam nhà đầu tư cá nhân đang dẫn dắt thị trường.
Sau bốn năm điều hành KIM Việt Nam, trải nghiệm lớn trong giai đoạn COVID-19 với ông Yun: “thị trường rớt rất mạnh phục hồi rất nhanh”. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều bất ngờ khi thị trường đi lên nhờ dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân. Hiện tượng này cho thị trường hai bài học lớn: Không nên hoảng loạn và giá càng xuống càng tham gia thị trường.
Một trải nghiệm khác, chính sách đã thay đổi khá nhanh so với lúc ông nhận nhiệm sở năm 2018. “Trước đó mất một hoặc nhiều năm cho việc cấp phép thì hiện đã rút ngắn nhiều và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hỗ trợ tích cực,” ông Yun cho biết.
Trả lời Forbes Việt Nam từ Hàn Quốc, Sim Jaehwan – giám đốc đầu tư Korea Investment Management, khẳng định Việt Nam là thị trường trọng tâm làm cơ sở để quỹ thâm nhập khu vực ASEAN những năm tiếp theo.
“Việt Nam là thị trường ngoài Hàn Quốc mang lại lợi nhuận lớn nhất của KIM. Theo tôi thị trường vốn Việt Nam cần được khuyến khích phát triển để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế bên cạnh vốn FDI hay tín dụng ngân hàng,” theo ông Sim.
Hai năm qua đông đảo nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, giúp tầm nhận thức và các kỹ năng đầu tư tốt lên. Theo ông Yun khi nhiều người trải nghiệm, họ thắng cũng hiểu được thị trường, nếu thua càng hiểu hơn “thị trường khó chứ không dễ”, đó cũng là cơ hội để nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư cá nhân.
Nhìn lại các thị trường phát triển như Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản, khi đông đảo nhà đầu tư trẻ gia nhập thì nhiều sản phẩm mới xuất hiện phù hợp nhu cầu của họ, lực lượng mới này sẽ thúc đẩy thị trường tiến lên nhanh hơn. “Tôi cho rằng đây là thời điểm quan trọng đưa thị trường Việt Nam bước vào giai đoạn mới, mở ra cơ hội thuận lợi hơn với ngành đầu tư quản lý quỹ,” ông Yun nói.
Theo Forbes Việt Nam số 110, tháng 10.2022, chuyên đề Tài chính cảm xúc