Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang chuẩn bị đưa vào vận hành dự án Kho LNG 1MMTPA Thị Vải. Đây cũng là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam tính tới thời điểm hiện nay.
Nằm ở vị trí thuận lợi với luồng hàng hải sôi động Cái Mép – Thị Vải, công trình kho LNG 1 MMTPA Thị Vải được khởi công ngày 28.10.2019 với tổng kinh phí đầu tư gần 300 triệu USD (khoảng 6.500 tỉ đồng). Ngay từ đầu, công trình đã được xác định thuộc tầm quan trọng cấp quốc gia, định hướng làm phong phú nguồn khí cấp trong tương lai gần.
Chuỗi dự án Kho cảng LNG Thị Vải do PV GAS làm chủ đầu tư, có liên danh tổng thầu Samsung C&T và PTSC thực hiện. Trong bốn năm xây dựng, PV GAS và các nhà thầu đã đảm bảo công tác an toàn tuyệt đối. Chuỗi dự án đã “về đích” đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, nhất quán chính sách về văn hóa an toàn của PV GAS, đặc biệt ở giai đoạn phải ứng phó với đại dịch Covid-19.
“Trái tim” của dự án là là kho LNG có sức chứa 180.000 m3 với công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 dự kiến nâng lên 3 triệu tấn LNG/năm). Hai cụm tái hóa khí với công suất tối đa 171 tấn/giờ, hệ thống trạm nạp xe bồn, trạm giảm áp, hệ thống đường ống dẫn khí kết nối, trung tâm điều hành, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Toàn bộ công trình được xây dựng với các kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến chưa từng thấy trước đây tại Việt Nam, đã được xác nhận đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế.
Tính đến nay, PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS trong lĩnh vực kinh doanh khí.
Với việc đưa vào hoạt động kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, toàn bộ hệ thống kho cảng PV GAS Vũng Tàu sẽ trở thành “tài sản” có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa, đảm bảo cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới theo “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng phê duyệt.
Công trình trở thành cơ sở hạ tầng LNG đầu tiên ở Việt Nam, là một ví dụ điển hình cho sự chuyển đổi đột phá của ngành năng lượng quốc gia.