Tỉ phú

Phép thử cho những người giàu nhất Thái Lan

Trong bối cảnh chính trị bất ổn, tổng giá trị tài sản của những người giàu nhất xứ sở chùa vàng giảm khoảng 20 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024.

Gần một năm kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, cựu doanh nhân bất động sản, đang phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước.

Tình hình chính trị thiếu ổn định đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư dành cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, khiến chỉ số chứng khoán nước này giảm 15% so với năm 2023. Hệ quả là đồng baht suy yếu và tổng giá trị tài sản của 50 người giàu nhất Thái Lan giảm gần 12%, từ 173 tỉ đô la Mỹ xuống còn 153 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024.

Nhìn chung, 39 thành viên trong danh sách năm nay ghi nhận giá trị tài sản sụt giảm và chỉ có bảy cái tên nằm ngoài xu hướng này. Đồng sở hữu Tập đoàn Red Bull Chalerm Yoovidhya cùng gia đình lần đầu tiên giữ danh hiệu giàu nhất Thái Lan. Ông và gia đình có mức tăng tài sản lớn nhất tính theo đồng đô la, khi khối tài sản chung có thêm 2,6 tỉ đô la Mỹ, chạm mốc kỷ lục 36 tỉ đô la Mỹ.

Trong năm 2023, doanh thu của Red Bull vượt ngưỡng 11 tỉ đô la Mỹ khi công ty bán ra hơn 12 tỉ lon nước tăng lực trên toàn thế giới.

Sau gần một thập niên dẫn đầu danh sách, anh em nhà Chearavanont, chủ sở hữu Tập đoàn Charoen Pokphand (CP), đã xuống vị trí thứ hai với giá trị tài sản giảm từ 34 tỉ đô la Mỹ còn 29 tỉ đô la Mỹ. Một phần lý do đến từ việc một trong những công ty của họ, Ping An Insurance (Trung Quốc), giảm giá trị cổ phiếu và báo lỗ 2,7 tỉ đô la Mỹ từ danh mục đầu tư trong năm 2023.

Ba vị trí còn lại trong tốp năm người giàu nhất không có thay đổi, nhưng đều có khối tài sản ròng giảm xuống.

Doanh nhân lĩnh vực đồ uống Charoen Sirivadhanabhakdi vẫn vững vàng ở vị trí thứ ba, dù giá trị tài sản của ông đã giảm 25% xuống còn 10 tỉ đô la Mỹ.

Xếp sau ông là gia tộc Chirathivat, gia đình kinh doanh cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Thái Lan, với khối tài sản 9,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 20% so với năm 2023. Hồi tháng 11.2023, Tập đoàn Central Group của gia tộc này đã tăng cổ phần sở hữu trong Selfridges để trở thành cổ đông lớn nhất của thương hiệu bách hóa nổi tiếng đặt tại London, Anh.

Khối tài sản ròng của Sarath Ratanavadi, doanh nhân lĩnh vực năng lượng và viễn thông, người đã liên tục thăng hạng trong danh sách 50 người giàu nhất xứ sở chùa vàng kể từ khi ra mắt vào năm 2018, lần đầu tiên giảm xuống còn 9,2 tỉ đô la Mỹ.

Doanh nhân ngành năng lượng tái tạo Somphote Ahunai cũng chứng kiến giá trị tài sản giảm 66% còn 995 triệu đô la Mỹ, mức giảm lớn nhất tính theo tỉ lệ phần trăm và khiến ông tụt mười bậc xuống vị trí thứ mười. Cổ phiếu của Energy Absolute do Somphote Ahunai sáng lập đã giảm giá trị khi xuất hiện những lo ngại về việc doanh nghiệp này vay tiền cho tham vọng mở rộng sang sản xuất xe điện và pin điện tử.

Nhu cầu từ hai thị trường Trung Quốc và châu Âu suy yếu đã ảnh hưởng đến Indorama Ventures của doanh nhân lĩnh vực hóa dầu Aloke Lohia, khi báo cáo lỗ 310 triệu đô la Mỹ trong năm 2023 và cổ phiếu sụt giảm. Điều này khiến giá trị tài sản của Aloke Lohia giảm còn 1,2 tỉ đô la Mỹ.

Hai lĩnh vực năng lượng và nước giải khát sôi động đã giúp bốn thành viên trong danh sách năm nay tăng giá trị tài sản. Nhóm này gồm hai đồng sáng lập thương hiệu nước tăng lực Carabao là Sathien Sathientham Nutchamai Thanombooncharoen; nhà sáng lập Công ty Sappe (niêm yết cổ phiếu tại Bangkok) Anan Ruckariyapong; Tan Passakornnatee, nhà sáng lập hãng thức uống trà xanh và thảo mộc Ichitan Group.

Trong đó, Tan Passakornnatee trở lại danh sách sau bảy năm vắng bóng.

Có hai thành viên trong danh sách trước đó đã qua đời từ năm 2023 là cựu CEO kiêm phó chủ tịch Osotspa Petch Osathanugrah, thành viên của gia tộc Osathanugrah, và Chaivat Taepaisitphongse, cựu chủ tịch Betagro. Khối tài sản của Chaivat Taepaisitphongse hiện được thống kê dưới quyền sở hữu của gia đình ông.

Giá trị tài sản ròng tối thiểu để lọt vào danh sách năm nay là 550 triệu đô la Mỹ, giảm từ 590 triệu đô la Mỹ vào năm 2023.


Jareeporn Jarukornsakul: Động thái thông minh

Jareeporn Jarukornsakul, nhà đồng sáng lập Công ty cung cấp dịch vụ logistics và kho hàng WHA Corporation, sẽ đầu tư một tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam. Trong đó, nữ doanh nhân người Thái Lan có kế hoạch xây dựng thêm ba khu công nghiệp thế hệ mới dành cho các  công ty công nghệ cao trong năm năm tới.

WHA Corporation hiện sở hữu khu công nghiệp trị giá 200 triệu đô la Mỹ ở tỉnh Nghệ An và Foxconn là một trong số các khách hàng đang thuê mặt bằng. Ba khu công nghiệp mới sẽ có tổng diện tích 3.650 héc ta, trong đó khu đầu tiên dự kiến khởi công xây dựng vào cuối năm 2024.

Song song đó, WHA Corporation tiếp tục mở rộng quy mô ở quê nhà Thái Lan. Tại đây, công ty này sở hữu và vận hành hàng chục khu công nghiệp khác nhau. Vào tháng 10.2023, WHA Corporation bán đi 40 héc ta đất trong khu công nghiệp Rayong nằm ở hành lang kinh tế phía Đông Thái Lan cho Hãng xe Changan Automobile (Trung Quốc) để họ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên ở nước ngoài.

Vào năm 2023, WHA Corporation báo cáo lợi nhuận thuần đạt mức cao nhất 4,4 tỉ baht (119 triệu đô la Mỹ), tăng 9% so với năm 2022 với doanh thu là 17 tỉ baht (464 triệu đô la Mỹ). Thành lập công ty từ năm 2003 cùng Somyos Anantaprayoon (chồng cũ),  Jareeporn Jarukornsakul tiếp quản hoàn toàn WHA Corporation vào năm 2015 và giữ vị trí CEO.

Bà hiện sở hữu khối tài sản ròng một tỉ đô la Mỹ, tăng sáu bậc lên vị trí 31 trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan năm 2024.

Pradit Phataraprasit: Cơ hội thị trường

Phần lớn khối tài sản 1,22 tỉ đô la Mỹ của doanh nhân ngành bán lẻ Pradit Phataraprasit, cựu bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan, đến từ Mall Group, doanh nghiệp vận hành các trung tâm thương mại nổi tiếng ở Bangkok như Siam Paragon, Emporium và Emsphere Mall. Trong đó, Emsphere Mall có diện tích 200 ngàn m2 và mở cửa từ tháng 12.2023. Gia đình Phataraprasit sở hữu số ít cổ phần trong Mall Group, công ty do doanh nhân Supaluck Umpujh điều hành với gia đình của ông nắm cổ phần chi phối.

Pradit Phataraprasit và gia đình còn sở hữu điểm bán hàng khác là TalaadThai, một nơi không phải điểm đến du lịch phổ biến tại Bangkok. TalaadThai là chợ đầu mối buôn bán thực phẩm lớn nhất Đông Nam Á tính theo quy mô, với diện tích 80 héc ta.

Mỗi ngày, có 100 ngàn người bán và khách hàng đến chợ đầu mối TalaadThai, mang lại nguồn thu hằng năm bảy tỉ đô la Mỹ. TalaadThai còn có trung tâm kiểm nghiệm chất lượng trái cây và rau củ tại chỗ cũng như dây chuyền bảo quản lạnh.

Từ năm 2022, TalaadThai ra mắt một nền tảng bán hàng trực tuyến dành cho sản phẩm nông nghiệp, cung cấp hơn năm ngàn vật phẩm từ hạt đậu đến chuối. Trong năm 2023, TalaadThai ghi nhận doanh số bán hàng đạt 55 triệu baht (1,5 triệu đô la Mỹ) từ nền tảng này.

Gia đình Chirathivat: Chuyển dịch thị trường

Trong hơn một thập niên qua, Central Group, tập đoàn bán lẻ của gia tộc Chirathivat, đã mở rộng quy mô tại thị trường châu Âu thông qua nhiều thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nổi bật. Gần đây, khó khăn của đối tác Signa Group, công ty đặt tại Áo do cựu tỉ phú Rene Benko sở hữu (hiện đã phá sản), lại mang đến cơ hội cho Central Group mở rộng hơn nữa tại châu Âu.

Vào tháng 11.2023, Central Group giành được quyền sở hữu thương hiệu bách hóa Selfridges của Anh khi tăng số cổ phần từ 50% lên 60%, chuyển đổi bằng khoản vay cho Signa Group thành vốn chủ sở hữu. Trước đó, năm 2021, hai công ty hợp tác mua lại thương hiệu nằm ở Oxford này với giá năm tỉ đô la Mỹ. Tháng 4.2024, Central Group thâu tóm KaDeWe, cửa hàng bách hóa cao cấp 100 năm tuổi ở Berlin, từ Signa theo thỏa thuận có giá trị ước tính 1,1 tỉ đô la Mỹ.

“Khoản đầu tư này thể hiện cam kết của chúng tôi dành cho KaDeWe Group, đội ngũ nhân sự, khách hàng trung thành và các đối tác tại châu Âu,” Tos Chirathivat, chủ tịch điều hành và CEO của Central Group, cho biết trong thông cáo báo chí đưa ra vào thời điểm mua lại KaDeWe. Hiện tại, Central Group đang vận hành các cửa hàng cao cấp tại bảy thành phố ở châu Âu, bao gồm Rinascente (Ý), Illum (Đan Mạch) và Globus (Thụy Sĩ).