Công ty cổ phần Phúc Sinh (Phuc Sinh Corporation) và Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (Dutch Entrepreneurial Development Bank – FMO) vừa chính thức ký kết hợp đồng vay vốn trị giá 15 triệu USD (tương đương khoảng 384 tỷ đồng) trong thời gian 7 năm, gia hạn 2 năm với lãi suất ưu đãi, không cần thế chấp.
Chia sẻ tại lễ ký kết diễn ra hôm 4.4 tại TP.HCM, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group không tiết lộ chi tiết lãi suất của khoản vay nhưng cho biết, phía ngân hàng Hà Lan đã tiếp cận Phúc Sinh vì công ty thực hiện các dự án phát triển bền vững.
“Nếu không có các dự án phát triển bền vững thì vốn sẽ tăng 60% về lãi suất và cơ hội làm ít hơn,” ông Thông nói.
Trả lời câu hỏi của Forbes Việt Nam lý do lựa chọn Phúc Sinh cho khoản vay này, bà Ammarens – giám đốc kinh doanh nông nghiệp, châu Á của FMO cho biết, FMO đánh giá cao việc Phúc Sinh thay đổi cuộc sống của những người trồng cà phê và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chống phá rừng. Bên cạnh đó là cách lãnh đạo của Phúc Sinh tạo điều kiện và môi trường phát triển cho nhân viên.
Theo ông Thông, trong gần 12 tháng làm việc với FMO để đi đến ký kết, Phúc Sinh phải chuẩn bị số lượng hồ sơ chứng từ lớn, đáp ứng nhiều điều khoản ngặt nghèo. Nhưng công ty này cũng nhận lại nhiều lợi ích, không chỉ là tiền mà còn được hướng dẫn về quản trị rủi ro, quản trị hệ thống, những kiến thức mà thường phải mua mới có.
Theo công bố của Phúc Sinh, toàn bộ khoản vay ưu đãi từ FMO sẽ được sử dụng cho Phúc Sinh Đắk Nông, một dự án được có từ trước hợp tác với ngân hàng Hà Lan. Khoản vay này sẽ dùng xây dựng nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu.
Ông Thông khẳng định, sẽ đầu tư chế biến sâu cho cà phê robusta tại vùng trồng này và thực hiện xây dựng, quảng bá thương hiệu cho cà phê Đắk Nông, giúp nâng giá bán giá, giống như những gì đã làm được với cà phê arabica ở Sơn La.
Đồng thời, cà phê sẽ xuất khẩu đi nhiều nước thế giới, không phụ thuộc vào thị trường nào, tránh tình trạng bị đánh thuế cao ở thị trường Mỹ như Tổng thống Trump vừa thông qua.
Về cách thực hiện các chương trình phát triển bền vững, ông Thông cho biết, các doanh nghiệp cần lựa chọn cách tiếp cận phù hợp để tránh thất bại. Bản thân Phúc Sinh cũng đã thất bại nhiều dự án trong hai năm đầu thực hiện.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là tiếp cận bằng những mô hình nhỏ, tìm cách bán chúng cho những người mua nước ngoài để có tiền quay vòng đầu tư trở lại,” ông Thông nói.
Trước khoản vay từ FMO này, Phúc Sinh từng công bố nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) với giá trị tài trợ đến 25 triệu USD trong vòng 7 năm.
&Green là quỹ được quản lý bởi SAIL Investments, một nhà quản lý đầu tư bền vững toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan. Quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp trên toàn thế giới có thể chứng minh việc tách rời sản xuất hàng hóa khỏi việc tàn phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học trong khi vẫn đảm bảo tính hòa nhập vào xã hội.
Tính đến tháng 4.2025, Phúc Sinh nhận hơn 1.000 tỷ đồng vốn vay, tài trợ không hoàn lại… từ các tổ chức tài chính quốc tế, theo tự bạch.
Phuc Sinh Corporation là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Việt Nam với hai mặt hàng chủ lực là cà phê và hồ tiêu. Năm 2024, doanh thu của công ty này đạt 320 triệu USD và hiện nằm trong tốp 6 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,48 tỷ USD trong năm 2024. Ngành cà phê tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam và là một trong những lĩnh vực xuất khẩu nông sản tăng trưởng nhanh nhất của đất nước.
Trong một diễn biến có liên quan, năm 2024, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đa quốc Gia (IDI) thuộc Tập đoàn Sao Mai và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai (thuộc AquaOne) đã phát hành 2 lô trái phiếu xanh với tổng giá trị 1.900 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành từ 2 năm đến 20 năm để huy động vốn cho các dự án xanh.
Đặc biệt, các lô trái phiếu này đã thu hút được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực đầu tư có trách nhiệm tại thị trường Việt Nam, theo báo cáo đánh giá từ FiinRatings.
6 tháng trước
1 năm trước
Ngành dệt may xanh hóa đến đâu?