Quốc tế

Phòng thí nghiệm mới ở Sri Lanka giúp bảo tồn những loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng

Phòng thí nghiệm ở Sri Lanka đang ứng dụng kỹ thuật di truyền hiện đại để tăng cường hiệu quả trong việc xác định thịt lẫn dầu của cá mập và cá đuối tại các chợ cá ở quốc gia này.

Share
this:

Vùng biển thuộc chủ quyền của Sri Lanka ở Ấn Độ Dương có diện tích bằng diện tích của nước Pháp (510.000 km2) và trong khu vực rộng lớn này có hơn 50 loài cá mập, gồm khoảng một chục loài có giá trị thương mại.

Lankika Anjani, nhà nghiên cứu của Blue Resources Trust ở Sri Lanka, giải thích rằng phòng thí nghiệm đầu tiên của Sri Lanka tập trung vào các hoạt động nghiên cứu gene để giúp bảo tồn những loài cá mập, và cá đuối.

Lankika Anjani Lankika của Blue Resources Trust cầm bộ giải trình tự MinIoN tại viện Roslin, đại học Edinburgh, Vương quốc Anh. Ảnh: Dr. Emily Humble/ Forbes

“Đây là dự án đầu tiên được thực hiện ở đó. Tôi đang thực hiện các hoạt động giải trình tự gene để xác định những loài cá mập và cá đuối,” Lankika nói. “Giai đoạn thứ hai của dự án sẽ là xác định các sản phẩm để bán và xuất khẩu từ Sri Lanka mà không thể nhận dạng bằng mắt thường (thịt, dầu).”

Theo liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, hơn 65% các loài cá mập và cá đuối ở Sri Lanka đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Lankika cho biết một trong những mục tiêu chính phòng thí nghiệm nhắm đến là xem xét mức độ dán nhãn sai của sản phẩm, ví dụ, thịt cá mập hoặc cá đuối khô được bán như cá khô thông thường.

“Hầu hết mọi người nghĩ rằng chúng ta cần phải đi ra biển hoặc chúng ta cần lặn xuống đại dương để bảo tồn các loài sinh vật biển, nhưng tôi biết chúng ta có thể thực hiện công việc bảo tồn đó trong một phòng thí nghiệm nhỏ,” cô nói. Đồng thời cô cho biết thêm rằng nhóm hi vọng sẽ tăng khả năng hiểu rõ hơn về tính đa dạng sinh học tại vùng biển Sri Lanka thông qua các lĩnh vực nghiên cứu như tình trạng trữ lượng và di truyền quần thể mà không cần phải dựa vào những phòng thí nghiệm ở nước ngoài.

“Phòng thí nghiệm cũng lên kế hoạch cung cấp khả năng giải trình tự gene cho các cơ quan chính phủ như cục Bảo tồn động vật hoang dã và Hải quan Sri Lanka để tạo điều kiện thay đổi nhanh chóng tình trạng tuyệt chủng trên.”

Cá mập da trơn. Ảnh: Getty/ Forbes 

Lankika sinh ra ở Colombo, Sri Lanka và cho biết khi còn nhỏ cô luôn rất quan tâm đến các loài sinh vật biển.

Cô lấy bằng cử nhân công nghệ tài nguyên thủy sản của đại học Uva Wellassa ở Sri Lanka và vào năm 2019, cô bắt đầu công việc nghiên cứu gene.

“Khi chúng tôi thực hiện các chuyến khảo sát thực địa tại chợ thủy sản, những loài cá mập và cá đuối này đã thu hút sự chú ý của tôi,” cô nói.

Lankika tiếp tục nhận được khoản tài trợ dành cho những chuyên gia mới bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu đại dương từ quỹ Bảo tồn biển của tổ chức New England Aquarium để giúp cô thực hiện dự án.

Lankika cho biết các quốc gia ở Nam bán cầu rất giàu đa dạng sinh học, vì vậy họ cần thực hiện những chương trình bảo tồn.

“Chúng ta cần có các phòng thí nghiệm cũng như cơ chế riêng để phát triển khả năng đánh giá, nhằm giải quyết vấn đề bảo tồn động vật hoang dã,” cô nói, nhưng cũng chia sẻ thêm rằng đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng do những quốc gia này gặp khó khăn trong việc chuyển giao cũng như đào tạo công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực di truyền học và công nghệ sinh học.

“Tôi và nhóm nghiên cứu có thể mang về thế hệ cơ sở giải trình tự mới này kết hợp với công nghệ Oxford Nanopore để giúp bảo tồn sinh vật biển ở Sri Lanka,” Lankika nói.

Cảnh bãi biển Kalkudah ở Sri Lanka nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty/ Forbes

Một nhà bảo tồn khác tập trung vào cá mập ở Nam Bán cầu là Rafid Shidqi, đồng sáng lập kiêm giám đốc của Thresher Shark Indonesia. Trong những thập niên qua, số lượng cá mập đuôi dài giảm đáng kể do nạn đánh bắt quá mức. Ngoài ra, Indonesia không có quy định bảo vệ chúng, khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng.  

Biên dịch: Gia Nhi

————————-

Xem thêm:

Nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu về cá mập và chương trình du lịch bảo tồn đại dương
Dự án tái tạo cá mập đầu tiên trên thế giới đạt thành công