Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật cấm chuyến bay nội địa chặng ngắn nếu có thể di chuyển được bằng tàu trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi. Tuy nhiên, đối với các nhà bảo vệ môi trường, luật cấm này vẫn chưa toàn diện.
Các nhà lập pháp thông qua lệnh cấm này trong bối cảnh đại dịch khiến các chuyến bay bị tạm dừng, buộc hành khách phải di chuyển bằng tàu hỏa. Theo thỏa thuận trong năm 2020, hãng hàng không quốc gia Air France đồng ý dừng một số đường bay ngắn để đạt được các mục tiêu môi trường, đồng thời đổi lại hãng sẽ nhận gói hỗ trợ tài chính liên quan đến dịch từ chính phủ.
Sở dĩ gần đây Pháp mới ban hành luật cấm này là do các hãng hàng không yêu cầu Ủy ban châu Âu tiến hành điều tra tính hợp pháp của lệnh cấm. Sau khi điều tra, ủy ban thông báo Pháp muốn áp dụng lệnh cấm, quốc gia này phải có những những tuyến tàu cao tốc thay thế, để có thể di chuyển giữa hai thành phố trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi.
Ban đầu chính phủ Pháp muốn cấm tất cả các chuyến bay nội địa đối với những hành trình ngắn có thể di chuyển trong 6 tiếng nếu đi bằng tàu hỏa. Nếu chỉ cấm chuyến bay nội địa đối với những hành trình ngắn có thể di chuyển trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi thì không có nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, lệnh cấm này không áp dụng cho máy bay tư nhân. Theo Le Monde, rất nhiều chuyến đi bằng máy bay riêng được thực hiện trong nước — thường từ Paris đến Nice- vào năm 2022. Ước tính mỗi người di chuyển trên máy bay riêng tiêu thụ lượng carbon gấp 4 lần so với mức tiêu thụ của một người trên chuyến bay thương mại và gấp 800 lần so với mức tiêu thụ của một người di chuyển bằng tàu hỏa.
Cho dù luật chưa thể áp dụng toàn diện cho nhiều đối tượng trên nhưng đây là bước tiến lịch sử vì luật không cho phép hãng hàng không thành lập mảng kinh doanh mới để khai thác đường bay kết nối thành phố lớn ở Pháp- Nantes, Lyon và Bordeaux- với Paris.
Chắc chắn những nhà bảo vệ môi trường sẽ vận động để luật thay đổi, cấm thêm nhiều đường bay hơn. Theo The Times, mức khí thải của các tuyến bay dừng theo luật cấm chỉ chiếm 3% lượng khí thải chuyến bay nội địa của Pháp và chỉ 0,3% lượng khí thải do các chuyến bay thương mại cất cánh từ lục địa Pháp.
Tổ chức Greenpeace France cho rằng luật này chưa cấm được nhiều đường bay nhưng dù sao đây cũng là bước đi đúng hướng. Hiện tổ chức đang kêu gọi EU hối thúc các quốc gia khác cũng ban hành lệnh cấm để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và chính phủ Pháp lên kế hoạch cấm thêm nhiều đường bay nữa khi xem xét lại sau 3 năm thực thi.
Mặc dù luật cấm không áp dụng cho máy bay tư nhân, nhưng chính phủ Pháp đang thảo luận về việc tăng phí đối với máy bay tư nhân từ năm 2024. Gần đây, sân bay Schiphol của Amsterdam thông báo máy bay tư nhân sẽ không còn được chào đón theo kế hoạch mới để bảo vệ môi trường cho khu vực.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Các hãng hàng không châu Âu tăng giá vé máy bay lên đến 50% trong mùa hè
Boeing sẽ hợp tác với Equatic để giảm khí thải CO2
2 năm trước
Cụ bà cao tuổi nhất thế giới qua đời