multi-media / Megastory

Phát triển ngành bán dẫn: Cơ hội và thách thức

Lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam nóng lên sau tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vào tháng 9.2023. Với kỳ vọng vươn lên trở thành quốc gia có vai trò quan trọng trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam có cơ hội và đối diện thách thức nào? Nhằm cung cấp những góc nhìn đa chiều, Forbes Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện các công ty hoạt động trong ngành bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh từ trái sang: ông Ooi Kim Huat – Phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành Intel, CEO Intel Products Việt Nam (IPV); ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch FPT Semiconductor; ông Đỗ Minh Phú – đồng sáng lập và CEO Wavelet.


Forbes Việt Nam: Gần đây câu chuyện ngành công nghiệp bán dẫn nóng lên tại Việt Nam. Theo ông, để hiện thực hóa các cơ hội, Việt Nam cần giải quyết những thách thức nào để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu?

Trần Đăng Hòa: Tôi muốn chia sẻ sâu hơn về bối cảnh ngành. Bán dẫn là lõi của các ngành công nghiệp có quy mô thị trường 6.000 tỉ đô la Mỹ và là cơ sở của ngành điện – điện tử và các thiết bị kết nối có quy mô gấp đến 30 lần. Tuy nhiên cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia khác tham gia vẫn khá giới hạn bởi ngành công nghiệp này đã được định hình trên thế giới với các tên tuổi lớn Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và EU.

Những hàng rào bảo vệ đã được xây nên khiến các nước khác khó tham gia vào mảnh đất màu mỡ này. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc gặp sự kiềm chế từ Hoa Kỳ trong chuỗi công nghiệp bán dẫn. Hoa Kỳ đang tạo sự chuyển dịch đến các nước tiếp theo và cơ hội mới đang được tạo ra, Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng của ngành bán dẫn toàn cầu.

Trong nước, hệ sinh thái ngành ở thời điểm hiện tại đang hỗ trợ cho kỳ vọng phát triển ngành. Việt Nam đang có nhiều công ty thiết kế, đóng gói, kiểm thử nước ngoài với quy mô hoạt động không ngừng mở rộng. Chúng ta thiếu nhà máy sản xuất chip – điểm cuối cần có trong chuỗi bán dẫn nhưng với những lợi thế sẵn có, tôi tin rằng sớm muộn cũng sẽ hiện diện tại Việt Nam và tạo lập được chuỗi khép kín cho ngành bán dẫn, giúp chúng ta có thể làm chủ được lĩnh vực.

Việt Nam có nhiều bài học quá khứ để rút kinh nghiệm và đi nhanh hơn. Tôi nghĩ có thể mất 5–10 năm để Việt Nam thiết lập được vị thế quan trọng trong ngành. Mỹ và các nước đồng minh đang kỳ vọng Việt Nam chuyển dịch nhanh để tăng khả năng cạnh tranh.

Ooi Kim Huat: Như chúng ta đã biết, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, thiết yếu đối với mỗi quốc gia. Mọi công nghệ số hóa đều cần sử dụng rất nhiều linh kiện bán dẫn và nhu cầu này ngày càng gia tăng trước sự phát triển theo cấp số nhân của trí tuệ nhân tạo (AI).

Vị thế của Việt Nam đã được khẳng định qua môi trường địa chính trị – xã hội ổn định; nguồn nhân lực chất lượng cao trong độ tuổi lao động trẻ; cũng như vị trí chiến lược tại châu Á. Đây là những nhân tố giúp tập đoàn Intel vững tin đầu tư, đồng thời là động lực thúc đẩy tiềm năng kinh doanh và sản xuất công nghệ của Việt Nam.

Nhà máy Intel đã góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ công nghệ cao của thế giới, cho thấy Việt Nam đã sở hữu mọi cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, vẫn tồn tại ba yếu tố cần tiếp tục cải thiện để nâng tầm chuỗi giá trị của ngành công nghiệp.

• Đầu tiên là nguồn nhân lực công nghệ cao. Việt Nam đặt tham vọng đến năm 2030 sẽ ươm mầm và bồi dưỡng thêm 50 ngàn chuyên gia bán dẫn. Theo tôi đây là hướng đi đúng đắn. Những doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao như Intel chắc chắn sẽ thu được lợi ích không nhỏ từ các nhân tài này. Dù vậy, con số này vẫn chưa đủ và có những lĩnh vực, ngành nghề sẽ cần nguồn nhân lực to lớn hơn so với kế hoạch hiện tại.

• Thứ hai là về thu hút đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần thẩm định lại các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện tại. Một số quốc gia như Philippines, Malaysia và Indonesia đưa ra nhiều sáng kiến về thuế doanh nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư. Việt Nam có thể tăng cạnh tranh hơn ở khía cạnh này. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đổi mới chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đang tạo ra sức hút nhất định về dòng vốn quốc tế. Do đó, điều cốt yếu là chính phủ Việt Nam có biện pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

• Thứ ba là về cơ sở hạ tầng. Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng công cuộc hiện đại hóa phải được thực hiện liên tục và xuyên suốt nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Đỗ Minh Phú: Thời điểm này có những thuận lợi nhất định với lĩnh vực vi mạch Việt Nam.

Đầu tiên là việc chính sách hạn chế, cấm vận giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn tới lượng lớn công việc liên quan đến vi mạch được dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Thứ hai, việc già hóa dân số và thiếu hụt nhân lực tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia châu Âu. Thứ ba, thế hệ kỹ sư vi mạch đi trước phần nào đó đã tích lũy được kiến thức và chứng minh được năng lực, niềm tin của các công ty FDI. Cuối cùng là thuận lợi về con người. Con người Việt Nam vốn được biết đến với tố chất cần cù chịu khó, ham học hỏi và tìm tòi sáng tạo. Đặc điểm đó rất có lợi cho việc tiếp cận với những kiến thức và công việc đặc thù của ngành vi mạch.

Nói về cơ hội để chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành này, đó là được tiếp cận với kiến thức và hiểu biết sâu hơn trong ngành bán dẫn. Đây là điều mà trước đây chúng ta khó có khả năng được học hỏi, qua đó nâng cao trình độ của bản thân góp phần nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của nước nhà.

Forbes Việt Nam: Theo ông, đâu là những thuận lợi và thách thức với Việt Nam trước cơ hội có thể tham gia sâu hơn vào ngành bán dẫn toàn cầu?

Trần Đăng Hòa: Trước hết về nguồn nhân lực: Việt Nam đã xây dựng được ngành công nghiệp phần mềm với hơn một triệu kỹ sư, đây là lực lượng lớn có thể chuyển đổi cho ngành bán dẫn. Chúng ta có nhiều người gốc Việt thành danh trong ngành ở các công ty lớn toàn cầu. Đây là nền tảng bước đầu tạo lợi thế để Việt Nam tham gia liên minh mới của chuỗi bán dẫn toàn cầu.

Về chính sách: Chính phủ đã nhìn nhận cơ hội này và thể hiện sự quyết tâm bằng các chính sách ban hành, nhiều tỉnh thành đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các quốc gia hàng đầu trong chuỗi bán dẫn để chuyển giao các công ty, nhà máy vào Việt Nam.

Vị trí địa lý thuận tiện: Việt Nam là đối tác chiến lược với các nước thuộc hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như các nước mạnh trong ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng ta nằm gần Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc nên thuận tiện trong chuỗi cung ứng này.

Thách thức lớn có thể thấy, một ngành công nghiệp để thành công cần hội tụ của nhiều yếu tố. Chính sách đóng góp phần quan trọng nhưng bên cạnh độ mở chính sách còn cần các doanh nghiệp năng động; các công ty nước ngoài tham gia đủ; các trường học đáp ứng được nguồn nhân lực đủ về quy mô và trình độ; chính quyền địa phương hỗ trợ các chuyên gia nước ngoài sinh sống và làm việc hoặc mở các nhà máy đảm bảo cơ sở hạ tầng. Chính sách là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Toàn mắt xích trong chuỗi phải mượt mà, tất cả các bên cam kết đi đến cùng mục tiêu với sự quyết tâm liền mạch, kiên nhẫn và tránh nửa vời.

Tôi tin lần này Việt Nam sẽ thành công ở ngành bán dẫn vì chính sách kịp thời, doanh nghiệp năng động, các địa phương sẵn sàng đón cơ hội, chưa kể chúng ta đã có kinh nghiệm ở ngành phần mềm thì cơ hội thành công trong ngành bán dẫn sẽ càng cao. Chúng ta có thể tự tin Việt Nam sẽ là điểm đến tiếp theo ở châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, nhiều đối tác tin tưởng vào lợi thế của Việt Nam. Tôi cho rằng đây có thể là cơ hội của Việt Nam.

Đỗ Minh Phú: Theo tôi, thách thức lớn nhất đó là năng lực của kỹ sư vi mạch Việt Nam có đủ để thực hiện những công việc chuyên sâu trong ngành không? Có đủ bản lĩnh để chứng minh được năng lực? Có khả năng giữ khách hàng và mở rộng cơ hội làm sâu hơn trong ngành vi mạch? Thêm vào đó, nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ hấp dẫn và kịp thời để các ông lớn của ngành vi mạch trao cơ hội, đầu tư và ở lại Việt Nam?

Forbes Việt Nam: Trong lĩnh vực bán dẫn Việt Nam cần làm gì để thu hút các công ty FDI lớn? Làm sao để rút ngắn khoảng cách với thế giới cũng như tận dụng các cơ hội phù hợp năng lực doanh nghiệp tại Việt Nam?

Ooi Kim Huat:  Intel vào Việt Nam năm 2006 với tư cách là doanh nghiệp tiên phong, góp phần hỗ trợ những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam không ngừng thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Theo tôi Việt Nam cần tập trung vào hai lĩnh vực chính: [1] đầu tư cho giáo dục và đào tạo; và [2] thu hút thêm vốn FDI.

Như tôi đã đề cập, Việt Nam cần thêm nhiều nhân tài và chuyên gia có trình độ, bằng cấp kỹ thuật cao để có thể tăng tốc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Với dân số lớn, việc ươm mầm đào tạo lực lượng lao động chuyên môn có kiến thức và kỹ năng cao sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho cả quốc gia cũng như khối doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.

Hiển nhiên là Việt Nam đang có cơ hội bứt phá, vượt qua các quốc gia láng giềng và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển, nếu các bạn có thể tiến tới và vươn lên, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, kết hợp giữa đầu tư và nâng cấp nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo.

Thu hút nguồn vốn FDI sẽ giúp đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp hỗ trợ, giống như những gì Intel đã làm trong ngành bán dẫn. Hiện tại Intel có khoảng 220 nhà cung cấp Việt Nam và chúng tôi hợp tác giúp họ mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như danh mục hàng hóa dịch vụ. Intel hoạt động tại Việt Nam với quy mô linh hoạt, góp phần giúp các nhà cung cấp trong nước mở rộng và phát triển mạng lưới, nhờ vậy cũng giúp Intel giảm dần mức độ phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là mối quan hệ có lợi cho tất cả các bên, hỗ trợ sự tăng trưởng của toàn bộ hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam và cũng là mô hình chung ở tất cả các quốc gia nơi Intel hoạt động.

Để thu hút thêm doanh nghiệp FDI, chính phủ cũng cần xem xét lại các chương trình khuyến khích, thúc đẩy kinh doanh; đầu tư và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực; kèm theo đó là củng cố vững chắc mối quan hệ hợp tác giữa chính quyền, các cơ sở giáo dục đại học và những nhà đầu tư nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh.

Đỗ Minh Phú: Để có thể thu hút các công ty FDI vào Việt Nam thì điều tất yếu là chuẩn bị nguồn nhân lực phải đầy đủ cả chất và lượng. Cần đào tạo tập trung, không dàn trải và tránh việc ồ ạt đại trà nhằm đẩy mạnh chất lượng của nguồn nhân lực hiện tại (vẫn còn khá yếu khi so sánh với các nước phát triển). Thêm vào đó cần tối ưu hóa chương trình học nhằm có được lực lượng nhân lực kịp thời để có thể hấp thụ được khối lượng công việc dịch chuyển từ các nước sang Việt Nam.

Forbes Việt Nam: Cần làm gì để xây dựng chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn linh hoạt có khả năng tận dụng tốt nhất các cơ hội hiện nay?

Ooi Kim Huat: Xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Intel và đảm bảo đạt yêu cầu về sự cởi mở, bền vững và cân bằng về mặt địa lý. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chuỗi cung ứng toàn cầu đóng vai trò vô cùng quan trọng khi vừa tăng cường cho ngành, vừa đóng vai trò bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro không thể lường trước.

Như đã đề cập, việc thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn sẽ củng cố mạng lưới các nhà cung cấp bán dẫn trong nước. Điều này giúp giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng thành công chuỗi cung ứng linh hoạt chính là nguồn nhân lực. Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu đúng đắn khi muốn tăng cường thêm 50 ngàn kỹ sư cho ngành bán dẫn vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ phải tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực tương lai cho ngành bán dẫn. Đồng thời, củng cố mối quan hệ, hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức giáo dục và các nhà đầu tư nước ngoài như Intel để đảm bảo Việt Nam sở hữu được nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thúc đẩy thành công của ngành bán dẫn.

Cuối cùng, chính phủ cần thẩm định lại các chính sách ưu đãi để có thể thu hút thêm nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI đóng vai trò then chốt trong việc đưa công nghệ, chuyên môn và các chuyên gia dày kinh nghiệm vào lĩnh vực bán dẫn. Những yếu tố này góp phần cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Forbes Việt Nam: Kinh nghiệm của Intel trong việc tổ chức bài toán nhân sự khi lực lượng lao động địa phương chưa sẵn sàng? Nhìn lại hành trình đầu tư của Intel tại Việt Nam nguồn nhân lực địa phương đã phát triển như thế nào?

Ooi Kim Huat: Khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam 18 năm trước, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với bộ Giáo dục và Đào tạo. Intel đã đầu tư khoảng 22 triệu đô la Mỹ để hiện đại hóa chương trình giảng dạy thông qua chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP). Nếu năm 2010, hầu hết nhân viên quản lý kỹ thuật tại nhà máy là người nước ngoài thì 11 năm sau, nhân viên Việt Nam chiếm 95%, họ nắm nhiều chức vụ quan trọng, từ chuyên viên sản xuất đến trưởng bộ phận hay ban giám đốc điều hành.

Từ việc chỉ sản xuất duy nhất một sản phẩm vào năm 2010, hiện IPV sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao và tinh vi. IPV cũng tham gia sâu hơn vào quá trình hợp tác nghiên cứu và sản xuất cùng các trung tâm khác của Intel trên toàn cầu. Đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho chuyên môn và tài năng công nghệ của đội ngũ IPV.

Intel hiện có 10 địa điểm sản xuất trên toàn cầu và tôi vô cùng tự hào chia sẻ rằng IPV là nhà máy kiểm định và lắp ráp lớn nhất trong toàn mạng lưới. Nhà máy IPV sản xuất các vi xử lý Intel Core thế hệ 13, đang tạo ra những vi xử lý Meteor Lake thế hệ mới nhất để trang bị cho những mẫu AI PC và đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lắp ráp và kiểm định trên toàn cầu. Đây là con số ấn tượng.

IPV đang có khoảng 3% nhân sự nghiên cứu phát triển (R&D) và sáng tạo. R&D đòi hỏi người lao động có kiến thức và kỹ năng cực kỳ chuyên sâu, chúng tôi tin rằng chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ bằng cách quảng bá, thúc đẩy nhiều chương trình nhằm thu hút sinh viên theo đuổi trình độ học vấn cao hơn, chẳng hạn thạc sĩ và tiến sĩ, trong các ngành nghề công nghệ cao. Dần dần, giáo dục bậc cao sẽ ngày càng trở nên quan trọng, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển không ngừng.

Forbes Việt Nam: Mục tiêu hoạt động của công ty trong thời gian sắp tới khi ngành bán dẫn được quan tâm phát triển và xuất hiện các cơ hội mới?

Trần Đăng Hòa: 25 năm trước FPT xây dựng ngành phần mềm từ con số không, đến nay đã khẳng định vị thế của mình trên thế giới, chúng tôi tin rằng sẽ làm được điều tương tự trong ngành bán dẫn. Để xây dựng vị thế trong ngành công nghiệp chúng ta cần rất nhiều thứ: công nghệ, tiềm lực tài chính, sức bền và nền tảng chắc chắn để đến lúc nào đó có thể cạnh tranh với các công ty tầm cỡ thế giới. Trên thế giới có nhiều cách đi, ví dụ các công ty châu Á đã chọn đi từ thấp đến cao, cần 5–10 năm để có chỗ đứng, thậm chí 25–30 năm. Các công ty Mỹ có thể đi nhanh hơn và họ đổ nhiều nguồn lực hơn.

Mỗi ngành công nghiệp của một đất nước đều có các doanh nghiệp dẫn dắt. Tôi cho rằng Việt Nam cũng sẽ có một vài công ty như vậy và FPT Semiconductor mong muốn trở thành một trong số đó. Chuỗi bán dẫn có ba công đoạn chính: thiết kế, sản xuất và kiểm thử đóng gói. Phần sản xuất cần đầu tư công nghệ cao nhất và tốn kém nhất hiện Việt Nam chưa có, về lâu dài cần các doanh nghiệp trong nước tiên phong, những doanh nghiệp có năng lực trong ngành công nghiệp nặng như Viettel hay VinFast chẳng hạn.

Đỗ Minh Phú: Kế hoạch của Wavelet là liên kết các công ty tại Việt Nam nhằm có thể làm toàn bộ thành phần, công đoạn từ yêu cầu kỹ thuật cho đến sản phẩm ứng dụng cuối. Hiện nay may mắn Wavelet cũng đã liên kết được với một vài công ty cùng chung chí hướng nhằm hoàn thiện các lĩnh vực như mạch số, mạch tương tự, mạch rf… trong một con chip hay các công ty có khả năng làm các phần việc như thiết kế, kiểm thử, layout, sản xuất PCB, sản phẩm ứng dụng cuối.

Tuy nhiên công đoạn sản xuất chip thì chưa tìm kiếm được đối tác nào trong nước, vì hiện tại Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất chip. Hi vọng trong tương lại Việt Nam có thể sở hữu riêng nhà máy sản xuất chip để có thể hoàn thiện quy trình sản xuất chip ngay trong nước.

—————————————