Doanh nghiệp

PV Power: Quán quân điện khí

2 năm trước
Minh Thiên

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam giữ vị trí quán quân về công suất điện khí, lĩnh vực điện được chính phủ hoạch định chiếm vị trí quan trọng thứ hai và tăng công suất lên gấp đôi trong một thập niên tới.

Share
this:

Ngày 24.10.2021, tại thủ phủ các mỏ than tỉnh Quảng Ninh, tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) khởi động nhà máy đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng tại miền Bắc. Vốn đầu tư gần hai tỉ đô la Mỹ, công suất 1.500 MW, dự án điện khí LNG Quảng Ninh có quy mô gấp gần bốn lần công suất dự án điện gió lớn nhất Việt Nam trong năm 2021, được tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng giúp thay đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng thân thiện với môi trường.

Chủ đầu tư của nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh là PV Power, công ty con của tập đoàn Dầu khí Việt Nam. PV Power là nhà sản xuất điện năng lớn thứ hai của Việt Nam. Công ty quản lý và vận hành 10 nhà máy điện gồm bốn nhà máy điện khí, một nhà máy điện than, hai nhà máy thủy điện và ba dự án điện mặt trời áp mái.

Với tổng công suất 4.207,6 MW, PV Power hiện chiếm gần 6% tổng công suất nguồn điện tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 9.2021 theo trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0). Riêng trong lĩnh vực điện khí, PV Power giữ vị thế số một, chiếm hơn 37% công suất điện khí tại Việt Nam.

Không chỉ đầu tư các nhà máy điện quy mô lớn, PV Power tiên phong đầu tư các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu giúp Việt Nam hiện thực hóa việc chuyển dịch nguồn năng lượng theo hướng ổn định và bền vững trong tương lai.

Ngoài nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, PV Power đồng thời đang đầu tư vào nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại Đồng Nai. Hai dự án điện khí này đều thuộc quy mô lớn, có tổng công suất khoảng 1.500 MW đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 7.2020 và hiện tại đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC (tổng thầu) cho dự án.

Cả ba nhà máy của PV Power đều là những “dự án nhà máy điện sử dụng khí đầu tiên tại Việt Nam và là một trong những dự án điện lớn và quan trọng của quốc gia,” theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, phó tổng giám đốc PV Power. Trong đó, nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 dự kiến vận hành năm 2023 – 2024 với mục tiêu cung cấp điện cho khu vực Đông Nam bộ.

Không phải ngẫu nhiên PV Power được cấp phép cho các dự án điện khí lớn hàng tỉ đô la Mỹ. Công ty này sở hữu những lợi thế sẵn có giúp họ dễ gia nhập thị trường hơn các đối thủ khác. PV Power đã phát triển và vận hành các nhà máy nhiệt điện khí gồm nhà máy điện Cà Mau, Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 có công nghệ hiện đại, hiệu suất cao.

Nhờ đó, sở hữu nguồn nhân lực có kinh nghiệm về quản lý và vận hành các nhà máy điện quy mô lớn. Năm ngoái, doanh thu công ty đạt gần 30 ngàn tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 2.800 tỉ đồng.

Hiện nay, điện than vẫn là nguồn điện chính của Việt Nam với gần 52% tổng sản lượng điện trong nửa đầu năm nay, theo công ty Chứng khoán VCBS. Sau đó là thủy điện, nguồn điện có chi phí sản xuất thấp nên thường được ưu tiên huy động trước các loại hình sản xuất điện khác.

Điện khí, chủ yếu ở miền Nam do gần các mỏ dầu tại đây (khí thiên nhiên khai thác ở các mỏ dầu được tách khỏi dầu và vận chuyển qua các đường ống dẫn khí hoặc được hóa lỏng gọi là khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG và được vận chuyển đi xa) vốn chưa được Việt Nam chú trọng dù được đánh giá là nguồn điện có tính ổn định cùng với điện than. Trong khi đó, điện mặt trời cũng mới được chú ý nhưng phụ thuộc vào thời tiết nên thiếu ổn định.

Vài năm gần đây, chính phủ liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo và điện khí, giảm hai nguồn điện than và thủy điện do thủy điện hết tiềm năng khai thác và phù hợp với thông lệ quốc tế về bảo vệ môi trường.

Theo Quy hoạch điện VIII được bộ Công Thương trình Chính phủ vào cuối tháng 10.2021, tới năm 2030, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt 130.371 — 143.839 MW, trong đó nhiệt điện than từ 52% tổng công suất toàn hệ thống sẽ giảm xuống còn 28% – 31%. Điện tái tạo vươn lên vị trí thứ hai 24% – 25%, tiếp theo là nhiệt điện khí, tính cả khí LNG, nâng lên 21% – 22% từ mức khoảng 10% hiện nay và thủy điện chiếm tỉ trọng ít nhất 17% – 19%. Còn lại nhập khẩu điện từ 3% – 4%. Dự báo đến năm 2045, điện than sẽ tiếp tục giảm tỉ trọng, điện tái tạo sẽ vươn lên mức cao nhất, sau đó tới điện khí (20% – 21%), điện than xuống vị trí thứ ba và cuối cùng là thủy điện.

Theo các chuyên gia, điện khí được xem là nguồn điện huy động nhanh và ổn định, bổ trợ cho điện tái tạo khi các nhà máy điện tái tạo không thể phát điện do thời tiết. Ông Phùng Văn Sỹ, phó vụ trưởng vụ Dầu khí và Than, bộ Công Thương, cho biết từ năm 2023 các mỏ khí trong tình trạng báo động về nguồn cung.

Mỏ Bạch Hổ, mỏ chủ lực của ngành dầu khí Việt Nam, sau 32 năm khai thác hiện đã bước vào giai đoạn suy kiệt. Các mỏ dầu khí khác như Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông… cũng đang ở giai đoạn suy giảm sản lượng hoặc có độ ngập nước cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình khai thác. Lô khí 06.1 ở bể Nam Côn Sơn cũng sẽ dừng khai thác vào tháng 5.2023, gây tình trạng thiếu khí tại khu vực Đông Nam bộ.

Do đó, việc phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương  lai phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu khí LNG nhập khẩu. Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đề xuất khi  tăng công suất nhiệt điện khí vào năm 2030, phần lớn trong số này dự kiến sẽ sử dụng LNG nhập khẩu.

Theo viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các thị trường, xu hướng và chính sách năng lượng, Quy hoạch điện VIII định hướng chuyển sang dùng LNG với sự thay đổi đáng kể từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ gần 10% – 12% tổng quy mô nguồn năm 2030, tăng dần lên 15% – 17% vào năm 2045, khiến Việt Nam vụt sáng trở thành một trong những thị trường nhập khẩu khí LNG hứa hẹn nhất khu vực châu Á.

Tuy nhiên, vấn đề lớn của khí LNG nhập khẩu là biến động giá. Giá khí thường diễn biến cùng chiều với giá dầu thế giới nên nếu giá dầu quốc tế tăng mạnh khiến giá khí tăng, tác động không nhỏ đến giá thành sản xuất nguồn điện này tại Việt Nam. Thực tế, vừa qua giá điện khí cao khiến khả năng cạnh tranh của nguồn điện này giảm mạnh, kéo theo sản lượng điện được tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao trong những năm qua cũng thấp hơn vì EVN ưu tiên huy động nguồn điện giá rẻ như thủy điện.

Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu phụ tải tăng trưởng thấp, sản lượng điện EVN huy động của PV Power khoảng 14-15 tỉ kWh/năm, trong khi bình quân PV Power có thể cung ứng cho lưới điện quốc gia khoảng 21-22 tỉ kWh, tương đương 8,5% nhu cầu toàn hệ thống. Bên cạnh đó, do đây là nguồn nguyên liệu mới tại Việt Nam, việc xây dựng, vận hành các dự án kho cảng khí LNG và chuỗi dự án điện sử dụng LNG là thách thức.

Một thách thức khác khi đầu tư các dự án điện sử dụng khí LNG là những khó khăn về cơ chế chính sách liên quan đến nhập khẩu khí, tái hóa khí, công tác tìm kiếm nguồn khí, vận chuyển khí. Hơn 10 năm qua Việt Nam không phát triển dự án điện khí mới và công nghệ trên thế giới cũng đã có rất nhiều thay đổi…

“Để khắc phục những khó khăn này, PV Power xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, thường xuyên trao đổi với những đối tác có kinh nghiệm về lĩnh vực này và hợp tác với các đối tác lớn trong chuỗi cung ứng khí LNG nhập khẩu cho nhà máy điện để tận dụng kinh nghiệm và uy tín của những đối tác này trên thị trường khí LNG quốc tế,” bà Ngọc Bích chia sẻ.

Điện khí LNG Quảng Ninh là một tổ hợp gồm đầy đủ các cấu phần về hạ tầng nhập khẩu, bồn chứa, hệ thống tái hóa khí và nhà máy phát điện được thực hiện cùng các đối tác Nhật Bản Marubeni, Tokyo Gas, Novatek của Nga và công ty cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam.

Nguyên liệu sử dụng cho nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là LNG nhập khẩu. LNG Thị Vải là một trong hai cảng nhập khẩu LNG duy nhất của Việt Nam. Cảng này đang được đầu tư và xây dựng bởi công ty anh em của PV Power là PV GAS, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2022. PV GAS cũng đã thành lập liên doanh với tập đoàn AES của Hoa Kỳ để phát triển kho cảng LNG Sơn Mỹ trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ, dự kiến khánh thành vào năm 2024.

Ngoài PV Power, các công ty Nhật Bản cũng đang theo đuổi đầu tư các dự án LNG như Tokyo Gas, Sojitz, Kyushu, JERA và J-Power. Bên cạnh đó còn có các nhà đầu tư từ Mỹ như ExxonMobil, tập đoàn AES và Hàn Quốc với Kogas và GS Energy. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều chọn cách tiếp cận phổ biến là hợp tác với nhau hoặc với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp nhà nước.

Bà Bích chia sẻ, PV Power phát triển trong chuỗi giá trị của công ty mẹ là EVN với nhiệm vụ “đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Dự án đã nhận được cơ chế ưu đãi từ Thủ tướng Chính phủ thông qua cơ chế pass through (có thể đảm bảo phần lớn các chi phí của nhà máy điện như giá mua khí được chuyển vào giá bán điện).

Ngoài ra, PV Power cũng đã đề xuất các cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế liên quan đến sản lượng, thời gian vận hành tối đa, do đây là dự án nhà máy điện sử dụng LNG đầu tiên tại Việt Nam và là một trong những dự án điện lớn và quan trọng của quốc gia.

Theo Forbes Việt Nam số 94, chuyên đề Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, tháng 5.2021