Động lực hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon, nhu cầu tăng đột biến từ các trung tâm dữ liệu báo hiệu vai trò lớn hơn cho năng lượng hạt nhân trong những thập niên tới.
“Thật khó để đưa ra dự đoán, đặc biệt là về tương lai,” Yogi Berra, cựu cầu thủ bóng chày người Mỹ, khẳng định. Dẫu vậy trong bài viết này, tôi vẫn cố gắng cung cấp cho các bạn ba dự đoán sát sao nhất về những gì sẽ xảy ra.
Cố CEO của Intel, Andrew Grove, tuyên bố rằng ông may mắn khi chọn bán dẫn làm sự nghiệp của cuộc đời mình thay vì năng lượng hạt nhân. Sinh ra ở Hungary, Grove đã rời bỏ vùng đất do Liên Xô chiếm đóng để đến định cư tại Mỹ và lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật hóa học tại Đại học California, Berkeley vào năm 1963.
Ngành công nghiệp hạt nhân dân sự khi ấy còn non trẻ và hấp dẫn, nên đã thu hút nhiều nhà vật lý và kỹ sư hóa học thông minh nhất trên trái đất. Thậm chí, mãi cho đến năm 1958, mạch tích hợp mới xuất hiện.
Bất chấp những hứa hẹn, tâm lý hưng phấn vì hạt nhân dần phai nhạt. Năng lượng hạt nhân đã mất đi lòng tin của công chúng và ngày nay chỉ cung cấp 4% hỗn hợp năng lượng toàn cầu và 10% điện năng. Nhưng giờ đây hạt nhân lại đang thịnh hành trở lại.
Động lực hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon hơn, kết hợp với nhu cầu tăng đột biến từ các trung tâm dữ liệu AI và EV, báo hiệu vai trò lớn hơn nhiều cho hạt nhân trong những thập niên tới.
Có thể nói, tình hình phát triển của hạt nhân sẽ giống như quá trình than thay thế cho điện năng cơ bản. Ngày nay, than chiếm 26% hỗn hợp năng lượng. Hạt nhân còn nhiều không gian để phát triển.
Nỗ lực sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến những người ngoài cuộc bối rối. Thế giới đã phản ứng với điều đó bằng sự hoài nghi và thuế quan. Tại sao Trung Quốc lại điên cuồng sản xuất những thứ mà có thể thế giới sẽ không muốn?
Có một số khả năng. Một là để giữ cho mọi người có việc làm sau sự sụp đổ của bất động sản và sự suy thoái sau COVID. Một khả năng khác là chờ đợi những người hoài nghi, vì Trung Quốc cho rằng cuối cùng họ cũng sẽ muốn mua những chiếc xe điện trị giá 10.000 đô la Mỹ. Khả năng thứ ba là xây dựng một cơ sở sản xuất đẳng cấp thế giới để hỗ trợ một lực lượng quân đội hùng mạnh. Hoặc có thể đó chỉ là công cuộc tìm kiếm lợi thế so sánh toàn cầu.
Damien Ma của tổ chức tư vấn MacroPolo Hoa Kỳ nhận xét: “Trung Quốc muốn trở thành Amazon của các quốc gia – Amazon là cửa hàng bán mọi thứ, Trung Quốc muốn trở thành quốc gia ‘sản xuất mọi thứ.’ Tầm nhìn của họ là mang lại một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho Trung Quốc.”
Dù lý do là gì, tình trạng thiếu hụt lao động ở Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng lên. Dân số đất nước này đang già đi nhanh chóng trong khi tỉ lệ sinh giảm mạnh. Những người có trình độ học vấn cao từ chối làm việc trong các nhà máy.
Do đó, Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh tốc độ phát triển robot. Nói cách khác, Trung Quốc không thể phát triển nền kinh tế nếu không có robot. Sự bùng nổ robot của thế giới sẽ tập trung ở Trung Quốc.
Cuộc bầu cử gần đây của Ấn Độ – tình trạng thụt lùi đối với Thủ tướng Narendra Modi, và cuộc bầu cử quốc hội EU vào tháng 6.2024 – một bước ngoặt sang cánh hữu, đã làm hầu hết các nhà bình luận truyền thông ngạc nhiên. Lẽ ra không nên xảy ra kết quả như vậy.
Trên khắp thế giới, quần chúng đang nổi loạn chống lại giới tinh hoa. Các phương tiện truyền thông háo hức tô vẽ những kết quả này theo hướng tồi tệ nhất, dán nhãn đó là chủ nghĩa dân túy cánh hữu với một chút hơi hướng phát xít. Sẽ chính xác hơn khi gọi xu hướng này là mong muốn của cử tri về quyền tự chủ văn hóa lớn hơn.
Ở Mỹ, sức hấp dẫn kỳ lạ của Donald Trump tập trung tại các tiểu bang không nằm ven biển, các thành phố vừa và nhỏ, ngoài ra còn có vùng ngoại ô của các thành phố lớn. Hầu hết công dân ở những nơi này không nghèo cũng không thiếu học thức. Họ cảm thấy mình phải chịu sự thao túng của các phương tiện truyền thông lớn, bộ máy quan liêu của chính phủ và tòa án.
Không giống như các cuộc nổi loạn dân túy trước đây, cuộc nổi loạn này – diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới – không chỉ đơn thuần là về kinh tế. Đó còn là về văn hóa. Hóa ra hầu hết mọi người đều ghét việc mất đi văn hóa của mình và sống theo cách mà phương tiện truyền thông hoặc một người hàng xóm hống hách nào đó bảo họ.
Cuộc sống của một nhà điều hành doanh nghiệp nhỏ ở một nơi được quản lý chặt chẽ (ví dụ như một chủ nhà hàng ở thành phố New York hoặc một người trồng khoai tây ở Hà Lan) cũng giống như “cái chết” vì tuân thủ các quy định, khuôn mẫu. Cuộc nổi loạn toàn cầu này của quần chúng sẽ không sớm kết thúc. Và hãy hi vọng rằng bạo lực sẽ không đóng vai trò gì trong kết thúc đó.
3 năm trước
Tương lai của robot giao hàng11 tháng trước
Tái sinh niềm lạc quan4 tháng trước
Skild AI phát triển ‘bộ não đa năng’ cho robot1 năm trước
Dò đường đến kỷ nguyên mới3 năm trước
Một loại virus khác: Tin tặc1 năm trước
Built Robotics ra mắt robot đóng cọc tự động4 tháng trước
Xu hướng và định hướng phát triển công nghệ robot5 tháng trước
Google xây trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Malaysia