Tại phiên thảo luận Phụ nữ dẫn dắt: Tinh thần lãnh đạo, các diễn giả chia sẻ trải nghiệm cá nhân trước các thách thức cân bằng giữa gia đình và xã hội, cách thức lãnh đạo để đưa công ty vượt qua những khó khăn và kinh doanh hiệu quả.
Tiến sĩ Josefine Wallat, tổng lãnh sự, lãnh sự quán Đức tại TP.HCM, người có 26 năm trong lĩnh vực ngoại giao và là nữ tổng lãnh sự Đức đầu tiên tại TP.HCM kể từ tháng 11.2019. Chia sẻ quan điểm về bình đẳng giới, bà cho rằng với một quốc gia tiến bộ về bình đẳng giới như Đức thì con đường công bằng giới vẫn còn rất dài.
“Đến hiện tại, 70% các tổng lãnh sự, đại sứ của Đức vẫn là nam, vì vậy thông điệp tôi cần nhấn mạnh là cuộc chiến cho công bằng giới chắc chắn sẽ không bao giờ kết thúc và cần thực hiện liên tục,” bà Josefine Wallat nói.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Mỹ Liên – chủ tịch và CEO GSK Việt Nam, cho biết bà đảm nhận vai trò nữ chủ tịch và tổng giám đốc GSK Việt Nam cách đây 12 năm, từ năm 2010. “Lúc đó cảm giác của tôi là rất lo lắng và đóng cửa phòng lặng lẽ khóc một mình, nhưng khóc xong mở cửa bước ra là “con người khác” với tất cả sự dấn thân vì biết rất rõ mình muốn gì,” bà Liên chia sẻ.
Sự trở lại lãnh đạo GSK Việt Nam sau khi đã ra nước ngoài làm việc trong vai trò trưởng bộ phận kiểm toán khu vực châu Á và giám đốc GSK Malaysia, với rất nhiều sự khác biệt về văn hóa, giúp bà Liên tự tin và sẵn sàng khi được làm việc đúng thế mạnh, ngay tại quê hương. “Lần trở về này rất nhẹ nhàng, được đồng nghiệp chào đón và ủng hộ,’’ bà Liên chia sẻ.
Với bà Priyamvada Srivastava, phó chủ tịch kiêm CEO P&G Việt Nam, cảm giác khi nhận vai trò nữ tổng giám đốc đầu tiên của P&G Việt Nam, bên cạnh sự hào hứng với những kỹ năng mới, trải nghiệm văn hóa mới là sự lo lắng. Bởi lẽ, kinh nghiệm 18 năm trong mảng kinh doanh sẽ chỉ là một phần trong vị trí mới đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Dù vậy, bà cảm thấy thỏa mãn với thử thách mới và thấy có trách nhiệm nỗ lực nhiều hơn để trở thành một hình mẫu cho những người trẻ.
Thậm chí, bà Phạm Thị Thu Diệp – CEO kiêm giám đốc khối Công nghệ IBM Việt Nam, khi lần đầu tiên được đề nghị trở thành lãnh đạo IBM Việt Nam năm 2020, bà đã từ chối vì lo lắng không biết bản thân có đủ năng lực hay không. Sau những động viện, khích lệ từ lãnh đạo tập đoàn, bà Diệp đã nhận vai trò mới, trở thành nữ tổng giám đốc đầu tiên tại IBM Việt Nam sau 25 năm tập đoàn công nghệ Mỹ vào thị trường Việt Nam.
“Sau hơn hai năm nhìn lại tôi thấy mình đã quyết định sáng suốt, vì vậy mỗi phụ nữ cần tin tưởng vào bản thân, đừng nghi ngờ năng lực của chính mình,” bà chia sẻ.
Từ những trải nghiệm công việc việc, các diễn giả cho rằng, phụ nữ không thiếu những lợi thế khi lãnh đạo tổ chức của mình. Tiến sĩ Josefine Wallat cho rằng bà không chắc phụ nữ lãnh đạo có những lợi thế nhưng trong thực tế, có rất nhiều thứ cần thay đổi. Ở vai trò hiện tại, bà có vị thế để thực hiện những thay đổi, ví dụ như yêu cầu các cuộc họp diễn ra vào ban ngày thay vì buổi tối, khuyến khích phụ nữ phát biểu.
Bà Priyamvada nói rằng bà không thấy sự khác biệt giữa lãnh đạo nam và lãnh đạo nữ, mà đơn giản “lãnh đạo giỏi là lãnh đạo giỏi”. Bà dẫn dắt đội nhóm của mình theo cách “dạy cho con”, luôn thúc đẩy họ giải phóng tiềm năng bằng sự nhẹ nhàng và tử tế nhưng đôi lúc nghiêm túc và khắt khe để họ tiến lên.
Bà Mỹ Liên cho rằng, khi đã đạt trình độ quản lý quốc tế thì sẽ không có sự khác nhau về giới giữa những người lãnh đạo. Một tổ chức muốn “mạnh khỏe” cần đảm bảo tính đa dạng. Tuy nhiên, phụ nữ với những thế mạnh như chỉn chu, quan tâm đến tiểu tiết… sẽ có cách để dẫn dắt đội ngũ của mình một cách mềm mại và kiên cường hơn.
Theo bà Thu Diệp, đã là lãnh đạo thì đều có những điểm giống nhau để đạt được mục tiêu chung cho tổ chức. Tuy nhiên, phụ nữ có sự tập trung, tinh tế, quyết đoán nhưng cũng uyển chuyển, mềm mỏng. Đặc biệt, họ có sự kiên nhẫn và có khả năng truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê của nhân viên, điều này giúp tạo ra những nhân viên trung thành.
2 tuần trước
VƯỢT TRỞ NGẠI, TẠO DẤU ẤN RIÊNG1 năm trước
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Phụ nữ 2023