Mức tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09% của Việt Nam trong năm 2024 nhờ ba yếu tố: xuất khẩu, FDI và du lịch. Trong đó, xuất khẩu là yếu tố đóng góp chính.
Nhận định trên được ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam chia sẻ tại sự kiện “Economic Outlook 2025: Mastering The Markets” (Làm chủ thị trường) do CEO Club tổ chức ngày 14.1.2025 tại TP.HCM.
Theo ông Ái, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD năm 2024 đóng vai trò lớn giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng nội tệ và chống lạm phát. Điều này thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Trong số doanh nghiệp tăng đầu tư vào Việt Nam năm 2024, đáng chú ý có Samsung với số vốn cộng thêm là 1,8 tỷ USD, nâng tổng số lên 22 tỷ USD.
Năm 2024, doanh nghiệp Singapore dẫn đầu làn sóng FDI vào Việt Nam với số vốn 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên về tổng thể từ năm 1988 tới nay, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng số 92 tỷ USD. Đây là lý do theo ông Ái, nhiều ý kiến lo lắng về tình hình bất ổn chính trị tại Hàn Quốc tác động tới dòng vốn FDI từ xứ kim chi vào Việt Nam cũng như các quan hệ kinh tế khác giữa 2 nước. Ông kỳ vọng bất ổn sẽ mau qua và nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ sớm quay lại quỹ đạo cũ.
Tổng vốn FDI của Singapore tăng mạnh trong năm 2024. Ông Ái ước tính, trong đó, khoảng 50% là từ doanh nghiệp Trung Quốc mở chi nhánh tại Singapore.
“Đây vừa là điều mừng nhưng cũng cần lưu ý, do Việt Nam có thể nằm trong danh sách theo dõi chặt chẽ của Hoa Kỳ và không loại trừ khả năng hàng hóa sẽ bị áp thuế. Có thể điều này chưa diễn ra trong năm 2025. Nhưng có thể sẽ diễn ra vào năm 2026. Do đó, doanh nghiệp cần gấp rút chuẩn bị cho viễn cảnh môi trường quốc tế thay đổi. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm là điều cần làm ngay,” ông Ái nhận xét.
Năm 2024, GDP Việt Nam tăng 7,09% được xem là con số tích cực, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực. Nhìn về năm 2025 và sau đó, CEO của KPMG Việt Nam dự đoán xu hướng trên vẫn sẽ tiếp diễn. Một trong những động lực quan trọng là xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví dụ tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường kết nối và sân bay Long Thành.
Tuy vậy, ẩn số lớn nhất trong năm 2025 không chỉ với kinh tế Việt Nam, mà có lẽ toàn cầu, là chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump. Xứ cờ hoa hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị hơn 110 tỷ USD, trong khi nhập khẩu có giá trị chỉ bằng 1/10, nên bất kỳ sự thay đổi thương mại thuế quan hay chính sách về tỷ giá nào từ Hoa Kỳ, cũng ngay lập tức tác động đến nền kinh tế.
2 tháng trước
Mảnh gốm đắt giá Kyocera ở Việt Nam1 tháng trước
Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng chậm trong tháng 11