multi-media / Megastory

CP Việt Nam: Quán quân trong căn bếp

Với hơn 3,45 tỉ đô la Mỹ, thị trường Việt Nam chiếm hơn 18% tổng doanh thu của C.P toàn cầu, C.P muốn tiến vào căn bếp, đưa Việt Nam gia nhập vào bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu trên thế giới sau khi đã xây xong chuỗi 16 nhà máy thức ăn chăn nuôi và trang trại khắp Việt Nam.

Nhân chuyến công du Thái Lan đầu những năm 1990, một lãnh đạo cấp cao nhà nước Việt Nam ghé thăm nhà máy C.P sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, ngỏ ý mời C.P mở nhà máy tương tự tại Việt Nam. Việt Nam lúc bấy giờ chủ yếu vẫn nuôi heo quy mô nhỏ, gà thả trong vườn.

Gần ba thập niên sau, cuối tháng 12.2020, C.P khai trương nhà máy hiện đại nhất thế giới của họ tại Bình Phước, xuất lô thịt gà made in Việt Nam đầu tiên sang Hong Kong, sau đó tới Nhật Bản, châu Âu. Ngày khai trương, ông Montri Suwanposri, tổng giám đốc công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam nói với các lãnh đạo cấp cao trong nước: “C.P muốn đưa Việt Nam gia nhập vào bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu trên thế giới”.

Nhà máy tại Bình Phước là 1 trong 16 nhà máy tại Việt Nam của công ty có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, theo thống kê của Watt Global Media. Đây cũng là nhà máy khép kín từ thức ăn chăn nuôi (Feed) – trang trại chăn nuôi (Farm) đến chế biến thực phẩm (Food).

Vào Việt Nam từ năm 1988, đến nay công ty của tỉ phú Dhanin Chearavanont – người sở hữu khối tài sản 18,1 tỉ đô la Mỹ theo xếp hạng của Forbes, đã nắm giữ 20% thị phần thức ăn chăn nuôi và 15% sản lượng thịt từ các trang trại tại Việt Nam, theo ước tính riêng của C.P. Thị trường Việt Nam mang về 18% doanh thu cho C.P năm ngoái. Vị thế dẫn đầu thị trường của họ tạo ra những tác động đáng kể, làm thay đổi ngành chăn nuôi Việt Nam. Tham vọng kế tiếp của C.P: trở thành nhà bếp của thế giới từ các nguyên liệu tại Việt Nam.

Theo báo cáo thường niên của C.P năm 2020, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia tập đoàn Thái Lan đầu tư trang trại và nhà máy chế biến; 1 trong 11 quốc gia công ty có nhà máy thức ăn chăn nuôi. Công ty của tỉ phú Dhanin Chearavanont có nhiều pháp nhân tại Việt Nam: C.P Việt Nam có vốn điều lệ 9.188 tỉ đồng chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm; công ty CPV Food về trang trại và chế biến thức ăn có vốn điều lệ 1.073 tỉ đồng.

C.P đồng thời sở hữu công ty cổ phần AHM Lifestyles – Creative Hospitality trong lĩnh vực nhà hàng. Họ cũng mở chuỗi cửa hàng Five Star bán thức ăn nhanh, nhà hàng thương hiệu Chickita chế biến gà thả vườn từ nông trại ở Bình Phước và nhà hàng phong cách Trung Hoa Wan Chai tại Việt Nam.

Năm 1993, Montri Suwanposri, kế toán trẻ sinh sống ở tỉnh có nhiều người Việt tại Thái nhận đề nghị của đồng nghiệp tìm giúp họ giám đốc tài chính cho nhà máy của C.P tại Việt Nam. Người tuyển dụng lưỡng lự nhìn Montri một lát rồi nói: “Hay là em đi đi”. Montri bối rối vì anh không hiểu nhiều về đất nước còn bị cấm vận kinh tế.

Thế nhưng, 28 năm sau, chàng kế toán giờ đang quản lý gần 30 ngàn nhân viên người Việt ngồi trong căng tin nhà máy bài trí lãng mạn như một quán cà phê, các cánh hoa baby trắng điểm xuyết khắp nơi, nói tiếng Việt rất rõ ràng: “Đây là nhà máy hiện đại nhất thế giới của C.P, hơn cả công ty mẹ ở Thái Lan”. Giống các lãnh đạo người Thái khác tại Việt Nam, Montri được khuyến khích học tiếng Việt để hiểu người bản địa.

Tổ hợp nhà máy của C.P tại Bình Phước là nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á của tập đoàn.

Mặc dù là lãnh đạo công ty có doanh thu tỉ đô, nhưng Montri trông không có vẻ như vậy. Ông vẫn giữ phong thái chân chất của người xuất thân từ gia đình nông dân, nỗ lực vươn lên từ cơ cực. Ông được lòng các nhân viên người Việt do sự chân tình và tình cảm ông dành cho Việt Nam. Mỗi khi nhân viên chào hỏi, ông thường niềm nở đáp lại kèm theo lời hỏi han bằng tiếng Việt.

Ông cũng chăm chỉ tham gia các hoạt động tình nguyện của công ty, với 24 lần hiến máu tại Việt Nam, được bộ trưởng bộ Y tế Việt Nam tặng bằng khen. Ông chia sẻ: “Điều làm nên bí quyết thành công của một công ty nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam là hiểu về con người và văn hóa Việt Nam, cùng chung mục đích mang lại sự thịnh vượng cho gia đình và xã hội.”

Nhà máy mới nhất của C.P tại Bình Phước đầu tư 250 triệu đô la Mỹ là dự án lớn nhất trong ngành chăn nuôi Việt Nam năm qua. Theo C.P, đây là nhà máy tự động hoàn toàn, ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và dữ liệu lớn để quản lý điều hành và sản xuất chăn nuôi. Cách nơi ông Montri ngồi vài phút đi xe là nhà máy sản xuất thức ăn cho heo và gà.

12 bồn silo chứa nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi cao khoảng chục tầng nhà nổi bật có thể được nhìn thấy ở bất cứ góc nào của khu công nghiệp Becamex Bình Phước. Nhưng bên trong và bên ngoài nhà máy vắng hoe, chỉ có 38 nhân sự từ quản lý, kỹ thuật và bảo vệ, trong đó trực tiếp sản xuất chỉ có bảy người. Tổ hợp nhà máy truy xuất nguồn gốc toàn bộ chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra. Để kịp khai trương nhà máy năm ngoái trong bối cảnh COVID-19, C.P đã thuê các chuyên cơ đưa người nước ngoài sang vận hành.

Theo tự bạch, C.P hiện có 16 nhà máy tại Việt Nam, trong đó có tám nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và ba nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm. Theo cục Chăn nuôi, năm ngoái Việt Nam sản xuất 20,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy C.P Việt Nam chiếm tương ứng 1/5 sản lượng toàn thị trường.

Theo ông Montri, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình của C.P Việt Nam trước đây duy trì từ 12-15%. Tuy nhiên, vài năm gần đây con số này tăng cao hơn do C.P liên tục mở rộng đầu tư và giá heo tăng đáng kể. Với doanh thu tăng 26% năm 2020, Việt Nam trở thành “ngôi sao” có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất của C.P trên toàn cầu, trong lúc thị trường Thái Lan gần bão hòa, theo báo cáo nhà đầu tư của C.P công bố tháng 3.2021. Báo cáo ghi, Việt Nam mang về hơn 3,45 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 18% tổng doanh thu của C.P toàn cầu.

Trong cơ cấu doanh thu của thị trường Việt Nam, đóng góp cao nhất là mảng chăn nuôi (heo, gà, tôm) chiếm gần 70%, tương ứng 2,4 tỉ đô la Mỹ. Năm ngoái, C.P Việt Nam đưa ra thị trường hơn 5 triệu con heo thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80 ngàn tấn gà thịt. So với tổng đàn heo cả nước khoảng 26,17 triệu con, ước tính cứ năm con heo bán ra thị trường có một con heo đóng mộc C.P.

Thức ăn chăn nuôi, mặc dù là mắt xích quan trọng từ khi C.P vào Việt Nam năm 1988 nhưng ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh nên chỉ đóng góp hơn 25%, tương ứng 898 triệu đô la Mỹ. Còn lại, thực phẩm chế biến sâu mang về hơn 146 triệu đô la Mỹ.


Nguồn: tổng hợp

Năm 2019, ngành chăn nuôi toàn cầu chứng kiến đợt suy giảm trầm trọng do dịch tả heo châu Phi lan rộng khiến đàn heo bị bệnh chết, khiến nguồn cung trở nên khan hiếm đẩy giá thịt heo tăng chóng mặt. Theo trang Genesus, Việt Nam có đàn heo lớn nhất ASEAN và là nước có giá thị heo đắt thứ hai thế giới trong năm 2020, sau Trung Quốc.

Những tháng đầu năm 2020, tổng số đàn heo Việt Nam bị sụt giảm mạnh 40%, theo cục Chăn nuôi, đẩy giá thịt heo tăng gần 100 ngàn đồng/kg, chạm đỉnh vào khoảng tháng tư và tháng năm. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể tái đàn do giá heo giống bị đẩy lên mức cao.

“Chúng tôi chăm sóc và giữ heo kỹ lắm,” ông Montri kể với Forbes Việt Nam về bối cảnh hoành hành của dịch tả heo châu Phi năm ngoái. Với hơn năm triệu con heo, áp lực giữ được đàn heo là bài toán lớn với C.P Việt Nam. Nhờ ưu thế từ hệ thống quản trị sản xuất khép kín, C.P đã bảo vệ đàn heo khỏi dịch bệnh. “Ai giữ được heo là giữ được tiền,” ông Montri nói. Mảng chăn nuôi của C.P Việt Nam vì vậy đã tăng trưởng ấn tượng 37% năm 2020.

Ngoài C.P Việt Nam, những công ty giữ được đàn heo đều cho kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử hoạt động như công ty cổ phần tập đoàn Dabaco tăng gần 40% doanh thu. “Tay ngang” như Hòa Phát cũng tăng trưởng hơn 50%. Ông Hoàng Thanh Vân, cục trưởng cục Chăn nuôi nhận định, cuộc khủng hoảng heo năm ngoái là cuộc thanh lọc của thị trường. Hầu hết các công ty giữ được đàn heo là những đơn vị có chuỗi sản xuất khép kín, tự chủ về quy trình kỹ thuật, quản lý chăn nuôi tiên tiến giúp ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Montri cho hay, C.P Việt Nam xây dựng từng mắt xích tại Việt Nam. Đầu tiên, họ xây các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, gọi là “ngành kinh doanh đầu nguồn”. Mắt xích thứ hai là trang trại. Theo công bố, C.P Việt Nam đang hợp tác với hơn 3.000 trang trại tại Việt Nam, hỗ trợ con giống có nguồn gen tốt, giúp nông dân chuyển đổi sang chăn nuôi theo kiểu chuồng kín, đảm bảo môi trường xanh sạch và an toàn. Nguồn đầu ra được đảm bảo bởi C.P.

Ông Mai Đình Phồn, 78 tuổi, hợp tác với C.P làm trang trại chăn nuôi gà từ năm 1995 kể, chuồng trại của ông vận hành theo quy chuẩn của C.P tại tỉnh Đồng Nai có 200 ngàn con gà nhưng chỉ có sáu người làm, do tự động hoàn toàn và áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi mới của C.P.

Ông hợp tác với công ty về con giống, thức ăn, nhận hỗ trợ thay đổi mô hình chuồng trại theo hướng bảo vệ môi trường. Sau đó, ông bán gà cho C.P theo giá thỏa thuận. Ban đầu, ông chỉ nuôi 10 ngàn con gà, sau đó tăng dần quy mô. Ông cho biết, trước khi hợp tác với C.P, “đời sống chạy vạy đủ thứ”, nhưng năm ngoái, ông thu về 5 tỉ đồng từ việc bán gà cho C.P.

Ngành chăn nuôi vốn phải đối mặt với yếu tố dịch bệnh diễn ra bất thường. “Hợp tác với C.P mang lại hiệu quả tốt, nhất là vào những lúc dịch bệnh,” ông Phồn kể. Năm 2008, một trận lụt kinh hoàng cuốn theo chuồng trại 10 tỉ đồng của ông Phồn ra sông. Uy tín của C.P với ngân hàng và chính quyền địa phương đã giúp ông phục hồi đàn gà một cách thuận lợi.


Ông Montri Suwanposri có 24 lần hiến máu tại Việt Nam, được bộ trưởng bộ Y tế Việt Nam tặng bằng khen.

Trang trại của ông cũng đã vững vàng đi qua trận dịch tả heo châu Phi năm rồi. Ngoài ông Phồn, nhiều nông dân cũng đổi đời từ việc hợp tác với C.P. Ông Phạm Văn Cảnh ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trở thành đại phú nông dân với thu nhập gần 30 tỉ đồng mỗi năm từ hàng ngàn đàn heo hợp tác với C.P.

C.P có công trong việc thay đổi mô hình chăn nuôi truyền thống của người Việt. Báo cáo của công ty chứng khoán Rồng Việt, đến năm 2011, trung bình mỗi hộ nông dân Việt Nam chỉ nuôi chưa tới bảy con heo. Những năm gần đây, một số tỉnh quy hoạch lại vùng chăn nuôi tập trung nên xu hướng chăn nuôi chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn theo kiểu gia trại, trang trại đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Montri nói: “Những gì cần đầu tư lớn như nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhà máy chế biến, C.P sẽ làm. Còn mảng trang trại, công ty sẽ đi cùng nông dân”. Một trong những điều C.P tự hào là góp phần phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của nông dân Việt ra thế giới. “Khi chúng tôi đến Việt Nam, giá thành sản phẩm chăn nuôi cao lắm,” ông nói. Năm ngoái, C.P được trao giải thưởng CSI-100, giải thưởng của hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ngược lại, lợi thế lớn của C.P ở Việt Nam 33 năm qua là sự hỗ trợ nhiệt tình của các chính quyền địa phương khi C.P tới làm việc. Năm ngoái, khi C.P đến Bắc Kạn, phó chủ tịch thường trực ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, bà Đỗ Thị Minh Hoa kêu gọi các ngành và huyện trong tỉnh tạo mọi cơ chế thuận lợi cho C.P đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi lớn.

Bà cũng kêu gọi công ty Thái cử người đi khảo sát từng địa phương và tư vấn phương án, kế hoạch chăn nuôi cho tỉnh. Đó là cách nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới xây dựng được mạng lưới gia công rộng lớn nhất Việt Nam trong mảng trang trại.

Sau khi hoàn chỉnh hai khâu thức ăn chăn nuôi và trang trại, C.P đang vẽ nốt mắt xích thứ ba là thực phẩm chế biến (Food). Theo ông Montri, C.P Việt Nam tham gia mảng này khoảng 10 năm trở lại đây với năm nhà máy chế biến thịt và thủy sản. Các sản phẩm của họ khá đa dạng, ngoài xúc xích, lạp xưởng còn có mặt hàng chế biến sâu có thể ăn ngay hoặc tẩm ướp sẵn để người tiêu dùng mua về làm chín như thịt heo nướng sa tế, bánh bao nhân thịt heo BBQ, cơm gà Singapore…

Mảng này hiện chiếm tỉ trọng nhỏ trong doanh thu nhưng tiềm năng tăng trưởng cao, tăng 48% trong năm ngoái. Ông Montri nhận định, mở rộng nhà máy chế biến sâu thực phẩm sẽ giúp phát triển ổn định vì giá thức ăn chăn nuôi và thịt heo lên xuống theo thị trường.

————————————

Các công ty bán thịt lớn nhất Việt Nam
(nguồn: tổng hợp)
C.P: 55.621 tỉ đồng
Masan MEATLife: 2.378 tỉ đồng
Vissan: 5.180 tỉ đồng
Dabaco: 1.700 tỉ đồng

————————————–

Ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng cục Chăn nuôi nhận định, năm 2019–2020 là giai đoạn khó khăn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng cũng chính là giai đoạn đặc biệt thăng hoa với ngành ở lĩnh vực thu hút đầu tư, với mức lớn chưa từng có trong ngành.

Cuối năm ngoái, Japfa công bố sẽ xây tổ hợp khép kín đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ tại Bình Phước sau khi họ đã vững chân trong mảng thức ăn chăn nuôi và trang trại. Nhiều công ty FDI đã đến Việt Nam lâu năm như New Hope, Japfa, Emivest đang tiến đến nỗ lực cuối cùng của chuỗi chăn nuôi.

Masan, tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam cũng mở nhà máy chế biến thịt 1.800 tỉ đồng tại Long An năm ngoái sau khi mua lại các nhà máy thức ăn chăn nuôi và trang trại vì không muốn bỏ lỡ miếng bánh đạm động vật trị giá 10,2 tỉ đô la Mỹ. Số liệu của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong gần ba thập niên qua, sức tiêu thụ thịt hơi/người/năm tăng từ 15,2 kg năm 1990 lên gần gấp đôi 28,5 kg năm 2019. Công ty cổ phần Hùng Vương, Dabaco cũng liên tục mở rộng trang trại heo.

“Tầm nhìn của C.P là trở thành nhà bếp của thế giới,” ông Montri nói. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, họ đẩy mạnh kênh bán lẻ trong siêu thị và mở các cửa hàng riêng như C.P Shop, C.P Fresh Mart, C.P Pork Shop. Ngoài bán lẻ nội địa, công ty cũng xuất khẩu thực phẩm chế biến từ Việt Nam. Ông Montri cho hay, C.P sẽ mở đường đưa thực phẩm chế biến Việt Nam đến các thị trường khó tính.

Tập đoàn của tỉ phú Dhanin Chearavanont không chỉ muốn biến chính họ thành căn bếp của gia đình Việt mà còn biến Việt Nam thành nhà bếp của thế giới. Ông Montri nói: “Chúng tôi có tấm lòng muốn trao cho người nông dân Việt Nam và quan tâm đến chất lượng của ngành chăn nuôi Việt. Vị chủ tịch công ty có dạy rằng, khi tới đầu tư kinh doanh ở một nước nào đó, hãy nghĩ đến lợi ích của đất nước đó trước tiên, tới người dân nước đó và cuối cùng là lợi ích của công ty”.

——————————————–

LIÊN TỤC MỞ RỘNG

1988: Mở văn phòng đại diện tại TP.HCM.
1993: Thành lập Công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đồng Nai.
1996: Xây nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại gà giống và nhà máy ấp trứng Hà Nội.
1998: Nhà máy sản xuất hạt giống ngô (CP-Seeds) tại Đồng Nai.
1999: Nhà máy thức ăn thủy sản Bàu Xéo, Đồng Nai; nhà máy thức ăn gia súc Tiền Giang và nhà máy ấp trứng số 2, Đồng Nai.
2000: Phát triển hệ thống trang trại chăn nuôi heo công nghiệp
2001: Mở nhà máy bao bì, nhà máy chế biến thủy sản và nhà máy chế biến thực phẩm tại Đồng Nai.
2002: Nhà máy ấp trứng số 3 và trại gà giống tại Đồng Nai; trại ươm tôm giống Phan Thiết.
2004: Phát triển sản xuất và phân phối thức ăn cá nước ngọt, xây kho chứa và chi nhánh phân phối thức ăn thủy sản tại Cần Thơ.
2005: Phát triển ngành sản xuất tôm thẻ chân trắng.
2006: Phát triển ngành thực phẩm chế biến và phân phối sản phẩm chăn nuôi: heo hơi, heo mảnh, trứng gà so, trứng gà thuốc bắc, Five Star, tôm chế biến, cửa hàng C.P Fresh Mart, C.P Kiosk và C.P Shop.
2007: Nhà máy thức ăn thủy sản Cần Thơ, nhà máy thức ăn chăn nuôi Bình Dương và nhà máy sơ chế bắp Eakar, Đắk Lắk.
2009: Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam hợp nhất với công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam thành công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam.
2010: Xây nhà máy chế biến thực phẩm Phú Nghĩa, Hà Nội; khánh thành nhà máy thức ăn thủy sản Bến Tre.
2011: Đổi tên thành công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi Hải Dương.
2012: Xây nhà máy thức ăn chăn nuôi Bình Định.
2013: Khánh thành nhà máy chế biến thủy sản Bến Tre và nhà máy tôm đông lạnh Huế.
2014: Phát triển hệ thống cửa hàng thịt heo CP.
2019: Đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản tại Cà Mau.
2020: Khánh thành tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước, đầu tư 250 triệu đô la Mỹ.

—————————————————————–

Theo Forbes Việt Nam số 94, chuyên đề Dấu chân tỉ phú, phát hành tháng 5.2021.